1. Tỷ giá hối đoái

Tỷ giá hối đoái là giá cả của đồng tiền này được biểu hiện qua đồng tiền khác. Tỷ giá hối đoái vừa phản ánh quan hệ so sánh về sức mua giữa hai đồng tiền của hai quốc gia khác nhau, vừa biểu hiện của quan hệ cung – cầu ngoại tệ trên thị trường của mỗi quốc gia. Tỷ giá hối đoái chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau như mức giá tương đối của hàng hóa trên thị trường, hàng rào thương mại, thị hiếu tiêu dùng hàng nội hay hàng ngoại của người tiêu dùng, năng suất lao động của doanh nghiệp.

Theo lý thuyết, khi xuất khẩu, tỷ giá hối đoái ảnh hưởng đến mức cầu đối với sản phẩm xuất khẩu trên thị trường thế giới, từ đó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa. Nếu đồng tiền của mỗi nước giảm giá so với đồng tiền của các nước khác thì giá cả hàng hoá xuất khẩu của nước đó trên thị trường thế giới trở nên rẻ hơn so với hàng hoá của các nước khác. Sự giảm giá này giúp cho hàng hoá xuất khẩu của nước đó hấp dẫn các khách hàng trên thế giới, nâng cao được sức cạnh tranh về giá của hàng hóa và làm gia tăng số lượng hàng hoá xuất khẩu của nước đó. Ngoại tệ tăng giá cũng khuyến khích các hoạt động du lịch vào trong nước, do đó, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu dịch vụ tại chỗ, góp phần tăng thu ngoại tệ cho đất nước. Ngược lại, nếu đồng tiền của một nước tăng giá so với đồng tiền của các nước khác thì giá cả hàng hóa của nước đó trở nên đắt đỏ hơn so với hàng hoá xuất khẩu của các nước khác làm giảm khả năng tiêu dùng, giảm sức cạnh tranh về giá và dẫn đến việc hạn chế xuất khẩu hàng hoá của nước đó. Tuy nhiên, những ảnh hưởng còn được xem xét trong ngắn hạn và dài hạn.

Chế độ quản lý tỷ giá có ba hình thức: cố định, thả nổi hoàn toàn và thả nổi có điều tiết. Trong nền kinh tế thị trường, các quốc gia thường thực hiện chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi có điều tiết (linh hoạt). Theo chế độ quản lý tỷ giá có điều tiết, tỷ giá có sự biến động hàng ngày nhưng ngân hàng Trung ương tiến hành can thiệp tích cực trên thị trường ngoại hối bằng cách mua vào hay bán ra ngoại tệ nhằm tác động lên sự biến động của tỷ giá.

Ưu điểm của chế độ quản lý tỷ giá thả nổi có điều tiết là tỷ giá vẫn thay đổi theo biến động của thị trường nhưng tương đối ổn định, theo đó có thể khắc phục được một số nhược điểm của chế độ quản lý tỷ giá thả nổi hoàn toàn. Thông thường, ngân hàng Nhà nước công bố một biên độ dao động tỷ giá cho phép hàng ngày và chỉ can thiệp vào thị trường khi tỷ giá biến động vượt quá biên độ cho phép. Ngân hàng Trung ương đóng vai trò tích cực và chủ động can thiệp để tỷ giá biến động theo hướng có lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, chế độ quản lý tỷ giá thả nổi có điều tiết đặt ra yêu cầu ngân hàng Trung ương phải thường xuyên theo dõi tình hình thị trường và có nguồn dự trữ ngoại tệ để can thiệp khi cần thiết.

Để sử dụng tỷ giá hối đoái như một công cụ tác động đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa, chính phủ các nước sẽ phải lựa chọn áp dụng chế độ quản lý tỷ giá hối đoái phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước.

2. Tác động hối đoái của tỷ giá đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm

Chính sách tỷ giá là một công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của chính phủ nên mục tiêu của chính sách tỷ giá phải phù hợp với mục tiêu của chính sách kinh tế. Nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu nhằm mục tiêu cân bằng cán cân vãng lai cũng là một trong các mục tiêu quan trọng của chính sách tỷ giá. Để thực hiện mục tiêu này, chính sách tỷ giá được thực hiện theo hướng định giá thấp đồng nội tệ (tăng tỷ giá) sẽ có tác dụng thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, từ đó cải thiện tình trạng của cán cân vãng lai từ trạng thái thâm hụt về cân bằng hoặc thặng dư. Ngược lại, chính sách định giá cao đồng nội tệ (giảm tỷ giá) sẽ có tác dụng kìm hãm hoạt động xuất khẩu, tăng nhập khẩu, từ đó điều chỉnh cán cân vãng lai từ trạng thái thặng dư về cân bằng hoặc thâm hụt.

Tỷ giá hối đoái có tác động rõ ràng, nhanh chóng và trực tiếp lên hoạt động xuất nhập khẩu nên cân bằng cán cân vãng lai, nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu được xem là mục tiêu quan trọng của chính phủ các nước. Các công cụ điều tiết của chính sách tỷ giá có thể được áp dụng là:

(1) Phá giá và nâng giá tiền tệ, trong đó, để nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, công cụ được lựa chọn sẽ là phá giá tiền tệ, theo đó, đồng nội tệ sẽ được định giá thấp và tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, tác động của phá giá tiền tệ đến khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu chỉ đạt được khi việc sản xuất hàng xuất khẩu không phải nhập khẩu quá nhiều các yếu tố đầu vào. Ngoài ra, việc thực hiện phá giá cũng cần phải cân nhắc đến vấn đề lạm phát cũng như phản ứng của các nước đối tác.

(2) Công cụ dự trữ ngoại hối: thay đổi về mức tăng hay giảm trong dự trữ ngoại hối của ngân hàng Trung ương, là lượng ngoại tệ mà một quốc gia nắm giữ để cung ứng cho khả năng chi trả quốc tế của quốc gia đó. Theo IMF, dự trữ ngoại tệ của một quốc gia tương đương với 12 tuần nhập khẩu thì quốc gia đó được xem là có đủ khả năng thanh toán quốc tế một cách khá vững chắc.

Về mặt bản chất, dự trữ ngoại hối phản ánh sự chuyển biến của cán cân thanh toán của một quốc gia và được cấu tạo bởi hai nhóm nhân tố cơ bản. Thứ nhất là cán cân vãng lai phản ánh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ của quốc gia với các nước khác trên thế giới; ghi nhận việc chuyển tiền ngắn hạn ra vào đất nước. Thứ hai là cán cân vốn phản ánh các dòng vốn trung và dài hạn của quốc gia như vốn đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, kể cả các khoản vay mượn từ các nước trên thế giới.

Một quốc gia có lượng dự trữ ngoại hối cao sẽ tạo điều kiện cho quốc gia đó duy trì tỷ giá hối đoái ổn định, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, thậm chí có thể can thiệp để làm biến đổi tỷ giá theo hướng có lợi nền kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Hơn nữa, dự trữ ngoại hối tăng sẽ làm tăng niềm tin của doanh nghiệp để đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

(3) Các công cụ điều tiết gián tiếp như lãi suất tái chiết khấu, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thuế quan, hạn ngạch, giá cả và các công cụ khác.

Việc sử dụng công cụ tỷ giá hối đoái nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm không đơn giản như các biện pháp khác vì mối quan hệ phức tạp giữa các đồng tiền, giữa các nền kinh tế, giữa các vấn đề trong nền kinh tế quốc gia… Do đó, khi sử dụng công cụ tỷ giá đòi hỏi phải có sự linh hoạt và phối kết hợp nhịp nhàng của các yếu tố và chủ thể liên quan.

Tham khảo thêm

Hà Thị Liên (2019). Sử dụng công cụ tài chính vĩ mô nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng may mặc xuất khẩu Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Tài chính, Hà Nội.

Share.