Để nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững cần xem xét 5 yếu tố tác động của chính sách thuế dưới đây:

1. Thuế điều tiết chu kỳ kinh doanh, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định

Tăng trư­ởng kinh tế là nhân tố quyết định số thuế thu đ­ược trong từng thời kỳ, là cơ sở tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thuế cũng có tác động trở lại đối với tăng trưởng kinh tế. Thuế có thể trở thành nhân tố kích thích hoặc kìm hãm sự tăng trư­ởng. Mối quan hệ tác động của thuế đến tăng trư­ởng kinh tế có thể đ­ược thực hiện thông qua sự ảnh hư­ởng của thuế đến các nhân tố tăng trư­ởng kinh tế. Để đảm bảo cho nền kinh tế tăng tr­ưởng và phát triển bền vững, để góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm cần phải khuyến khích đầu t­ư, tăng tích luỹ, hạn chế các tác động tiêu cực của chu kỳ kinh doanh, giảm thất nghiệp, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.

Thuế có thể tác động đến các mục tiêu này thông qua điều chỉnh chu kỳ kinh doanh. Tác động của thuế điều tiết nền kinh tế chu kỳ là một trong những ảnh hưởng quan trọng của thuế đến tăng trư­ởng nhằm làm cho nền kinh tế phát triển ổn định và vững chắc. Trong nền kinh tế thị tr­ường sự phát triển theo chu kỳ là điều khó tránh khỏi. Chu kỳ kinh doanh gồm những thời kỳ bành tr­ướng xảy ra hầu như­ cùng một lúc trong nhiều hoạt động kinh tế và tiếp theo đó là có những thời kỳ khủng hoảng và những thời kỳ hồi phục đư­ợc hoà nhập vào giai đoạn bành trư­ớng của chu kỳ tiếp theo. Nguyên nhân xuất hiện chu kỳ kinh doanh chủ yếu do sự biến động trong tổng cung và tổng cầu. Sự biến động chu kỳ kinh doanh đã đẩy nền kinh tế mất ổn định, lạm phát tăng, công ăn việc làm giảm sút ở thời kỳ suy thoái.

Trong những giai đoạn như vậy, Nhà n­ước th­ường sử dụng các công cụ tài chính để làm bằng phẳng chu kỳ kinh doanh, lập lại thế ổn định của nền kinh tế. Thuế đóng vai trò rất quan trọng. Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng ổn định, trong những năm khủng hoảng và suy thoái kinh tế, thuế có thể đư­ợc giảm để kích thích nhu cầu tiêu dùng và tăng đầu tư­, giúp cho nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng nhanh chóng. Ngược lại, trong thời kỳ phát triển quá nóng, mức tăng trưởng cao, có nguy cơ dẫn đến mất cân đối, bằng cách tăng thuế, thu hẹp đầu tư­, nhịp độ tăng trưởng theo mục tiêu đặt ra có thể được giữ vững.

Bên cạnh việc điều tiết chu kỳ kinh doanh, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định, chính sách thuế còn có tác động đến quá trình tích lũy vốn để đầu tư cho phát triển kinh tế. Tăng lợi nhuận, tích luỹ tái sản xuất mở rộng luôn là mục đích cơ bản của hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Để tăng trưởng, cần xác định mức độ tích luỹ phù hợp và luôn đòi hỏi phải tăng nhanh vốn đầu tư­. Trong nền kinh tế, ở các nước đang phát triển cũng như các nước phát triển, vốn đầu tư của Nhà nước luôn là nguồn vốn quan trọng, đóng vai trò chủ đạo, định hướng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Phần vốn đó có thể được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng nền tảng căn bản nhất là lấy từ ngân sách nhà nước, trong đó đa phần là nguồn thu được huy động từ thuế. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nền kinh tế tạo ra các cơ sở nền tảng ban đầu để thu hút đầu tư từ các nguồn khác, định hướng cho hoạt động đầu tư và các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đầu tư của Nhà nước luôn có tính trọng điểm, quan trọng và cần thiết, không chỉ tạo ra tiền đề về vốn mà còn tạo ra kết cấu kinh tế – kỹ thuật và các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế. Nếu công tác quản lý sử dụng vốn của ngân sách nhà nước có hiệu quả thì rõ ràng hoạt động đầu tư của Nhà nước có vai trò rất lớn trong việc phát triển kinh tế của đất nước.

Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp và khu vực dân cư, chính sách thuế cũng có tác động đến quá trình tích lũy, tích tụ vốn và đầu tư sản xuất kinh doanh. Bằng việc giảm thuế đối với các hoạt động đầu tư vốn cho sản xuất kinh doanh, Nhà nước đã có thể khuyến khích doanh nghiệp, dân cư tăng cường đầu tư vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển. Đồng thời, với các động thái về thuế khác nhau giữa các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn khác nhau, Nhà nước cũng đã có tác động quản lý, điều tiết hoạt động đầu tư vốn vào các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn cần thiết, quan trọng, đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định, hiệu quả và bền vững.

Cùng với việc thu hút vốn đầu tư phát triển kinh tế, chính sách thuế còn có tác động tạo công ăn, việc làm cho người lao động. Khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, đầu tư ngừng trệ, mức thất nghiệp cao thì cùng với việc mở rộng các khoản chi tiêu của Chính phủ, thuế có thể đ­ược cắt giảm để thu hút đầu tư, tăng tổng cầu và việc làm, hạn chế thất nghiệp trong nền kinh tế.

Các tác động của chính sách thuế

Không những thế, chính sách thuế còn giúp Nhà nước quản lý, kiểm soát được giá cả, kìm chế lạm phát. Trong nền kinh tế thị tr­ường, giá cả của hàng hoá dịch vụ đư­ợc quyết định bởi quan hệ cung cầu. Xét trên góc độ kinh tế học, nguyên nhân gây ra lạm phát có thể do cầu kéo hay do chi phí đẩy. Lạm phát quá cao sẽ gây ảnh h­ưởng không tốt đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Thuế là một trong những công cụ quan trọng của Nhà n­ước nhằm góp phần tạo ra sự ổn định t­ương đối của giá cả, kiểm soát lạm phát, cụ thể:

– Nếu lạm phát do cầu tăng quá mức: Khi mà nhu cầu về một hay một số loại hàng hóa, dịch vụ nào đó tăng cao, kéo theo mức giá của hàng hóa, dịch vụ đó cũng tăng theo và khi tăng quá mức, dẫn đến lạm phát, Nhà nư­ớc có thể can thiệp giảm cầu bằng cách tăng mức thuế đối với sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, từ đó làm giá cả tăng, hạn chế nhu cầu tiêu dùng, góp phần kìm hãm lạm phát.

– Nếu lạm phát bị đẩy bởi chi phí: Khi mà yếu tố chi phí đầu vào của nhà sản xuất quá cao, dẫn đến giá thành sản phẩm cao, nhà sản xuất phải tăng giá bán để đảm bảo có lãi, khi giá tăng quá mức dẫn đến lạm phát, Nhà nư­ớc có thể dùng thuế để tác động vào phía cung bằng cách cắt giảm thuế đối với các yếu tố đầu vào để kích thích cung, giúp nhà sản xuất hạ giá thành sản phẩm, giá bán hàng hóa, góp phần kìm hãm lạm phát.

Ngoài ra, thuế còn có tác động làm ổn định tỷ giá hối đoái, cân bằng cán cân thanh toán quốc tế. Thông qua thuế, Nhà nước có thể quản lý, kiểm soát, điều tiết đối với các quan hệ xuất nhập khẩu hàng hoá, qua đó đảm bảo cân bằng xuất nhập khẩu, gián tiếp ổn định quan hệ cung cầu về ngoại tệ, từ đó góp phần ổn định tỷ giá hối đoái. Bên cạnh đó, thông qua thuế để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu t­ư nư­ớc ngoài, tạo điều kiện l­ưu thông thuận lợi các nguồn vốn trong nư­ớc và n­ước ngoài, qua đó góp phần ổn định tỷ giá hối đoái, cân bằng cán cân thanh toán quốc tế, cụ thể:

– Dùng thuế để khuyến khích xuất khẩu: thông qua áp dụng các ­ưu đãi về thuế đánh vào hàng xuất khẩu như­ không thu thuế xuất khẩu, hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng xuất khẩu, ư­u đãi thuế thu nhập đã có tác động khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu.

– Dùng thuế để điều chỉnh cơ cấu nhập khẩu, áp dụng thuế suất cao hơn đối với những hàng hoá nhập khẩu trong n­ước đã sản xuất đ­ược, áp dụng thuế suất thấp hơn đối với những hàng hoá trong n­ước ch­ưa sản xuất đ­ược hoặc hàng hoá nhập khẩu là nguyên liệu phục vụ cho sản xuất trong n­ước.

– Áp dụng các ­ưu đãi thuế đối với đầu t­ư nư­ớc ngoài, tạo điều kiện thu hút vốn đầu t­ư từ nư­ớc ngoài. Thực hiện ký kết Hiệp định tránh đánh thuế trùng với các n­ước để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu t­ư ra nư­ớc ngoài.

Qua các nội dung nêu trên, có thể thấy, bằng cách sử dụng công cụ thuế, Nhà nước có thể tạo ra các tiền đề để phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời có thể kiểm soát, quản lý và điều tiết các vấn đề phát sinh nhằm đảm bảo cho sự phát triển đó hợp lý, hiệu quả, ổn định và bền vững. Vấn đề đặt ra là phải nhận biết được thực trạng của nền kinh tế, xây dựng chính sách thuế phù hợp, công tác quản lý thuế có hiệu quả, nắm bắt được các tác động trực tiếp, gián tiếp của chính sách thuế để có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp trong từng thời kỳ cụ thể.

2. Tác động của thuế đến sự hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý

Trong nội dung phân tích về tác động trực tiếp và gián tiếp của thuế nêu trên, có thể nhận thấy, nếu có sự phân biệt trong đánh thuế (chịu thuế hay không chịu thuế, chịu mức điều tiết cao hay thấp) giữa các hàng hóa, dịch vụ, các yếu tố sản xuất, các lĩnh vực ngành nghề sản xuất, kinh doanh hay các loại tài sản ở các địa phương thì thuế luôn tạo ra sự chuyển dịch về mức độ đầu tư, mức tiêu dùng, chuyển dịch lao động, tài sản giữa các lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền đó. Do đó, nếu Nhà nước định hướng trước một cơ cấu kinh tế hợp lý theo ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn… khi đó, chính sách thuế sẽ được xây dựng theo hướng ưu đãi hơn đối với các lĩnh vực, ngành ngề, vùng miền cần khuyến khích phát triển và ngược lại. Và như vậy, việc áp dụng các chế độ thuế phân biệt đối với các ngành kinh tế khác nhau, các hàng hóa, dịch vụ khác nhau, các lĩnh vực, địa bàn khác nhau sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển các ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn quan trọng nhất, đem lại mức tăng trưởng lớn nhất cho nền kinh tế. Một khi nền kinh tế có cơ cấu hợp lý thì đó sẽ là tiền đề vững chắc cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

3. Chính sách thuế định hướng cho lĩnh vực xuất nhập khẩu phát triển bền vững

Khi cán cân thương mại giữa xuất khẩu và nhập khẩu cân bằng hoặc có thặng dư sẽ là cơ sở rất tốt để thu về nguồn ngoại tệ cho đất nước, ổn định tỷ giá hối đoái, là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước điều hành tốt hơn chính sách tiền tệ, như vậy sẽ làm ổn định kinh tế vĩ mô góp phần giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Nội dung của các chính sách thuế liên quan đến xuất nhập khẩu vừa mới ban hành nhằm giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu và tiến tới cân bằng và thặng dư cán cân thương mại. Các chính sách thuế vừa được sửa đổi trong thời gian gần đây đã định hướng phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, mở rộng quy mô xuất khẩu. Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu một cách hợp lý theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Các sắc thuế cũng đưa ra định hướng đối với hàng hóa nhập khẩu đó là góp phần điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa, kiểm soát chặt việc nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu trong dài hạn và yêu cầu nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị tiết kiệm năng lượng, vật tư, các loại máy móc thiết bị ít gây ô nhiễm môi trường.

4. Chính sách thuế làm giảm chênh lệch về kinh tế giữa thành thị và nông thôn

Các ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thông qua việc áp dụng thuế suất thấp cho lĩnh vực nghiên cứu phát triển giống; trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Những thay đổi trong chính sách thuế sẽ gián tiếp thúc đẩy nông nghiệp phát triển, khi ngành nông nghiệp phát triển sẽ tạo ra sức lan tỏa tới toàn bộ nền kinh tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP ở mức cao hơn. Như vậy, về mặt dài hạn, các chính sách thuế ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nuôi trồng thủy sản sẽ không làm giảm ngân sách mà thực chất nó sẽ làm tăng hiệu quả ngân sách và tăng hiệu quả của nền kinh tế, điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ góp phần giúp cho nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.

5. Tác động của chính sách thuế đến việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường

Việc quy định nộp các khoản tiền phù hợp, sát với giá thị trường khi xác lập quyền sử dụng đất hoặc các khoản thuế thu nhập khi chuyển nhượng quyền sử sụng đất và độ lớn của thuế trước bạ, thuế sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với thực tiễn sẽ góp phần thúc đẩy quá trình sử dụng tài nguyên đất đai có hiệu quả, hợp lý, đồng thời tăng cường vai trò điều tiết của thuế đánh vào đất đai và tăng thu cho ngân sách nhà nước. Khi thu Ngân sách được tăng lên một cách ổn định và bền vững sẽ là cơ sở để Nhà nước có nguồn tài chính ổn định để thực thi các chính sách bảo vệ môi trường.

Chính sách thuế đã góp phần, tạo tiền đề cho việc sử dụng đất có hiệu quả, nó thể hiện ở khía cạnh: quá trình vận động của đất đã được dịch chuyển theo hướng từ người sử dụng kém hiệu quả sang người sử dụng có hiệu quả hơn. Diện tích đất đang sử dụng phân tán được tích tụ, tập trung để có thể áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Khi áp dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại của thế giới vào sản xuất nông nghiệp sẽ là giải pháp tốt trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường trong lĩnh vực canh tác nông nghiệp và nuôi trồng chế biến thủy sản đây cũng là cơ sở giúp cho nền kinh tế nước ta phát triển bền vững.

Khi thuế suất thuế tài nguyên phù hợp sẽ hạn chế được các tổn thất tài nguyên khoáng sản trong quá trình khai thác và sử dụng, đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và điều hoà quyền lợi của các tầng lớp dân cư về việc sử dụng tài nguyên.

Thuế xuất nhập khẩu cũng có tác động rất lớn đến việc khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, nó được thể hiện là ưu đãi về thuế suất đối với những máy móc thiết bị sử dụng công nghệ hiện đại ít tiêu hao năng lượng, có lượng chất độc hại thải ra không khí thấp, ít gây ô nhiễm cho môi trường. Như vậy thông qua chính sách thuế nhập khẩu Nhà nước đã định hướng cho việc nhập khẩu trang thiết bị để giảm thiểu nguy cơ Việt Nam trở thành “ bãi rác” của thế giới vì nhập khẩu các trang thiết bị của một số nước vừa cũ vừa lạc hậu hoặc khi đưa vào sử dụng thải nhiều khí CO2, như vậy thông qua chính sách thuế xuất nhập khẩu phù hợp cũng góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Thuế bảo vệ môi trường được xây dựng trên nguyên tắc chủ thể nào sản xuất kinh doanh hoặc sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm môi trường thì phải nộp thuế, đây là một loại thuế gián thu, cấu thành vào giá hàng hoá, dịch vụ nên có tác dụng kích thích và điều chỉnh sản xuất, tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường, thúc đẩy việc nghiên cứu tìm ra các nguồn năng lượng sạch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của con người hoặc có thể dẫn tới việc ra đời của các công nghệ, chu trình sản xuất và sản phẩm mới giảm thiểu tác hại tới môi trường. Thuế bảo vệ môi trường được coi là một trong những công cụ kinh tế mang lại hiệu quả cao trong quản lý và bảo vệ môi trường.

Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào các hàng hóa, dịch vụ gây ảnh hưởng không tốt đối với môi trường, nó góp phần hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng. Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất cao vào một số hàng hóa có ảnh hưởng không tốt đến môi trường có tác dụng hạn chế việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các hàng hóa này.

Thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Thông qua những ưu đãi về thuế suất, sẽ có tác dụng khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào việc bảo vệ môi trường bằng cách áp dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại nhằm giảm thiểu các chất gây ô nhiễm thải ra môi trường.

Kết luận

Chính sách thuế là một chính sách kinh tế rất quan trọng điều chỉnh các chủ thể trong nền kinh tế, điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, điều hoà các quan hệ lợi ích giữa xã hội và doanh nghiệp, giảm bớt sự lãng phí trong quá trình khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chính sách thuế và các mức thuế suất phù hợp sẽ trả lời cho câu hỏi làm thế nào giúp cho các chủ thể trong nền kinh tế khai thác, sử dụng tiết kiệm có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Share.