Chính sách thuế là một chính sách tài chính quan trọng của Nhà nước, cùng với các chính sách kinh tế khác, chính sách thuế có những vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Để chính sách thuế phát huy được vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững một cách hiệu quả nhất, cần phải có một quan điểm nhất quán về sử dụng chính sách thuế không chỉ trong ngắn hạn, trung hạn mà phải xuyên suốt trong toàn bộ quá trình hoạch định, thực thi chính sách thuế của Việt Nam. Để thực hiện được điều này cần tuân thủ một số quan điểm.

3 quan điểm cần tuân thủ

Thứ nhất, thuế phải là công cụ của Nhà nước góp phần quản lý, điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo cho sự phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế.

Thứ hai, chính sách thuế phải đảm bảo bao quát được các nguồn thu phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế; số thu từ thuế phải là nguồn lực tài chính chủ yếu để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội; phục vụ nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, góp phần đảm bảo công bằng xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái; đảm bảo nhiệm vụ an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Thứ ba, phải xây dựng ngành thuế Việt Nam hiện đại, hiệu quả, hiệu lực, liêm chính và vững mạnh đủ năng lực để thực hiện và quản lý tốt các mục tiêu và nội dung cải cách hệ thống thuế.

Mục tiêu sử dụng công cụ thuế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững chính là vừa phải gắn chặt với các nội dung của phát triển kinh tế bền vững, mục tiêu của ngành tài chính và các mục tiêu cải cách, hoàn thiện chính sách thuế trong từng giai đoạn khác nhau. Đối với mục tiêu cụ thể, cần đạt được một số mục tiêu sau đây:

3 mục tiêu cần đạt được

Một là: Chính sách thuế phải được hoàn thiện theo hướng giảm dần tỷ lệ động viên, vừa đảm bảo động viên hợp lý vào ngân sách nhà nước, vừa phát huy cao độ các nguồn nội lực, thúc đẩy phát triển nhanh sức sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh và khả năng tích tụ của doanh nghiệp, khuyến khích xuất khẩu, khuyến khích đầu tư nhất là đầu tư áp dụng công nghệ cao, đầu tư vào vùng kinh tế xã hội khó khăn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo vệ môi trường; bảo đảm cho nền kinh tế tăng trưởng cao, bền vững, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Thuế và phí phải đảm bảo nhu cầu chi tiêu cần thiết hợp lý của ngân sách nhà nước và giành một phần cho tích luỹ. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng thuế và phí bình quân hàng năm đạt 14 – 16%/năm; tỷ lệ động viên thuế và phí trong tương lai khoảng 20% – 21%/ GDP.

Hai là: Thủ tục hành chính thuế được đơn giản hoá; các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ quản lý của cơ quan thuế được công khai tạo thuận lợi cho người nộp thuế biết và tham gia vào quá trình giám sát công chức thuế thực thi pháp luật thuế. Việc quản lý thuế phải nâng cao hiệu quả, đảm bảo quản lý chặt đối tượng nộp thuế, đối tượng chịu thuế; nâng cao chất lượng giám sát sự tuân thủ của người nộp thuế và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật thuế, đảm bảo công bằng và bình đẳng trong kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh; tiếp tục phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý thuế.

Ba là: Tạo môi trường làm việc thuận lợi để thu hút, phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu, chuyên nghiệp. Hệ thống quy trình nghiệp vụ thống nhất, tự động hoá cao dựa trên hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp; hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy được tích cực đổi mới; chất lượng cán bộ được nâng cao cả trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất chính trị.

Kết luận

Từ các mục tiêu nêu trên, khi xét đến việc phát huy vai trò của chính sách thuế đối với phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam, cho thấy rằng mục tiêu chủ yếu của việc sử dụng chính sách thuế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam là nghiên cứu, xem xét, thiết lập các quy định của chính sách thuế như phạm vi điều chỉnh, tỷ lệ điều tiết, phân biệt về thuế suất, áp dụng các ưu đãi thuế… nhằm làm cho chính sách thuế đó có thể quản lý, điều tiết được các yếu tố có tính chất tiền đề cũng như các yếu tố liên quan, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế bền vững.

Share.