Cạnh tranh là khái niệm không mới trong đời sống xã hội, có thể nhìn thấy cạnh tranh trong mọi mặt của cuộc sống. Cạnh tranh và khả năng cạnh tranh giúp con người phát triển theo hướng tích cực, sàng lọc và hoàn thiện nhiều vấn đề của cuộc sống, mặt khác, kết quả của cạnh tranh cũng có thể tạo ra những hệ lụy tiêu cực và để theo đuổi kết quả của cạnh tranh, có thể sẽ có hành động không lành mạnh, kém minh bạch.

1. Khái niệm cạnh tranh

Xét trên khía cạnh học thuật, theo Bách khoa Toàn thư mở, cạnh tranh là hành động ganh đua, đấu tranh chống lại các cá nhân hay các nhóm, các loài vì mục đích giành được sự tồn tại, sống còn, giành được lợi nhuận, địa vị, sự kiêu hãnh, các phần thưởng hay những thứ khác. Thuật ngữ cạnh tranh được sử dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, thể thao…

Cạnh tranh là thuật ngữ được sử dụng nhiều trong kinh tế. Cạnh tranh xuất hiện cùng với quá trình sản xuất và trao đổi hàng hóa. Khi bàn về vấn đề cạnh tranh trong điều kiện nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, Các Mác đã đưa ra khái niệm: “Cạnh tranh là sự ganh đua, sự đấu tranh gay gắt giữa các nhà tư bản nhằm giành giật những điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nhằm thu lợi nhuận siêu ngạch” [2]. Theo đó, cạnh tranh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chính là cuộc giành giật các lợi thế để thu được lợi nhuận ở mức cao nhất. Một quan điểm khác tuy cũng đặt trong bối cảnh nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, “Từ điển chính sách thương mại quốc tế” lại cho rằng: “Cạnh tranh là sự ganh đua, kình địch giữa các nhà kinh doanh nhằm tranh giành tài nguyên sản xuất cùng một loại về phía mình”, khái niệm này đề cập tới sự cạnh tranh ở thị trường các yếu tố đầu vào của các doanh nghiệp, và đã phần nào phản ánh bối cảnh nền kinh tế của một nước tư bản phát triển.

Michael Porter, nhà kinh tế học nổi tiếng về năng lực cạnh tranh không chỉ ở Hoa Kỳ mà trên toàn thế giới lại cho rằng, của cải nhiều hay ít là do năng suất của doanh nghiệp sản xuất quyết định. Cạnh tranh đòi hỏi các doanh nghiệp phải kiên trì nâng cao năng suất sản xuất bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sự khác biệt của sản phẩm, cải tiến kỹ thuật sản xuất,… Mặt khác, khi một nước trực tiếp tham gia cạnh tranh quốc tế thì tiêu chuẩn về năng suất đối với mỗi ngành không chỉ dừng lại ở tiêu chuẩn trong nước mà là tiêu chuẩn quốc tế [3]. Nói cách khác, cạnh tranh cũng bị toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa khiến cho cạnh tranh trở nên lành mạnh hơn nhưng đồng thời cũng khốc liệt hơn.

Theo Lê Danh Vĩnh và cộng sự (2006), cạnh tranh là động lực phát triển, làm lành mạnh hóa các hoạt động thị trường, bên cạnh đó, cạnh tranh cũng kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực do kết quả của cạnh tranh tất yếu phải dẫn đến sự thắng thua. Theo đó, cạnh tranh chỉ xuất hiện khi trên thị trường có ít nhất hai chủ thể, hai nhà cung cấp khác nhau, vì vậy, cạnh tranh là sản phẩm riêng có của kinh tế thị trường, là linh hồn và là động lực cho sự phát triển của thị trường [4].

Nói tóm lại, cạnh tranh là hoạt động tranh đua giữa các nhà sản xuất hàng hóa, các thương nhân, các nhà kinh doanh; giữa các quốc gia trong nền kinh tế thị trường, bị chi phối bởi quan hệ cung cầu nhằm giành các điều kiện sản xuất, tiêu thụ và thị trường có lợi nhất. Cạnh tranh là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, là cơ sở quan trọng đảm bảo cho tự do kinh doanh hợp pháp và mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội và người tiêu dùng. Đồng thời, hội nhập kinh tế quốc tế, các quốc gia đẩy mạnh hoạt động hợp tác nhằm tạo một môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh hơn nên các chủ thể cần tránh cạnh tranh bất hợp pháp, làm tổn hại lợi ích của cộng đồng cũng như làm suy yếu chính mình.

Bản chất của cạnh tranh: cạnh tranh vừa mang bản chất kinh tế vừa mang bản chất xã hội. Về bản chất kinh tế, cạnh tranh là sự tranh đua giữa các nhà sản xuất, các nhà cung cấp. Mục đích khi tham gia kinh doanh của các nhà sản xuất là lợi nhuận, lợi nhuận là động lực gia nhập thị trường, đồng thời là thước đo sự thành công của nhà sản xuất. Lợi nhuận của nhà sản xuất tỷ lệ thuận với sự hài lòng, thỏa mãn của khách hàng, người tiêu dùng, theo đó, nhà sản xuất phải tìm mọi cách để làm ra sản phẩm có chất lượng hơn, đẹp hơn, chi phí sản xuất rẻ hơn, hàm lượng công nghệ cao hơn… để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, của người tiêu dùng. Cạnh tranh làm cho nhà sản xuất năng động, nhạy bén hơn, có những chiến lược phù hợp để đạt kết quả tốt nhất trong quá trình cạnh tranh.

Về bản chất xã hội, cạnh tranh chỉ xuất hiện khi bối cảnh nền kinh tế đáp ứng được hai điều kiện. Đó là việc công nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế với các hình thức sở hữu khác nhau; phải có sự tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Sự độc lập, tự chủ, tự do sẽ giúp doanh nghiệp phát huy tối đa khả năng, sức sáng tạo, sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu để quyền tự do của doanh nghiệp quá lớn sẽ tạo ra những hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế – xã hội nên cần phải có hệ thống chính sách, pháp luật cạnh tranh. Chính sách, pháp luật cạnh tranh có thể một mặt khuyến khích khả năng sáng tạo của các chủ thể, mặt khác phải kiềm chế những hành vi cạnh tranh mang tính thủ đoạn nhằm tiêu diệt đối thủ của doanh nghiệp.

2. Khả năng cạnh tranh

Khả năng cạnh tranh được nghiên cứu trên ba cấp độ: khả năng cạnh tranh của quốc gia, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ. Ba cấp độ của khả năng cạnh tranh có mối quan hệ qua lại, phụ thuộc và tương trợ lẫn nhau. Theo đó, quốc gia có khả năng cạnh tranh thấp thì doanh nghiệp và hàng hóa của quốc gia đó khó có thể hình thành được khả năng cạnh tranh cao và ngược lại. Do đó, để hình thành và duy trì khả năng cạnh tranh bền vững đòi hỏi các quốc gia phải thực hiện đồng bộ việc nâng cao khả năng cạnh tranh trên cả ba cấp độ này.

* Đối với quốc gia

Khả năng cạnh tranh quốc gia được hiểu theo nghĩa rộng nhất, được thể hiện qua thực trạng phát triển của nền kinh tế, các yếu tố về hạ tầng kinh tế – xã hội và hiệu quả quản lý kinh tế vĩ mô trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong khu vực và trên thế giới. Theo OECD, khả năng cạnh tranh của một đất nước là mức độ mà nước đó dưới thị trường tự do và công bằng có thể sản xuất hàng hóa và dịch vụ đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế, đồng thời, duy trì và phát triển nguồn thu nhập chính đáng của người dân trong thời gian dài.

Một định nghĩa khác của Hội đồng cạnh tranh quốc gia, khả năng cạnh tranh là khả năng chiếm lĩnh thị trường nhằm tạo ra cuộc sống tốt hơn cho người dân. Điều này xuất phát từ môi trường cạnh tranh gay gắt và môi trường kinh doanh hỗ trợ, khuyến khích cải cách và đầu tư, tạo ra tốc độ sản xuất mạnh mẽ, thu nhập của người dân tăng cao và phát triển bền vững.

Từ các quan điểm trên có thể đưa ra khái niệm chung nhất về khả năng cạnh tranh của quốc gia, “đó là năng lực của một nền kinh tế đạt được và duy trì mức tăng trưởng bền vững, thu hút đầu tư, đảm bảo ổn định kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống người dân trên cơ sở các chính sách, thể chế bền vững tương đối và các đặc trưng kinh tế khác nhau trong môi trường kinh tế đầy biến động của thị trường thế giới.

Bảng tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh quốc gia

Quan điểm của Ngân hàng thế giới (WB) về năng lực cạnh tranh quốc gia được rất nhiều tổ chức, quốc gia và các công ty quốc tế công nhận. Chỉ số hàng năm về năng lực cạnh tranh quốc gia do WB công bố luôn được đón nhận như sự đánh giá chính xác nhất về những nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh của quốc gia mình.

* Đối với doanh nghiệp

Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng, năng lực mà doanh nghiệp có thể tự duy trì vị trí của nó một cách lâu dài. Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp có thể hiểu là sự thể hiện thực lực và lợi thế của doanh nghiệp so với các đối thủ cạnh tranh khác trong việc thỏa mãn tốt nhất những đòi hỏi của khách hàng để thu lợi ích ngày càng cao cho doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh trong nước và quốc tế.

Theo Nguyễn Văn Thanh, “năng lực cạnh tranh là khả năng của một công ty tồn tại trong kinh doanh và đạt được một số kết quả mong muốn dưới dạng lợi nhuận, giá cả, lợi tức hoặc chất lượng sản phẩm cũng như năng lực của nó để khai thác các cơ hội thị trường hiện tại và làm nảy sinh các thị trường mới” [5].

Michael Porter cho rằng khả năng cạnh tranh là khả năng sáng tạo ra những sản phẩm có quy trình công nghệ độc đáo để tạo ra giá trị gia tăng cao, phù hợp với nhu cầu khách hàng, có chi phí thấp, năng suất cao nhằm tăng lợi nhuận [3]. Theo đó, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp phải được tạo ra từ thực lực của doanh nghiệp. Đây là yếu tố nội hàm của doanh nghiệp và chúng được so sánh với các đối thủ khác trên cùng một sản phẩm, lĩnh vực và thị trường. việc phân tích nội lực của công ty để nhận ra được những điểm mạnh và yếu của doanh nghiệp từ đó nó sẽ được đánh giá thông qua việc so sánh với các đối thủ cạnh tranh. Việc đánh giá này là cơ sở để giúp cho doanh nghiệp tạo ra được những lợi thế của mình và nhờ những lợi thế này để có thể mở rộng thị phần, đáp ứng tốt nhất sự thỏa mãn của khách hàng và thu hút được khách hàng mới từ đối thủ cạnh tranh.

* Đối với sản phẩm

Cho đến nay, chưa có một định nghĩa chung nhất về khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều quan điểm cho rằng, khả năng cạnh tranh sản phẩm được hiểu là sự vượt trội (về các chỉ tiêu) so sánh với sản phẩm cùng loại do các đối thủ khác cung cấp trên cùng một thị trường. Theo quan điểm này, khả năng cạnh tranh của sản phẩm được xác định căn cứ vào mức độ tin cậy của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó về giá cả, mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ bán hàng… so với các sản phẩm cùng loại mà các đối thủ khác cung cấp trên cùng một thị trường.

Theo quan điểm của một số nhà kinh tế học, khả năng cạnh tranh của hàng hóa là năng lực nắm giữ và nâng cao thị phần của loại hàng hóa do chủ thể sản xuất và cung ứng nào đó, đem ra để tiêu thụ so với hàng hóa cùng loại của các chủ thể sản xuất, cung ứng khác đem đến tiêu thụ ở cùng một khu vực thị trường và thời gian nhất định.

Từ các quan điểm đó, có thể thống nhất và đưa ra cách hiểu chung nhất về khả năng cạnh tranh của sản phẩm là khả năng cải thiện và duy trì vị trí một cách lâu dài của một hàng hóa của một doanh nghiệp, của một quốc gia so với hàng hóa cùng loại của một doanh nghiệp khác, của một quốc gia khác trên thị trường, nhờ tạo ra sự hấp dẫn và thu hút khách hàng.

Khả năng cạnh tranh của quốc gia, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và khả năng cạnh tranh của sản phẩm có mối quan hệ mật thiết, phụ thuộc lẫn nhau. Một nền kinh tế muốn có khả năng cạnh tranh cao thì phải có nhiều doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh. Ngược lại, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh cao thì môi trường kinh doanh của nền kinh tế phải ổn định, phát triển tốt, các chính sách kinh tế vĩ mô thực sự phát huy được hiệu quả.

Doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp quyết định khả năng cạnh tranh của quốc gia. Đến lượt nó, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp lại được quyết định bởi khả năng cạnh tranh của sản phẩm mà doanh nghiệp đó kinh doanh. Khả năng cạnh tranh của sản phẩm lại phụ thuộc vào chính sách của quốc gia, năng lực và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Có thể thấy, ba cấp độ khả năng cạnh tranh có mối quan hệ hữu cơ, phụ thuộc và bổ sung lẫn nhau. Nếu muốn nâng cao khả năng cạnh tranh thì gần như phải thực hiện đồng thời chiến lược trên cả ba cấp độ, chính vì vậy, đây là công việc đòi hỏi sự hợp tác toàn diện của các chủ thể, từ cấp quản lý vĩ mô cho đến các doanh nghiệp và các chủ thể có liên quan khác. Đồng thời, đây cũng là quá trình lâu dài và bền bỉ đòi hỏi sự hợp tác, liên kết chặt chẽ.

Tham khảo thêm

  1. Hà Thị Liên (2019). Sử dụng công cụ tài chính vĩ mô nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng may mặc xuất khẩu Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Tài chính, Hà Nội.
  2. Cac Mac (1994), Mac- Anghen toàn tập, tập 23, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  3. Michael Porter (1996), “Chiến lược cạnh tranh”, NXB Khoa học kỹ thuật
  4. Lê Danh Vĩnh, Hoàng Xuân Bắc, Nguyễn Ngọc Sơn (2006), “Pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam”, NXB Tư pháp, Hà Nội.
  5. Nguyễn Văn Thanh (2003), “Một số vấn đề về năng lực cạnh tranh và năng lực cạnh tranh quốc gia”, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế, số 317.
Share.