Bài viết phân tích các khái niệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh theo các quan điểm khác nhau của các học giả trong mước và quốc tế, đồng thời nhận định bản chất của hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

1. Khái niệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì hiệu quả sản xuất kinh doanh là mục tiêu, là động lực mà các doanh nghiệp (DN) theo đuổi. Tất cả mọi kế hoạch, phương pháp quản trị hay phương án kinh doanh đều đi đến mục tiêu làm sao để hiệu quả là cao nhất. Cùng với sự phát triển của xã hội thì khái niệm hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng được phát triển, được hoàn thiện. Tuy nhiên vẫn không ít các quan điểm khác nhau về hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Đã có rất nhiều học giả nghiên cứu và đưa ra những phát biểu khác nhau về hiệu quả sản xuất kinh doanh. Các phát biểu này thường xoay quanh các vấn đề so sánh giữa kết quả đầu ra với đầu vào, đánh giá khả năng sử dụng các nguồn lực nhằm đạt được kết quả, mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để có thể hiểu chính xác và đầy đủ về hiệu quả sản xuất kinh doanh, trước tiên cần làm rõ khái niệm về “Hiệu quả” và khái niệm về “Kinh doanh”.

Thuật ngữ “Hiệu quả” trong kinh tế được nhắc đến rất sớm với rất nhiều các lý thuyết khác nhau. Trung tâm của khái niệm “ Hiệu quả “ phải được nhắc đến là nhà Kinh tế học người Italia Vilfredo Pareto. Lý luận của ông đã được đặt bằng đúng tên ông với khái niệm “Hiệu quả Pareto”. Theo khái niệm này thì Pareto cho rằng một nền kinh tế gọi là đạt được hiệu quả Pareto khi không có cách nào phân bổ lại các nguồn lực để làm ít nhất một người được lợi hơn mà không phải làm thiệt hại đến bất kỳ ai khác [2]. Như vậy, chúng ta sẽ thấy được rằng một nền kinh tế đạt được hiệu quả khi nguồn lực của nền kinh tế này được sử dụng một cách tối ưu mà không thể có cách phân bổ nào tốt hơn cách phân bổ này.

Gần giống với quan điểm của Vilfredo Pareto thì P.Samerelson và W. Nordhaus cho rằng: “Hiệu quả sản xuất diễn ra khi xã hội không thể tăng sản lượng một loại hàng hoá mà không cắt giảm một loạt sản lượng hàng hoá khác. Một nền kinh tế có hiệu quả nằm trên đường giới hạn khả năng sản xuất (PPF) của nó” [3, tr. 163].

Đường giới hạn khả năng sản xuất – PPF là đường mô tả mức sản xuất tối đa mà một nền kinh tế có thể đạt được khi sử dụng toàn bộ năng lực sản xuất hiện có. Nó cho biết các khả năng sản xuất khác nhau mà một xã hội có thể lựa chọn.

Manfred Kuhn lại cho rằng: “Tính hiệu quả được xác định bằng cách lấy kết quả tính theo đơn vị giá trị chia cho chi phí kinh doanh” [4]. Đây được coi là cách tiếp cận chủ yếu về hiệu quả kinh tế trong xu hướng hiện nay.

Theo từ điển kinh tế học của Nguyễn Văn Ngọc: “hiệu quả là mối quan hệ giữa các đầu vào nhân tố khan hiếm với sản lượng hàng hóa và dịch vụ. Mối quan hệ này có thể được tính bằng hiện vật (gọi là hiệu quả kỹ thuật) hoặc giá trị (hiệu quả kinh tế). Hiệu quả kinh tế là phương diện của quá trình sản xuất cho biết kết hợp các đầu vào nhân tố cho phép tối thiểu hóa chi phí để sản xuất ra một mức sản lượng nhất định. Hiệu quả kỹ thuật là phương diện của quá trình sản xuất. Nó biểu thị dưới dạng hiện vật cách kết hợp các đầu vào nhân tố tốt nhất để sản xuất ra một mức sản lượng nhất định” [5].

Theo Điều 4 Luật doanh nghiệp Việt Nam (2014): “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”. Đồng thời, theo Điều 8 luật doanh nghiệp Việt Nam (2014), doanh nghiệp có nghĩa vụ đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh; tổ chức công tác kế toán, lập và nộp báo cáo tài chính trung thực, chính xác, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê; kê khai thuế, nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp và chính đáng của người lao động, tạo điều kiện người lao động tham gia đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề; đảm bảo về chất lượng hàng hóa; bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo vệ di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh; thực hiện đạo đức kinh doanh để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng và người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, cũng có nhiều cách tiếp cận về hiệu quả sản xuất kinh doanh hay hiệu quả kinh doanh như: Tác giả Nguyễn Thành Độ và Nguyễn Ngọc Huyền cho rằng: “Hiệu quả kinh doanh là phạm trù phản ánh mặt chất lượng của các hoạt động kinh doanh, phản ánh trình độ lợi dụng các nguồn lực sản xuất (lao động, máy móc thiết bị, nguyên liệu, tiền vốn) trong quá trình tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” [6, tr. 54].

Ngoài ra, trong cuốn giáo trình phân tích báo cáo tài chính tác giả Nguyễn Năng Phúc và các cộng sự cũng đưa ra quan điểm của mình về hiệu quả kinh doanh như sau: “Hiệu quả kinh doanh là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh trình độ sử dụng các nguồn vật lực, tài chính của doanh nghiệp để đạt được hiệu quả cao nhất” [7, tr. 199]. Nhóm tác giả này còn giải thích thêm rằng hiệu quả kinh doanh còn thể hiện sự vận dụng khéo léo của các nhà quản trị doanh nghiệp giữa lý luận và thực tế nhằm khai thác tối đa các yếu tố của quá trình sản xuất như máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, nhân công để nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Cũng đồng tình với quan điểm của tác giả trên, trong nghiên cứu đã công bố của mình, tác giả Đỗ Tiến Tới cho rằng “Hiệu quả kinh doanh chính là thước đo tăng trưởng cho các doanh nghiệp, là mối quan tâm hàng đầu của bất kỳ doanh nghiệp nào và là vấn đề quan trọng nhất trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Hiệu quả kinh doanh phản ánh trình độ quản lý và sử dụng các nguồn lực của các doanh nghiệp sao cho tối đa hóa kết quả đạt được và tối thiểu hóa chi phí bỏ ra để đạt được mục tiêu mà doanh nghiệp đã xác định trong các giai đoạn và hướng tới mục tiêu lâu dài là tối đa hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp” [8, tr. 62].

Như vậy, qua những phân tích trên có thể thấy: tuy nhìn nhận ở những góc độ khác nhau, song khi đề cập đến hiệu quả sản xuất kinh doanh đều thống nhất cho rằng: Hiệu quả sản xuất kinh doanh đều phản ánh trình độ quản lý và sử dụng các nguồn lực mà các doanh nghiệp sử dụng vào sản xuất kinh doanh sao cho tối đa hóa kết quả đạt được và tối thiểu hóa chi phí bỏ ra. Từ đó có thể hiểu rằng khi nói đến “Hiệu quả kinh doanh” là để dùng cho các doanh nghiệp nói chung, bao gồm cả các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phi sản xuất. Còn khi sử dụng thuật ngữ “Hiệu quả sản xuất kinh doanh” là thường dùng cho doanh nghiệp có cả hoạt động sản xuất (tạo ra sản phẩm) và hoạt động kinh doanh (bán sản phẩm).

Do đó, theo cách hiểu trên thì có thể cho rằng:

“Hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là một phạm trù kinh tế, phản ánh trình độ khai thác và sử dụng các nguồn lực trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm thực hiện các mục tiêu sản xuất, kinh doanh, với hao phí nguồn lực bỏ ra ít nhất mà đạt được kết quả cao nhất”.

2. Bản chất của hiệu quả sản xuất kinh doanh

Bất kỳ một hoạt động của mọi tổ chức đều nhằm mục đích đạt được hiệu quả cao nhất trên mọi phương diện kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chủ yếu xét trên phương diện kinh tế có quan hệ với hiệu quả xã hội và môi trường.

Thực chất, hiệu quả sản xuất kinh doanh là sự so sánh giữa các kết quả đầu ra với các yếu tố đầu vào của một tổ chức kinh tế được xét trong một kỳ nhất định, tùy theo yêu cầu của các nhà quản trị kinh doanh. Các chỉ tiêu tài chính phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh là cơ sở khoa học để đánh giá trình độ của các nhà quản lý, căn cứ đưa ra quyết định trong tương lai. Tuy nhiên độ chính xác của thông tin từ các chỉ tiêu hiệu quả sản xuất kinh doanh lại phụ thuộc vào nguồn số liệu, thời gian và không gian phân tích.

Các chỉ tiêu phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh có thể khái quát như sau:

– So sánh giữa kết quả đầu ra với các yếu tố đầu vào được tính theo công thức sau:

H = K/C (1)

– Hoặc so sánh giữa yếu tố đầu vào với kết quả đầu ra được tính theo công thức sau:

H = C/K (2)

Trong đó:

– H là hiệu quả sản xuất kinh doanh

– K là kết quả đầu ra

– C là yếu tố đầu vào

Kết quả đầu ra và yếu tố đầu vào có thể đo bằng thước đo hiện vật, thước đo giá trị tùy theo mục đích của việc phân tích.

Ở công thức (1), kết quả tính được càng lớn chứng tỏ hiệu quả sản xuất kinh doanh càng cao và công thức (2) thì ngược lại.

Dựa vào Báo cáo kết quả kinh doanh, các chỉ tiêu kết quả đầu ra bao gồm: Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp.

Dựa vào Bảng cân đối kế toán, các chỉ tiêu yếu tố đầu vào bao gồm: Tổng tài sản bình quân, tổng nguồn vốn chủ sở hữu bình quân, tổng tài sản dài hạn bình quân, tổng tài sản ngắn hạn bình quân. Hoặc các chi phí, giá vốn hàng bán, chi phí hoạt động trên báo cáo kết quả kinh doanh,…

Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh thường thể hiện một kỳ phân tích, do vậy số liệu dùng để phân tích các chỉ tiêu này cũng là kết quả của một kỳ phân tích. Nhưng tùy theo mục tiêu của việc phân tích và nguồn số liệu sẵn có, khi phân tích có thể tổng hợp các số liệu từ thông tin kế toán tài chính và kế toán quản trị, khi đó các chỉ tiêu phân tích mới đảm bảo chính xác và có ý nghĩa.

Để đánh giá chính xác, các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh cần được xem xét trong mối quan hệ với hiệu quả xã hội và quan điểm về hiệu quả.

Tham khảo thêm

  1. Nguyễn Trọng Kiên (2020). Phân tích hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế (Chuyên ngành kế toán). Học viện Tài chính. Hà Nội.
  2. Hiệu quả Pareto. https://vi.wikipedia.org
  3. Phạm Văn Dược (Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, 2008), Phân tích hoạt động kinh doanh, NXB Thống kê.
  4. https://de.wikipedia.org/wiki/Manfred_Kuhn
  5. Nguyễn Văn Ngọc (2006), Từ điển Kinh tế học, Nhà xuất bàn Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
  6. Nguyễn Thành Độ, Nguyễn Ngọc Huyền (2001), Giáo trình quản trị kinh doanh tổng hợp – tập 2, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
  7. Nguyễn Năng Phúc (Chủ biên, 2011), Giáo trình Phân tích Báo cáo tài chính, NXB Đại học Kinh tế quốc dân (Tái bản lần 2).
  8. Đỗ Tiến Tới (2018), Thực trạng hiệu quả kinh doanh của các công ty cổ phần niêm yết ngành Công nghiệp tại Việt Nam, Tạp chí Công thương, số tháng 7/2018, trang 60-66.
Share.