1. Doanh nghiệp xã hội với du lịch cộng đồng

Với cách tiếp cận trên đây, Doanh nghiệp xã hội được hiểu là một loại hình kinh doanh nhằm thu lợi nhuận, trong đó thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông hoặc chủ đầu tư thì lợi nhuận sẽ được tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh và thực hiện các mục tiêu xã hội, môi trường, vì lợi ích cộng đồng.

Trong khi đó, Du lịch cộng đồng mang lại cho du khách những trải nghiệm về cuộc sống địa phương, ở đó các cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch và thu được các lợi ích kinh tế – xã hội từ các hoạt động du lịch và chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và văn hóa bản địa.

Như vậy, Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng trước hết là một Doanh nghiệp xã hội. Doanh nghiệp xã hội này hoạt động trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng. Vì thế, Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng mang đầy đủ đặc điểm của một Doanh nghiệp xã hội, trong đó hoạt động kinh doanh của nó xoay quanh các sản phẩm Du lịch cộng đồng với chủ thể và đối tượng hưởng lợi của hoạt động du lịch đó là cộng đồng địa phương tại điểm đến du lịch.

Tuy nhiên, Doanh nghiệp xã hội với đặc điểm là:

i) Doanh nghiệp xã hội phải có hoạt động kinh doanh;

ii) Doanh nghiệp xã hội phải đặt mục tiêu xã hội lên hàng đầu;

iii) Lợi nhuận phân phối chủ yếu cho việc thực hiện các mục tiêu xã hội, vì cộng đồng;

iv) Phục vụ nhu cầu của cộng đồng người yếu thế trong xã hội

Với các đặc điểm trên thì có thể thấy đặc điểm thứ tư là phục vụ nhu cầu của cộng đồng người yếu thế trong xã hội là đặc điểm mà không phải Doanh nghiệp xã hội nào cũng có thể đáp ứng được bởi trong thực tế có rất nhiều Doanh nghiệp xã hội vẫn tạo ra các tác động xã hội cho cộng đồng người yếu thế thông qua việc triển khai các hoạt động kinh doanh của mình trong khi các sản phẩm/ dịch vụ của họ không nhất thiết phải là để phục vụ cộng đồng người yếu thế. Nhưng thông qua hoạt động kinh doanh của mình và cách thức tạo tác động xã hội nhằm thực hiện những mục tiêu đã đề ra, các Doanh nghiệp xã hội vẫn mang lại những lợi ích nhất định cho cộng đồng người yếu thế. Do đó, nếu xét về bản chất của Doanh nghiệp xã hội thì chỉ cần đáp ứng được ba đặc điểm đầu tiên là đã đủ để cấu thành một Doanh nghiệp xã hội thực thụ.

Từ đây, bài viết xin được đề xuất khái niệm về Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng như sau:

“Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng là một loại hình doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng, trong đó mục tiêu và tôn chỉ hoạt động của doanh nghiệp là nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội và sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng địa phương tại điểm đến, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu”

Với khái niệm này, nội hàm của khái niệm Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng bao gồm các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch (như kinh doanh lữ hành, kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay, kinh doanh dịch vụ ăn uống…); trong đó cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào hoạt động du lịch nhằm mang lại những trải nghiệm về cuộc sống địa phương cho du khách nhằm thu lợi nhuận. Bên cạnh đó, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho các cổ đông hoặc chủ sở hữu, một phần lợi nhuận được tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh, phần còn lại phục vụ lợi ích của cộng đồng địa phương và việc bảo tồn tự nhiên môi trường tại điểm đến.

Như vậy, bản chất của các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng là những tổ chức kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ du lịch mà đối tượng lao động chính tham gia vào hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch chính là người dân bản địa. Theo đó, lợi ích xã hội một phần sẽ được phân phối cho chính những lao động địa phương làm việc trong các tổ chức kinh doanh này, một phần sẽ được tái đầu tư cho các hoạt động chung của cộng đồng thông qua khoản đóng góp về Quỹ cộng đồng, một loại quỹ mà ở đó các tổ chức kinh doanh du lịch tại địa phương trích một phần lợi nhuận để chi trả cho các hoạt động phát triển cộng đồng.

2. Phát triển doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng

Để có thể hiểu rõ về khái niệm Phát triển Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng, trước hết phải nắm rõ khái niệm về phát triển. Có thể thấy, trong lịch sử triết học, quan điểm siêu hình xem sự phát triển chỉ là sự tăng giảm thuần túy về lượng, không có sự thay đổi về chất của sự vật. Đồng thời, nó cũng xem sự phát triển là quá trình tiến lên liên tục, không trải qua những bước quanh co, phức tạp. Tuy nhiên, đối lập với quan điểm siêu hình, trong phép biện chứng, khái niệm phát triển dùng để chỉ quá trình vận động theo khuynh hướng đi từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn.

Như vậy, khái niệm phát triển không đồng nhất với khái niệm vận động nói chung; đó không phải là sự biến đổi tăng lên hay giảm đi đơn thuần về lượng hay sự biến đổi tuần hoàn lặp đi lặp lại ở chất mà nó còn là sự biến đổi về chất theo hướng hoàn thiện của sự vật. Đây cũng là quá trình phát sinh và giải quyết mâu thuẫn khách quan vốn có của sự vật, là quá trình thống nhất giữa phủ định những nhân tố tiêu cực và kế thừa, nâng cao nhân tố tích cực từ sự vật cũ trong hình thái mới của sự vật.

Với khái niệm về phát triển như trên, có thể hiểu:

“Phát triển Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng là quá trình tăng lên không chỉ về số lượng, quy mô, cơ cấu các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng mà còn là sự thay đổi về kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này nhằm mục đích cuối cùng là tối đa hóa hiệu quả xã hội mà nó tạo ra”.

Như vậy, nội hàm của khái niệm trên bao gồm các hoạt động hướng tới sự thay đổi về cả lượng và chất của các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng, nghĩa là để phát triển Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng, sẽ phải đặt ra những giải pháp phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, để phát triển Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng theo chiều rộng tức là hướng tới sự gia tăng số lượng các Doanh nghiệp xã hội hoạt động trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng thì cần chú ý tới các tiêu chí tăng trưởng về số lượng, quy mô, sự chuyển dịch cơ cấu của các Doanh nghiệp xã hội này.

Bên cạnh đó, để phát triển về chiều sâu, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh thì các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng ngoài việc nâng cao hiệu quả kinh doanh còn phải quan tâm tới việc làm thế nào để tối đa hóa các tác động xã hội tích cực mà nó mang lại cho cộng đồng địa phương tại điểm đến du lịch.

Trong khi đó, cũng giống như các doanh nghiệp truyền thống, các Doanh nghiệp xã hội nói chung và Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng nói riêng đều hoạt động theo cơ chế thị trường nên sẽ chịu tác động bởi các yếu tố từ thị trường và môi trường kinh doanh bên cạnh các nhân tố thuộc nguồn lực của doanh nghiệp. Nói cách khác, hoạt động của Doanh nghiệp xã hội sẽ chịu sự ảnh hưởng lớn từ các nhân tố thuộc môi trường vĩ mô, môi trường ngành và các nhân tố từ chính nội lực doanh nghiệp.

Vì thế, để có thể đưa ra những giải pháp nhằm phát triển Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng cần phải tạo một “hệ sinh thái” thuận lợi cho các Doanh nghiệp xã hội phát triển về cả chiều rộng và chiều sâu. Trong đó, một khung pháp lý với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ rõ ràng, tạo thuận lợi cho các Doanh nghiệp xã hội trong suốt quá trình vận hành và phát triển là điều kiện tiên quyết, có ảnh hưởng bao trùm đến sự phát triển của loại hình doanh nghiệp này.

Việc phát triển các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng có ý nghĩa rất lớn trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương tại điểm đến Du lịch cộng đồng. Trong đó, họ được trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch trong quá trình phục vụ du khách, và cũng chính họ cũng là một nhân tố cấu thành các sản phẩm Du lịch cộng đồng. Thông qua Du lịch cộng đồng, thu nhập của cộng đồng gia tăng, chất lượng cuộc sống được cải thiện và họ trở thành đối tượng hưởng lợi chính từ các hoạt động du lịch ấy.

Trên thực tế, nếu chỉ xét về phương diện sản phẩm du lịch thì Du lịch cộng đồng chỉ là một yếu tố cấu thành sản phẩm du lịch nhằm mang lại những trải nghiệm cho du khách về truyền thống văn hóa, tập tục và lễ nghi sinh hoạt của dân cư địa phương trong quá trình tham gia các hoạt động du lịch. Đó cũng là vai trò của cộng đồng địa phương trong chương trình Du lịch cộng đồng đơn thuần của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch truyền thống.

Tuy nhiên, Doanh nghiệp xã hội sẽ không chỉ mang lại những lợi ích cho dân cư địa phương trong ngắn hạn mà họ còn sử dụng một phần lớn lợi nhuận từ hoạt động du lịch đó cung cấp cho cộng đồng địa phương sinh kế để tự họ chủ động tham gia và tiến dần tới quản lý hoạt động du lịch tại địa phương mình. Điều này khiến cộng đồng địa phương có thể làm chủ dần cuộc sống và hoạt động du lịch trong dài hạn. Vì thế, những tác động tích cực về lâu dài mà các Doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng mang lại cho dân cư địa phương tại điểm đến sẽ mang lại những hiệu quả bền vững trên cả ba trụ cột về kinh tế, xã hội và môi trường. Và như vậy, có thể thấy Doanh nghiệp xã hội là mô hình hoàn toàn phù hợp để tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực Du lịch cộng đồng.

Tham khảo thêm

Vũ Hương Giang (2019). Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương. Hà Nội.

Share.