Ở bài viết trước, Hoa tiêu tri thức đã đề cập đến Định hướng phát triển trường Trung học phổ thông Việt Nam theo quan điểm nhà trường hiệu quả, trong bài viết này sẽ phân tích 5 định hướng chủ yếu để phát triển đội ngũ giáo viên Trung học phổ thông theo quan điểm nhà trường hiệu quả.

 1. Trong nhà trường hiệu quả giáo viên trước hết phải nhà giáo dục

Năng lực hay năng lực thực hiện có nguồn gốc và được điều phối bởi phẩm chất, hệ giá trị, niềm tin … của mỗi cá nhân (xem mô hình tảng băng trôi của C. McClelland “Iceberd model”, 1973). Để rèn luyện năng lực cho học sinh, trước hết giáo viên phải hình thành trong mỗi học sinh hệ giá trị, niềm tin, những phẩm chất công dân, hoài bão vươn lên trong cuộc sống…để từ đó các em có ý chí, nghị lực tự học, tự rèn luyện những năng lực cần có trong cuộc sống lao động lâu dài của mình. Người giáo viên trong nhà trường hiệu quả phải biết tạo không khí kì vọng, luôn tin tưởng và chứng minh rằng tất cả học sinh đều có thể đạt được những kiến thức, kĩ năng cơ bản của chương trình giáo dục và họ có khả năng giúp học sinh làm được điều đó. Mọi học sinh đều có quyền bình đẳng và được đảm bảo yên tâm học tập.

2. Trong nhà trường hiệu quả giáo viên phải là nhà thiết kế sáng tạo, đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh

Dạy học không còn là sự truyền đạt kiến thức một chiều, mà là một chuỗi các hoạt động đa dạng, phong phú, phù hợp với tri thức cần chiếm lĩnh, tương thích với những năng lực cần rèn luyện. Giáo viên phải căn cứ vào yêu cầu của môn học, bài học, căn cứ những năng lực cần có và đặc biệt căn cứ

đối tượng học sinh cụ thể, thiết kế các hoạt động phù hợp rồi tổ chức để học sinh thực hiện. Người giáo viên trong nhà trường hiệu quả còn phải biết đánh giá, phân loại từng đối tượng học sinh để giáo dục cá thể; tận dụng mọi cơ hội thông qua dạy chữ để dạy người, chú trọng trau dồi kỹ năng sống cho học sinh; khuyến khích học sinh ham hiểu biết và nuôi dưỡng cho học sinh khả năng tự giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Đây là vai trò rất mới của giáo viên trong nhà trường hiệu quả.

3. Trong nhà trường hiệu quả giáo viên phải người biết tự học suốt đời

Trong kỉ nguyên thông tin khi kho tàng kiến thức nhân loại tăng theo cấp số nhân, khi khoa học công nghệ có những bước tiến khổng lồ giáo viên phải có vai trò mới, phức tạp hơn nhiều. Đó là thích ứng với công nghệ mới, môi trường dạy học mới, cách học mới… Một biện pháp duy nhất để làm việc đó là học tập suốt đời.

4. Trong nhà trường hiệu quả giáo viên phải là nhà quản lí

Với nhà trường hiệu quả, giáo viên chính là nhà quản lý, họ là người có ảnh hưởng và quyết định đến hoạt động trên lớp, cũng như các hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh, họ thực hiện các chức năng quản lý từ lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, lãnh đạo đến kiểm tra đánh giá mọi hoạt động giáo dục trong khuôn khổ được ủy quyền, giáo viên cũng phải thuần thục các kỹ năng quản lý như: kỹ năng nhận thức một cách khái quát hóa, có hệ thống, kỹ năng quan hệ, giao tiếp truyền thông: quản lý quan hệ giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh, giáo viên với phụ huynh, học sinh với học sinh, học sinh với cộng đồng, với xã hội; và kỹ năng cơ bản của người quản lý giáo dục đó là kỹ năng chuyên môn về sư phạm, giáo dục học sinh… Vai trò của người giáo viên trong thời đại mới phải là người chủ động quản lý toàn bộ chương trình, bài giảng, CSVC, không gian lớp học, thiết bị dạy học và toàn quyền trong việc tổ chức giờ dạy chính khóa, ngoại khóa…thông qua thể hiện nhiều năng lực, kỹ năng quản lý, lãnh đạo đạt hiệu quả cao…

5. Trong nhà trường hiệu quả giáo viên phải là nhà văn hóa, hoạt động cộng đồng

Người giáo viên tham gia các hoạt động chính trị, xã hội trong trường và của địa phương. Phối hợp cộng tác chặt chẽ với gia đình và cộng đồng trong hỗ trợ, giám sát việc học tập, rèn luyện, hướng nghiệp của học sinh. Xây dựng được chương trình kế hoạch cụ thể trong việc huy động các nguồn lực cộng đồng phát triển nhà trường, liên kết các lực lượng xã hội trong giáo dục.

Như vậy, để phát triển đội ngũ giáo viên trường Trung học phổ thông theo quan điểm và phù hợp với điều kiện của Nhà trường hiệu quả Việt Nam, người giáo viên trong nhà trường hiệu quả cần có các tiêu chuẩn sau:

Tiêu chuẩn 1. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; Tiêu chuẩn 2. Năng lực giao tiếp ứng xử sư phạm;

Tiêu chuẩn 3. Năng lực tìm hiểu nội dung, chương trình môn học; Tiêu chuẩn 4. Năng lực tìm hiểu đối tượng học sinh;

Tiêu chuẩn 5. Năng lực nghiên cứu bối cảnh dạy học;

Tiêu chuẩn 6. Năng lực xây dựng kế hoạch dạy học môn học, kế hoạch bài dạy (giáo án);

Tiêu chuẩn 7. Năng lực làm việc;

Tiêu chuẩn 8. Năng lực tổ chức dạy học trên lớp; Tiêu chuẩn 9. Năng lực tổ chức hoạt động giáo dục;

Tiêu chuẩn 10. Năng lực thực hiện kiểm tra đánh giá trong suốt quá trình dạy học;

Tiêu chuẩn 11. Năng lực phát triển nghề nghiệp, tự học suốt đời; Tiêu chuẩn 12. Năng lực quản lí và lãnh đạo.

Share.