Tiếp theo các bài viết về chủ đề phát triển đội ngũ giáo viên trung học phổ thông theo quan điểm nhà trường hiệu quả như: 7 nội dung đảm bảo phát triển; 5 định hướng phát triển. Theo yêu cầu của bạn đọc, Hoa tiêu tri thức tiếp tục cung cấp thông tin về các yếu ảnh hưởng đến phát triển đội ngũ giáo viên trung học phổ thông theo quan điểm nhà trường hiệu quả. Bao gồm 6 yếu tố dưới đây:

1. Xu hướng toàn cầu hóa, quốc tế hóa và yêu cầu đổi mới giáo dục

Toàn cầu hóa được hiểu như một quá trình liên kết quốc tế ngày càng tăng trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội… và diễn ra ở các cấp độ cá nhân, xã hội, các tổ chức và các nhà nước.

Đối với nước ta phát triển nguồn nhân lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tham gia tích cực vào phân công lao động quốc tế, gia nhập các tổ chức kinh tế khu vực và thế giới đang là nhu cầu hết sức cấp bách, đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực phải có những thay đổi mang tính đột phá, tăng tốc.

Tham gia vào quá trình toàn cầu hóa đang đặt ra cho lao động nước ta không những nâng cao khả năng cạnh tranh về trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề mà còn các phẩm chất khác như: ngoại ngữ, tác phong và văn hóa ứng xử công nghiệp hiện đại, tinh thần chấp hành kỷ luật lao động và kỹ thuật công nghệ, hiểu biết pháp luật…

Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta đã đánh giá cao vai trò của giáo dục và đào tạo và đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy vai trò của giáo dục đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt Nghị quyết 29 [2] về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện nay được xem là khâu đột phá nhằm phát triển giáo dục phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây cũng là định hướng và là nhân tố cơ bản có tác động và ảnh hưởng tích cực đến đội ngũ giáo viên trung học phổ thông hiện nay.

2. Sự phát triển của kinh tế tri thức

Xã hội tri thức được dùng chỉ một xã hội hiện đại, với đặc trưng là không chỉ xác định bởi dòng chảy thông tin và sự xâm nhập của công nghệ mà được xác định bằng cách thu nhận các giá trị không phải bằng và từ máy móc hay lao động thủ công mà từ các hoạt động trí óc và sự khéo léo của con người.

Một tổ chức có thể giàu thông tin nhưng nếu không có kĩ năng và những cơ chế để phân tích, ứng dụng, đánh giá và chia sẻ những thông tin đó thì sẽ nghèo kiến thức. Để dạy học được phát triển trong một xã hội trí thức thì người giáo viên không chỉ có việc thực hành các kĩ năng nhận thức cao mà còn phải thực hiện chúng một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt và sáng tạo. Người giáo viên trong một xã hội tri thức phải là người giải quyết vấn đề tài giỏi, sử dụng phương pháp điều tra, phân tích và thích ứng để tối đa hóa hiểu biết về sự thông hiểu của học sinh, đồng thời nuôi dưỡng ý thức liên tục tự học và tự đổi mới.

3. Sự liên kết và cạnh tranh trong đào tạo

Trong xu thế hội nhập, vấn đề liên kết và cạnh tranh trong giáo dục và đào tạo được đặt ra như một tất yếu, nhất là ở giáo dục đại học. Điều đó, cũng được đặt ra ở các cấp học, cơ sở giáo dục phổ thông.

Liên kết trong đào tạo ngày nay không chỉ ở các trường đại học mà ngay cả các trường trung học phổ thông. Cần sử dụng chất xám, phát huy hiệu quả giảng dạy của các giáo viên dạy giỏi.

Giáo dục trung học phổ thông thực tế có sự cạnh tranh giữa các trường trung học, giữa các lãnh đạo, quản lý, giữa giáo viên và học sinh trong nhà trường; cạnh tranh ở các kết quả kì thi học sinh giỏi, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi giáo viên giỏi, thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

4. Khả năng cạnh tranh về nghề nghiệp, việc làm

Các cơ sở đào tạo còn quan tâm đến việc làm của người học sau khi tốt nghiệp. Điều đó ảnh hưởng bởi chất lượng đào tạo, thương hiệu đào tạo.

Các trường đại học đang quan tâm đến cơ hội, việc làm cho việc đào tạo sinh viên. Các sản phẩm đào tạo được các cơ sở sử dụng, cộng đồng, xã hội quan tâm đánh giá. Cạnh tranh nghề nghiệp, việc làm đòi hỏi sinh viên phải được đào tạo thành con người có năng lực thực sự, thích ứng nhanh với yêu cầu xã hội và đáp ứng được các đòi hỏi của xã hội.

5. Sự đáp ứng về kinh tế – xã hội của các vùng miền

Đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội nói chung và sự đáp ứng các yêu cầu về sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương đang được đặt ra đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo. Do yêu cầu về sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền có ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ giáo viên. Mạng lưới các trường học được quy hoạch phát triển nhằm đáp ứng theo sự đòi hỏi của vùng miền, địa phương. Đảng và Nhà nước đã có các chủ trương, giải pháp để phát triển nguồn nhân lực phù hợp với vùng miền để tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương.

6. Những yếu tố quản lý

Những yếu tố thuộc về quản lý Nhà nước thể hiện qua các chiến lược, kế hoạch, chính sách, đề án, dự án, chương trình liên quan đến giáo dục nói chung và phát triển giáo dục nói riêng; Những yếu tố thuộc về quản lý nhà trường thể hiện qua tầm nhìn, năng lực, phẩm chất, trình độ, niềm đam mê nghề nghiệp của cán bộ; sự đoàn kết, đồng thuận trong tập thể nhà trường; Những yếu tố thuộc về quản lý đào tạo giáo viên; chất lượng đào tạo, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo…

Tham khảo:

1. Nguyễn Tiến Dũng (2015). Phát triển đội ngũ giáo viên trường trung học phổ thông theo quan điểm nhà trường hiệu quả.

2. Nghị quyết số 29-NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ban hành ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương.

Share.