Với các cách hiểu về khả năng cạnh tranh như ở trên, mỗi cấp độ cạnh tranh lại có một bộ chỉ tiêu đánh giá khác nhau. Điển hình như khả năng cạnh tranh quốc gia cũng có 12 tiêu chí đánh giá tại Bảng tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh quốc gia, còn khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp là sự tổng hợp đầy đủ của các nguồn lực sản xuất từ lao động đến công nghệ, quy mô, tiềm lực về vốn…, là những thế mạnh mà doanh nghiệp sở hữu hoặc khai thác tốt hơn đối thủ cạnh tranh.

Nếu doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh cao thì tất yếu hàng hóa, sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất, cung cấp cũng có khả năng cạnh tranh cao. Khả năng cạnh tranh của sản phẩm là kết quả của khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của sản phẩm cũng phải được đánh giá dựa trên các chỉ tiêu. Hơn nữa, với bối cảnh quốc tế hóa, toàn cầu hóa cạnh tranh nên các chỉ tiêu đánh giá khả năng cạnh tranh của sản phẩm cũng chịu ảnh hưởng.

Khả năng cạnh tranh của sản phẩm được đánh giá dựa trên nhiều chỉ tiêu khác nhau do các nhà nghiên cứu có cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn thống nhất trên một số chỉ tiêu như Keinosuke-Tatsuyuki (2001) cho rằng, sản phẩm có khả năng cạnh tranh tốt là sản phẩm trước hết phải có chất lượng tốt, sau đó là giá cả, thời gian giao hàng, dịch vụ sau bán hàng và giá trị thương hiệu của sản phẩm đó [2]. M. Porter thì cho rằng, sản phẩm có khả năng cạnh tranh là sản phẩm tạo ra giá trị gia tăng cao hơn hoặc mới lạ hơn để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm của mình mà không lựa chọn sản phẩm của đối thủ cạnh tranh [3]. Giá trị gia tăng cao cũng như tính khác biệt của sản phẩm được thể hiện qua giá trị thương hiệu của sản phẩm đó. Như vậy, có thể cụ thể hóa các chỉ tiêu đánh giá khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên bốn khía cạnh sau:

Thứ nhất: Chất lượng. Đây là tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Nếu cảm quan của người tiêu dùng có thể có những nhận định chung chung về hàng hóa “có chất lượng”, thì với các nhà nghiên cứu tiêu chí chất lượng để đánh giá khả năng cạnh tranh của hàng hóa đều có các tiêu chuẩn định lượng và định tính kèm theo. Tùy vào đặc điểm, tính chất của từng loại hàng hóa mà có các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng kèm theo. Tùy thuộc vào trình độ sản xuất của từng quốc gia mà tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cũng có sự khác biệt. Tuy nhiên, đánh giá chất lượng của hàng hóa nói chung vẫn thống nhất trên ba khía cạnh là đảm bảo chất lượng đầu vào, đảm bảo quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng đầu ra. Một sản phẩm được coi là đạt tiêu chuẩn chất lượng, có khả năng cạnh tranh về chất lượng phải đảm bảo được trên cả ba khía cạnh này.

Chỉ tiêu chất lượng được cụ thể hóa qua hệ thống các tiêu chuẩn chất lượng do các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia ban hành, điển hình như hệ thống tiêu chuẩn ISO, tiêu chuẩn của EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Sản phẩm đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng thì sẽ được ghi cụ thể trên bao bì của sản phẩm, tổ chức công nhận cũng như năm công nhận.

Thứ hai: Giá thành. Mặc dù giá thành là một tiêu chuẩn đánh giá khả năng cạnh tranh của hàng hóa nhưng chịu ảnh hưởng nhiều từ khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp khai thác, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả, năng suất lao động cao thì giá thành sản phẩm thấp và ngược lại. Tiêu chuẩn về giá thành cũng phụ thuộc vào đặc điểm của từng loại hàng hóa, thị hiếu, khả năng thanh toán của từng đối tượng người tiêu dùng, thậm chí cả bối cảnh của nền kinh tế thế giới. Nếu nền kinh tế rơi vào tình trạng khủng hoảng thì tiêu chuẩn giá thành là tiêu chuẩn số một đối với người tiêu dùng khi lựa chọn hàng hóa. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế phát triển, với các hàng hóa mang tính thời trang, công nghệ thì tiêu chuẩn giá thành không phải là tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá khả năng cạnh tranh của hàng hóa.

Tiêu chuẩn giá thành mang tính tương đối và phụ thuộc rất nhiều vào trình độ phát triển của các quốc gia, thu nhập cũng như trình độ của người tiêu dùng. Với các nước phát triển, người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận sản phẩm có giá thành cao nhưng chất lượng tốt, thậm chí phải đáp ứng được các tiêu chí về môi trường, lao động… Với các nước đang phát triển, người tiêu dùng còn hạn chế về trình độ, thu nhập chưa cao nên tiêu chí giá thấp trong nhiều trường hợp vẫn quan trọng hơn chất lượng cao.

Thứ ba: Giá trị thương hiệu, nhãn hiệu của sản phẩm. Thương hiệu và nhãn hiệu của sản phẩm là tiêu chuẩn dường như mang nặng yếu tố định tính hơn là định lượng. Tuy nhiên, giá trị thương hiệu và nhãn hiệu thể hiện uy tín của hàng hóa, của doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa đó, và là kết quả của hàng loạt các yếu tố định lượng như lịch sử phát triển của doanh nghiệp qua các tiêu chí về kết quả kinh doanh, lợi nhuận, doanh số. Nếu hàng hóa được gắn các nhãn hiệu, thương hiệu mạnh, nổi tiếng thì giá thành hàng hóa cao và ngược lại. Xã hội càng phát triển đi kèm với sự giao lưu, trao đổi hàng hóa, dịch vụ cũng như các luồng thông tin liên tục cập nhật thì tiêu chí về nhãn hiệu, thương hiệu của hàng hóa ngày càng quan trọng. Để tạo dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu của hàng hóa, nhiều doanh nghiệp đã sẵn lòng chi trả một số tiền đầu tư lớn để từ đó, các giá trị vô hình của hàng hóa được thể hiện qua các con số cụ thể về doanh số và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tương tự như giá thành, giá trị thương hiệu và nhãn hiệu của sản phẩm là chỉ tiêu mang tính tương đối và có sự khác biệt trong cách nhìn nhận đánh giá giữa các phân khúc khách hàng tại các quốc gia khác nhau. Với đối tượng khách hàng có thu nhập cao thì giá trị thương hiệu và nhãn hiệu của sản phẩm là chỉ tiêu rất quan trọng, thậm chí có thể bao trùm lên chỉ tiêu chất lượng và giá thành. Tuy nhiên, với đối tượng khách hàng có thu nhập thấp, giá trị thương hiệu và nhãn hiệu của sản phẩm không phải là chỉ tiêu quan trọng, với nhóm khách hàng này, giá thành vẫn là chỉ tiêu quan trọng nhất.

Thứ tư: Thị phần. Thị phần của hàng hóa là phần thị trường tiêu thụ sản phẩm mà doanh nghiệp chiếm lĩnh và không chỉ hạn chế ở tỷ trọng trên thị trường nội địa mà còn trên thị trường thế giới. Nếu thị phần trên thị trường nội địa được đánh giá khá đơn giản, là tỷ lệ % của doanh số bán hàng của doanh nghiệp (số sản phẩm bán ra của doanh nghiệp)/tổng doanh số của thị trường nội địa (tổng sản phẩm tiêu thụ của thị trường nội địa), thì thị phần của sản phẩm trên thị trường thế giới được đánh giá phức tạp hơn.

Để đánh giá thị phần của một hàng hóa trên thị trường thế giới, tiêu chí được sử dụng phổ biến là chỉ tiêu về lợi thế cạnh tranh thể hiện RCA.

Chỉ số RCAij = (xij/Xit)/(xwj/Xwt)

Trong đó:

– xij và xwj là giá trị xuất khẩu hàng hóa j của nước i và của xuất khẩu hàng hóa j của thế giới.

– Xit và Xwt là tổng xuất khẩu của quốc gia và tổng xuất khẩu của thế giới.

RCA > 1 nghĩa là sản phẩm đó có lợi thế cạnh tranh thể hiện (hiện hữu) và RCA < 1 nghĩa là không có lợi thế so sánh thể hiện.

Nếu sản phẩm có RCA > 1 phải được trên cả hai phương pháp ưu tiên (được tính toán dựa trên số liệu xuất khẩu trong nước) và phương pháp thay thế (được tính toán dựa trên số liệu của quốc gia nhập khẩu mặt hàng đó). Bên cạnh đó, việc so sánh RCA giữa các nước cùng sản xuất một mặt hàng cũng có thể cho thấy rõ hơn lợi thế so sánh của nước này so với nước khác. Nếu các nước có RCA tương tự có nghĩa là thương mại sẽ ít bị ảnh hưởng khi cùng tham gia một khu vực mậu dịch tự do; ngược lại, sự chênh lệch về RCA sẽ giúp các quốc gia dễ dàng tìm kiếm các đối tác tiềm năng.

Tham khảo

  1. Hà Thị Liên (2019). Sử dụng công cụ tài chính vĩ mô nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng may mặc xuất khẩu Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Tài chính, Hà Nội.
  2. Keinosuke- Tatsuyuki Negoro (2001), “Quản trị chiến lược các doanh nghiệp sản xuất”, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Michael Porter (1996), “Chiến lược cạnh tranh”, NXB Khoa học kỹ thuật.
Share.