Ảnh hưởng đến sự luân chuyển dòng vốn nước ngoài có rất nhiều nhân tố, nhưng chủ yếu liên quan đến mức độ rủi ro cũng như những đánh đổi của nền kinh tế. Các nhân tố này thường được phân loại theo yếu tố chu kỳ và yếu tố cơ cấu dựa trên các tác động kéo và đẩy. Trong đó các nhân tố đẩy dòng vốn nước ngoài (push factors) thường liên quan đến các yếu tố toàn cầu, nằm bên ngoài quốc gia nhận vốn chẳng hạn như lãi suất thế giới và rủi ro toàn cầu trong khi đó các nhân tố kéo dòng vốn nước ngoài (pull factors) thường liên quan đến việc thu hút đầu tư, và các yếu tố bên trong của nước nhận dòng vốn.

1. Các nhân tố đẩy đối với sự luân chuyển của các dòng vốn

Chênh lệch lãi suất: được xem như là một yếu tố quyết định quan trọng đến sự luân chuyển của các dòng vốn. Trong trường hợp lãi suất của Hoa Kỳ hoặc lãi suất thế giới thấp sẽ khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm các cơ hội đầu tư ở các nền kinh tế khác. Nghiên cứu của Singh (2009) cho thấy mối quan hệ tương quan cao giữa các khoản vay nợ nước ngoài với sự khác biệt lãi suất. Theo đó, các khoản vay nợ nước ngoài chịu ảnh hưởng của các yếu tố như hoạt động kinh tế thực, sự khác biệt lãi suất và các điều kiện về tín dụng của thị trường nội địa [1].

Tăng trưởng tiềm năng: Tương tự như lãi suất, khi tăng trưởng tiềm năng ở các nước phát triển đạt mức thấp thì các dòng vốn nước ngoài sẽ đổ vào các nước có mức tăng trưởng tiềm năng cao hơn để tìm kiếm cơ hội đầu tư và lợi nhuận.

Rủi ro khủng hoảng toàn cầu: Mục đích của sự luân chuyển dòng vốn là nhằm tìm kiếm lợi nhuận ở những quốc gia khác, do vậy rủi ro khủng hoảng toàn cầu sẽ khiến cho môi trường kinh doanh cũng như cơ hội gia tăng lợi nhuận bị ảnh hưởng. Điều này sẽ tác động đến dòng luân chuyển vốn. Trong bối cảnh rủi ro khủng hoảng thấp, các dòng vốn có xu hướng chảy vào các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển mạnh hơn. Ngược lại, khi khủng hoảng có khả năng xảy ra, thường xuất hiện rủi ro đảo chiều các dòng vốn, đặc biệt là các dòng vốn gián tiếp. Trong trường hợp này, dòng vốn lại có xu hướng chảy về các nước phát triển hoặc các nước đang phát triển nhưng có điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn,

2. Các nhân tố kéo đối với sự luân chuyển dòng vốn

Nếu như các yếu tố đẩy là các yếu tố bên ngoài quốc gia tiếp nhận dòng vốn, nên có thể xem là các yếu tố khách quan từ môi trường bên ngoài thì các yếu tố kéo lại là các yếu tố chủ quan của từng quốc gia. Nhân tố kéo chủ yếu phát sinh từ các chính sách cũng như các điều kiện kinh tế cụ thể của từng quốc gia, cụ thể như lãi suất nội địa cao, giá cả hàng hóa cao, lạm phát thấp sẽ là những yếu tố khiến cho môi trường nội địa trở nên hấp dẫn hơn đối với các dòng vốn nước ngoài và ngược lại. Ngoài ra, theo một số nghiên cứu (Levy-Yeyati, Panizza, and Stein, 2007; IMF, 2007; World Bank, 2009) các nhân tố kéo như quy mô thị trường, chất lượng các tổ chức, sự ổn định kinh tế, độ mở cửa thương mại và tăng trưởng tiềm năng, môi trường đầu tư đã được chứng minh là các nhân tố giúp thu hút đầu tư nước ngoài.

Bảng một số nhân tố ảnh hưởng tới dòng vốn ở các nước mới nổi

Nguồn: IMF, http://www.imf.org/external/np/pp/eng/2011/021411a.pdf

Mức độ tự do hóa tài khoản vốn cũng là một trong những nhân tố quan trọng đối với sự luân chuyển dòng vốn. Tự do hóa tài khoản vốn là việc tiến hành chuyển đổi tự do các tài sản tài chính trong nước thành tài sản tài chính ở nước ngoài và ngược lại theo tỷ giá hối đoái tự do do thị trường quy định. Tự do hóa tài khoản vốn làm cho các dòng vốn tự do luân chuyển qua biên giới các quốc gia, giúp nền kinh tế trong nước trở nên linh hoạt hơn, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới. IMF [2] khuyến nghị, lộ trình tự do hóa tài khoản vốn cần phải được thực hiện từng bước. Theo đó, bắt đầu từ việc tự do hóa các dòng vốn FDI vào; tiếp theo là tự do hóa các dòng vốn FDI ra nước ngoài và các dòng vốn dài hạn khác cùng với một số hạn chế các dòng vốn ngắn hạn; sau đó lộ trình tự do hóa có thể tiến hành sâu hơn. Đồng thời với việc tự do hóa tài khoản vốn, IMF cũng khuyến nghị tăng cường cải cách trong nước nhằm tránh được những xáo trộn đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô bao gồm: Xem xét lại khuôn khổ chính sách pháp luật; Cải thiện hệ thống kế toán và thống kê; Tăng cường các thỏa thuận thanh khoản hệ thống và các hoạt động tiền tệ, tỷ giá có liên quan; Tăng cường kỷ luật và giám sát thận trọng, quản lý rủi ro; Tái cấu trúc khu vực tài chính và khu vực doanh nghiệp; Phát triển thị trường vốn, bao gồm cả các quỹ hưu trí…

Nguyễn Thị Hải Thu (2017)

Nguồn trích dẫn trong bài:

1. Raju Jan Singh (2009), “Determinants and Macroeconomic Impact of Remittances in Sub-Saharan Africa”, IMF Working Paper.

2. IMF (2012), “The Liberalization and Management of Capital Flows: An Institutional View”, Working Paper.

Share.