Mục đích của giáo dục hướng nghiệp

Giáo dục hướng nghiệp có mục đích chung là hình thành khả năng tự chủ trong việc lựa chọn nghề của học sinh trên cơ sở của sự phù hợp giữa năng lực, hứng thú, sở thích cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động trong các lĩnh vực của xã hội. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả lao động xã hội và làm tốt công tác phân luồng học sinh sau mỗi bậc học.

Riêng đối với bậc trung học phổ thông, giáo dục hướng nghiệp nhằm mục đích giúp cho học sinh có được ý thức như là chủ thể trong sự lựa chọn nghề nghiệp, có định hướng khi chọn nghề dựa trên cơ sở hiểu biết khoa học về nghề nghiệp, về nhu cầu thị trường lao động cũng như năng lực, sở trường, sức khỏe của bản thân.

Cụ thể, mục tiêu đối với học sinh trung học phổ thông (lớp 10, 11, 12) sau khi tham gia các hoạt động giáo dục hướng nghiệp là [1]:

Về kiến thức: hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai; biết cách tìm hiểu bản thân, tìm hiểu nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động và xây dựng kế hoạch nghề nghiệp cho bản thân; biết được một số thông tin cơ bản về định hướng phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đất nước và khu vực.

Về kỹ năng: tự đánh giá được sở thích, khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp của bản thân và điều kiện gia đình trong việc định hướng nghề nghiệp; tìm kiếm được thông tin nghề, thông tin thị trường tuyển dụng lao động và các cơ sở đào tạo cần thiết; lựa chọn và xây dựng kế hoạch nghề nghiệp cho bản thân.

Về thái độ: chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trong và ngoài nhà trường để tăng thêm nhận thức về bản thân, nhận thức nghề nghiệp; tự tin thực hiện kế hoạch nghề nghiệp của bản thân sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nhiệm vụ của giáo dục hướng nghiệp

Theo sách “Giáo dục hướng nghiệp ở Việt Nam” của tác giả Đặng Danh Ánh [2, tr.135] thì giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông có 5 nhiệm vụ sau đây:

          1/ Tổ chức cho học sinh làm quen với các ngành nghề của nền kinh tế, đặc biệt với các nghề phổ biến;

          2/ Tổ chức các hoạt động giáo dục nghề cho học sinh nhằm giúp các em có ý thức chọn nghề;

          3/ Tiến hành tư vấn chọn nghề cho học sinh;

          4/ Giúp học sinh tìm hiểu nhân cách của mình để giúp các em chọn nghề phù hợp;

          5/ Giáo dục học sinh có thái độ lao động đúng với mọi ngành nghề.

Ý nghĩa của giáo dục hướng nghiệp

Theo sách “Một số vấn đề về hướng nghiệp cho học sinh phổ thông” của nhóm tác giả Nguyễn Văn Lê, Hà Thế Truyền, Bùi Văn Quân thì giáo dục hướng nghiệp có 4 ý nghĩa sau [3, tr.40-42]:

Ý nghĩa giáo dục: nhờ giáo dục hướng nghiệp, nhà trường góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh, trong đó có nội dung giáo dục cho học sinh có hứng thú và động cơ nghề nghiệp đúng đắn, có lý tưởng nghề nghiệp trong sáng, có thái độ đúng đắn đối với lao động. Do đó, hướng nghiệp chính là một bộ phận cấu thành giáo dục. Chính sự làm quen và tiếp xúc với nghề, quá trình tiếp cận kỹ thuật và công nghệ sản xuất, sự “thử sức” với lao động nghề nghiệp… do giáo dục hướng nghiệp mang đến còn giúp học sinh rèn luyện sự sáng tạo, khéo tay, tư duy kỹ thuật, tư duy kinh tế.

Ý nghĩa kinh tế: giáo dục hướng nghiệp giúp đẩy mạnh phân luồng học sinh, phân luồng nhân lực của xã hội, giúp đất nước sử dụng hợp lý tiềm năng lao động trẻ tuổi. Đây chính là ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động trong xã hội. Mỗi năm, có không ít học sinh sau trung học phổ thông không thể học lên bậc cao hơn và tham gia trực tiếp vào thị trường lao động, nếu lực lượng này được tổ chức, hướng dẫn đi vào thị trường lao động một cách khoa học và đáp ứng được yêu cầu của phân công lao động xã hội thì chắc chắn sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội, chất lượng nguồn nhân lực cũng được nâng cao.

Ý nghĩa chính trị: giáo dục hướng nghiệp có vai trò quan trọng khi thực hiện chiến lược giáo dục, chiến lược con người và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nếu công tác này được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sẽ góp phần tích cực vào việc phân luồng học sinh tốt nghiệp các cấp, phân hóa học sinh có năng lực, phát hiện học sinh có năng khiếu…, từ đó góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài một cách thiết thực, theo đúng định hướng của chiến lược xây dựng kinh tế xã hội, chiến lược phát triển nhân lực từng giai đoạn chính trị cụ thể.

Ý nghĩa xã hội: Nếu làm tốt giáo dục hướng nghiệp, thế hệ trẻ sẽ được định hướng vào cuộc sống lao động, sinh hoạt hằng ngày của thanh thiếu niên sẽ ổn định, từ đó xã hội cũng ổn định hơn. Nói cách khác, thanh thiếu niên cần được giúp đỡ để tìm được nghề phù hợp với mình và nhu cầu của xã hội, từ đó, hăng say làm việc và cống hiến, tránh để xảy ra tình trạng “vô công rỗi nghề”, “nhàn cư vi bất thiện”, gây bất ổn trong xã hội.

Các con đường hướng nghiệp

Để chuyển tải được hết các nội dung trên, nhà trường phổ thông thực hiện giáo dục hướng nghiệp thông qua bốn con đường chủ yếu sau đây [4]:

Hướng nghiệp qua hoạt động dạy học các môn văn hóa. Thật vậy, môn học nào cũng có khả năng hướng nghiệp của nó. Điều quan trọng là người thầy phải biết kết nối những nội dung giảng dạy với một số nghề cụ thể nào đó nhằm giúp học sinh có cái nhìn tổng quát về nghề, ươm mầm đam mê nghề nghiệp cho học sinh. Quá trình giảng dạy các môn văn hóa cũng là quá trình phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, dẫn dắt sự phát triển năng khiếu của học sinh, từ đó, người thầy có thể định hướng cho học sinh có năng khiếu, cho các em những lời khuyên chọn nghề.

Hướng nghiệp qua hoạt động dạy nghề phổ thông và dạy môn công nghệ. Có thể nói môn công nghệ và dạy nghề phổ thông có khả năng hướng nghiệp rất lớn. Mặc dù học sinh chưa đi sâu vào kỹ thuật nghề nghiệp nhưng qua việc tìm hiểu một số ngành nghề chủ yếu (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ), học sinh có điều kiện hiểu về những ngành nghề trong xã hội. Đặc biệt, với hoạt động dạy nghề phổ thông (tin học, điện dân dụng, chụp ảnh, nấu ăn,…), học sinh có điều kiện được thực hành một cách nghiêm túc, đầy đủ, được thử sức mình với hoạt động kỹ thuật cụ thể, nhờ đó, các em phát hiện và đánh giá đúng hơn năng lực kỹ thuật của bản thân.

Hướng nghiệp qua các buổi sinh hoạt hướng nghiệp. Có nhiều cách tổ chức sinh hoạt hướng nghiệp như giao lưu với người thành đạt trong nghề; tìm hiểu các ngành nghề đang cần nhân lực, nhất là những ngành nghề nằm trong dự báo nhu cầu nhân lực của địa phương; tìm hiểu hệ thống các cơ sở đào tạo; tổ chức các buổi tọa đàm, diễn đàn về nghề nghiệp tương lai… tất cả đều nhằm mục đích giáo dục thái độ yêu lao động cũng như cung cấp cho học sinh một cái nhìn toàn cảnh về các ngành nghề trong xã hội, các “luồng” mà học sinh có thể đi tiếp sau khi tốt nghiệp cũng như nhu cầu về nhân lực của quốc gia và địa phương.

Hướng nghiệp qua các hoạt động tham quan ngoại khóa. Các hoạt động này có khả năng hướng nghiệp to lớn bởi chúng thúc đẩy sự phân hóa năng lực, sự phát triển năng khiếu diễn ra càng mạnh mẽ, nói cách khác, sự nảy sinh hứng thú, thiên hướng, năng lực của học sinh thường xuất hiện trong các hoạt động ngoại khóa.

Với một cách diễn đạt cụ thể hơn, 4 con đường giáo dục hướng nghiệp nêu trên được chia nhỏ ra thành 10 con đường giáo dục hướng nghiệp chi tiết sau đây:

         1/ Hướng nghiệp qua dạy chương trình hướng nghiệp chính khóa;

         2/ Hướng nghiệp qua dạy các môn khoa học cơ bản;

         3/ Hướng nghiệp qua dạy môn công nghệ;

         4/ Hướng nghiệp qua dạy nghề phổ thông;

         5/ Hướng nghiệp qua tham quan cơ sở sản xuất;

         6/ Hướng nghiệp qua việc mời các chuyên gia nói chuyện;

         7/ Hướng nghiệp qua hội thảo, tranh luận theo chủ đề;

         8/ Hướng nghiệp qua tham quan các cơ sở đào tạo nghề;

         9/ Hướng nghiệp qua tư vấn hướng nghiệp;

         10/ Hướng nghiệp qua các hoạt động ngoại khóa khác.

_____

Nguồn trích dẫn:

  1. Phạm Tất Dong, Đặng Danh Ánh và Phạm Mai Thu (2006), Hoạt động giáo dục hướng nghiệp 10, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  2. Đặng Danh Ánh (2010), Giáo dục hướng nghiệp ở Việt Nam, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  3. Nguyễn Văn Lê, Hà Thế Truyền và Bùi Văn Quân (2004), Một số vấn đề về hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.
  4. Nguyễn Văn Hộ và Nguyễn Thị Thanh Huyền (2006), Hoạt động giáo dục hướng nghiệp và giảng dạy kỹ thuật trong trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Share.