1. Khái niệm “chống chuyển giá”

Cũng như vấn đề chuyển giá, vấn đề chống chuyển giá trên thế giới đã nhắc đến nhiều, nhưng ở Việt Nam thì vẫn còn khá mới mẻ, xuất phát từ mặt trái của hoạt động chuyển giá, có thể cho rằng:

“Chống chuyển giá là hoạt động đấu tranh nhằm hạn chế hiện tượng xác định giá chuyển giao không phù hợp với thực tế của các doanh nghiệp, với ý đồ trốn thuế để tạo lợi nhuận và phát triển cho bản thân doanh nghiệp mà gây ra hậu quả xấu cho nền kinh tế và phương hại tới lợi ích quốc gia”.

Như vậy, khái niệm “chống chuyển giá” như trên có tầm bao quát (ngoại diên) khá rộng, khi đã nhằm tới các loại hình doanh nghiệp cả trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài, vì thế nó là khái niệm chung mang tính loài. Nó cũng khẳng định việc không chống chuyển giá nói chung mà chỉ chống chuyển giá “độc hại”, hơn nữa, hoạt động chuyển giá là hoạt động của các doanh nghiệp khi xác định giá chuyển giao, hoạt động chống chuyển giá cũng là tất yếu khi nó phương hại tới nền kinh tế và lợi ích quốc gia.

Ở Việt Nam, nghiên cứu về chống chuyển giá chưa nhiều, trong đó đáng kể là Trần Ngọc thơ (2003), tại bài viết “Tài chính doanh nghiệp hiện đại” [2], tác giả đưa ra những nhận thức cơ bản về chuyển giá trong các doanh nghiệp có vốn FDI ở Việt Nam và phân tích về những tác hại của việc thất thu thuế trong chuyển giá cho NSNN. Các nghiên cứu đặt vấn đề chống thất thu thuế trong chuyển nhượng vốn và tìm kiếm các giải pháp khả thi; đã chỉ ra việc chuyển nhượng vốn, nhượng quyền thương mại là những hoạt động khá phổ biến trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển.

2. Khái niệm “chống chuyển giá” đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Từ nhận thức về khái niệm chống chuyển giá mang tính loài như trên, có thể bước đầu đưa ra khái niệm: “Chống chuyển giá đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”. Theo đó:

“Chống chuyển giá đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc áp dụng các phương pháp, biện pháp nghiệp vụ phù hợp để hạn chế, tiến tới loại bỏ các hình thức chuyển giá trong các hoạt động có quan hệ liên kết của doanh nghiệp có vốn FDI”.

Với định nghĩa này, người viết đã nhấn mạnh tới chủ thể đấu tranh chống chuyển giá, đó là các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước, trong đó, cơ quan quản lý nhà nước về thuế có vai trò đặc biệt quan trọng, đồng thời nó đã nhấn mạnh vào mặt trái của hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn FDI.

Việc chống chuyển giá nhằm hạn chế trốn thuế có ý nghĩa rất lớn đối với các thành phần kinh tế, tạo thêm sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; Nó góp phần tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, các thành phần kinh tế trong việc chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ. Như vậy, đấu tranh chống chuyển giá là một tất yếu và hết sức cần thiết không chỉ nhằm chống thất thu thuế mà còn tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

3. Khái niệm “chống chuyển giá” trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Hoạt động chống chuyển giá trong quản lý thuế là một hoạt động chủ yếu và căn bản trong đấu tranh chống chuyển giá đối với doanh nghiệp có vốn FDI hiện nay. Với nhận thức từ phương diện hoạt động này là một quá trình, có thể đưa ra khái niệm “chống chuyển giá trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có vốn FDI” như sau:

“Chống chuyển giá trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là hoạt động của cơ quan thuế trong sự phối hợp với các cơ quan có liên quan, sử dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ và các thông tin giá cả thị trường để đấu tranh đưa giá giao dịch liên kết về gần sát với giá giao dịch độc lập nhằm hạn chế thất thu thuế của ngân sách nhà nước”.

Ở đây, trong khi nhấn mạnh tới yếu tố chủ thể quản lý và công cụ pháp luật của quản lý, thì đã dành sự quan tâm đến chức năng của chủ thể quản lý thuế, đó là: Phát hiện, xử lý và hướng dẫn đối tượng quản lý – doanh nghiệp có vốn FDI. Bởi vì, chống chuyển giá trong quản lý thuế đòi hỏi điều kiện tiên quyết là phải phát hiện và làm rõ các hoạt động chuyển giá có dấu hiệu vi phạm pháp luật, từ đó sẽ căn cứ vào chính sách, pháp luật và vào mức độ sai phạm của đối tượng quản lý mà triển khai các giải pháp ngăn chặn. Nhưng chống chuyển giá trong quản lý thuế không thể dừng lại ở đó, mà quan trọng hơn là còn phải hướng dẫn đối tượng quản lý hoạt động có hiệu quả, đem lại lợi ích ngày càng tăng cho doanh nghiệp và cho nước tiếp nhận đầu tư. Muốn vậy, ngành thuế cần được Nhà nước xây dựng trở thành một ngành vững mạnh, thể hiện được tính hiệu quả và hiệu lực trên cơ sở thống nhất các yếu tố của quá trình quản lý, đó là công cụ của quản lý (quy định pháp luật), tổ chức bộ máy và con người.

Thông qua một cuộc khảo sát năm 2017, kết quả cho thấy trong số 190 ý kiến của cán bộ công chức thuế có 38,4% cho rằng chuyển giá xảy ra ở tất cả các doanh nghiệp và chỉ có 28,4% cho rằng chuyển giá chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp có vốn FDI. Điều đó chứng tỏ nhận thức về chuyển giá và chống chuyển giá của cán bộ thuế đã tốt hơn rất nhiều.

Tham khảo

  1. Lê Quang Hùng (2018). Chuyển giá và chống chuyển giá trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.
  2. Trần Ngọc Thơ (2003), “Tài chính doanh nghiệp hiện đại”, NXB Thống Kê, Đại Học kinh tế TP Hồ Chí Minh.
Share.