Với các hệ thống lớn có quy mô toàn xã hội như lĩnh vực quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo; phương thức phân cấp quản lý từ nhà nước cho các cấp bên dưới là điều tất yếu cho bởi quyền tự chủ của các nhà trường, nhưng mức độ và hình thức trao quyền như thế nào lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố (nhà nước, nhà trường, xã hội, xu thế thế giới v.v) mà nhà nước phải cân nhắc, tính toán một cách khoa học và chuẩn xác.

Phương thức trao quyền tự chủ đại học là mức độ cho phép tự chủ đối với các yếu tố chi phối trực tiếp đến sự tồn tại và hoạt động của các trường đại học. Mỗi một trường đại học là một thực thể, một tế bào tạo nên hệ thống đại học của một nước. Mỗi thực thể này là một hệ thống động với các mục tiêu phải đạt (cho bởi các đầu ra – cái gọi là “sản phẩm” cung ứng cho xã hội). Để có được sản phẩm mong muốn, các nhà trường cần phải có các yếu tố đầu vào, môi trường và cơ chế cho phép kết hợp các yếu tố (đầu vào V, đầu ra R, cơ chế C, môi trường M) [2][3].

Sơ đồ mô tả hệ thống kết nối các nhân tố của một trường đại học

Đầu vào của một trường đại học bao gồm:

V1- Nguồn lực tài chính (đã đề cập ở Q2)

V2- Nguồn nhân lực (đã đề cập ở Q3)

V3- Nguồn tuyển sinh (đã đề cập ở Q4)

V4- Nhu cầu được học với chất lượng cao của xã hội (đã đề cập ở Q4)

V5- Các vấn đề xã hội nảy sinh cần nhà trường góp sức giải quyết (đã đề cập ở Q5)

V6- Khả năng tiếp nhận môi trường thông tin trong và ngoài nước (đã đề cập ở Q4, Q5, Q6).

Đầu ra của một trường đại học bao gồm:

R1- Số người học ra trường được sử dụng và hiệu quả làm việc của họ đem lại lợi ích cho xã hội (đã xét ở Q4,Q5,Q6)

R2- Danh tiếng của nhà trường tạo ra, bao gồm: (1) Các công trình, bài báo, đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ xã hội và nhà nước, (2) Hệ thống các giáo trình, chương trình giảng dạy, (3) Đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu (đã đề cập ở Q1, Q3, Q4, Q5, Q6).

R3- Của cải vật chất mà nhà trường tạo ra đóng góp cho xã hội (tiền bạc, tác động phát triển sản xuất, xã hội – đã xét ở Q2)

Môi trường của một trường đại học bao gồm:

M1- Cơ chế ràng buộc vĩ mô của Bộ chủ quản (đã xét ở Q1, Q2, Q3, Q4, Q5, Q6).

M2- Cơ chế ràng buộc vĩ mô của các Bộ, tỉnh thành phố có khả năng tác động đến nhà trường (tài chính, đối ngoại, an ninh, các UBND tỉnh, thành phố v.v; đã xét ở Q2, Q3, Q6).

M3- Công luận xã hội đối với nhà trường.

M4- Khả năng giao lưu (thu phát) tiếp nhận, xử lý thông tin, các luồng tư duy khoa học, trình độ khoa học công nghệ của nước ngoài. (đã xét ở Q6)

Phương thức trao quyền tự chủ đại học chính là cơ chế cho phép của nhà nước đối với các trường đại học, thông qua cơ chế vận hành của các nhà trường. Là quyền tự chủ cho phép mà các trường có thể khai thác tối đa kết hợp giữa các yếu tố đầu vào, đầu ra, môi trường để đạt được mục tiêu hoạt động của mình (đã xét ở Q1, Q2, Q3, Q4, Q5, Q6).

Để quản lý nhà nước đối với các trường đại học dưới giác độ hệ thống kết nối các nhân tố đầu vào (V), cơ chế (C), môi trường (M), thường diễn ra 4 phương thức quản lý hoặc 4 mô hình quản lý sau:

Phương thức 1, nhà nước kiểm soát sát sao mọi nhân tố V, M, C; bảo đảm mọi quy định được các nhà trường thực hiện theo đúng chuẩn mực quy định theo hướng kế hoạch hóa tập trung, hy vọng kết quả đầu ra (R) sẽ đáp ứng yêu cầu mà nhà nước mong đợi (Đây là mô hình được gọi dưới tên: Mô hình nhà nước kiểm soát).

Phương thức 2, nhà nước chỉ kiểm soát đầu ra, còn các nhân tố khác V, M, C để cho các trường tự chịu trách nhiệm (Đây là mô hình được gọi dưới tên: Mô hình nhà nước giám sát).

Phương thức 3, nhà nước để xã hội, người sử dụng “sản phẩm” của các trường đại học tự đánh giá theo hướng tiếp cận thị trường, thông qua việc tiếp nhận và sử dụng người học sau khi ra trường về làm việc, còn các nhân tố khác (V, M, C) để cho các trường tự chịu trách nhiệm (Đây là mô hình được gọi dưới tên: Mô hình tự chủ đại học tuyệt đối).

Phương thức 4, tổ hợp hai phương thức 1 và 3 lại (phương thức hỗn hợp).

Tiêu thức đánh giá hiệu quả mức độ trao quyền tự chủ đại học

Việc lựa chọn phương thức trao quyền tự chủ đại học ở mỗi nước tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, cả chủ quan (phía nhà nước), cả khách quan (phía các trường), cả môi trường (xã hội, xu thế phát triển đại học thế giới). Nhưng suy tới cùng là phải nhằm đạt đến mục tiêu quản lý đại học đặt ra của nhà nước, của xã hội (mục tiêu ngoài của các trường đại học); cũng như mục tiêu riêng, cụ thể của từng trường đại học (mục tiêu trong của các trường đại học). Do đó, tiêu thức đánh giá hiệu quả mức độ trao quyền tự chủ đại học của nhà nước cho các trường; chính là các chỉ tiêu phản hồi tác động của mức độ trao quyền đối với các mục tiêu cần đạt của nhà nước, của xã hội và của môi trường.

a- Mục tiêu ngoài

Đây là mục tiêu mà nhà nước và xã hội mong đợi và đòi hỏi các trường đại học phải đáp ứng. Nó lệ thuộc vào khá nhiều yếu tố:

(1) trình độ phát triển kinh tế xã hội, trình độ phát triển lực lượng sản xuất xã hội (đặc biệt là nguồn tài chính dành cho giáo dục đào tạo);

(2) đặc điểm hiếu học của dân tộc;

(3) tầm nhìn chiến lược của các nhà lãnh đạo đất nước;

(4) mối quan hệ quốc tế có được;

(5) trình độ các trường đại học v.v.

Mục tiêu ngoài bao gồm nhiều mục tiêu cụ thể, có cái mang đặc điểm chung của mọi nước, có cái mang dáng dấp riêng của mỗi nước như:

a1- Chất lượng sinh viên đào tạo, đây là mục tiêu (cả trong lẫn ngoài) của các trường và của mọi nước, đã được tổ chức UNESCO đưa ra là:

– Người học (cả sinh viên, cao học, tiến sĩ) sau khi ra trường phải có năng lực trí tuệ, năng lực sáng tạo để có thể thích ứng tốt với mọi tình huống chuyên môn xẩy ra.

– Phải có khả năng hành động tốt, tức là phải có các kỹ năng sống để tự thân lập nghiệp và tạo dựng sự nghiệp cho bản thân.

– Phải có năng lực tự học, tự nghiên cứu để có thể thường xuyên nâng cao trình độ, xử lý các vấn đề nghiệp vụ; phải biết duy trì sự học suốt đời, không bao giờ tự mãn.

– Phải có năng lực quốc tế để hội nhập toàn cầu (cho bởi các kỹ năng ngoại ngữ, tin, văn hóa, và năng lực giao tiếp quốc tế).

Tiêu thức đánh giá hiệu quả mức độ trao quyền tự chủ cho các trường đại học của nhà nước, chính là mức độ đo lường chất lượng sinh viên (người học) theo 4 yêu cầu kể trên là tốt lên, giữ nguyên hay xấu đi. Để có thể đánh giá chính xác các tiêu thức này là một công việc hết sức phức tạp, khó khăn, không thể thực hiện thường xuyên và đây cũng là trách nhiệm thuộc về chức năng kiểm tra, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo của mỗi nước. Cách tốt nhất là hàng năm Bộ Gáo dục và Đào tạo cần thực hiện các đợt điều tra xã hội học ở các cơ sở có sinh viên tốt nghiệp (trường A, B, C…) đã ra làm việc sau vài ba năm. Đồng thời xem xét cấu trúc chương trình đào tạo của các ngành học, nội dung của mỗi môn học, trình độ của đội ngũ giáo viên giảng dạy.

a2 – Phẩm chất sinh viên đào tạo, đây cũng là một mục tiêu phải có của nhà nước, của xã hội (và của các nhà trường). Nó phụ thuộc rất nhiều vào bản chất chế độ xã hội và đặc điểm truyền thống văn hóa dân tộc mỗi nước. Người học phải thực hiện tốt hai khẩu hiệu đào tạo của mọi trường đại học danh tiếng.

– Hãy trở thành công dân tốt của đất nước!

– Hãy trở thành chuyên gia giỏi của nhân loại!

Tiêu thức đánh giá hiệu quả mức độ trao quyền tự chủ cho các trường đại học của nhà nước (thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo) chính là việc kiểm tra, kiểm soát sao cho:

(1) cơ cấu chương trình đào tạo có phản ánh được các khẩu hiệu đề ra ở trên hay không?;

(2) tính gương mẫu, khả năng sư phạm của đội ngũ giáo viên, nhân viên phục vụ nhà trường có được thực hiện theo 2 mục đích đặt ra trong 2 khẩu hiệu trên hay không.

Để đánh giá chuẩn xác phẩm chất sinh viên được đào tạo là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề và khó khăn của các cơ quan thực hiện chức năng kiểm tra, kiểm soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo của mỗi nước.

a3 – Chất lượng, quy mô đào tạo đại học, đây cũng là một mục tiêu hết sức cần thiết của mọi nhà nước trong thời đại ngày nay, được thể hiện ra bằng các chỉ tiêu cả định tính lẫn định lượng như:

Thứ nhất: có bao nhiêu % các trường đại học được các nước xếp vào nhóm 100 trường đại học hàng đầu thế giới?

Thứ hai: có bao nhiêu nhà khoa học của các trường đại học trong nước được xếp vào nhóm 10 nhà khoa học hàng đầu thế giới (số ngành được bầu chọn, so sánh với các nước đứng đầu)?

Thứ ba: tỷ lệ % số các bài báo và công trình nghiên cứu có giá trị được thế giới công nhận và công bố (mức so sánh với các trường đại học thuộc tốp dẫn đầu)?

Thứ tư: có bao nhiêu nhà khoa học của các trường (viện) được nhận các giải thưởng khoa học danh tiếng (Nobel, toán học v.v).

Thứ năm: có bao nhiêu lĩnh vực (ngành học, môn học, nhà khoa học chuyên sâu của các trường đại học), mà các trường đại học khác trên thế giới không có và phải cho người sang học?

Thứ sáu: mức thanh toán một tiết giảng cho giáo viên (hệ giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp) so với các nước có thù lao trả cao nhất? mức thu nhập bình quân mỗi năm của đội ngũ giáo viên (hệ giảng viên, hệ giảng viên chính, hệ giảng viên cao cấp) và so sánh với mức của nước trả cao nhất hiện hành trên thế giới? cơ cấu % thu nhập của giáo viên (các cấp, so sánh với nước khác)?

Thứ bảy: cơ cấu % quỹ thời gian hàng năm của giáo viên (3 cấp):(1) giờ lên lớp, (2) giờ chuẩn bị bài, (3) giờ tự học tập, (4) giờ nghiên cứu cá nhân, (5) giờ nghiên cứu phục vụ xã hội, (6) giờ nghỉ ngơi giải trí (phương thức và trình độ nghỉ ngơi), (7) giờ đi thực tế ngoài xã hội, (8) giờ chăm lo gia đình, (9) giờ chăm lo sức khỏe và (10) các giờ khác? Đồng thời phải so sánh được với cơ cấu % quỹ thời gian này so với các nước phát triển khác?

Thứ tám: trình độ trang thiết bị phục vụ giảng dạy (diện tích học tập của sinh viên, diện tích ký túc xá sinh viên, diện tích sân tập luyện thể lực, số lượng đầu sách bình quân cho mỗi sinh viên, số lượng giáo trình đã có cho các môn học, trình độ phòng thí nghiệm, tỷ lệ % số máy tính hiện đại, điều kiện ở và làm việc của giáo viên và cán bộ công nhân viên v.v).

Thứ chín: tỷ lệ số sinh viên tính trên 10.000 dân. Tỷ lệ số giảng viên các cấp tính trên 1000 sinh viên (so sánh với nước khác).

Thứ mười: tỷ lệ ngân sách của nhà nước dành cho đào tạo đại học (so sánh với các nước khác)?

Đối với mục tiêu thứ ba, nhà nước có thể xây dựng các tiêu chí có tính định lượng để đo lường đánh giá hiệu quả của việc trao quyền của mình cho các trường đại học đem lại; nhưng đây cũng không phải là một nhiệm vụ đơn giản và cũng đòi hỏi các bộ phận làm chức năng kiểm tra, kiểm soát, đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có lực lượng đủ lớn, trình độ đủ cao và trang thiết bị thông tin kiểm định hiện đại.

b- Mục tiêu trong

Đây là mục tiêu của từng trường đại học, một mặt nó phải góp phần để đạt được mục tiêu ngoài (mục tiêu của cả nước, của xã hội), mặt khác nó phải đáp ứng được các mong muốn của bản thân. Việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học; tiêu thức đánh giá tốt xấu do đó ngoài việc góp phần tốt hơn vào việc thực hiện mục tiêu chung (mục tiêu ngoài), cũng cần phục vụ tốt hơn cho việc thực hiện các mục tiêu riêng có có ở mỗi trường đại học (mục tiêu trong). Mục tiêu trong thông thường của các trường đại học bao gồm:

b1 – Chất lượng và phẩm chất sinh viên đào tạo, các mục tiêu này hoàn toàn trùng hợp với mục tiêu chung của nhà nước, của xã hội. Bất kỳ trường đại học nào đều phải phấn đấu cho thương hiệu đào tạo của mình; người học ở trường ra phải được các cơ sở sử dụng hài lòng và đánh giá cao và sẵn sàng được lựa chọn và tiếp nhận khi các cơ sở này có nhu cầu.

b2 – Chất lượng, quy mô đào tạo, đây là mục tiêu mang tính trực tiếp, cụ thể của mỗi trường đại học và được thể hiện qua các tiêu chí xác định:

Thứ nhất, phải có một đội ngũ giảng viên, cán bộ phục vụ giảng dạy ngày một lớn mạnh cả về số, chất và cơ cấu. Điều này một mặt khẳng định chất lượng của một nhà trường; một mặt là căn cứ để mở rộng quy mô đào tạo. Để đo lường sự phát triển này, cần phải tính toán cơ cấu đội ngũ cán bộ giảng dạy các cấp (giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp, tiến sĩ, PGS, GS v.v) được biến động theo hướng đi lên mỗi năm. Rõ ràng một trường đại học rất quan tâm đến việc tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ giảng dạy, có chiến lược và quy hoạch phát triển đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng đầu; thì tầm nhìn và chất lượng giảng dạy của nhà trường đó hết sức chuẩn xác và sẽ nhanh chóng đi vào các tốp dẫn đầu của các trường đại học trong nước (trong khu vực và trên thế giới). Đặc biệt là phải có một đội ngũ cán bộ đầu ngành có tên tuổi trong nước và quốc tế với những đóng góp khoa học cho đất nước và nhân loại.

Thứ hai, phải có một hệ thống chương trình giảng dạy thuộc nhóm tiên tiến, đủ trình độ hội nhập quốc tế. Tiêu chí này gắn chặt với tiêu chí ở trên. Đúng như người ta thường nói: “thầy nào trò nấy”, “thầy nào giáo trình, phương pháp giảng nấy”.

Thứ ba, điều kiện sống của giáo viên và cán bộ nhân viên: mức lương, điều kiện làm việc, kinh phí nghiên cứu, phương tiện thiết bị giảng dạy, kinh phí và điều kiện để nâng cao trình độ (đi nước ngoài, học để lấy các văn bằng cấp cao hơn, nghiên cứu phục vụ xã hội, kinh phí để đào tạo bồi dưỡng sinh viên và học viên có tài vv). Mức thấp nhất là với đồng lương và thu nhập tại trường giáo viên, cán bộ nhân viên đã có cuộc sống tốt, no đủ mà không cần phải về nhà làm thêm.

Thứ tư, nhà trường phải sớm đạt đến mức đào tạo đủ mọi cấp học (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ); trường nào đã đạt được mức đủ này thì phải phát triển vai trò của nhà trường ra bên ngoài xã hội và quốc tế.

Thứ năm, mức độ hài lòng của giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường với cách quản lý, ứng xử của nhà trường (văn hóa nhà trường) v.v.

Để đo lường các tiêu chí trên, từ đó lấy làm căn cứ đánh giá hiệu quả của việc trao quyền tự chủ đại học của nhà nước cho các trường đại học là một công việc vô cùng phức tạp. Đòi hỏi Bộ Giáo dục và đào tạo thông qua các vụ, viện chức năng cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế rộng rãi để đưa ra được các chỉ tiêu đo lường khoa học và khả hiện.

Căn cứ lựa chọn mức độ tiêu thức về quyền tự chủ đại học.

Như đã xét ở trên đó là tính chịu trách nhiệm, tính hiệu quả và tính hiệu lực. Tức là nó lệ thuộc vào các mối quan hệ tương quan chặt chẽ giữa 4 nhóm nhân tố V, R, M, C của các nhà trường và các cấp nhà nước.

Sơ đồ mô tả căn cứ lựa chọn mức độ tiêu thức về quyền tự chủ đại học

 Điều kiện thực hiện quyền tự chủ đại học

Để thực hiện quyền tự chủ đại học phải có sự phân định rạch ròi giữa quyền quản lý, giám sát của Nhà nước (quản lý vĩ mô) và quyền quản trị đại học của các trường đại học (quản lý vi mô). Để làm được điều này nhiều ý kiến tranh luận cho rằng cần có hai điều kiện sau:

Thứ nhất, về phía Nhà nước thấy đã đến lúc cần phải tập trung vào chức năng quản lý vĩ mô của ngành đại học (vạch đường lối, chủ trương, chiến lược, môi trường luật pháp, các mối quan hệ với các lĩnh vực hoạt động khác của nhà nước); tức là nhà nước chỉ cần tập trung vào mục đích quản lý tạo môi trường ổn định vĩ mô cho sự phát triển của các trường đại học. Nhà nước chỉ cần thực hiện nhiệm vụ định hướng và đề ra chiến lược cho phát triển giáo dục, xây dựng lộ trình tăng quyền tự chủ cho các trường đại học, ban hành các chuẩn mực thiết yếu của các trường đại học (chuẩn mực hành chính, tài chính, các chuẩn mực học thuật), tiến hành công tác tổ chức kiểm định chất lượng đại học và kiểm toán tài chính độc lập, đảm bảo điều phối nguồn lực hiệu quả, thiết kế cơ chế kiểm soát quyền lực, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và không can thiệp vào các công việc cụ thể của nhà trường.

Thứ hai, về phía các trường đại học đã có đủ năng lực tự chủ và sẵn sàng đón nhận để thực hiện sự phân cấp cao nhất của nhà nước cho mình; đem lại hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà trường cao nhất theo sự phân cấp của nhà nước. Chẳng hạn các trường đại học cần phải có hội đồng trường để những quyết định đưa ra là vì lợi ích cộng đồng chứ không vì lợi ích của nhà trường hoặc một thế lực nào đó. Hội đồng trường là hội đồng quyền lực bao gồm cả sinh viên và các đại diện bên ngoài chứ không chỉ là các đại diện bên trong nhà trường. Ngoài ra, trường đại học cần phải đảm bảo trách nhiệm xã hội, bao gồm trách nhiệm bên trong và trách nhiệm bên ngoài tức là trách nhiệm đối với chính nhà trường và trách nhiệm đối với cả xã hội nói chung.

Trách nhiệm xã hội thể hiện bên trong nhà trường bao gồm: trách nhiệm về nhân sự, tài chính, đào tạo, nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đại học có phẩm chất đạo đức và chuyên môn cao, có phong cách quản lý và giảng dạy tiên tiến, hiện đại.

Trách nhiệm xã hội bên ngoài nhà trường là trách nhiệm của nhà trường đối với sinh viên, cha mẹ sinh viên, người sử dụng lao động, cộng đồng và nhà nước. Trách nhiệm này bao gồm: việc đảm bảo chất lượng đào tạo, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thông tin minh bạch, trách nhiệm báo cáo giải trình công khai với công chúng.

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, sứ mệnh của nhà trường là phải đào tạo đáp ứng nhu cầu của cả xã hội hơn là chỉ nhằm vào lợi ích của một nhóm người chịu trách nhiệm quản lý nhà trường. trách nhiệm xã hội là trách nhiệm trình báo, không chỉ theo nghĩa ghi chép thông thường mà đề cập đến mối quan hệ giữa mục tiêu và phương tiện trong sự tương đồng với nhu cầu xã hội và của chính trường đại học. Như vậy, trường đại học không chỉ trình báo đơn thuần mà phải tổ chức hoạt động có hiệu quả, công khai, minh bạch, các mặt hoạt động của nhà trường.

Tham khảo

  1. Lương Văn Hải (2012). Vai trò nhà nước trong mở rộng quyền tự chủ của các trường đại học công lập Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  2. Mai Văn Bưu -Đoàn Thu Hà (1999), Giáo trình quản lý nhà nước về kinh tế, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
  3. Đoàn Thu Hà – Nguyễn Thị Ngọc Huyền (2002), Giáo trình khoa học quản lý (2 tập). NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
Share.