Trong quá trình hiện đại hóa nền giáo dục, các nước trên thế giới đều rất chú trọng đến công tác phát triển giáo viên. Hoa tiêu tri thức giới thiệu một số kinh nghiệm quốc tế về công tác phát triển giáo viên trung học phổ thông ở ba nước: Trung Quốc, Philippin và Nhật Bản.

Trung Quốc

Những người làm chính sách giáo dục ở Trung Quốc nhận thức: “Giáo dục là công trình nền tảng của sự tồn tại và phát triển xã hội. Muốn xã hội tồn tại và phát triển phải coi trọng giáo dục. Coi trọng sự phát triển của giáo dục có nghĩa là coi trọng giáo viên – “Công trình sư” của công trình giáo dục vĩ đại của xã hội loài người”.

Những cấp quản lý của giáo dục Trung Quốc có sự kiến giải đúng đắn rằng: Cho dù hiện nay nhiều nước nhấn mạnh đến việc coi học sinh là chủ thể của quá trình giáo dục và dạy học, nhưng không thể phủ nhận rằng học sinh chính là do giáo viên giáo dục nên. Nếu không có vai trò chủ thể của giáo viên thì sự phát triển của học sinh sẽ chỉ là lời nói suông. Bất kì một cuộc cải cách giáo dục nào do nhà nước hay do nhà trường tiến hành, cuối cùng đều phải thể hiện trong quá trình giáo dục, dạy học của giáo viên. Cải cách giáo dục tuy thường xuất phát từ các tác động bên ngoài nhưng để thực hiện triển khai cải cách thì phải bắt buộc từ nội bộ của giáo dục. Cải cách giáo dục phải dựa vào sự thúc đẩy của chính sách, hơn nữa phải dựa vào sự tham gia tích cực của giáo viên. Nếu không có giáo viên được đào tạo tốt và không có hành động tích cực của giáo viên thì không cuộc cải cách nào có thể đạt được mục tiêu dự kiến [2].

Năm 1999, bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành văn bản “Một số ý kiến về việc điều chỉnh cơ cấu các trường sư phạm” chỉ rõ việc tiếp tục xây dựng các trường sư phạm độc lập, mở rộng kênh tạo nguồn giáo viên tiểu học, trung học, khuyến khích các trường Đại học tổng hợp trình độ cao tham gia đào tạo giáo viên tiểu học, trung học.

Quá độ chuyển từ sư phạm ba cấp sang sư phạm hai cấp

Khác với các nước phương Tây, việc quản lý không phân thành quản lý hành chính dựa vào quyền hành của Bộ trưởng và quản lý học thuật dựa vào uy tín của các nhà khoa học mà cần quản lý theo hai phương diện: Đảng và chính quyền. Đảng Cộng sản Trung Quốc là đảng cầm quyền nên việc giải quyết trường học phải do tổ chức Đảng lãnh đạo. Nhưng Đảng lãnh đạo không có nghĩa là làm thay công tác quản lý hành chính, vì vậy phải xây dựng hệ thống hành chính do Hiệu trưởng đứng đầu, thực hiện chế độ trách nhiệm Hiệu trưởng và chế độ tuyển dụng giáo viên. Hiệu trưởng có quyền căn cứ vào biên chế và nguyên tắc tuyển dụng để tuyển và bố trí giáo viên theo vị trí giảng dạy, chức trách và nhân viên thuộc phạm vi, quyền hạn của nhà trường [2].

Nhật Bản

Nhật Bản là nước phát triển. Mô hình trường sư phạm có tính hiện đại được thành lập tháng 5/1872 tại Tokyo. Một chuyên gia tư vấn từ Mỹ trong lĩnh vực đào tạo giáo viên đã được mời tới Nhật Bản và từ đó giảng dạy tại Nhật Bản.

Nói chung giáo dục Nhật Bản chịu ảnh hưởng từ Mỹ, sử dụng Mỹ như một hình mẫu, tuy nhiên tính dân tộc rất được chú ý đề cao.

Dạy học được hiểu như một nghề góp phần phát triển tâm hồn, tính cách của trò và có sự kỳ vọng rất lớn rằng người giáo viên sẽ được trang bị một ý thức cao về nhân phẩm và thái độ nghiêm túc của con người. Nghề thầy giáo được xã hội, nhân dân coi là một nghề cao quý nhất.

Các giáo viên trung học phổ thông được đào tạo bởi hai nguồn. Một nguồn từ các trường “Đại học giáo viên” (giống như ta được gọi là các trường Đại học sư phạm), và một nguồn từ các “Chương trình chứng nhận giáo viên” (TCP), tức là các Tổ

chức không đào tạo sư phạm truyền thống, nhưng lại trang bị thêm cho họ nghiệp vụ chuyên môn sư phạm để sau khi kết thúc khóa học đại học, họ có thể thi tuyển thành giáo viên.

TCP là chương trình trọng điểm để cho ra đời những giáo viên ở mọi cấp, các loại hình giáo dục và môn học. TCP hoạt động có quy củ, các khóa học ngắn ngày được kiểm định chất lượng một cách chặt chẽ [2].

Philippin

Philippin là nước trong khối ASEAN, kinh nghiệm của họ có thể cung cấp cho ta những điều bổ ích trong cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.

Theo tiến sĩ Luccile. Gregorio trình bày tại Dự án giáo viên trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì tại nước này đã áp dụng các mô hình đào tạo giáo viên sau:

(i) Mô hình đào tạo phân tầng;

(ii) Mô hình đào tạo theo cụm;

(iii) Mô hình đào tạo tại trường phổ thông;

(iv) Thực hiện các lớp chuyên đề, bồi dưỡng cập nhật.

Mô hình đào tạo tại trường phổ thông là một kinh nghiệm tốt cho ta. Họ tuyển các em tốt nghiệp tú tài, có lòng yêu nghề dạy học cho học năm đầu tại trường sư phạm, sau đó gửi về trường phổ thông, chọn giáo viên phổ thông giỏi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, còn trường sư phạm tiếp tục nâng cao học vấn đại học cho số này.

Như vậy, các sinh viên này sẽ vừa học vừa làm, vừa làm vừa học để có bằng cử nhân sư phạm, khi ra khỏi trường sư phạm đã có thể làm việc ngay không bỡ ngỡ với đời sống ở phổ thông [26].

Tham khảo:

[1] Nguyễn Tiến Dũng (2015). Phát triển đội ngũ giáo viên trường trung học phổ thông theo quan điểm nhà trường hiệu quả.

[2] Dự án phát triển giáo viên trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp (2009), Mô hình đào tạo giáo viên trung học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Share.