Chuyển giá có vị trí, vai trò rất lớn đối với hoạt động kinh doanh của các công ty, tập đoàn đa quốc gia. Một số đặc điểm của chuyển giá cũng sẽ được làm rõ trong bài viết này.

1. Vai trò và tác động của chuyển giá

1.1. Vai trò của chuyển giá thể hiện ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực:

Về mặt tích cực có thể thấy: Nó tạo ra sự cạnh tranh và phát triển có xu hướng bền vững trong quá trình kinh doanh của các công ty, tập đoàn đa quốc gia trong phạm vi toàn cầu; Nó tạo ra sự so sánh và hướng đến sự cân bằng, công bằng giữa các mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau giữa các quốc gia; Nó nhấn mạnh được vai trò của thuế và xem thuế chính là chi phí cho các công ty đa quốc gia; Nó thúc đẩy sự phát triển tổng thể nền kinh tế thế giới vì hoạt động chuyển giá sẽ tạo ra động lực tăng lợi nhuận, gia tăng tổng thu nhập cho toàn cầu và hạn chế được những rủi ro trong kinh doanh.

Về mặt tiêu cực, lớn nhất và rõ nhất, đó là việc các chủ thể chuyển giá trong khi tận dụng từ những ưu đãi của các quốc gia về các chính sách thuế, lãi suất để xác định giá của các nhập lượng (chi phí đầu vào) và xuất lượng (giá bán) sao cho có lợi nhất nhằm tối thiểu hóa số thuế phải nộp, thì trong nhiều trường hợp đã tận dụng những kẽ hở trong luật pháp của nước chủ nhà để trốn thuế, chứ không phải là tối thiểu hóa số thuế phải nộp. Việc tính giá không đúng thực tế sẽ làm sai lệch kết quả hạch toán, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh từ đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch phân bổ nguồn lực xã hội của nhà nước, làm cho nhà nước gặp khó khăn trong việc sử dụng công cụ thuế để thực hiện vai trò quản lý nhà nước.

Chuyển giá còn gây ra sự bất bình đẳng về lợi ích, tạo ra sự cách biệt trong ưu thế cạnh tranh, bởi vì điều kiện để có chuyển giá là các giao dịch được thực hiện giữa các chủ thể có mối quan hệ liên kết. Do đó trong chuyển giá, họ phải thiết lập một chính sách về giá mà ở đó giá chuyển giao có thể được định ở mức cao hay thấp tùy vào lợi ích đạt được từ những giao dịch. Ở đây cần phân biệt điều này với trường hợp khai giá giao dịch thấp đối với cơ quan quản lý để trốn thuế nhưng đằng sau đó họ vẫn thực hiện thanh toán đầy đủ theo giá thỏa thuận. Trong khi đó nếu giao dịch bị chuyển giá, họ sẽ không phải thực hiện vế sau của việc thanh toán trên và thậm chí họ có thể định giá giao dịch cao. Các đối tượng này đã nắm bắt và vận dụng được những quy định khác biệt về thuế giữa các quốc gia, các ưu đãi trong quy định thuế để hưởng lợi có vẻ như hoàn toàn hợp pháp [2, tr. 322], [3, tr.36].

Như vậy, hoạt động chuyển giá, một mặt đã thúc đẩy sự phát triển, tạo ra các mức giá khác nhau, thúc đẩy chất lượng sản phẩm dịch vụ cho khách hàng, qua đó tạo cạnh tranh để phát triển; nhưng mặt khác nó cũng có những hạn chế nhất định, làm phương hại tới lợi ích của các quốc gia và của các chủ thể kinh tế khác và mặt có hại cho nền kinh tế là cơ bản, do đó cần phải có các biện pháp ngăn chặn hoạt động chuyển giá.

1.2. Tác động hai mặt của chuyển giá:

Hoạt động chuyển giá không chỉ có tác động tiêu cực đến quốc gia tiếp nhận đầu tư mà còn ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đối với quốc gia xuất khẩu đầu tư. Các MNCs với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận có thể thực hiện mọi phương thức chuyển giá và gây ra hậu quả nghiêm trọng và lâu dài đối với nền kinh tế của cả hai quốc gia xuất khẩu và tiếp nhận đầu tư.

i) Đối với quốc gia tiếp nhận đầu tư:

Trong trường hợp, quốc gia tiếp nhận đầu tư có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn quốc gia xuất khẩu đầu tư, thì hoạt động chuyển giá sẽ được chuyển dịch đến quốc gia tiếp nhận đầu tư, nhờ đó quốc gia tiếp nhận đầu tư có thêm nguồn thu về thuế, có nguồn ngoại tệ nhiều hơn, dễ dàng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giải quyết được ngay các khó khăn trước mắt như: khó khăn về vốn, về lao động, tiếp thu khoa học công nghệ mới, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, bổ trợ nguyên vật liệu và hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng. Vì vậy, mà các quốc gia này có thể cố ý hoặc làm lơ để các MNCs tha hồ thực hiện hành vi chuyển giá. Về lâu dài các quốc gia này sẽ phải đương đầu với khó khăn về tài chính do các nguồn thu không bền vững đã phản ánh không chính xác sức mạnh của nền kinh tế và khủng hoảng kinh tế sẽ xảy ra.

Thông qua hoạt động chuyển giá, các MNCs định giá cao các yếu tố đầu vào từ các MNCs này rút ngắn thời gian thu hồi vốn, vì vậy mà các nguồn vốn FDI có xu hướng mất dần ra khỏi quốc gia tiếp nhận đầu tư. Các hành động chuyển giá nhằm thu hồi vốn nhanh hơn so với kế hoạch đầu tư ban đầu sẽ làm cho thay đổi cơ cấu vốn của nền kinh tế quốc gia tiếp nhận đầu tư, tạo ra sự phản ánh không chính xác giá cả hàng hóa, dịch vụ, làm ảnh hưởng tới người tiêu dùng, phản ánh không chính xác sức mạnh của nền kinh tế, tạo ra một bức tranh kinh tế không trung thực.

Việc các doanh nghiệp có vốn FDI chuyển giá thông qua việc góp vốn bằng tài sản, nhập khẩu các máy móc thiết bị cũ – đã qua sử dụng, lạc hậu đã làm cho quốc gia tiếp nhận đầu tư không thực hiện được mục tiêu đã đề ra, bởi khi thực hiện các chính sách ưu đãi về đầu tư đối với các doanh nghiệp có vốn FDI, thì có thể nói các quốc gia tiếp nhận đầu tư luôn kỳ vọng nhận được các máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại, được tiếp thu nền tảng khoa học công nghệ mới để dẫn dắt nền kinh tế phát triển.

Thông qua hoạt động chuyển giá nhằm xâm chiếm thị phần khi mới tham gia vào thị trường, các MNCs sẽ tiến hành các chiêu thức quảng cáo và khuyến mãi quá mức, và hậu quả là lũng đoạn thị trường nước tiếp nhận đầu tư. Các doanh nghiệp trong nước không đủ tiềm lực để cạnh tranh vì vậy mà dần dần bị mất thị trường, có thể bị thua lỗ, bị phá sản hoặc buộc phải chuyển sang kinh doanh ngành khác. Các MNCs sẽ dần trở nên độc quyền và thao túng thị trường trong nước, kiểm soát giá cả và mất dần tính tự do cạnh tranh của thị trường tự do, đồng thời Chính phủ của quốc gia tiếp nhận đầu tư cũng không thể thúc đẩy ngành sản xuất trong nước phát triển.

Khi các MNCs thực hiện hành vi chuyển giá sẽ làm cho kết quả kinh doanh của các công ty con thua lỗ kéo dài, dẫn đến việc mất cân đối tài chính của doanh nghiệp và bắt buộc phải tăng vốn góp, nếu các đối tác trong nước không đủ khả năng tài chính để tiếp tục tham gia liên doanh thì sẽ phải bán lại phần góp vốn của mình, như vậy là từ công ty liên doanh chuyển thành công ty 100% vốn nước ngoài và cho thấy kế hoạch thôn tính doanh nghiệp trong nước của các MNCs đã thành công. Mặt khác việc chuyển giá làm cho doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, do đó không chịu tăng tiền lương cho người lao động, không chịu cải thiện môi trường làm việc và thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với người lao động, dẫn đến người lao động mất niềm tin vào các chính sách đầu tư của nhà nước, gây bất ổn xã hội.

Chuyển giá sẽ tạo ra bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa MNCs với doanh nghiệp trong nước. Chẳng hạn, một MNCs sử dụng công cụ chuyển giá để tối ưu hóa lợi nhuận về công ty mẹ ở nước ngoài trong khi đó báo cáo thua lỗ tại quốc gia đang kinh doanh để khỏi đóng thuế và nhiều trường hợp được hoàn thuế, như vậy MNCs sẽ có nhiều nguồn lực về tài chính hơn để đầu tư vào các hoạt động tiếp thị, quảng cáo, nhờ lợi thế này doanh nghiệp FDI có thể hạ giá bán hoặc bán phá giá để cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước luôn khó khăn về nguồn vốn, phải thực hiện nghĩa vụ thuế nghiêm túc hơn nên ít nhiều sẽ thua thiệt so với các MNCs, tạo ra sự cách biệt trong ưu thế cạnh tranh, từ đó dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Các hoạt động chuyển giá sẽ làm phá sản kế hoạch phát triển nền kinh tế quốc dân của các quốc gia tiếp nhận đầu tư. Nếu không được ngăn chặn kịp thời thì về lâu dài các quốc gia tiếp nhận đầu tư sẽ phải phụ thuộc về mặt kinh tế và sau đó khả năng có thể sảy ra là chịu sự chi phối về mặt chính trị [2, tr.36], [3, tr. 322].

ii) Tác động đối với quốc gia xuất khẩu đầu tư:

Thông qua hoạt động chuyển giá, các doanh nghiệp có vốn FDI chuyển lợi nhuận về nước, định giá tài sản, vật tư cao từ đó sẽ thu hồi vốn nhanh, nhờ đó các quốc gia xuất khẩu đầu tư sẽ có nhiều ngoại tệ hơn và sẽ thanh toán quốc tế tốt hơn, nguồn thu về thuế cho quốc gia được nhiều hơn, đồng thời sẽ tác động tích cực đến sự phát triển các lĩnh vực, ngành nghề phục vụ cho mục đích chuyển giá như: đào tạo, phát triển khoa học công nghệ …[2, tr.36], [3, tr. 322].

Tuy hành vi chuyển giá của MNCs mang lại những tác động không tốt cả cho nước tiếp nhận đầu tư và nước xuất khẩu đầu tư nhưng có một số quốc gia vì lợi ích riêng của mình đã tạo điều kiện thuận lợi cho các MNCs thực hiện hành vi chuyển giá nhằm chuyển lợi nhuận của MNCs từ các quốc gia khác về. Ví dụ như các quốc gia Puerto-Rico và Bahamas với việc thực hiện “Thiên đường về thuế” đã thu hút được các MNCs đóng trụ sở chính tại các quốc gia này và chuyển tài sản, lợi nhuận, các luồng vốn từ Mỹ về đã gây khó khăn trong công tác quản lý các nguồn vốn, quản lý vĩ mô về kinh tế tại Mỹ.

2. Đặc điểm của chuyển giá

Một là, điều quan trọng nhất trong chuyển giá là, cần chọn lựa mức giá nào quyết định mức lợi tức và các khoản thuế của các bên có liên quan trong nội bộ MNCs, mang lại lợi ích và đạt được mục tiêu của MNCs.

Từ đây, vấn đề định giá nội bộ, giá mà các chi nhánh trong cùng một công ty bán hàng hóa hay dịch vụ cho nhau đã không chỉ tác động lên kết quả hoạt động của chi nhánh mà còn lên ngân sách quốc gia, ở đây giá cả hoàn toàn có thể được xác định lại trong những giao dịch giữa các thành viên MNCs. Điều này xuất phát từ những lý do:

Thứ nhất, trong kinh tế thị trường, các chủ thể hoàn toàn có quyền tự do quyết định giá cả hàng hóa, dịch vụ khi giao dịch mua, bán với nhau.

Thứ hai, do quan hệ liên kết với nhau, các doanh nghiệp thành viên trong cùng một nhóm liên kết có lợi ích chung, nên doanh nghiệp có thể điều chỉnh giá giao dịch và lợi nhuận giữa các doanh nghiệp thành viên để sao cho một số doanh nghiệp thành viên nào đó bị lỗ, nhưng lợi nhuận của cả nhóm doanh nghiệp liên kết lại được tối đa hóa.

Thứ ba, do sự khác nhau về thuế suất giữa các quốc gia. Thông qua việc định giá chuyển nhượng, nghĩa vụ thuế được chuyển từ quốc gia có thuế suất thuế TNDN cao sang quốc gia có thuế suất thuế TNDN thấp hơn nhằm tối thiểu hóa số thuế TNDN phải nộp [4, tr. 23].

Hai là, chuyển giá là một hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện bằng việc định giá trị mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, tài sản cao hơn hoặc thấp hơn giá thị trường trong quan hệ giữa các bên liên kết.

Chuyển giá chỉ được thực hiện trong sự thỏa thuận ít nhất bởi hai đối tượng độc lập nhưng có mối quan hệ cơ bản với nhau. Chuyển giá là một quá trình xác định mức giá chuyển giao phù hợp giữa các bên liên kết và việc này thể hiện ở ba đặc tính cơ bản là:

(i) sự thỏa thuận giữa hai bên có phát sinh quan hệ ràng buộc;

(ii) mức giá bị chi phối bởi quan hệ giữa các bên;

(iii) nếu mức giá có sự khác biệt thì sẽ tạo ra hành vi xác định giá độc lập [5, tr.13], [6, tr. 136].

Ba là, hành vi chuyển giá có đối tượng tác động là giá và được thực hiện thông qua các hợp đồng kinh tế về mua, bán hàng hóa, tài sản, cung cấp dịch vụ.

Chuyển giá chỉ có thể được thực hiện thông qua giao dịch của các chủ thể có quan hệ liên kết và chỉ hoàn thành khi có sự chuyển giao đối tượng giao dịch, cho dù đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán hay chưa. Bởi vì giao kết về giá chưa đủ để kết luận là chủ thể đã thực hiện hành vi chuyển giá, khi mà giao kết đó chưa thực hiện trên thực tế, hoặc chưa có sự chuyển dịch quyền sở hữu đối với đối tượng giao dịch, thì không có cơ sở để xác định sự chuyển dịch về mặt lợi ích.

Tham khảo

  1. Lê Quang Hùng (2018). Chuyển giá và chống chuyển giá trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.
  2. Borkowski Susan C (1997), “The transfer pricing concerns of Developed and Developing countries”, The International Journal of Accounting, (Volume 32, Issue 3, 1997), tr.321-336.
  3. Trần Xuân Hải (2012), “Một số vấn đề lý thuyết về chuyển giá trong doanh nghiệp FDI”, Kỷ yếu hội thảo khoa học: Hoạt động chuyển giá-Những vấn đề lý luận, thực tiễn và biện pháp hạn chế”, Nxb. Tài chính, tr. 30-40.
  4. Phan Duy Minh (2012), “Vấn đề chuyển giá của công ty đa quốc gia”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Hoạt động chuyển giá – Những vấn đề lý luận, thực tiễn và biện pháp hạn chế, Nxb. Tài chính, tr 21-29.
  5. Nguyễn Trọng Cơ (2012), “Các hình thức chuyển giá ở Việt Nam và giải pháp ngăn chặn”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Hoạt động chuyển giá – Những vấn đề lý luận, thực tiễn và biện pháp, Nxb. Tài chính, tr. 13-20.
  6. Nguyễn Minh Phong (2012), “Chống chuyển giá-cần nhận thức đúng và giải pháp đồng bộ…”, Hội thảo khoa học: Hoạt động chuyển giá-Những vấn đề lý luận, thực tiễn và biện pháp hạn chế, Nxb. Tài chính, tr.136-143.
Share.