Bài viết phân tích khái niệm tốc độ tăng trưởng kinh tế dưới góc độ số lượng và chất lượng và vấn đề đo lường tốc độ tăng trưởng kinh tế.

1.1. Khái niệm tốc độ tăng trưởng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế (TTKT) được xem xét dưới góc độ số lượng và chất lượng. Mặt số lượng của TTKT thể hiện ở ngay trong khái niệm về tăng trưởng như đã phân tích ở trên và được phản ánh thông qua các chỉ tiêu đánh giá quy mô và tốc độ tăng trưởng thu nhập. Đứng trên góc độ toàn nền kinh tế, thu nhập thường được thể hiện dưới dạng giá trị: Tổng giá trị thu nhập hoặc thu nhập bình quân đầu người. Các chỉ tiêu giá trị phản ánh tăng trưởng theo hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) bao gồm: Tổng giá trị sản xuất (GO); tổng sản phẩm quốc nội (GDP); tổng thu nhập quốc dân (GNI); thu nhập quốc dân (NI); thu nhập được quyền chi (GDI); trong đó GDP thường là chỉ tiêu quan trọng nhất [Nguyễn Văn Nam và Trần Thọ Đạt (2006)]. Mặt lượng của TTKT thể hiện cụ thể ở quy mô (mức) và tốc độ tăng trưởng của các chỉ tiêu giá trị nói trên. Trong phân tích kinh tế, để phản ánh tốc độ mở rộng quy mô của nền kinh tế, khái niệm tốc độ TTKT thường được dùng, đó là tỉ lệ phần trăm giữa sản lượng tăng thêm của thời kỳ nghiên cứu so với mức sản lượng của thời kỳ trước đó hoặc thời kỳ gốc.

1.2. Đo lường tốc độ tăng trưởng kinh tế

+ Tổng giá trị sản xuất (GO): Là tổng giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ được tạo ra trên phạm vi lãnh thổ của một quốc gia trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm). Đây chính là tổng doanh thu bán hàng thu được từ các đơn vị, các ngành trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, hoặc tổng giá trị sản xuất có thể tính trực tiếp từ sản xuất và dịch vụ gồm chi phí trung gian (IC) và giá trị gia tăng (VA) từ sản phẩm vật chất và dịch vụ đó trong nền kinh tế quốc dân [2].

+ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tổng sản phẩm quốc dân (GNP): Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đo lường tổng giá trị của các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia trong trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm). Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) là chỉ tiêu đo lường tổng giá trị bằng tiền của các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng mà một quốc gia sản xuất ra trong một thời kỳ (thường là một năm) bằng các yếu tố sản xuất của mình.

Như vây, GDP là thu nhập tạo thêm từ tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, cho dù chủ thể sản xuất kinh doanh là người nước ngoài hay người trong nước. Muốn xem xét thu nhập thuộc sở hữu trong nước (GNP) thì phải lấy GDP trừ đi thu nhập trả cho người nước ngoài, đồng thời cộng thêm vào thu nhập của người trong nước nhận được từ đầu tư ra nước ngoài.

+ Tổng thu nhập quốc dân (GNI): Là chỉ tiêu xuất hiện trong SNA năm 1993 thay cho chỉ tiêu GNP trong SNA năm 1968. Về nội dung thì GNP và GNI là như nhau. tuy nhiên, GNI tiếp cận dưới góc độ từ thu nhập chứ không phải dưới góc độ sản phẩm sản xuất ra như GNP.

+ Thu nhập bình quân đầu người: Để đánh giá chính xác hơn tốc độ TTKT của một quốc gia dưới góc độ mức sống dân cư và so sánh mức sống giữa các nước, cần sử dụng các chỉ tiêu bình quân đầu người, chẳng hạn như GDP bình quân đầu người (hay GNI bình quân đầu người). Khi đó, tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người phụ thuộc hai yếu tố: Tốc độ tăng trưởng thu nhập (sản lượng) và tốc độ tăng trưởng dân số theo quan hệ sau:

Tốc độ TT GDP/người = Tốc độ TT GDP – Tốc độ gia tăng dân số

Nếu tốc độ tăng trưởng GDP bằng hoặc thấp hơn tốc độ tăng trưởng dân số thì điều đó có nghĩa là không có sự gia tăng của tăng trưởng tính trên bình quân đầu người. Chỉ khi một nền kinh tế có gia tăng GDP lớn hơn so với tăng trưởng dân số thì nền kinh tế đó mới có tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người, hay nói cách khác người dân của nước đó mới có sự tăng trưởng về thu nhập [2].

Tham khảo thêm

  1. Đặng Thành Chung (2020). Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Thái Lan và Malaysia sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu và bài học cho Việt Nam. Luận án tiến sĩ Kinh tế (Chuyên ngành Kinh tế Quốc tế). Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Hà Nội.
  2. Trần Thọ Đạt (2005), Sách chuyên khảo các mô hình tăng trưởng kinh tế, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
Share.