“Chuyển giá” là hoạt động mang tính chủ quan, cố ý của các tập đoàn, công ty đa quốc gia nhằm tối thiểu hóa số thuế phải nộp bằng nhiều hình thức [4]. Các công ty đa quốc gia (MNCs) không thể tự mình chủ quan trong việc tiến hành hoạt động chuyển giá mà hoạt động chuyển giá chỉ có thể diễn ra khi hội đủ một trong các yếu tố thúc đẩy bên trong hoặc bên ngoài.

1. Các yếu tố bên ngoài

– Sự khác biệt về thuế suất thuế TNDN giữa các quốc gia là nguồn gốc trực tiếp nảy sinh hoạt động chuyển giá, bởi để thực hiện mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, giảm thiểu số thuế phải nộp thì chuyển giá là một trong những công cụ hữu hiệu và đơn giản nhất đối với các công ty đa quốc gia (MNCs).

– Trên cơ sở dự báo về tình hình biến động của tỷ giá hối đoái, các công ty đa quốc gia (MNCs) thực hiện chuyển giá để thanh toán nội bộ sớm hơn hay muộn hơn nhằm giảm rủi ro về tỷ giá. Các khoản nợ có thể được thanh toán sớm hơn nhưng nếu các dự báo cho rằng đồng tiền của quốc gia đó sẽ tăng giá thì các công ty đa quốc gia (MNCs) có thể trì hoãn việc thanh toán các khoản nợ, việc chủ động trả nợ sớm hay trả nợ chậm sẽ giúp các công ty đa quốc gia (MNCs) tránh được rủi ro về thiếu vốn, giảm bớt các khoản vay nợ ngắn hạn, giúp các công ty đa quốc gia (MNCs) bảo toàn và phát triển vốn đầu tư.

– Khi các quốc gia có chính sách tiền tệ thắt chặt, lúc này các công ty đa quốc gia (MNCs) sẽ thực hiện kế hoạch kinh doanh một cách nhanh chóng, đồng thời thực hiện chuyển giá để chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, tránh được tình trạng lãi nhiều sẽ dẫn đến áp lực đòi tăng lương của người lao động. Trường hợp, quốc gia nào có tỷ lệ lạm phát cao (đồng tiền nước đó đang bị mất giá), các công ty đa quốc gia (MNCs) sẽ tiến hành hoạt động chuyển giá để chuyển bớt lợi nhuận ra nước ngoài nhằm bảo toàn lợi nhuận và vốn đầu tư ban đầu [2, tr.31-33], [3, tr.129-130].

2. Các yếu tố bên trong

– Khi các hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty đa quốc gia (MNCs) hoặc các công ty thành viên trên các quốc gia khác bị thua lỗ, lúc này chuyển giá sẽ giúp cho các công ty đa quốc gia (MNCs) san sẻ khoản lỗ giữa các thành viên với nhau, từ đó làm giảm số thuế phải nộp và giảm bớt khó khăn về tình hình tài chính của doanh nghiệp.

– Các công ty đa quốc gia (MNCs) hình thành các công ty con và tìm kiếm những thị trường đầu tư mới để thỏa mãn mục đích là phân tán rủi ro, tránh những bất ổn do ảnh hưởng của chu kỳ kinh doanh sản xuất tại một quốc gia đơn nhất.

– Xuất phát từ chiến lược kinh doanh, Các công ty đa quốc gia (MNCs) trong giai đoạn thâm nhập thị trường mới sẽ tăng cường các hoạt động quảng cáo, quảng bá sản phẩm mới, giảm giá hàng bán nhằm mở rộng hoặc chiếm lĩnh thị trường, do đó các công ty đa quốc gia (MNCs) chấp nhận chịu thua lỗ, dựa vào tiềm lực tài chính mạnh mẽ của mình, các công ty đa quốc gia (MNCs) sẽ thực hiện hoạt động chuyển giá để làm cho hoạt động kinh doanh thua lỗ càng kéo dài, sau đó đẩy các bên liên kết kinh doanh ra khỏi liên doanh và thôn tính quyền quản lý doanh nghiệp.

– Xuất phát từ nhu cầu đổi mới công nghệ, khi tham gia liên doanh, các công ty đa quốc gia (MNCs) góp vốn bằng tài sản, vật tư, hoặc khi bán các tài sản, thiết bị lỗi thời với giá cao thì một mặt giúp các công ty tại chính quốc thay đổi được công nghệ với chi phí thấp, có thể tránh được các rủi ro trong hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm vì các hoạt động này thường tốn nhiều chi phí và khả năng thành công cũng không cao, mặt khác đã giúp các công ty đa quốc gia (MNCs) thu hồi vốn đầu tư nhanh tại các quốc gia tiếp nhận đầu tư [2, tr.31-33], [3, tr.129-130].

Tham khảo

  1. Lê Quang Hùng (2018). Chuyển giá và chống chuyển giá trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.
  2. Trần Xuân Hải (2012), “Một số vấn đề lý thuyết về chuyển giá trong doanh nghiệp FDI”, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Hoạt động chuyển giá-Những vấn đề lý luận, thực tiễn và biện pháp hạn chế”, Nxb. Tài chính, tr. 30-40.
  3. Ha Minh Sơn (2012), “Chuyển giá – nguyên nhân và giải pháp”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Hoạt động chuyển giá, Những vấn đề lý luận, thực tiễn và biện pháp hạn chế, Nxb. Tài chính, tr. 129-135.
  4. Baistrocchi  R.,  Roxan  I  (2012),  “Resolving  Transfer  Pricing   Disputes”, A Global Analysis, London, Cambridge University Press.
Share.