Trong bài viết này, Hoa tiêu tri thức chia sẻ bài viết làm rõ khái niệm “phân tích” và vai trò của phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh.

1. Phân tích là gì?

Phân tích hiểu theo nghĩa chung nhất là sự phân chia các sự vật, hiện tượng theo những tiêu thức nhất định để nghiên cứu, xem xét được sự hình thành và phát triển của sự vật hiện tượng trước đó trong mối quan hệ biện chứng với các sự vật, hiện tượng khác.

Phân tích là công cụ dùng để nghiên cứu trong hầu hết các khoa học, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội. Phân tích giúp nhận thức được nội dung, hình thức và xu hướng phát triển của sự vật hiện tượng nghiên cứu. Thông qua phân tích thấy được mối quan hệ cấu thành bên trong của mỗi sự vật, hiện tượng, quan hệ biện chứng của nó với các sự vật, hiện tượng khác. Qua đó, quá trình phân tích giúp cho các đối tượng sử dụng thông tin được phân tích đưa ra quyết định riêng.

Trong lĩnh vực quản trị tài chính doanh nghiệp cũng sự dụng phân tích là một công cụ hữu hiệu để nghiên cứu tình hình tài chính của doanh nghiệp (DN). Thực tế, phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh được các nhà quản lý bắt đầu chú ý từ thế kỷ 19 và hiện nay thực sự rất được chú trọng phát triển. Trong quá trình quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, các nhà quản lý luôn phải đưa ra rất nhiều quyết định khác nhau như quyết định đầu tư, quyết định về mặt hàng, lựa chọn công nghệ máy móc thiết bị, cung ứng nguyên vật liệu, về chi phí, giá bán và về tổ chức huy động và sử dụng vốn,… Các quyết định của các nhà quản lý có ý nghĩa rất quan trọng, liên quan đến sự tồn tại và phát triển của DN nói riêng, của toàn ngành và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Khi tiếp cận khái niệm về phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh thì không có nhiều tài liệu trong và ngoài nước viết về vấn đề này. Tuy nhiên, khái niệm tương đồng về phân tích hiệu quả kinh doanh lại được đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu. Cụ thể, trong cuốn sách “Phân tích báo cáo tài chính”, tác giả Nguyễn Ngọc Quang (2013) cho rằng: “Phân tích hiệu quả kinh doanh là một nội dung cơ bản của phân tích tài chính góp phần làm cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển không ngừng” . “Khi phân tích hiệu quả kinh doanh, các chỉ tiêu cần được xem xét gắn với thời gian, không gian và môi trường của các chỉ tiêu nghiên cứu…”.

Trần Thị Thu Phong (2012) cho rằng: “Phân tích hiệu quả kinh doanh là việc xem xét, đối chiếu, so sánh và đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp qua các chỉ tiêu hiệu quả giữa hiện tại và quá khứ của doanh nghiệp, giữa hiệu quả của doanh nghiệp mình với các hiệu quả của các doanh nghiệp khác khác trong cùng ngành, cùng lĩnh vực. Các thông tin từ việc phân tích hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ giúp cho các đối tượng có cơ sở khoa học đưa ra các quyết định của mình…”.

Nguyễn Thị Mai Hương (2008) trong nghiên cứu về hoàn thiện phân tích hiệu quả kinh doanh doanh nghiệp khai thác khoáng sản Việt Nam, Hà Thị Việt Châu (2017) trong nghiên cứu về hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến sữa ở Việt Nam thậm chí còn không đề cập đến khái niệm phân tích hiệu quả kinh.

Trên cơ sơ khái niệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh đã được trình bày ở bài viết trước, có thể nhận định rằng: “Phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh là quá trình thu thập và xử lý thông tin bằng các phương pháp phân tích thích hợp để đánh giá và dự báo hiệu quả sản xuất kinh doanh giúp các chủ thể ra quyết định phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp”.

Theo cách hiểu này, phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh là quá trình thu thập thông tin bằng các phương pháp phân tích thích hợp như phân chia các hoạt động, các quá trình sản xuất kinh doanh thành các bộ phận trong sự tác động của các yếu tố…; là quá trình xử lý thông thông tin thu thập được bằng các phương pháp phân tích thích hợp như so sánh, tương quan, hồi quy, định tính, định lượng… để đánh giá quá khứ và hiện tại hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh như thế nào? phù hợp và tương xứng với khả năng hiện có của doanh nghiêp hay không? ưu điểm ở đâu, hạn chế chỗ nào, còn năng lực chưa được khai thác và sử dụng hay không trên cơ sở đó mà dự báo được hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai và ảnh hưởng của hiệu quả đó đến khả năng tồn tại và phát triển của DN. Phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh như vậy sẽ giúp các đối tượng quan tâm (cổ đông không tham gia điều hành của DN, cơ quan thuế, ngân hàng cho vay và các đối tác kinh doanh), các chủ thể quản lý (chủ sở hữu của DN, ban giám đốc điều hành) ra được các quyết định phù hợp với mục tiêu mong muốn của từng đối tượng.

Quá trình phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh được tiến hành từ bước khảo sát thực tế đến tư duy trừu tượng, tức là từ việc quan sát thực tế, thu thập thông tin số liệu, xử lý phân tích các thông tin số liệu, tìm nguyên nhân đến việc đề ra các định hướng hoạt động và các giải pháp thực hiện các định hướng đó.

2. Vai trò của phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh

Từ các nội dung trên cho thấy phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Đó là một công cụ quản lý kinh tế có hiệu quả mà các doanh nghiệp đã sử dụng từ trước tới nay. Hiện nay cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt, vấn đề được đặt lên hàng đầu đối với các DN là phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Có như vậy DN mới đứng vững trên thị trường và đủ sức cạnh tranh với các DN khác, vừa phải tích luỹ vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động và thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước. Để đảm bảo được điều đó DN phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá đầy đủ chính xác, toàn diện mọi diễn biến và kết quả của quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, những mặt mạnh, mặt yếu của DN qua đó tìm mọi biện pháp để không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh cho phép các lãnh đạo DN đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế như thế nào, những mục tiêu đặt ra được thực hiện đến đâu, rút ra những tồn tại, tìm nguyên nhân khách quan và đề ra biện pháp khắc phục để tận dụng một cách triệt để khả năng tiềm tàng sẵn có của DN. Điều này cũng có nghĩa rằng phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh không chỉ là điểm kết thúc của một chu kỳ sản xuất kinh doanh mà còn là điểm bắt đầu của một chu kỳ sản xuất kinh doanh mới. Kết quả phân tích quá trình sản xuất, kinh doanh đã qua và những dự đoán trong phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh sắp tới là những căn cứ quan trọng để DN có thể hoạch định chiến lược phát triển và lựa chọn phương án kinh doanh tối ưu.

Phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh gắn với quá trình hoạt động của DN, có tác dụng giúp cho ban lãnh đạo doanh nghiệp chỉ đạo mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Thông qua phân tích từng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp như công tác chỉ đạo sản xuất, công tác tổ chức nhân sự và tiền lương, công tác tiếp thị và bán hàng, công tác quản lý tài chính,… giúp ban lãnh đạo doanh nghiệp điều hành từng lĩnh vực cụ thể với sự tham gia của từng phòng ban chức năng, từng bộ phận trực thuộc của doanh nghiệp. Nó cũng là công cụ quan trọng để kiểm tra đánh giá sự liên kết phối hợp hoạt động của các bộ phận làm cho hoạt động chung của doanh nghiệp ăn khớp nhịp nhàng và đạt hiệu quả.

Phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh là biện pháp quan trọng để DN phòng ngừa rủi ro. Để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế rủi ro xảy ra, doanh nghiệp phải tiến hành phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời dự đoán các điều kiện kinh doanh trong thời gian tới, lựa chọn chiến lược kinh doanh phù hợp. Ngoài việc phân tích các điều kiện bên trong doanh nghiệp tác động đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, còn phải quan tâm đến các nhân tố bên ngoài tác động như đối thủ cạnh tranh, thị trường tiêu thụ, khách hàng,… Trên cơ sở phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đưa ra các biện pháp nhằm phòng ngừa các rủi ro có thể xảy ra.

Tham khảo thêm

  1. Nguyễn Trọng Kiên (2020). Phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế (Chuyên ngành kế toán). Học viện Tài chính. Hà Nội.
  2. Nguyễn Ngọc Quang (2013), Phân tích Báo cáo tài chính, NXB Tài chính (Tái bản lần 1).
  3. Nguyễn Thị Mai Hương (2008), Hoàn thiện phân tích hiệu quả kinh doanh trong các doanh nghiệp khai thác khoáng sản Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc dân. Hà Nội.
  4. Trần Thị Thu Phong (2012), Hoàn thiện phân tích hiệu quả kinh doanh trong các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc dân. Hà Nội.
  5. Hà Thị Việt Châu (2017), Nghiên cứu hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất và chế biến sữa ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Đại học Kinh tế Quốc dân. Hà Nội.
Share.