Khả năng cạnh tranh của sản phẩm chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau. Có nhiều cách đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa, tuy nhiên, để phân tích khả năng cạnh tranh của hàng hóa một cách tổng thể, toàn diện, đặc biệt là đặt trong bối cảnh hàng hóa phải cạnh tranh trong thị trường toàn cầu hóa, bài viết vận dụng khung nghiên cứu chuỗi giá trị. Mặt khác, để gắn với việc đánh giá hiệu quả sử dụng các công cụ tài chính nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, bài viết phân tích các nhân tố ảnh hưởng trên khía cạnh môi trường bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp sản xuất.

1. Nhân tố ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm

Bao gồm 2 khía cạnh chính: Các yếu tố bên trong và Bên ngoài.

1.1. Các yếu tố bên ngoài doanh nghiệp sản xuất

Các yếu tố bên ngoài doanh nghiệp có ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa là các yếu tố thuộc môi trường vĩ mô, bao gồm các yếu tố kinh tế, yếu tố văn hóa – xã hội, yếu tố chính trị – pháp luật và yếu tố môi trường kinh doanh quốc tế.

– Các yếu tố kinh tế:

Các yếu tố kinh tế thuộc môi trường vĩ mô là nhân tố bên ngoài doanh nghiệp nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa mà doanh nghiệp sản xuất, bao gồm các yếu tố như: tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, lãi suất cho vay của ngân hàng, tỷ giá hối đoái…

Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người: nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định sẽ khiến cho thu nhập bình quân đầu người cao, kết quả là khả năng tiêu thụ hàng hóa tăng. Nền kinh tế phát triển cùng với các yếu tố kinh tế vĩ mô khác tạo nên một môi trường kinh tế ổn định sẽ tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Từ đó, khả năng cạnh tranh của sản phẩm tăng lên.

Lãi suất cho vay của ngân hàng: lãi suất cho vay của ngân hàng có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tỷ lệ lãi suất quyết định mức chi phí tài chính trong chiến lược đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt quan trọng khi doanh nghiệp còn nhiều hạn chế trong nguồn vốn tự có, sự hỗ trợ của nhà nước có xu hướng giảm dần.

Tỷ giá hối đoái: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thay đổi về tỷ giá hối đoái có tác động trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào hay các sản phẩm sản xuất hướng về xuất khẩu. Chính phủ nhiều nước đã thực hiện chính sách duy trì đồng nội tệ yếu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, hiệu quả của chính sách này chỉ đạt được khi công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, chi phí nhập khẩu các yếu tố đầu vào không quá lớn, không ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu.

– Các yếu tố chính trị – pháp luật

Yếu tố chính trị, pháp luật được thể hiện thông qua mức độ ổn định chính trị của quốc gia, hành lang pháp lý hoàn thiện và ổn định … Môi trường chính trị và hệ thống pháp luật ổn định là điều kiện cần thiết để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất, theo đó, khả năng cạnh tranh của hàng hóa sẽ tăng lên. Hơn nữa, yếu tố chính trị – pháp luật có liên quan chặt chẽ đến các quy định về sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trên thị trường, theo đó, hàng hóa được sản xuất phải tuân thủ chặt chẽ theo các quy định của chính phủ về chất lượng, tiêu chuẩn, mẫu mã… Những quy định này vừa có thể là cơ hội vừa có thể là thách thức đối với hàng hóa, từ đó có ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động đầu tư của nước ngoài cũng như mức độ tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng.

– Các yếu tố văn hóa – xã hội

Các yếu tố văn hóa – xã hội như trình độ dân trí, tập quán thị hiếu của người tiêu dùng, truyền thống văn hóa dân tộc… đều có ảnh hưởng lớn đến việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất và tiêu thụ một mặt hàng trên thị trường, từ đó có tác động đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Tuy nhiên, các yếu tố văn hóa xã hội thường biến đổi chậm, không thể hiện rõ ràng trên thị trường tiêu thụ nên đôi khi thường khó nhận biết. Hơn nữa, xu thế toàn cầu hóa cũng khiến cho sự giao thoa về văn hóa, xã hội ngày càng mạnh mẽ nên việc nghiên cứu đặc điểm văn hóa, xã hội của từng thị trường tiêu thụ là rất cần thiết trong chiến lược sản xuất của doanh nghiệp. Theo đó, nếu doanh nghiệp có chiến lược sản xuất đúng đắn, phù hợp với đặc điểm văn hóa, xã hội của thị trường tiêu thụ thì hàng hóa của doanh nghiệp sẽ có khả năng cạnh tranh cao và ngược lại.

– Yếu tố về môi trường kinh doanh quốc tế

Hội nhập kinh tế quốc tế thông qua tham gia ký kết các hiệp định thương mại song phương và đa phương là một tất yếu. Những thay đổi về môi trường quốc tế có ảnh hưởng lớn đến khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước cũng như áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa. Do vậy, môi trường kinh doanh quốc tế vừa tạo cơ hội để hàng hóa có thể được tiêu thụ thị trường rộng lớn, áp lực cạnh tranh khiến việc nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa được đẩy mạnh, mặt khác cũng tạo ra những thách thức nếu hàng hóa của doanh nghiệp không vượt qua được áp lực cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như trên thị trường thế giới.

1.2. Các yếu tố trong nội bộ ngành ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm

Mô hình 5 áp lực cạnh tranh do nhà kinh tế Michael Porter đưa ra [2]. Đặt trong khung nghiên cứu khả năng cạnh tranh của sản phẩm thì mô hình 5 áp lực cạnh tranh được xem như các nhân tố vi mô có ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

– Áp lực cạnh tranh từ nhà cung ứng: số lượng và quy mô nhà cung ứng sẽ quyết định đến áp lực cạnh tranh, quyền lực đàm phán của họ đối với doanh nghiệp. Nếu trên thị trường chỉ có một vài nhà cung ứng có quy mô lớn sẽ tạo áp lực cạnh tranh, ảnh hưởng tới toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành.

– Áp lực cạnh tranh từ người mua: là áp lực cạnh tranh có thể ảnh hưởng trực tiếp tới toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Người mua có thể là các khách hàng lẻ hoặc các nhà phân phối. Cả hai nhóm đều gây áp lực với doanh nghiệp về giá cả, chất lượng sản phẩm và là người điều khiển cạnh tranh trong ngành thông qua quyết định mua hàng.

– Áp lực cạnh tranh từ các đối thủ cạnh tranh hiện tại, đối thủ cạnh tranh hiện tại là các doanh nghiệp đang kinh doanh cùng một mặt hàng và họ sẽ cạnh tranh trực tiếp với nhau. Áp lực cạnh tranh từ các đối thủ hiện tại được thể hiện trên hai cấp độ: cấp độ quốc tế trên thị trường xuất khẩu, thị trường khu vực hoặc trên phạm vi rộng hơn là thị trường thế giới; cấp độ quốc gia là trên thị trường nội địa.

– Áp lực cạnh tranh từ các đối thủ cạnh tranh tiềm năng, đối thủ tiềm ẩn là các doanh nghiệp hiện chưa có mặt trên thị trường sản xuất, cung cấp sản phẩm nhưng có thể ảnh hưởng trong tương lai. Việc các đối thủ cạnh tranh tiềm năng xuất hiện tùy thuộc vào sức hấp dẫn của thị trường và các rào cản trong gia nhập thị trường. Áp lực này có thể gây ra áp lực đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nước đang và chậm phát triển khi tham gia ở phân khúc sản phẩm trung và thấp cấp, thực hiện chủ yếu ở các khâu yêu cầu kỹ năng lao động thấp.

– Áp lực cạnh tranh từ sản phẩm thay thế, sản phẩm thay thế là những sản phẩm có thể thỏa mãn nhu cầu tương đương với các sản phẩm mà doanh nghiệp đang cung cấp. Áp lực cạnh tranh chủ yếu của sản phẩm thay thế là khả năng đáp ứng nhu cầu so với các sản phẩm mà doanh nghiệp đang cung cấp, thêm vào đó là các nhân tố về giá, chất lượng, các yếu tố khác của môi trường như văn hóa, chính trị, công nghệ cũng sẽ ảnh hưởng tới sự đe dọa của sản phẩm thay thế.

Việc đánh giá khả năng cạnh tranh của hàng hóa theo mô hình 5 áp lực cạnh tranh sẽ giúp doanh nghiệp xác định chính xác khả năng, mức độ tham gia và tính hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đó, doanh nghiệp xác định được vị trí, chỗ đứng của doanh nghiệp trong ngành và trên thị trường, xây dựng các chiến lược nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa.

1.3. Các yếu tố bên trong doanh nghiệp ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm

Nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực được coi là vấn đề vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp và sản phẩm, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, của hàng hóa. Một nguồn nhân lực kém không đáp ứng được nhu cầu của thị trường sẽ là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự thất bại của doanh nghiệp, hàng hóa có khả năng cạnh tranh thấp.

Nguồn nhân lực trong doanh nghiệp được chia thành hai cấp là nhân lực quản lý gồm ban lãnh đạo và đội ngũ trực tiếp quản lý sản xuất, kinh doanh sản phẩm và nhân lực trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh chi phối trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm thông qua các yếu tố như: năng suất lao động, trình độ tay nghề, kỉ luật lao động, ý thức trách nhiệm, sự sáng tạo của họ… Muốn nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa thì trình độ của cả hai cấp đều phải ở mức độ cao.

Quy mô của hoạt động sản xuất kinh doanh

Theo nguyên tắc của hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ khai thác được lợi thế nhờ quy mô khi quy mô sản xuất lớn, chi phí sản xuất tính trên mỗi đơn vị sản phẩm giảm, sản phẩm có khả năng cạnh tranh về giá trên thị trường. Không phải ngẫu nhiên mà các công ty quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia đã thực hiện chiến lược sản xuất theo quy mô mạng sản xuất toàn cầu. Ngoài lý do tận dụng thị trường lao động, tiêu thụ sẵn có thì việc mở rộng quy mô sản xuất sẽ làm cho hàng hóa càng gia tăng được khả năng cạnh tranh, giá cả của hàng hóa sẽ có sự phù hợp với đặc điểm của từng thị trường tiêu thụ.

– Trình độ khoa học công nghệ

Khoa học công nghệ là yếu tố đại diện cho sự sáng tạo, khả năng tạo ra sản phẩm mới hay tính năng mới của sản phẩm cũng như loại bỏ những sản phẩm cũ, lạc hậu nhằm tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng hóa trên thị trường. Một sản phẩm mới ra đời không thể thiếu được sự đóng góp của quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm, từ đó định vị khả năng cạnh tranh của sản phẩm đó trên thị trường. Ngoài ra, công nghệ hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, giá thành hạ nhờ nâng cao năng suất lao động tăng, tiết kiệm được chi phí, giảm những lãng phí không cần thiết…

Tình hình tài chính của doanh nghiệp

Khả năng tài chính của doanh nghiệp quyết định đến việc doanh nghiệp có khả năng duy trì, mở rộng hay nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, khả năng huy động vốn lớn sẽ cho phép doanh nghiệp có điều kiện để mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng của sản phẩm; phát triển đa dạng kênh phân phối, có khả năng thực hiện tốt các hoạt động sau bán hàng … tạo nên khả năng cạnh tranh cao hơn cho sản phẩm. Tuy nhiên, tình hình tài chính chỉ là điều kiện cần, để sản phẩm của doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh cao vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khả năng khai thác nguồn lực tài chính hiệu quả của doanh nghiệp.

2. Nhân tố ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm theo khung nghiên cứu chuỗi giá trị

Chuỗi giá trị là khái niệm được sử dụng khá phổ biến trong việc đánh giá khả năng cạnh tranh của hàng hóa dựa trên khả năng tạo ra giá trị từ quy trình sản xuất – cung cấp ra thị trường hàng hóa đó.

Michael Porter cho rằng, chuỗi giá trị là chuỗi của các hoạt động, trong đó, sản phẩm đi qua tất cả các hoạt động của chuỗi theo thứ tự và tại mỗi hoạt động sản phẩm lại thu được một số giá trị nào đó [2]. Nói cách khác, chuỗi giá trị là chuỗi các hoạt động cung cấp cho các sản phẩm nhiều giá trị gia tăng hơn tổng giá trị gia tăng của tất cả các hoạt động cộng lại.

Theo Raphael Kaplinsky và Mike Morris (2000) chuỗi giá trị là “toàn bộ những hoạt động cần thiết để đưa một sản phẩm hay dịch vụ từ khái niệm, đi qua các công đoạn sản xuất khác nhau (liên quan đến việc kết hợp giữa chuyển hóa vật chất và đầu vào các dịch vụ sản xuất khác nhau), đưa đến người tiêu dùng sau cùng và bố trí sau sử dụng” [3].

Hay một quan điểm khác, chuỗi giá trị là quá trình từ nguyên vật liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng với nhiều công đoạn, tại mỗi một công đoạn giá trị gia tăng lại được tạo ra đóng góp vào giá trị sản phẩm cuối cùng [4].

Như vậy, có thể thống nhất cách hiểu về chuỗi giá trị là chuỗi các hoạt động từ khâu đầu vào cho đến khi hàng hóa được tiêu thụ, trong đó, tại mỗi một hoạt động, giá trị của hàng hóa lại được tăng thêm và cuối cùng tạo ra một hàng hóa có giá trị đến người tiêu dùng cuối cùng. Cách hiểu này không chỉ phù hợp với hoạt động sản xuất trong một quốc gia mà còn trên phạm vi toàn thế giới do hiện nay, không có quốc gia nào có thể đứng ngoài mạng sản xuất toàn cầu.

Hình minh họa năng lực tạo ra giá trị tại các mắt xích trong chuỗi giá trị [5]

Hàng hóa từ đầu vào cho đến khi được tiêu thụ trên thị trường phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, như: R&D; thương hiệu; thiết kế; đầu vào; gia công; phân phối; marketing; bán hàng; dịch vụ hậu mãi. Tại mỗi một công đoạn giá trị của hàng hóa lại được tăng thêm. Khâu ý tưởng, R&D, bán lẻ đem lại giá trị gia tăng cao nhất, còn tại khâu gia công thì giá trị gia tăng được tạo ra thấp nhất trong chuỗi giá trị. Từ góc độ quản lý vĩ mô, các quốc gia sẽ dựa vào lợi thế về nguồn lực sản xuất của mình mà lựa chọn, xác định cách thức tham gia vào chuỗi giá trị sao cho giá trị gia tăng mà nền kinh tế, nhà sản xuất trong nước thu được ở mức cao nhất và hiệu quả nhất. Từ góc độ doanh nghiệp, giá trị gia tăng của sản phẩm chính là thước đo lợi nhuận mà doanh nghiệp đó thu được thông qua việc tham gia các hoạt động của chuỗi.

Đánh giá từ góc độ khả năng cạnh tranh của hàng hóa, hàng hóa có hàm lượng đầu vào; chế biến, lắp ráp cao nhưng hàm lượng thiết kế, R&D; marketing, bán lẻ hạn chế thì khả năng cạnh tranh thấp, giá thành thấp, có vị trí thấp trong chuỗi giá trị. Điều này được phản ánh rất rõ với các hàng hóa thô, sơ chế, chế biến, chế tạo của các nước đang và chậm phát triển. Ngược lại, hàng hóa có sự khác biệt về thiết kế, sự sáng tạo của R&D; marketing và bán lẻ tốt sẽ có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, có vị trí cao trong chuỗi giá trị. Có thể nhận định rằng, chuỗi giá trị mở ra khả năng tham gia vào thị trường thế giới cho mọi chủ thể không phân biệt trình độ phát triển hay khoảng cách về vị trí địa lý. Tuy nhiên, mức độ tham gia, vị trí của chủ thể trong chuỗi không giống nhau và phụ thuộc vào trình độ, công nghệ, kinh nghiệm của các bên tham gia [4].

Nhân tố ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm theo mỗi một khung nghiên cứu lại có cách thức ảnh hưởng khác nhau. Nếu môi trường bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp sản xuất có tác động rõ ràng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên khía cạnh chất lượng, giá thành, thị phần của sản phẩm thì chuỗi giá trị có tác động rõ nét nhất đến giá trị thương hiệu của sản phẩm. Cách thức tác động của các nhân tố bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm mang tính truyền thống, tiếp cận từ góc độ của doanh nghiệp tạo ra sản phẩm.

Chuỗi giá trị có ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm dựa trên năng lực tạo ra giá trị của doanh nghiệp, doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong việc tham gia hoạt động nào trong chuỗi, tuy nhiên lợi ích kinh tế nhiều hay ít và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cao hay thấp phụ thuộc vào hàm lượng giá trị gia tăng trong hoạt động của doanh nghiệp. Một sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao nghĩa là doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm đó có vị trí cao trong chuỗi giá trị, tham gia các công đoạn tạo ra nhiều giá trị trong chuỗi.

Tham khảo

  1. Hà Thị Liên (2019). Sử dụng công cụ tài chính vĩ mô nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng may mặc xuất khẩu Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Tài chính, Hà Nội.
  2. [35]Michael Porter (1996), “Chiến lược cạnh tranh”, NXB Khoa học kỹ thuật.
  3. Raphael Kaplinsky và Mike Morris (2000), “A handbook for value chain research”,
  4. [31]. Hoàng Thị Phương Lan (2017), Luận án tiến sỹ kinh tế “Nâng cao vị trí của mặt hàng da giầy Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Học viện Khoa học Xã hội – Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam.
  5. Malcolm Newberry (2011),“Global Market Review of the Denim and Jeanswear Industries – Forecasts to 2017”, Aroq Limited Seneca House, United Kingdom,
Share.