Quyền tự chủ của các trường đại học thể hiện mối quan hệ quyền lực giữa Nhà nước và các trường đại học dựa trên mối tương quan giữa năng lực quản lý tập trung của nhà nước và năng lực tự chịu trách nhiệm của các nhà trường; tự chủ cao đồng nghĩa với mức độ can thiệp thấp của Nhà nước vào các công việc của các trường đại học. Nội dung quyền tự chủ của các trường đại học còn tuỳ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của mỗi quốc gia đặc điểm truyền thống dân tộc, thể chế xã hội và tuân thủ các nguyên tắc phân giao. Nhưng nhìn chung quyền tự chủ cơ bản đại học bao gồm 6 lĩnh vực cơ bản sau:

1. Tự chủ về học thuật (Q1)

* Học thuật, theo cách hiểu thông thường là nghệ thuật nghiên cứu học vấn [2], là việc sử dụng có hiệu quả nhất các phương pháp nghiên cứu, xử lý vấn đề tìm tòi tri thức, quy luật của đối tượng phải nghiên cứu; các kỹ năng biến tri thức, quy luật thành hiện thực.

Học thuật còn là hệ thống các tri thức về khoa học bảo đảm cho nhà trường tồn tại phát triển tạo ra các đầu ra đem lại lợi ích cho xã hội [3].

* Tự chủ học thuật, là mức độc lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mặt học thuật của các nhà trường trong nghiên cứu học vấn.

Tự chủ về học thuật là trường đại học được quyền xác định nhiệm vụ cơ bản của trường về nghiên cứu và giảng dạy, giới thiệu hoặc chấm dứt chương trình đại học, quyết định cơ cấu và nội dung của chương trình đại học, vai trò và trách nhiệm đối với việc bảo đảm chất lượng các chương trình và bằng cấp [4][5][6][7]. Đây là quyền đặc biệt quan trọng; nó cho phép mọi người trong trường đại học được suy nghĩ tự do, đầu tư và thử nghiệm những ý tưởng mới, tự do học thuật là một phần của một trường đại học tự trị. Hầu hết các nước phương tây hiện nay đều có chung một quan niệm về tự do học thuật là:

“Tự do học thuật là sự tự do để tiến hành nghiên cứu, giảng dạy, trao đổi và xuất bản. Theo các định mức và tiêu chuẩn về yêu cầu của kiến thức mà không có sự can thiệp và hình phạt, bất cứ nơi nào việc tìm kiếm chân lý và sự hiểu biết có thể trải qua” [8][9][10].

Quyền tự chủ của trường đại học mà một khía cạnh của nó là quyền tự do học thuật gắn liền với bản chất xã hội của trường đại học, là nơi sáng tạo tri thức, nơi bảo tồn và chuyển giao văn hoá của dân tộc và của nhân loại. Để đảm bảo cho học thuật, tri thức được phát triển một cách khách quan trong suốt chiều dài của lịch sử, không bị thần quyền ràng buộc và các thể chế chính trị nhất thời cản trở, xã hội nói chung và thậm chí giới cầm quyền cũng chấp nhận quyền tự chủ nói trên trong khuôn viên trường đại học [11].

2. Tự chủ về tài chính (Q2)

Tự chủ về tài chính là trường đại học được quyền quyết định hoạt động tài chính của nhà trường bao gồm các hoạt động thu, chi, quản lý và phân phối kết quả hoạt động tài chính, huy động vốn, quản lý các quỹ chuyên dụng, quản lý tài sản, quản lý nợ phải trả của nhà trường, và các hoạt động tài chính khác theo quy định của pháp luật [12].

Nguồn thu của nhà trường công lập bao gồm các nguồn từ ngân sách Nhà nước, các khoản học phí, lệ phí, thu từ dịch vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, từ hợp tác quốc tế, tài trợ của các tổ chức hoặc các doanh nghiệp, khoản vay từ các ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng và các khoản vay hợp pháp khác theo quy định của pháp luật [12]. Đối với các nguồn thu trường đại học phải được quyền quyết định các khoản thu, mức thu đối với những hoạt động dịch vụ theo hợp đồng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; có thể tích luỹ dự trữ và giữ thặng dư về kinh phí Nhà nước; quyền thiết lập mức học phí, lệ phí; quyền được vay tiền từ thị trường tài chính để đầu tư cho giáo dục hoặc kêu gọi tài trợ của các tổ chức, các doanh nghiệp; quyền sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo của nhà trường theo đúng quy định của pháp luật [13][14][4].

Các khoản chi chủ yếu của trường đại học gồm: Chi sự nghiệp, chi cho kinh doanh, chi cho xây dựng cơ bản, chi bổ trợ đối với các đơn vị trực thuộc [12]. Trong các khoản chi, trường đại học phải được quyết định phương thức khoán chi phí cho từng bộ phận, đơn vị trực thuộc; quyết định các khoản đầu tư cho nghiên cứu khoa học của nhà trường; quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm mới và sửa chữa lớn tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật; được lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; trả thu nhập tăng thêm cho người lao động; trích lập quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ dự phòng ổn định thu nhập [13][14].

Mức độ tự chủ tài chính của các trường tới đâu tuỳ thuộc vào cơ chế phân cấp tài chính cho phép của nhà nước.

3. Tự chủ về tổ chức, nhân sự (Q3)

Tự chủ về tổ chức, nhân sự là trường đại học được quyền thiết lập cơ cấu bộ máy, tuyển dụng hoặc sa thải cán bộ của trường [4][12]. Tự chủ tổ chức ở nhiều nước hiện nay cho phép các trường đại học được quyền quyết định

thành lập hoặc bãi bỏ các khoa, phòng, ban, bộ môn, các chuyên ngành đào tạo, ban hành và bãi bỏ các nội quy, quy định trong nội bộ trường. Tự chủ về nhân sự trường đại học phải được quyền bầu ban lãnh đạo nhà trường, bổ nhiệm và miễn nhiệm cán bộ từ phó hiệu trưởng trở xuống. Được quyền quyết định tất cả các chức danh khoa học và sư phạm thuộc phạm vi của trường mình theo đúng tiêu chuẩn của trường và quy định của Nhà nước. Được sắp xếp, phân công giảng viên, công chức, viên chức theo năng lực từng người phù hợp với vị trí công tác đòi hỏi của trường. Được mời thỉnh giảng, hoặc hợp đồng nghiên cứu khoa học và các hợp đồng thuê, khoán bằng kinh phí được cấp và kinh phí tự có. Được quyết định mời chuyên gia nước ngoài đến làm việc chuyên môn, cử viên chức của đơn vị đi công tác, học tập ở nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật [13][14][12][15][16][17].

4. Tự chủ về tuyển sinh và đào tạo (Q4)

Tự chủ về tuyển sinh và đào tạo là các trường đại học được quyền quyết định các hình thức tuyển và số lượng tuyển phù hợp với điều kiện của trường và quy định của Nhà nước; mở các ngành đào tạo đại học và chuyên ngành đào tạo sau đại học đã có trong danh mục ngành đào tạo của nhà nước; xây dựng chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy và học tập cho các ngành đào tạo của trường trên cơ sở quy định của Nhà nước; tổ chức biên soạn, duyệt và thẩm định các giáo trình theo chuyên ngành và các tài liệu giảng dạy, học tập của trường; được quyết định mẫu văn bằng, chứng chỉ và tổ chức cấp văn bằng, chứng chỉ cho những người được trường đào tạo khi có đủ các điều kiện theo quy định của Nhà nước [18][19][20].

5. Tự chủ về hoạt động khoa học và công nghệ (Q5)

Tự chủ về hoạt động khoa học và công nghệ là các trường đại học được quyền xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ như: Xây dựng định hướng, kế hoạch hàng năm, trung hạn và dài hạn về hoạt động khoa học

và công nghệ của trường; chủ động đăng ký tham gia tuyển chọn, đấu thầu, ký kết hợp đồng hoặc các hình thức khác theo quy đinh của pháp luật; tự xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp trường. Được quyền xây dựng các viện, trung tâm nghiên cứu và phát triển, các cơ sở sản xuất thử nghiệm, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ; phối hợp với các tổ chức khoa học và công nghệ, các đơn vị sự nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ tổ chức các hoạt động khoa học và công nghệ; hợp tác khoa học và công nghệ với nước ngoài và các tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của người học; tổ chức các hội nghị khoa học và công nghệ, tham dự các giải thưởng khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế [18][21].

6. Tự chủ trong quan hệ quốc tế (Q6)

Tự chủ trong quan hệ quốc tế là các trường đại học được quyền chủ động thiết lập các mối quan hệ hợp tác, ký các văn bản ghi nhớ, thoả thuận về đào tạo, khoa học và công nghệ với các trường đại học, các tổ chức giáo dục, khoa học và công nghệ nước ngoài; mời chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm theo các quy định của nhà nước; tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế theo các quy định của nhà nước [18].

Sơ đồ minh họa các quyền tự chủ cơ bản của trường đại học

Tham khảo

  1. Lương Văn Hải (2012). Vai trò nhà nước trong mở rộng quyền tự chủ của các trường đại học công lập Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  2. Nguyễn Văn Khôn (1960), Hán việt từ điển, NXB Khai trí, Sài Gòn, trang 401.
  3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2008), Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009 – 2020, Hà Nội.
  4. Thomas Estermann & Terhi Nokkala (2009), “University Autonomy in Europe”, Exploratory study.
  5. Moses, I. (2007), “Institutional Autonomy Revistited: Autonomy Justified and Accounted”, Higher Education Policy, 2007, Vol.20, pp.261-274.
  6. OECD (1967), Mathematical Models in Education Planning, Paris.
  7. Jackson, Robert H. (1990), Quasi – Stater: Sovereignty, international Relations, and the third world. New York, Cambride University Press.
  8. Ingemund Hagg (2009), “Academic Freedom and University Autonomy Necessary in the Liberal Open Society”, The Bertil Ohlin Institute, Sweden.
  9. Fabio Roversi – Monaco (2005), “Managing University Autonomy”, University Autonomy and the instituional balancing of teaching and reseach, Bononia University Press 2005.
  10. Haggart. S.A& Carpenter.M.B (1969), Program Butgeting as an Analytical tool gor school District Planing, RALD Memorandum.
  11. Lâm Quang Thiệp (2004), “Suy nghĩ về quản lý trường đại học trong nền kinh tế thị trường”. Kỷ yếu Hội thảo “Đổi mới quản lý giáo dục”.
  12. Mai Ngọc Cường (2008), Tự chủ tài chính ở các trường đại học công lập Việt Nam hiện nay, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
  13. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2009), Thông tư liên tịch số 07/2009/TTLT- BGDĐT – BNV về Hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu  trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục và đào tạo, ngày 15 tháng 4 năm 2009, Hà  Nội.
  14. Chính phủ (2006), Nghị định của Chính phủ số 43/2006/NĐ-CP về Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, ngày 25 tháng 4 năm 2006, Hà Nội.
  15. Andrée Sursock & Hanne Smidt (2010), Trends 2010: A decade of chang in European Higher Education, EUA European University Association.
  16. John Fielden (2008), Global Trends in University Governance, The World Bank.
  17. Houghton Mifflin Company (2000), The American Hentage Dictionary of the English language, Fourth Edition.
  18. Thủ tướng Chính phủ (2010), Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 58/2010/QĐ-TTg về ban hành Điều lệ trường đại học, ngày 22 tháng 9 năm 2010, Hà Nội.
  19. KRASNER, STEPEND, ED (2001), Problematic Sovereignty: Contested Rules and political possibilities. New York, Columbia University Press.
  20. Micheal Stevenson (2004), “University Governance and Autonomy: Problems in Managing Access, Quality and Accountability”.
  21. Ulrike Felt (2002), “Managing University Autonomy”, Collective Decision Making and Human Resources Policy, Bononia University Press 2002.
Share.