Hoạt động của các doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng tại Việt Nam hiện nay có hiệu quả hay không, bài viết sẽ phân tích thực trạng phát triển của loại hình doanh nghiệp này trong lĩnh vực du lịch cộng đồng với các tiêu chí: Số lượng, quy mô, hiệu quả, tác động xã hội…

1. Số lượng các doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng

Năm 2011, số lượng các tổ chức có đầy đủ yếu tố cấu thành Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam là 167 [2], [3]. Tính đến thời điểm cuối năm 2018, ở Việt Nam có khoảng 2000 tổ chức có đầy đủ yếu tố cấu thành Doanh nghiệp xã hội có đầy đủ đặc điểm đáp ứng theo tiêu chí công nhận Doanh nghiệp xã hội của luật Doanh nghiệp 2014 [4]. Tuy nhiên, mặc dù đã chính thức trở thành một loại hình doanh nghiệp trong hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam với các văn bản hướng dẫn đăng ký cụ thể nhưng số lượng các Doanh nghiệp xã hội đăng ký theo Luật Doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

Theo khái niệm về Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng đã được xác định ở phần trên, nội hàm của khái niệm này cho phép xác định được ngoại diên của khái niệm này trong phạm vị lãnh thổ Việt Nam theo Luật Doanh nghiệp 2014, đó là: các tổ chức/ doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm Du lịch cộng đồng (như kinh doanh lữ hành, nhà nghỉ homestay, dịch vụ ăn uống…) hoặc các sản phẩm du lịch thiện nguyện, du lịch tình nguyện, du lịch từ thiện…chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu sản phẩm cung cấp cho du khách, trong đó cam kết đóng góp ít nhất 51% lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh Du lịch cộng đồng của tổ chức/doanh nghiệp cho việc thực hiện các mục tiêu xã hội, nhằm củng cố chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương và bảo vệ môi trường tự nhiên tại điểm đến du lịch.

Như vậy, nếu xét về bản chất các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng với việc thỏa mãn 3/4 đặc điểm của một Doanh nghiệp xã hội (có hoạt động kinh doanh, đặt mục tiêu xã hội lên hàng đầu và lợi nhuận phân phối chủ yếu cho việc thực hiện các mục tiêu xã hội, vì cộng đồng) thì con số này thực tế lớn hơn gấp rất nhiều lần, hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau từ các NGO, các loại hình doanh nghiệp, đến các hộ kinh doanh cá thể, trung tâm, hợp tác xã…và được gọi chung là các doanh nghiệp, tổ chức tạo tác động xã hội. Hiện chưa hề có một thống kê chính thức nào về số lượng các doanh nghiệp/ tổ chức tạo tác động xã hội và đặc biệt là thống kê về số lượng các doanh nghiệp/ tổ chức tạo tác động xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng. Đây cũng là một hiện tượng phổ biến kể cả ở những nước phát triển từng diễn ra các phong trào xã hội rất mạnh mẽ và đã có những khái niệm chính thức về Doanh nghiệp xã hội như Pháp, Hàn quốc… [5].

Tuy nhiên theo ước tính, tính đến năm 2017, Việt Nam có khoảng 22,000 doanh nghiệp tạo tác động xã hội nói chung, chiếm khoảng 4% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam [6], [7]. Trong đó, 10,8% doanh nghiệp tạo tác động xã hội hoạt động trong lĩnh vực du lịch [6], [8]. Do đó, có thể nói, Việt Nam có tiềm năng để tiếp tục phát triển mô hình kinh doanh này.

Biểu đồ minh họa Mục tiêu chính của các doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng tại Việt Nam (Nguồn: Số liệu khảo sát của tác giả)

Một trong những yếu tố tiên quyết xác định một Doanh nghiệp xã hội là mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp đó. Vì thế, để tìm hiểu kỹ hơn về mục tiêu hoạt động của các Doanh nghiệp xã hội, tác giả tiến hành khảo sát mức độ ưu tiên các mục tiêu chính của các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng tại Việt Nam, kết quả thu được như sau:

Có thể thấy, Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp đặt mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội lên hàng đầu vì thế mục tiêu chính của các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng cũng sẽ giống các Doanh nghiệp xã hội khác là không đặt mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho chủ đầu tư lên trước tiên. Trong kết quả khảo sát thì có đến 47.3% các doanh nghiệp xác định mục tiêu vận hành doanh nghiệp của mình là tối đa hóa lợi nhuận cho chủ đầu tư/ cổ đông (23.3% nhận định mục tiêu này là quan trọng và 24% nhận định mục tiêu này rất quan trọng). Điều này cho thấy một thực trạng của các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng hiện nay là:

– Nhận thức về loại hình Doanh nghiệp xã hội chưa rõ ràng: Doanh nghiệp xã hội là một loại hình doanh nghiệp được đưa vào hệ thống các doanh nghiệp tại Việt Nam mới nhất gần đây. Nhận thức về Doanh nghiệp xã hội đối với một số bộ phận người dân trong cộng đồng còn chưa rộng rãi, đặc biệt là cộng đồng tại những vùng miền núi, hẻo lánh. Vì thế, một số doanh nghiệp, tổ chức cho rằng việc triển khai hoạt động kinh doanh Du lịch cộng đồng mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho cộng đồng địa phương là một đóng góp xã hội rồi, còn việc chia sẻ lợi nhuận kinh doanh cho cộng đồng hoặc tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh thì không cần thiết, lợi nhuận phải thuộc về chủ đầu tư/ cổ đông. Do đó, để phát triển một cách bền vững loại hình này cần mở rộng sự nhận diện về loại hình Doanh nghiệp xã hội nói chung và Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng nói riêng trong cộng đồng người dân địa phương để họ có thể phân biệt được Doanh nghiệp xã hội với các doanh nghiệp truyền thống nhằm nâng cao nhận thức, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của loại hình doanh nghiệp này.

– Lợi dụng sứ mệnh hoạt động vì xã hội để triển khai hoạt động kinh doanh, thu về lợi nhuận cho chủ đầu tư: Bên cạnh việc một số doanh nghiệp/ hộ kinh doanh nhận thức chưa rõ ràng về mục tiêu hoạt động của Doanh nghiệp xã hội thì không ít doanh nghiệp/ hộ kinh doanh trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng khác lại lợi dụng sứ mệnh hoạt động vì xã hội để triển khai các hoạt động kinh doanh một cách dễ dàng hơn nhưng mục đích cuối cùng là thu lại lợi nhuận cao nhất cho chủ đầu tư. Vì thế, để quản lý sự phát triển của loại hình doanh nghiệp này, nhà nước cần phải có những chính sách, văn bản quy định rõ các tiêu chí công nhận Doanh nghiệp xã hội, tránh việc các doanh nghiệp không hoạt động vì mục tiêu xã hội lợi dụng để được hưởng những ưu đãi từ loại hình Doanh nghiệp xã hội.

2. Quy mô các doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng

2.1. Quy mô các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng theo số lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp:

Số liệu khảo sát của tác giả đã cho thấy, trong số các tổ chức được khảo sát, hầu hết các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng hiện nay là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (67.76%) và doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ (32.24%) với thời gian hoạt động nhiều nhất trong khoảng từ 5 đến dưới 10 năm (34.2%) và từ 3 đến dưới 5 năm (30.3%), một số lượng tương đối các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên (17.1%).

Biểu đồ minh họa Quy mô các doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng theo số lượng lao động tại Việt Nam (Nguồn: Số liệu khảo sát của tác giả)

Biểu đồ minh họa Thời gian hoạt động của các doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng tại Việt Nam (Nguồn: Số liệu khảo sát của tác giả)

2.2. Quy mô các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng theo vốn kinh doanh tại các doanh nghiệp

Tổng số vốn kinh doanh của các doanh nghiệp khi mới thành lập nhìn chung rất thấp. Trong đó có khoảng 25% doanh nghiệp có nguồn vốn kinh doanh dưới 0.5 tỷ đồng vào thời điểm thành lập. Tuy nhiên, số liệu thống kê nguồn vốn kinh doanh của các doanh nghiệp vào thời điểm năm 2015 đã có sự thay đổi rõ rệt. Tỷ lệ các doanh nghiệp có vốn kinh doanh từ 5 đến dưới 10 tỷ đồng đã gia tăng đáng kể. Nếu như tính vào thời điểm thành lập, tỷ lệ các doanh nghiệp có vốn kinh doanh từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng là 21% thì tính tới thời điểm năm 2015, số lượng các doanh nghiệp có vốn kinh doanh trong khoảng 1 đến dưới 5 tỷ đồng đã tăng lên 45.4%. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đặc biệt có tổng số vốn kinh doanh lên tới hơn 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp có nguồn vốn kinh doanh cao như vậy không nhiều (chỉ chiếm khoảng 3,3%), tập trung vào những doanh nghiệp sản xuất thủ công truyền thống đòi hỏi nguyên liệu đầu vào và chi phí sản xuất cao.

Sự tăng trưởng về vốn kinh doanh của các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng qua các năm đã cho thấy sự trưởng thành của các doanh nghiệp này và chứng tỏ rằng Du lịch cộng đồng là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng mà các Doanh nghiệp xã hội có thể triển khai họat động kinh doanh của mình nhằm giải quyết những vấn đề xã hội tại những khu vực đời sống dân cư còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh sự tăng trưởng về vốn kinh doanh và số lượng lao động, một tiêu chí nữa đánh giá sự phát triển của các Doanh nghiệp xã hội nói chung và Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng nói riêng đó là sự tăng trưởng về số lượng lao động là nhóm người yếu thế, là cộng đồng địa phương tại chính điểm đến Du lịch cộng đồng. Theo số liệu điều tra khảo sát, tỷ lệ các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng sử dụng từ 70%-100% lao động là người địa phương tính từ thời điểm

Biểu đồ minh họa Quy mô doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng theo vốn kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp (Nguồn: Số liệu khảo sát của tác giả)

Biểu đồ minh họa Quy mô các doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng theo vốn kinh doanh năm 2015 (Nguồn: Số liệu khảo sát của tác giả)

Biểu đồ minh họa Quy mô các doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng theo số lượng lao động là người yếu thế tại Việt Nam tại thời điểm thành lập (Nguồn: Số liệu khảo sát của tác giả)

Biểu đồ minh họa Quy mô các doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng theo số lượng lao động là người yếu thế tại Việt Nam 2015 (Nguồn: Số liệu khảo sát của tác giả)

3. Sự chuyển dịch cơ cấu doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng

Trong số các tổ chức được khảo sát, tỷ lệ các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dưới hình thức Hộ kinh doanh cá thể chiếm tỷ lệ nhiều nhất (33.6%). Sau đó là các công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) từ hai thành viên trở lên (25%), công ty TNHH một thành viên (23%), công ty cổ phần (công ty cổ phần) (11.8%). Còn lại là đăng ký kinh doanh dưới loại hình doanh nghiệp nhà nước (0.7%), doanh nghiệp tư nhân (2.6%), trung tâm (2%), hợp tác xã (1.3%), không có tổ chức nào đăng ký kinh doanh là Doanh nghiệp xã hội theo luật Doanh nghiệp 2014. Vì thế, tính đến cuối năm 2017, do chưa có bất kỳ Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng đăng ký mới nào nên nhìn chung chưa có sự chuyển dịch cơ cấu về loại hình kinh doanh về mặt hình thức. Tuy nhiên, theo số liệu phân tích trên đây (Mục 2. Quy mô các doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng) về quy mô lao động của các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng thì có thể thấy đã có sự chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương khi số lượng lao động là người bản địa hoạt động cho các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng có sự tăng trưởng qua các năm.

Một điểm đáng chú ý là trong câu hỏi về dự định chuyển đổi thành Doanh nghiệp xã hội thì hầu hết các tổ chức kinh doanh là các hộ kinh doanh cá thể có tỷ lệ trả lời với dự định chuyển đổi thành Doanh nghiệp xã hội là cao nhất (28%). Điều này cho thấy đây là một trong số những nhóm đối tượng rất có tiềm năng chuyển đổi thành Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức kinh doanh đang hoạt động dưới hình thức công ty TNHH một thành viên và công ty TNHH từ hai thành viên trở lên cũng là đối tượng có nhiều dự định chuyển đổi thành Doanh nghiệp xã hội. Vì vậy, trong thời gian tới, việc nghiên cứu và định hướng thúc đẩy các tổ chức này chuyển đổi thành những Doanh nghiệp xã hội thực thụ sẽ có thể mang lại những kết quả tích cực.

Biểu đồ minh họa Cơ cấu các doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng theo loại hình đăng ký kinh doanh (Nguồn: Số liệu khảo sát của tác giả)

Bên cạnh đó, trong phạm vi nghiên cứu này, để làm rõ hơn sản phẩm kinh doanh của các Doanh nghiệp xã hội, tác giả tiến hành khảo sát sản phẩm kinh doanh của các doanh nghiệp/ tổ chức thỏa mãn các yếu tố cấu thành Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng như đã đề cập trên đây. Qua kết quả điều tra khảo sát, có thể thấy tất cả các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng lựa chọn kinh doanh nhiều sản phẩm, dịch vụ khác nhau, không có doanh nghiệp nào chỉ tập trung kinh doanh đơn lẻ một sản phẩm/ dịch vụ.

Có thể liệt kê các sản phẩm kinh doanh chính của các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng tại Việt Nam như sau:

i) Cung cấp chương trình du lịch trọn gói;

ii) Cung cấp dịch vụ tư vấn Du lịch cộng đồng;

iii) Cung cấp dịch vụ lưu trú cùng người dân bản địa Homestay/ Housestay;

iv) Cung cấp dịch vụ ăn uống;

v) Cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch địa phương;

vi) Kinh doanh hàng thủ công, truyền thống;

vii) Kinh doanh đồ lưu niệm;

viii) Kinh doanh sản vật, đặc sản địa phương.

Trong đó, dịch vụ lưu trú bản địa homestay/ housestay là sản phẩm kinh doanh có thể mang lại nguồn thu lớn nhất nhưng số lượng các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản phẩm này không bằng các sản phẩm khác do vốn đầu tư ban đầu lớn. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh các sản phẩm khác không đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu quá lớn như dịch vụ tư vấn Du lịch cộng đồng, dịch vụ hướng dẫn du lịch địa phương, kinh doanh đồ lưu niệm… cũng tương đối nhiều.

Với cơ cấu và các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho du khách như trên, các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng tham gia hoạt động chủ yếu dưới mô hình cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho du khách trực tiếp hoặc thông qua các doanh nghiệp du lịch. Đây là một cách làm hiệu quả giúp lan tỏa thu nhập từ hoạt động du lịch cho cộng đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả hoạt động Du lịch cộng đồng mang lại cho cộng đồng địa phương và từng bước gia tăng tính tự vững và quyền làm chủ của cộng đồng trong việc triển khai và quản lý hoạt động Du lịch cộng đồng, cần xem xét các mô hình kinh doanh khác như mô hình doanh nghiệp do cộng đồng cùng sở hữu và điều hành, mô hình liên doanh giữa cộng đồng và doanh nghiệp tư nhân…để các tổ chức kinh doanh hoạt động theo hình thức Doanh nghiệp xã hội phát huy hết hiệu quả và tác động mà nó mang lại.

4. Hiệu quả kinh doanh

Như đã đề cập, số liệu về Doanh nghiệp xã hội nói chung và Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng nói riêng trên thế giới và ở Việt Nam đều rất hạn chế. Do giới hạn về nguồn lực nên trong phạm vi luận án này, kết quả khảo sát không thể mô tả được một cách đầy đủ hiệu quả kinh doanh của các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, qua số liệu khảo sát thu thập được về vốn kinh doanh (Mục 2. Quy mô các doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng) thì có thể thấy rõ sự tăng trưởng về hiệu quả hoạt động kinh doanh qua các năm, thông qua số liệu được so sánh tại thời điểm mới thành lập và thời điểm năm 2015. Lý do bởi thông thường vốn kinh doanh chỉ tăng trưởng khi doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả.

Như vậy, có thể nói, nhìn chung hoạt động kinh doanh của các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng đã có hiệu quả. Chính hiệu quả từ hoạt động kinh doanh này đã tạo tiền đề để các doanh nghiệp tạo ra các tác động tích cực về cả xã hội, kinh tế và môi trường cho cộng đồng địa phương tại điểm đến du lịch.

5. Tác động xã hội, kinh tế và môi trường mà Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng mang lại cho cộng đồng địa phương tại điểm đến du lịch

Hiện nay, chưa có số liệu báo cáo chính thức về những tác động mà các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng mang lại cho cộng đồng địa phương tại điểm đến du lịch. Việc đo lường những tác động mà các Doanh nghiệp xã hội có thể mang lại cho cộng đồng cũng vẫn đang là đề tài tranh cãi tại nhiều diễn đàn về Doanh nghiệp xã hội. Có rất nhiều công cụ để đo lường tác động xã hội nhưng mỗi lĩnh vực khác nhau lại có những tiêu chí đo lường khác nhau.

Với cách tiếp cận theo Ma trận Tác động xã hội được trường Đại học Northampton phát triển dựa trên nghiên cứu của McLouglin và đồng sự thì tác động mà các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng có thể mang lại cho cộng đồng địa phương tại điểm đến du lịch có thể được xác định dựa trên phân tích về những đóng góp của các doanh nghiệp này trên các mặt xã hội, kinh tế và môi trường theo những tiêu chí khác nhau.

Dựa trên một số vấn đề lý luận và thực tiễn, tác giả đã tổng hợp được 11 tiêu chí đánh giá những tác động về cả ba mặt xã hội, kinh tế và môi trường mà các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng mang lại cho địa phương tại điểm đến du lịch. Kết quả khảo sát cho thấy, những tác động thực tế mà các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng mang lại cho cộng đồng tại điểm đến được đánh giá rất có ý nghĩa.

Tác động được đánh giá mang lại tác động lớn nhất đối với cộng đồng địa phương tại điểm đến du lịch đó là việc cung cấp ngày càng nhiều cơ hội việc làm cho cộng đồng địa phương. Đây chính là yếu tố nền tảng mang những hiệu quả tích cực khác như chất lượng cuộc sống được nâng cao, trẻ em có nhiều cơ hội được đến trường… Tiếp đó là những tác động khác rất có ý nghĩa về xã hội như cung cấp cơ hội việc làm cho phụ nữ trong cộng đồng, góp phần vào công tác bình đẳng giới tại những cộng đồng mà nam giới chiếm vai trò chủ động trong gia đình; hay giúp bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống bản địa, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên…

Từ kết quả khảo sát, có thể được tổng hợp những tác động mà các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng mang lại cho cộng đồng tại điểm đến Du lịch cộng đồng thành nhóm tác động về kinh tế, xã hội, môi trường như sau:

5.1. Tác động kinh tế:

– Tăng số lượng việc làm trực tiếp và gián tiếp về du lịch: Do các hoạt động du lịch ngày càng phát triển nên nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ du lịch ngày càng cao tại các điểm Du lịch cộng đồng. Đối với Du lịch cộng đồng thì nguồn nhân lực chính đến từ chính cộng đồng địa phương. Bởi vậy, trong quá trình triển khai hoạt động kinh doanh, các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng đã cung cấp nhiều hơn các cơ hội việc làm cho người dân địa phương bao gồm cả việc làm trực tiếp và việc làm gián tiếp về du lịch.

Việc làm trực tiếp là những công việc như hướng dẫn du lịch địa phương, kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh dịch vụ vận chuyển, kinh doanh các sản phẩm làng nghề truyền thống, kinh doanh quà lưu niệm, đặc sản địa phương… Trong khi đó, việc làm gián tiếp có thể là những công việc cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho các hoạt động kinh doanh các dịch vụ phục vụ khách du lịch hoặc những công việc gián tiếp phục vụ khách du lịch như sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống để bán cho du khách… Số lượng việc làm cho cộng đồng địa phương tăng cao là một minh chứng rõ ràng cho những tác động mà các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng tạo ra cho cộng đồng địa phương về mặt kinh tế.

Biểu đồ minh họa Mức độ tác động của các doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng tại Việt Nam (Nguồn: Số liệu khảo sát của tác giả)

– Tăng tỷ lệ việc làm truyền thống của địa phương và việc làm về du lịch: Tại các điểm Du lịch cộng đồng, tỷ lệ có việc làm của cộng đồng địa phương đã tăng lên nhờ vào việc phát triển các hoạt động du lịch tại địa phương. Tuy nhiên, ở hầu hết các điểm Du lịch cộng đồng, do có sự hướng dẫn từ chính quyền địa phương và các tổ chức trung gian hỗ trợ nên nhận thức của cộng đồng về sử dụng tài nguyên du lịch địa phương làm chất liệu xây dựng các sản phẩm Du lịch cộng đồng nên những nghề truyền thống cũng được phục hồi, bảo tồn và tạo điều kiện phát triển. Vì thế, số lượng việc làm truyền thống của người dân cũng tăng lên, trở thành một dạng tài nguyên để thúc đẩy phát triển các hoạt động Du lịch cộng đồng.

Tuy nhiên, xét theo tỷ lệ việc làm truyền thống của địa phương so với việc làm về du lịch thì vẫn còn rất hạn chế. Điều này cho thấy, các nghề truyền thống của địa phương có nhiều cơ hội được phục hồi và phát triển nhưng hiệu quả thu hút người dân tham gia vào các công việc truyền thống chưa cao. Vì thế, có thể số lượng việc làm truyền thống có sự tăng trưởng nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả lớn. Việc thúc đẩy cộng đồng địa phương tham gia vào các nghề truyền thống là một phương thức vừa tạo việc làm vừa nỗ lực vực dậy các ngành nghề truyền thống với những giá trị đặc sắc đóng vai trò lớn trong việc xây dựng các sản phẩm Du lịch cộng đồng.

– Tăng thu nhập trực tiếp và gián tiếp từ Du lịch cộng đồng: Vì tỷ lệ việc làm trực tiếp và gián tiếp về du lịch tăng cao nên thu nhập của cộng đồng địa phương cũng có những chuyển biến rõ nét. Chất lượng cuộc sống của những địa phương có hoạt động Du lịch cộng đồng cũng được tăng cao. Theo một số báo cáo tác động xã hội của một số Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng thì chất lượng cuộc sống của cộng đồng tại điểm đến du lịch nâng cao được thể hiện trong chính chất lượng bữa ăn, trong chính ngôi nhà của họ. Đây là điều rất dễ quan sát tại hầu hết tất cả các điểm đến Du lịch cộng đồng tại Việt Nam.

Sự nâng cao về thu nhập không chỉ thể hiện trong những điều kiện vật chất mà còn thể hiện trong những mặt khác của đời sống, đặc biệt là tỷ lệ trẻ em được đến trường tại những địa phương này cũng được gia tăng. Chính điều này sẽ có tác động rất lớn trong thời gian tới có thể giúp thay đổi diện mạo và năng lực của những địa phương có hoạt động Du lịch cộng đồng.

– Sự tăng trưởng trong tiêu dùng cho các hoạt động phát triển cộng đồng từ các quỹ phát sinh từ Du lịch cộng đồng:

Các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng cam kết chia sẻ những lợi ích có được từ hoạt động kinh doanh cho sự phát triển của cộng đồng. Vì thế, tại rất nhiều địa phương có hoạt động Du lịch cộng đồng, các Doanh nghiệp xã hội thường trích lại một phần lợi nhuận về các Quỹ cộng đồng tại địa phương. Các quỹ này sẽ được sử dụng để chi cho các hoạt động phát triển Du lịch cộng đồng, có thể là các hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch, là các hoạt động giúp bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn nghề và các giá trị văn hóa truyền thống, là các hoạt động hỗ trợ các hộ gia đình yếu thế trong cộng đồng tiếp cận với hoạt động kinh doanh du lịch, hoặc là để triển khai các khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực phục vụ khách du lịch của cộng đồng địa phương về cả kỹ năng, kiến thức hay khả năng giao tiếp tiếng Anh. Có thể thấy tiêu dùng cho các hoạt động phát triển Du lịch cộng đồng tại các địa phương ở Việt Nam ngày càng tăng qua các năm. Kết quả của việc sử dụng các quỹ phát triển cộng đồng là việc ngày càng hoàn thiện trong chất lượng cuộc sống, là sự tăng trưởng trong nhận thức của người dân địa phương cũng như trong những điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng phục vụ sự phát triển của Du lịch cộng đồng.

5.2. Tác động xã hội:

– Nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương: Thông qua các khóa đào tạo dành cho cộng đồng địa phương để nâng cao năng lực phục vụ khách du lịch (bao gồm các khóa đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ du khách và nâng cao khả năng tiếng Anh), cộng đồng địa phương ngày một nâng cao nhận thức về thế giới khách quan nói chung và về hoạt động du lịch nói riêng. Cộng đồng ngày càng ý thức được vai trò của hoạt động du lịch đối với sự phát triển của địa phương cũng như sự phát triển của từng cá nhân trong cộng đồng, từ đó họ có những chuyển biến tích cực trong việc tham gia vào các hoạt động phục vụ du khách, từ việc bảo vệ môi trường đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống làm cơ sở để phát triển hoạt động Du lịch cộng đồng.

Một minh chứng cho tác động này là việc ngày càng nhiều cá nhân, hộ gia đình tại các điểm Du lịch cộng đồng đã tham gia và những khóa đào tạo nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực phục vụ du lịch tại địa phương và đã được cấp chứng chỉ.

Điều này cho thấy sự tiến bộ trong nhận thức và chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực trong năng lực vận hành hoạt động Du lịch cộng đồng, mang lại những chuyển biến tích cực cho địa phương.

– Tăng tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực về du lịch ở địa phương, góp phần vào công tác bình đẳng giới tại địa phương: Hoạt động của các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng tại điểm đến du lịch đã đặt ra một nhu cầu lớn về nhân lực phục vụ Du lịch cộng đồng tại địa phương. Điều này đã thúc đẩy người dân địa phương, bao gồm cả nam và nữ giới đều tích cực tham gia vào hoạt động du lịch nhằm mang lại những lợi ích về kinh tế ngay tức thì. Người phụ nữ khi tham gia vào các hoạt động Du lịch cộng đồng giờ đã tự chủ hơn về kinh tế và các mối quan hệ giao lưu xã hội. Điều này gián tiếp đã tác động tới việc nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình, góp phần lớn vào công tác bình đẳng giới vồn mất khá nhiều công sức và thời gian để thực hiện, đặc biệt là tại các vùng xa xôi hẻo lánh, trình độ dân trí của người dân địa phương còn chưa cao.

– Tỷ lệ nữ doanh nhân của các doanh nghiệp du lịch ở địa phương: Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng vốn là loại hình kinh doanh được nhiều tổ chức lựa chọn hỗ trợ nhằm thông qua đó thúc đẩy tinh thần lãnh đạo của nữ giới trên thế giới. Ở Việt Nam, một số dự án của các tổ chức NGO có đầu tư hỗ trợ hoạt động Du lịch cộng đồng tại các địa phương sau khi hết thời gian hoạt động sẽ hỗ trợ cộng đồng tự vận hành hoạt động Du lịch cộng đồng bằng cách hỗ trợ nữ giới trong công đồng chuyển đổi mô hình kinh doanh sang doanh nghiệp, cụ thể là các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình Doanh nghiệp xã hội. Vì thế, số lượng nữ doanh nhân tại các doanh nghiệp du lịch tại địa phương ngày càng gia tăng. Đây là minh chứng cho việc trao quyền và nâng cao vị thế của người phụ nữ trong cộng đồng thông qua các hoạt động của các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng tại các địa phương có điểm đến Du lịch cộng đồng.

– Góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa truyền thống bản địa: Có thể thấy, chất liệu chính xây dựng nên các sản phẩm Du lịch cộng đồng đó là các di sản văn hóa truyền thống bản địa. Vì thế, để phát triển hoạt động Du lịch cộng đồng, cộng địa phương phải có ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống đó. Do đó, thông qua các khóa đào tạo về nâng cao nhận thức và năng lực phục vụ hoạt động Du lịch cộng đồng dành cho cộng đồng địa phương, ý thức của người dân về vấn đề này ngày càng được nâng cao. Chưa có số liệu thống kê cụ thể tại tất cả các điểm Du lịch cộng đồng nhưng minh chứng cho tác động này báo cáo về hoạt động Du lịch cộng đồng tại một số địa phương riêng lẻ đã chỉ ra số lượng và loại hình các sự kiện văn hóa truyền thóng được hỗ trợ, các điểm di sản văn hóa được bảo vệ và nâng cấp ngày càng tăng.

5.3. Tác động môi trường:

– Nâng cao nhận thức về vai trò của việc bảo vệ môi trường đối với hoạt động phát triển du lịch: Tác động lớn nhất về mặt môi trường mà các hoạt động của các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng đem lại đó là việc nâng cao nhận thức về vai trò của môi trường đối với hoạt động phát triển du lịch tại địa phương. Cũng như việc nâng cao nhận thức về du lịch và năng lực phục vụ du lịch, thông qua các khóa học đào tạo người dân địa phương cũng đã ý thức hơn về vấn đề môi trường. Rất dễ có thể quan sát và đối sánh môi trường tại các điểm đón khách Du lịch cộng đồng sạch sẽ hơn rất nhiều so với những khu vực cộng đồng xung quanh.

– Mức độ ô nhiễm trong cộng đồng và môi trường: Nhận thức về bảo vệ môi trường ngày càng tăng nhưng mức độ ô nhiễm trong cộng đồng và môi trường tại các điểm Du lịch cộng đồng chưa chắc đã giảm. Điều này đến từ việc triển khai xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ khách du lịch cũng như đến từ việc xả thải trong quá trình phục vụ khách du lịch tại địa phương. Vì thế, trong rất nhiều những tác động tích cực thì chính hoạt động của các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng có thể mang lại những tác động nhất định gây ra sự ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sự ô nhiễm này không nằm hoàn toàn trong sự kiểm soát của các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng mà còn phụ thuộc rất nhiều vào các bên liên quan tới hoạt động Du lịch cộng đồng tại địa phương.

Tổng hợp thông tin một số doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng

Tham khảo thêm

  1. Vũ Hương Giang (2019). Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương. Hà Nội.
  2. Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam: khái niệm, bối cảnh và chính sách. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Hội đồng Anh tại Việt Nam (British Coucil), Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) (2012). Đề tài nghiên cứu khoa học, 2021. Hà Nội.
  3. Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  4. Doanh nghiệp xã hội. https://vi.wikipedia.org
  5. http://www.mekongresponsibletourism.org/tour-operators/20-national-tour- operator/the-perfect-mix-thailand-national-parks-community-based- tourism.html
  6. UNDP, NEU (2018), Fostering SIB sector in Vietnam, Hanoi.
  7. Nguyễn Bảo Thoa (2014), Xây dựng Du lịch cộng đồng nâng cao đời sống tại một số vùng nông thôn Việt Nam, tham luận tại sinh hoạt khoa học hưởng ứng thông điệp Ngày Du lịch thế giới năm 2014 “Du lịch và sự phát triển của cộng đồng”, Hà Nội.
  8. Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) (2015), Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Doanh nghiệp xã hội – Cách tiếp cận sáng tạo hướng tới bền vững cho các Tổ chức Xã hội”, Đà Nẵng.
Share.