Phát triển bền vững là sự phát triển mang tính chất tổng thể, bao trùm tất cả các vấn đề trong một quốc gia như phát triển bền vững về kinh tế, phát triển bền vững về chính trị, phát triển bền vững về môi trường, phát triển bền vững về y tế, phát triển bền vững về giáo dục đào tạo, phát triển bền vững về văn hóa xã hội, về an ninh quốc phòng về chỉ số phát triển con người…, trong bài viết này chỉ đề cập đến phát triển kinh tế bền vững.

Theo đó, phát triển kinh tế bền vững phải bao hàm cùng một lúc cả yêu cầu về mức độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế. Điều đó có nghĩa là phải thể hiện ở khả năng duy trì tăng trưởng GDP ở mức cao một cách lâu dài và có hiệu quả. Bền vững trong phát triển kinh tế chỉ đạt được khi tăng trưởng kinh tế cao nhưng phải có hiệu quả, vay nợ thấp và tạo ra giá trị thặng dư cho xã hội ngày càng lớn

Bài viết đề cập 5 điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế bền vững. Bao gồm:

1. Phải hoạch định được chiến lược và có kế hoạch phát triển bền vững về kinh tế

Phát triển kinh tế bền vững không thể thiếu một tiền đề hết sức quan trọng là chiến lược, kế hoạch phát triển. Quá trình phát triển phải được xem xét, định hướng và thực hiện theo các chiến lược, kế hoạch định sẵn trong mối quan hệ của tất cả các yếu tố liên quan để đảm bảo sự phát triển cân đối, hài hòa, bền vững. Chiến lược và kế hoạch phát triển đó là các phương thức can thiệp của con người, cụ thể là của Nhà nước nhằm hạn chế những biểu hiện bất ổn của nền kinh tế để phát triển kinh tế bền vững. Các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế bền vững bao gồm chiến lược tổng thể về phát triển kinh tế; các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế theo các ngành, lĩnh vực, vùng, miền, địa phương; các chiến lược và kế hoạch về sử dụng nguồn lực cho phát triển kinh tế. Các chiến lược, kế hoạch này phải có đầy đủ các chương trình, mục tiêu cụ thể như tốc độ tăng trưởng, hiệu quả tăng trưởng, cơ cấu kinh tế. Các nội dung này cần được xem xét, cân đối, hài hoà trong quá trình xây dựng chiến lược, kế hoạch nhằm đảm bảo đạt mục tiêu phát triển kinh tế. Các chỉ tiêu kế hoạch phải cụ thể và được lồng ghép trong từng lĩnh vực.

2. Xác định và xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý là yếu tố rất cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao và bền vững

Cơ cấu kinh tế là mối quan hệ hữu cơ, phụ thuộc và quy định lẫn nhau cả về quy mô và trình độ giữa các ngành, các thành phần, lĩnh vực của nền kinh tế. Cũng giống như một cơ thể sống, nền kinh tế chỉ có thể tăng trưởng và phát triển khi giữa các mặt, các bộ phận, các yếu tố cấu thành của nó phù hợp với nhau cả về số lượng và chất lượng cũng có nghĩa là phải có một cơ cấu kinh tế hợp lý, hiện đại để phát huy mọi tiềm năng, nội lực, lợi thế so sánh của toàn bộ nền kinh tế, là yếu tố tạo tiền đề, cơ sở cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế [Bộ Giáo dục Đào tạo (2005), Giáo trình Kinh tế Chính trị Mác-Lênin, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội].

Có thể hiểu cơ cấu kinh tế là một tổng thể các bộ phận tạo thành cấu trúc của nền kinh tế trong quá trình tăng trưởng sản xuất xã hội. Các bộ phận đó gắn bó với nhau, tác động qua lại lẫn nhau và biểu hiện ở các quan hệ tỷ lệ về số lượng, tương quan về chất lượng trong những không gian và thời gian nhất định, phù hợp với những điều kiện kinh tế xã hội nhất định nhằm đạt được hiệu quả kinh tế xã hội cao.

Cơ cấu kinh tế bao gồm: cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu kinh tế vùng – lãnh thổ, cơ cấu thành phần kinh tế. Trong đó cần phải xác vai trò, tỷ trọng và mối quan hệ giữa các ngành kinh tế quốc dân, giữa các vùng, lãnh thổ và giữa các thành phần kinh tế. Các yếu tố tạo nên cơ cấu kinh tế phải được thể hiện cả về mặt số lượng cũng như về mặt chất lượng và được xác định trong những giai đoạn nhất định, phù hợp với những đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội cụ thể của mỗi quốc gia qua từng thời kỳ.

Cơ cấu kinh tế không phải là một hệ thống tĩnh bất biến mà luôn ở trạng thái vận động, biến đổi không ngừng. Chính vì vậy, cần phải nghiên cứu các quy luật khách quan, thấy được sự vận động phát triển của lực lượng sản xuất xã hội để xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, phù hợp với những mục tiêu chiến lược kinh tế của từng thời kỳ lịch sử nhất định.

Một cơ cấu kinh tế hợp lý phải có các bộ phận kết hợp một cách hài hoà, cho phép khai thác tối đa các nguồn lực của đất nước một cách có hiệu quả, đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng với nhịp độ cao và phát triển ổn định, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của người dân.

Để có được một cơ cấu kinh tế hợp lý, cần phải xem xét, đánh giá từng bộ phận một cách chi tiết, cụ thể, đồng thời xem xét mối quan hệ, tương quan giữa các yếu tố đó, đánh giá sự vận động, phát triển và tác động của từng yếu tố trong mối tương quan đó để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm có được sự phân bố nguồn lực hợp lý, hiệu quả, phù hợp với khả năng, lợi thế, đảm bảo sự phát triển cân đối, hài hòa, bền vững.

3. Xây dựng được kết cấu hạ tầng kinh tế – kỹ thuật đảm bảo cho phát triển kinh tế

Kết cấu hạ tầng là toàn bộ các hệ thống, công trình vật chất – kỹ thuật có vai trò làm nền tảng và điều kiện chung đảm bảo cho sự phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên môi trường và an ninh quốc phòng của một quốc gia, vùng lãnh thổ trong một giai đoạn hay thời kỳ phát triển nhất định.

Kết cấu hạ tầng kinh tế – kỹ thuật là hệ thống huyết mạch của nền kinh tế, có nhiệm vụ thực hiện những mối liên hệ giữa các bộ phận và các vùng của nền kinh tế; tạo điều kiện cơ bản, cần thiết cho sản xuất, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển và xây dựng xã hội hiện đại. Kết cấu hạ tầng kinh tế – kỹ thuật còn có vai trò thúc đẩy sự phát triển quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; đảm bảo môi trường sinh thái và an ninh quốc phòng.

Kết cấu hạ tầng kinh tế – kỹ thuật phải được xây dựng và phát triển phù hợp với yêu cầu trước mắt và phát triển lâu dài của nền kinh tế – xã hội, phải đảm bảo tính đồng bộ, hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế bền vững.

4. Phải đảm bảo được các nguồn lực cần thiết cho phát triển kinh tế

Để phát triển kinh tế không thể thiếu các nguồn lực. Đây là các yếu tố vật chất quyết định sự tăng trưởng kinh tế. Khi các nguồn lực được huy động đầy đủ và được sử dụng hiệu quả thì tăng trưởng kinh tế được đảm bảo, góp phần tạo ra sự phát triển bền vững về kinh tế. Các nguồn lực cần thiết cho nền kinh tế bao gồm nguồn lực về con người, về vốn và về khoa học kỹ thuật. Việc huy động quản lý, giám sát và sử dụng các nguồn lực để thực hiện phát triển kinh tế bền vững có ý nghĩa vô cùng to lớn.

Cần phải rà soát lại các quy định pháp luật và cơ chế nghiên cứu và hình thành những cơ chế và hình thức huy động, quản lý, sử dụng, giám sát, đánh giá hiệu quả của các nguồn lực đầu tư cho phát triển theo những tiêu chuẩn sau: các nguồn lực được huy động và quản lý một cách thống nhất, đảm bảo hiệu quả tổng thể theo các nguyên tắc phát triển kinh tế bền vững; cần đảm việc phân bổ ưu tiên nguồn lực.

Vốn là yếu tố sản xuất cơ bản, quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế. Vốn tạo ra các yếu tố vật chất, kỹ thuật để phát triển. Do đó, việc tăng cường huy động nguồn vốn, đa dạng hoá hình thức huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, trong đó đặc biệt là vốn đầu tư là nội dung hết sức cần thiết cho sự phát triển kinh tế bền vững của các quốc gia.

Nguồn lực về khoa học – kỹ thuật cũng là một nguồn lực không thể thiếu cho phát triển kinh tế bền vững. Khoa học – kỹ thuật giúp cho quá trình phát triển kinh tế diễn ra một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Để tăng cường nguồn lực khoa học – công nghệ, cần thiết phải phát triển tiềm lực khoa học – công nghệ mà trước hết là đội ngũ cán bộ khoa học – công nghệ; chú trọng đào tạo và sử dụng nhân tài; đa dạng hoá các loại hình cơ quan nghiên cứu khoa học – công nghệ; đầu tư kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng; tăng cường chuyển giao công nghệ; nhập và nội địa hoá công nghệ từ bên ngoài.

5. Đối với công tác quản lý của Nhà nước phải đạt hiệu quả cao

Tính bền vững của sự phát triển kinh tế phụ thuộc rất lớn vào cơ chế quản lý của Nhà nước. Quản lý của Nhà nước cần phải minh bạch, rõ ràng, luật pháp, phải nghiêm minh. Thực tế cho thấy rằng, những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững đều có chung đặc điểm cơ bản là ổn định chính trị và ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ lệ lạm phát thấp, quản lý nhà nước tốt, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân. Chính sách kinh tế phải nhất quán và có tầm nhìn dài hạn bởi vì nếu chính sách biến động thường xuyên sẽ khiến cho việc đầu tư kinh doanh lâu dài trở nên khó khăn và gia tăng rủi ro chính sách. Điều này sẽ cản trở các thành phần kinh tế gia tăng đầu tư trong dài hạn, khiến tăng trưởng kinh tế khó bền vững.

[Ngô Văn Khương (2016)]

Share.