Thuế xuất hiện cùng với sự xuất hiện của Nhà nước, tồn tại và phát triển gắn liền với nền kinh tế hàng hóa tiền tệ. Nhà nước sử dụng thuế như một công cụ để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, phục vụ cho việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của nhà nước. Xã hội ngày càng phát triển, các hệ thống thuế khóa, các hình thức thuế và pháp luật thuế ngày càng hoàn thiện, được xây dựng, xác định và quy định công khai bằng pháp luật của Nhà nước.

Việc sử dụng công cụ thuế một cách hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế có tác dụng quan trọng trong việc cải cách thể chế kinh tế quốc gia trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt có tác dụng tích cực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Đối với từng doanh nghiệp, mức thuế phải nộp cao hay thấp sẽ tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm và luồng tiền của doanh nghiệp, từ đó quyết định đến quy mô tích lũy, đầu tư và sức mạnh tài chính của doanh nghiệp.

Có nhiều tiêu thức để phân loại thuế, theo đối tượng chịu thuế thì có thuế thu nhập, thuế tiêu dùng và thuế tài sản; theo phương thức đánh thuế thì có thuế trực thu và thuế gián thu; theo phạm vi thẩm quyền về thuế thì có thuế trung ương và thuế địa phương. Với mục đích phân tích tác động của thuế đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm, bài viết sử dụng cách phân loại theo phương thức đánh thuế.

1. Tác động của thuế gián thu đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm

Thuế gián thu là loại thuế không đánh trực tiếp vào thu nhập và tài sản của người nộp thuế mà đánh một cách gián tiếp thông qua giá cả hàng hóa và dịch vụ. Thuế gián thu bao gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu…

Người chịu thuế cuối cùng của thuế gián thu là người tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ, doanh nghiệp là người nộp thuế hộ cho người tiêu dùng. Như vậy người nộp thuế và người chịu thuế là không cùng một đối tượng. Thuế gián thu là một bộ phận cấu thành trong giá bán của hàng hóa, vì vậy việc áp dụng thuế suất cao hay thấp sẽ có ảnh hưởng làm giảm hoặc tăng giá cả của hàng hóa, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa đó, ảnh hưởng đến sức mua của thị trường. Khi thuế gián thu tăng lên thì sẽ làm cho giá bán của hàng hóa tăng lên, dẫn đến cầu về hàng hóa giảm xuống, sức cạnh tranh về giá của hàng hóa đó giảm. Ngược lại, khi thuế gián thu giảm xuống thì giá hàng hóa giảm, sức cạnh tranh về giá của hàng hóa tăng lên. Chính vì vậy, việc sử dụng thuế gián thu sẽ tác động rất lớn đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, Nhà nước sử dụng thuế gián thu để hỗ trợ hoạt động sản xuất trong nước phát triển

– Thuế gián thu có tác động trực tiếp đến giá cả của hàng hóa, do đó việc áp dụng thuế gián thu phù hợp sẽ có tác dụng kích thích việc tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị phần của sản phẩm đó. Nhà nước có thể áp dụng mức thuế suất thấp đối với các sản phẩm muốn khuyến khích phát triển, khi đó sẽ làm cho giá cả của hàng hóa đó giảm đi, kích thích tiêu dùng, tăng năng lực cạnh tranh về giá cả hàng hóa. Với những hàng hóa cần hạn chế tiêu dùng áp dụng thuế suất cao, từ đó làm tăng giá của hàng hóa và làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa đó trên thị trường.

– Nhà nước thực hiện các ưu đãi về thuế: miễn thuế, giảm thuế, áp dụng thuế suất thấp, hoàn thuế… Việc thực hiện những ưu đãi về thuế có tác động rất lớn đến doanh nghiệp, số thuế được miễn giảm thực chất giống như khoản trợ cấp của chính phủ dành cho doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp có thể giảm được chi phí, tăng thêm nguồn lực tài chính để mở rộng đầu tư, từ đó khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực cạnh tranh. Một số ưu đãi về thuế mà chính phủ có thể sử dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu bao gồm:

i). Miễn thuế, giảm thuế hoặc không đánh thuế đối với những sản phẩm xuất khẩu. Có rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện áp dụng thuế giá trị gia tăng 0% cho hàng hóa xuất khẩu để hàng xuất khẩu được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào.

ii). Hoàn thuế hoặc không đánh thuế đối với các sản phẩm là nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất. Đây là một trong những hình thức trợ giá của Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu, giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, làm cho tăng sức cạnh tranh của hàng hóa.

iii). Miễn, giảm thuế đối với máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất. Việc miễn, giảm thuế này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện đổi mới máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó nâng cao được khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

iv). Miễn, giảm thuế, áp dụng thuế suất thấp đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, việc áp dụng những ưu đãi này cần phải thận trọng để không trái với các nguyên tắc của các cam kết hợp tác kinh tế khu vực và thế giới.

Thứ hai, Nhà nước sử dụng thuế gián thu để thực hiện bảo vệ sản xuất trong nước

Đối với những hàng hóa có sức cạnh tranh kém cần có sự bảo hộ của Nhà nước để có thời gian chuẩn bị và tăng được sức cạnh tranh. Nhà nước sẽ thực hiện chính sách thuế quan bảo hộ để bảo vệ cho những hàng hóa có sức cạnh tranh kém, hàng hóa non trẻ bằng cách áp dụng thuế nhập khẩu các mặt hàng này ở mức cao để hạn chế hàng nhập khẩu, góp phần làm giảm áp lực cạnh tranh cho các hàng hóa trong nước trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ nên thực hiện sự bảo hộ này trong một khoảng thời gian nhất định vì khi thực hiện bảo hộ bằng thuế quan vẫn bộc lộ những mặt hạn chế nhất định:

– Thực hiện thuế quan bảo hộ chỉ giúp bảo vệ được hàng hóa trong nước trên thị trường nội địa, không hỗ trợ được các hàng hóa khi thâm nhập vào thị trường của các nước khác. Hàng hóa xuất khẩu muốn nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế thì phải sử dụng các biện pháp khác, không áp dụng được thông qua thuế quan bảo hộ.

– Thực hiện thuế quan bảo hộ đôi khi gây ra tác động tiêu cực khi Nhà nước thực hiện bảo hộ trong một thời gian quá dài, dễ tạo ra tâm lý ý lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên bản thân các doanh nghiệp không tự nâng cao sức cạnh tranh của mình, gây nên tình trạng trì trệ, không phát triển được.

– Trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và kinh tế thế giới, việc các quốc gia thực hiện các cam kết khi gia nhập vào các tổ chức kinh tế quốc tế sẽ phải giảm dần việc áp dụng các loại thuế quan, để tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia có thể thực hiện giao thương tự do. Khi đó, thuế quan bảo hộ giảm dần, việc sử dụng thuế quan bảo hộ là không thể thực hiện được.

2. Tác động của thuế trực thu đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm

Thuế trực thu là loại thuế đánh trực tiếp vào thu nhập của tổ chức kinh tế hoặc của cá nhân. Thuế trực thu điều tiết trực tiếp vào thu nhập hoặc tài sản của người nộp thuế. Đối tượng nộp thuế theo luật quy định đồng nhất với người phải chịu thuế, tức là thuế thu trực tiếp vào thu nhập của người nộp thuế. Về nguyên tắc, loại thuế này có tính đến khả năng của người nộp thuế, người có thu nhập cao hơn thì phải nộp thuế nhiều hơn, còn người có thu nhập thấp hơn thì nộp thuế ít hơn. Thuế trực thu thường bao gồm các sắc thuế điều tiết vào thu nhập của các pháp nhân kinh doanh và các cá nhân. Ở Việt Nam, thuế trực thu bao gồm: thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp,…

Dưới góc độ doanh nghiệp, các sắc thuế trực thu cũng được coi là các yếu tố chi phí nên các doanh nghiệp sẽ thực hiện chuyển gánh nặng thuế này sang cho người tiêu dùng thông qua việc tăng giá bán (nếu được thị trường chấp nhận). Phần thuế trực thu mà thị trường không chấp nhận thì các doanh nghiệp phải chịu, qua đó làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Do đó, việc tăng giảm thuế trực thu của Nhà nước đối với sản phẩm có thể làm tăng giá hoặc giảm giá của sản phẩm và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm đó trên thị trường hoặc làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì vậy, để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, Nhà nước sẽ thực hiện những ưu đãi về thuế trực thu như sau:

– Giảm thuế cho phần thu nhập từ các hoạt động nghiên cứu, triển khai. Điều này sẽ góp phần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu triển khai cho dù nó có nhiều rủi ro. Từ hoạt động này sẽ góp phần tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

– Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng, đầu tư phát triển theo chiều sâu, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường,… Doanh nghiệp sẽ có động lực để không ngừng đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

– Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận để lại để tái đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ.

– Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp thực hiện các hợp đồng sản xuất thử nghiệm, chế tạo công nghệ mới. Khuyến khích các doanh nghiệp chế tạo ra công nghệ mới để có thể nâng cao được năng suất lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao hơn, hạ giá thành sản phẩm. Các doanh nghiệp thực hiện sản xuất thử sản phẩm mới trên quy mô nhỏ để xem phản ứng của thị trường trước khi thực hiện sản xuất trên quy mô lớn, nhằm giảm thiểu rủi ro sẽ nhận được những hỗ trợ về thuế.

– Miễn thuế thu nhập cho các cơ sở đào tạo ngoài công lập đối với dịch vụ dạy học, dạy nghề, đào tạo các kỹ năng cho người lao động… có tác động tích cực khuyến khích mở rộng quy mô đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho nền kinh tế quốc dân, đây là nền tảng để tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp.

– Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Những ưu đãi về thuế đối với các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ góp phần làm giảm giá thành của các sản phẩm này, từ đó hỗ trợ cho việc sản xuất các sản phẩm, giúp giảm chi phí sản xuất kinh doanh.

– Tín dụng thuế: đây là hình thức nhà nước cho phép các doanh nghiệp (hoạt động trong lĩnh vực sản xuất) được giữ lại tiền thuế phải nộp để đầu tư trở lại phát triển sản xuất kinh doanh, là một hình thức Nhà nước cung cấp tín dụng ngầm cho doanh nghiệp để doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất. Tức là, Nhà nước cho doanh nghiệp vay vốn một cách trực tiếp, không cần tài sản thế chấp, không cần phải trả lãi vay, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, giúp doanh nghiệp đầu tư phát triển. Nhà nước sẽ thực hiện thu lại số thuế này qua các kỳ kinh doanh tiếp theo. Phương thức này vừa trực tiếp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp do việc khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, làm tăng năng suất lao động và tăng chất lượng sản phẩm; đồng thời, tạo tiềm lực tài chính giúp doanh nghiệp được hưởng tín dụng thuế đầu tư, giành lợi thế trong cạnh tranh.

– Thực hiện khấu hao nhanh tài sản cố định: đây thực chất là một hình thức doanh nghiệp thực hiện hoãn thuế để nhanh đổi mới máy móc, thiết bị và công nghệ. Khi thực hiện khấu hao nhanh tài sản cố định thì số tiền khấu hao tài sản cố định sẽ tập trung vào những năm đầu và giảm dần vào những năm sau, trong khi những năm đầu doanh nghiệp thường được hưởng ưu đãi thuế nên số thuế phải nộp vào những năm đầu sẽ thấp hơn những năm sau và tăng lên ở những năm tiếp theo so với phương pháp khấu hao thông thường. Số chênh lệch nộp ít hơn được coi như phần Nhà nước cho phép chậm nộp vào những năm sau, vì vậy doanh nghiệp sẽ tập trung được số tiền khấu hao lớn hơn ở những năm đầu để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ có được nguồn vốn để thực hiện đổi mới nhanh thiết bị, công nghệ và làm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như sản phẩm.

Tham khảo thêm

Hà Thị Liên (2019). Sử dụng công cụ tài chính vĩ mô nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng may mặc xuất khẩu Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Tài chính, Hà Nội.

Share.