Bài viết phân tích khác khái niệm liên quan đến tăng trưởng kinh tế, mô hình và phân loại tăng trưởng kinh tế.

1. Tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế và phát triển bền vững

1.1.  Khái niệm Tăng trưởng kinh tế:

Tăng trưởng kinh tế (TTKT) có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, liên quan đến sự thịnh suy của một quốc gia. Chính phủ nước nào cũng ưu tiên các nguồn lực của mình cho TTKT, coi đó là cái gốc, là nền tảng để giải quyết mọi vấn đề khác, đặc biệt là các vấn đề xã hội như: Tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống của người dân, tăng cường phúc lợi xã hội, xóa đói – giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội…

Khái niệm tăng trưởng kinh tế được nhiều tác giả đề cập với nhiều cách khác nhau, song hầu hết đều thống nhất ở định nghĩa chung nhất về TTKT như sau: “TTKT là sự gia tăng thu nhập thực tế hay sự gia tăng về qui mô sản lượng của toàn bộ nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một năm)” [2], [3], [4], [5], [6]. Như vậy, TTKT là khái niệm diễn tả động thái biến đổi về số lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của toàn bộ nền kinh tế theo thời gian.

Sự “gia tăng thu nhập” của nền kinh tế được thể hiện ở quy mô và tốc độ tăng trưởng của thu nhập đó. Thu nhập của nền kinh tế có thể biểu hiện dưới dạng hiện vật hoặc giá trị. Thu nhập bằng giá trị phản ánh qua các chỉ tiêu GDP, GNI và được tính cho toàn bộ nền kinh tế hoặc tính bình quân trên đầu người. Quy mô tăng trưởng phản ánh sự gia tăng nhiều hay ít, còn tốc độ tăng trưởng được sử dụng với ý nghĩa so sánh tương đối và phản ánh sự gia tăng nhanh hay chậm giữa các thời kỳ [7]. Trong phân tích kinh tế, để phản ánh tốc độ mở rộng quy mô của nền kinh tế, khái niệm tốc độ TTKT thường được sử dụng. Đây là tỉ lệ phần trăm giữa sản lượng tăng thêm của thời kỳ nghiên cứu so với mức sản lượng của thời kỳ trước đó hoặc thời kỳ gốc. Do đó, TTKT có thể biểu thị bằng số tuyệt đối (quy mô tăng trưởng) hoặc số tương đối (tỉ lệ tăng trưởng).

Như vậy, nội hàm của TTKT được thể hiện thông qua sự thay đổi về lượng của nền kinh tế. Quá trình ấy phải được tạo nên bởi các nhân tố đóng vai trò quyết định là tri thức và khoa học công nghệ trong điều kiện một cơ cấu kinh tế hợp lý.

1.2. Khái niệm phát triển kinh tế:

Tăng trưởng và phát triển kinh tế là thước đo chủ yếu về sự tiến bộ của mỗi quốc gia trong các thời kỳ. Suy cho cùng, mọi quốc gia đều phấn đấu vì mục tiêu phát triển, và trải qua thời gian, khái niệm về phát triển ngày càng đi đến thống nhất. Phát triển kinh tế được hiểu là quá trình gia tăng và tiến bộ về mọi mặt, mọi phương diện của nền kinh tế. Phát triển kinh tế được xem như là quá trình biến đổi cả về lượng và chất, nó là sự kết hợp một cách chặt chẽ quá trình hoàn thiện trên cả phương diện kinh tế, xã hội và môi trường ở mỗi quốc gia, nó phải là một quá trình lâu dài và do các nhân tố nội tại của nền kinh tế quyết định.

Có thể nói một cách khái quát: “Phát triển kinh tế là quá trình tăng tiến của nền kinh tế trên các mặt, bao gồm cả sự tăng thêm về quy mô sản lượng, tiến bộ về cơ cấu kinh tế – xã hội. Đó là sự tiến bộ, thịnh vượng và cuộc sống tốt đẹp hơn” [6; tr.13].

Nội dung của phát triển kinh tế có thể được khái quát theo ba tiêu thức:

(1) Sự gia tăng tổng mức thu nhập của nền kinh tế và mức gia tăng thu nhập bình quân trên đầu người. Tiêu thức này thể hiện quá trình biến đổi về lượng của nền kinh tế, là điều kiện cần để thực hiện những mục tiêu khác của phát triển;

(2) Sự chuyển dịch theo đúng xu thế của cơ cấu nền kinh tế. Đây được coi là tiêu thức phản ánh sự biến đổi về chất của nền kinh tế của một quốc gia. Sự chuyển dịch cơ cấu ngành trong một nền kinh tế thường được sử dụng để phân biệt các giai đoạn phát triển kinh tế hay so sánh trình độ phát triển kinh tế giữa các quốc gia với nhau;

(3) Sự cải thiện ngày càng tốt hơn trong các chỉ tiêu về xã hội. Mục tiêu cuối cùng của phát triển kinh tế đối với các quốc gia là việc xóa bỏ đói nghèo, suy dinh dưỡng, sự gia tăng của tuổi thọ bình quân, khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, nước sạch, trình độ dân trí của người dân… [6; tr.15]. Việc cải thiện các tiêu chí nêu trên là sự thay đổi về chất trong khía cạnh xã hội của quá trình phát triển.

Giữa TTKT và phát triển kinh tế có mối quan hệ tác động qua lại với nhau. Tăng trưởng chưa phải là phát triển nhưng không thể nói phát triển mà không có tăng trưởng. Tăng trưởng mà không phát triển sẽ dẫn đến thảm họa, ngược lại phát triển mà không tăng trưởng là không tồn tại trong thực tế.

1.3. Khái niệm phát triển bền vững:

Mặc dù khái niệm phát triển kinh tế đã đáp ứng được các nhu cầu đặt ra cho sự phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, nhưng thực tiễn quá trình TTKT ở các nước buộc con người phải nhìn nhận lại mục tiêu của sự phát triển. Trong những năm gần đây, nhiều vấn đề toàn cầu cực kỳ phức tạp, nan giải và ngày càng trầm trọng đòi hỏi cả cộng đồng nhân loại phải chung sức giải quyết như: Vấn đề sinh thái, ô nhiễm môi trường, phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng xã hội, tắc nghẽn giao thông, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, khủng bố…. Tác giả Joseph E. Stiglitz – nhà kinh tế học nhận giải Nobel năm 2001 – cũng đã bày tỏ lo ngại rằng: “Kể cả những nước có được một chút tăng trưởng cũng thấy rõ là lợi ích chủ yếu tích tụ trong tay những người giàu và đặc biệt là tầng lớp cực giàu, khoảng 10% giàu nhất, trong khi nghèo đói vẫn hoành hành và thậm chí trong một số trường hợp, thu nhập của những người dưới đáy còn tụt giảm” [8; tr.25].

Vì vậy, một khái niệm mới về phát triển đã ra đời, mang nội hàm phản ánh tổng hợp hơn, toàn diện hơn tất cả các khái niệm về TTKT, phát triển kinh tế…, đó là khái niệm phát triển bền vững. Năm 1987, Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED: World Commission on Environment and Development) đã công bố báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”, trong đó phát triển bền vững được định nghĩa “Là sự phát triển thỏa mãn nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại khả năng thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai” [9].

Cụ thể hơn, phát triển bền vững được hiểu là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, gồm có:

(1) Phát triển kinh tế (nền tảng là TTKT);

(2) Phát triển xã hội (mục tiêu là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm)

(3) Bảo vệ môi trường (mục tiêu là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).

2. Mô hình tăng trưởng kinh tế

Mô hình kinh tế, có thể hiểu là cách thức diễn đạt những con đường, hình thái, nội dung phát triển kinh tế của các quốc gia thông qua các biến số, các nhân tố kinh tế trong quan hệ chặt chẽ với các điều kiện chính trị, xã hội [10]. Các mô hình kinh tế có thể diễn đạt dưới dạng lời văn, biểu đồ, đồ thị hoặc phương trình toán học.

Những mô hình lý thuyết thường cố gắng giải thích TTKT được tạo ra như thế nào từ những yếu tố sản xuất như đất đai, vốn, lao động, công nghệ. Tuy nhiên trên thực tế, khi nói đến MHTT của một quốc gia nào đó người ta còn thấy các yếu tố hay khía cạnh khác ngoài những yếu tố sản xuất nói trên cũng được bao hàm trong MHTT. Đó là những yếu tố như cấu trúc của nền kinh tế, vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, thể chế, khu vực kinh tế nhà nước, chiến lược hướng vào xuất khẩu hay thay thế nhập khẩu; gần đây người ta còn sử dụng cả yếu tố xanh, hàm ý vấn đề môi trường nhằm đạt được sự tăng trưởng bền vững; và nhiều yếu tố khác nữa, chẳng hạn như yếu tố vị trí địa lý cũng được coi là một yếu tố trong MHTT [Khương Duy (2012)].

MHTT (của một nền kinh tế hay quốc gia) là một tập hợp những yếu tố quyết định, hay giải thích TTKT của một nền kinh tế hay một quốc gia. Nó cho biết những yếu tố nào quyết định hay dẫn đến sự tăng trưởng của một nền kinh tế nhất định. Mỗi quốc gia, tùy thuộc vào điều kiện riêng, có một bộ các yếu tố giải thích sự tăng trưởng của mình. Do đó, có sự khác biệt giữa các MHTT giữa các nước.

Như vậy, mô hình TTKT là sự phản ánh khái quát những đặc tính chủ yếu của phương thức TTKT thể hiện các yếu tố tăng trưởng và mối quan hệ tương hỗ giữa chúng với nhau trong từng giai đoạn nhất định. Tác giả Trần Thọ Đạt nêu khái niệm: “Mô hình tăng trưởng kinh tế là cách diễn đạt cơ bản nhất về tăng trưởng kinh tế và các nhân tố tác động đến tăng trưởng (nhân tố kinh tế và phi kinh tế). Ngay từ đầu thế kỷ XX, các MHTTKT đã trở thành công cụ hữu ích, giúp các nhà kinh tế mô tả và lượng hóa các nguồn tăng trưởng của nền kinh tế một cách cụ thể và chính xác” [11, tr.27].

Khái niệm MHTTKT được sử dụng trên thực tế có nội hàm rộng hơn khái niệm trong lý thuyết. Nghĩa là nó bao hàm nhiều yếu tố giải thích tăng trưởng hơn so với những yếu tố được bao hàm trong các mô hình lý thuyết tính toán. Trong phạm vi nghiên cứu của bài viết, khái niệm mô hình tăng trưởng sẽ được dùng theo nghĩa rộng trong thực tế.

Từ sự phân tích nêu trên, có thể khái quát: MHTTKT là sự diễn đạt một cách cơ bản lý thuyết tăng trưởng kinh tế, các yếu tố quyết định tăng trưởng của một nền kinh tế hay một quốc gia và các nhân tố tác động đến tăng trưởng kinh tế trong mối quan hệ với các điều kiện chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường.

3. Phân loại mô hình tăng trưởng kinh tế

MHTTKT có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau:

– Căn cứ vào thời gian (lịch sử) có MHTT cổ điển, MHTT Tân cổ điển, và MHTT hiện đại [5].

– Phân loại theo sự lựa chọn phương thức TTKT dựa vào nội lực hay ngoại lực, MHTTKT được chia thành:

(1) MHTT – chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu, với động lực tăng trưởng là phát triển công nghiệp trong nước, giảm thiểu sự phụ thuộc vào bên ngoài. Qua đó, Nhà nước thực hiện chính sách trợ cấp và sử dụng những biện pháp bảo hộ công nghiệp trong nước, sử dụng rào cản thương mại đối với hàng nhập khẩu…

(2) MHTT – chiến lược công nghiệp hóa hướng vào xuất khẩu dựa trên lợi thế về các nhân tố tạo động lực như nguồn nhân lực, khai thác tài nguyên, thu hút vốn đầu tư… được hỗ trợ bởi cơ chế, chính sách mở cửa, hội nhập, cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Hàn Quốc và nhóm các nền kinh tế “con hổ” châu Á đã khá thành công khi chuyển đổi kịp thời MHTT – chiến lược công nghiệp hóa hướng vào xuất khẩu [12].

– Căn cứ vào cách thức sử dụng yếu tố đầu vào cho tăng trưởng có MHTT theo chiều rộng (tăng về lượng), MHTT theo chiều sâu (chú trọng chất lượng) và MHTT kết hợp chiều rộng với chiều sâu [11], [12], [13].

Mô hình TTKT theo chiều rộng có đặc trưng cơ bản là tăng khối lượng sản xuất nhờ vào tăng trưởng vốn, lao động và tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, là con đường đơn giản nhất để mở rộng sản xuất tạo việc làm, tăng thu nhập… nhưng có nhiều hạn chế: Nền kinh tế trì trệ, NSLĐ thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm…

Mô hình TTKT theo chiều sâu có đặc trưng cơ bản là dựa vào khoa học và công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả, chất lượng của tăng trưởng, như: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng NSLĐ, nâng cao sự đóng góp của TFP, hướng hoạt động của nền kinh tế vào các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng, giảm chi phí sản xuất, chủ động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có dung lượng công nghệ cao trên cơ sở khai thác triệt để các lợi thế của đất nước, thực hiện đồng bộ hóa quá trình khai thác và chế biến sản phẩm.

Trong thực tế, không thể phân biệt rạch ròi tăng trưởng theo chiều rộng và tăng trưởng theo chiều sâu, mà chúng thường được xen kẽ, kết hợp theo một mức độ nào đó. Mô hình kết hợp giữa hai loại hình tăng trưởng này vừa chú ý tới TTKT về mặt lượng và quan trọng hơn là chú trọng nâng cao chất lượng và phối hợp giữa chúng trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế.

Mỗi quốc gia tùy thuộc vào những điều kiện lịch sử cụ thể mà lựa chọn, xây dựng, phát triển kinh tế theo những mô hình riêng, không quốc gia nào hoàn toàn giống với quốc gia nào; đồng thời, qua mỗi giai đoạn phát triển, MHTTKT đã được xây dựng và áp dụng lại cần phải điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh nội tại và quốc tế tác động. Không có một MHTTKT “nhất thành bất biến” cho mọi giai đoạn phát triển.

Tham khảo thêm

  1. Đặng Thành Chung (2020). Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Thái Lan và Malaysia sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu và bài học cho Việt Nam. Luận án tiến sĩ Kinh tế (Chuyên ngành Kinh tế Quốc tế). Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Hà Nội.
  2. Trần Văn Chử (2000),Kinh tế học phát triển, Nhà xuất bản Quốc gia, Hà Nội.
  3. David Begg & Stanley Fischer & Rudiger Dornbusch (1995), Kinh tế học (in lần thứ hai có sửa chữa), Nhà xuất bản Giáo dục và Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  4. Khương Duy (2012), “Mô hình tăng trưởng của Việt Nam: Những chiều cạnh của khái niệm và một số vấn đề”, Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới.
  5. Trần Thọ Đạt (2010), Giáo trình mô hình tăng trưởng kinh tế, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  6. Holger Rogall (2000), Kinh tế học bền vững: Lý thuyết kinh tế và thực tế của phát triển bền vững (bản dịch của tác giả Nguyễn Trung Dũng 2011), Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và công nghệ, Hà Nội.
  7. Phạm Ngọc Linh và Nguyễn Thị Kim Dung (2008), Giáo trình kinh tế phát triển, Nxb. Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  8. Joseph E. Stiglitz và Shahid Yusuf (2002),Suy ngẫm lại sự thần kỳ Đông Á, bản dịch của Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  9. World, Commission on Environment and Development (WCED) (1987), World Commission on Environment and Development: Our common Future.
  10. https://vi.wikipedia.org/wiki/
  11. Trần Thọ Đạt (2005), Sách chuyên khảo các mô hình tăng trưởng kinh tế, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  12. Trung tâm Thông tin tư liệu, CIEM (2012), “Thay đổi mô hình tăng trưởng”, Thông tin chuyên đề.
  13. Trần Bình Trọng (2002), Giáo trình Lịch sử các học thuyết kinh tế, Nxb.Thống kê, Hà Nội.
Share.