Ở Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu đã đưa ra một số tiêu chí về phát triển du lịch bền vững ở các mức độ cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một bộ tiêu chí thống nhất để đánh giá về phát triển du lịch bền vững ở địa phương cấp tỉnh ở Việt Nam; cũng như chưa có bộ tiêu chí nào đề ra đầy đủ các giá trị cụ thể cần đạt được trong mỗi nhóm tiêu chí.
Dựa trên nghiên cứu, phân tích về nội dung lý luận phát triển du lịch bền vững theo các tổ chức du lịch quốc đặc biệt là Bộ tiêu chuẩn du lịch bền vững toàn cầu do Hội đồng du lịch toàn cầu (GSTC), bài viết đề xuất một bộ tiêu chí đánh giá phát triển du lịch bền vững có thể áp dụng và khả thi hơn trong điều kiện thực tế của các địa phương cấp tỉnh Việt Nam. Bộ tiêu chí được xây dựng phù hợp với nội dung của phát triển du lịch bền vững, bao gồm 3 nhóm tiêu chí tương ứng với 3 trụ cột của phát triển du lịch bền vững đã trình bày ở trên.
1. Quan điểm xây dựng bộ tiêu chí
– Xác định các giá trị, giới hạn cần đạt được (chỉ tiêu mục tiêu cho phát triển du lịch bền vững). Giá trị cần đạt của tiêu chí giúp cho việc nghiên cứu và đánh giá thực trạng phát triển du lịch bền vững của một địa phương có cơ sở để kết luận về mức độ đạt được như thế nào, làm căn cứ giúp xây dựng các mục tiêu kế hoạch mới khả thi cũng như các nhiệm vụ, giải pháp thích hợp để đạt mục tiêu.
– Các tiêu chí phải phù hợp với nội dung của phát triển du lịch bền vững đồng thời có khả năng tính toán hoặc điều tra được ở mức độ cao nhất có thể trong điều kiện của các địa phương cấp tỉnh (do đó, một số tiêu chí gắn với các chỉ số tổng hợp như TFP, HDI, GINI, EPI, tuy có ý nghĩa cao trong việc đánh giá phát triển bền vững của nền kinh tế nói chung, của các ngành kinh tế trong đó có du lịch nói riêng, nhưng với điều kiện hiện nay của các địa phương cấp tỉnh rất khó để tính toán, tác giả sẽ đề xuất các chỉ tiêu thay thế đơn giản và dễ thống kê, tính toán hơn).
– Các giới hạn cần đạt của tiêu chí được đề xuất phù hợp với yêu cầu, nguyên tắc phát triển du lịch bền vững đồng thời phải khả thi trong điều kiện thực tế của các địa phương cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay. Xác định tối đa các tiêu chí có thể định lượng giới hạn bằng số liệu thống kê tuyệt đối. Với các tiêu chí không thể định lượng bằng giá trị tuyệt đối thì sử dụng phương pháp so sánh trung bình, so sánh tương quan (với các chỉ số bình quân chung của cả nền kinh tế, của ngành du lịch cả nước) để đề xuất các giá trị này, nhưng phải bảo đảm có thể tính toán, thống kê hoặc điều tra khảo sát được các thông tin, số liệu dùng để đánh giá.
2. Nội dung bộ tiêu chí
Trong điều kiện cụ thể các vùng du lịch ở các địa phương cấp tỉnh, tiêu chí đánh giá du lịch bền vững với 27 tiêu chí dưới đây:
(1) Tốc độ tăng trưởng doanh thu, tăng trưởng giá trị tăng thêm du lịch: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, với quan điểm phát triển bền vững, đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm của Việt Nam là 6,5-7%/năm [2, tr.272]. Một số công trình khoa học đã công bố cũng xác định tiêu chí phản ánh mặt lượng của tăng trưởng kinh tế bền vững là trên 6%/năm [3, tr.108]. Du lịch là ngành kinh tế có lịch sử phát triển chưa dài so với các nhóm ngành công nghiệp – xây dựng và nông nghiệp, còn nhiều dư địa cho phát triển, cần đặt ra mục tiêu và chỉ tiêu phát triển cao hơn so với tốc độ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế, mặt khác với thực trạng, tiềm năng và dự báo xu thế phát triển đến năm 2030 của du lịch Việt Nam, cũng chưa cần đặt ra giới hạn trần của tăng trưởng ngành du lịch. Do đó tác giả đề xuất giới hạn của tiêu chí này là không dưới 7%/năm. Giới hạn này cần phải đạt được một cách ổn định, liên tục không dưới 5 năm, phù hợp với chu kỳ kế hoạch trung hạn của nền kinh tế để có sự đồng bộ trong các đánh giá, thuận lợi cho công tác nghiên cứu, tính toán cũng như thực tế triển khai thực hiện.
(2) Đóng góp của giá trị tăng thêm ngành du lịch vào GRDP của địa phương: Bộ tiêu chí được áp dụng cho các địa phương cấp tỉnh. Nhưng do lợi thế phát triển du lịch của mỗi tỉnh không giống nhau nên không đưa ra chỉ số bằng số liệu tuyệt đối mà chỉ đưa ra giới hạn theo hướng đánh giá xu thế phát triển. Cụ thể tiêu chí này xác định: Đóng góp của giá trị tăng thêm ngành du lịch vào GRDP địa phương ngày càng tăng.
(3) Sự phù hợp với lợi thế địa phương, tính đa dạng, bền vững của sản phẩm du lịch: Mức độ phù hợp để đánh giá sự phát triển bền vững của sản phẩm du lịch là phải phù hợp với chiến lược phát triển sản phẩm du lịch của địa phương đó, bởi chiến lược phát triển sản phẩm du lịch của mỗi địa phương thường được xây dựng trên cơ sở đã cân nhắc, tính toán khoa học các yếu tố liên quan, hướng tới khai thác, phát huy tốt nhất đặc thù tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch của địa phương.
(4) Lượng vốn đầu tư cho du lịch: Được huy động phù hợp với phân kỳ theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của địa phương.
(5) Cơ cấu nguồn vốn đầu tư: Cần đặt ra giới hạn phù hợp chủ trương đa dạng hóa, trong đó tăng cường xã hội hóa nguồn lực đầu tư theo quan điểm phát triển chung của Nhà nước. Trên cơ sở đánh giá thực tế, yêu cầu về mức độ phát triển phải ngày càng cao trong những năm tới, giới hạn này cần được đặt ra theo hướng phù hợp với từng giai đoạn cho đến năm 2030, cụ thể:
Cơ cấu vốn đầu tư giai đoạn 2006 – 2010 và 2011 – 2015: Đa dạng hóa, nguồn vốn xã hội tăng liên tục và ổn định, bình quân giai đoạn đạt tỷ trọng trên 50%; mỗi 5 năm tiếp theo, tỷ trọng này tăng thêm không dưới 10% so 5 năm trước.
(6) Cơ cấu đầu tư từ nguồn vốn đã huy động: Cơ cấu đầu tư được đánh giá là bền vững phải phù hợp và góp phần thực hiện định hướng xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng và đa dạng hóa sản phẩm. Do đó giới hạn cần đạt của tiêu chí này là: phù hợp với chiến lược phát triển sản phẩm du lịch của địa phương.
(7) Công suất sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch: Sử dụng phương pháp so sánh trung bình và đánh giá xu thế phát triển để xác định chỉ số này, cụ thể: Công suất sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tăng dần hàng năm nhưng không dưới 50% và đảm bảo tạo được lợi nhuận ngày càng tăng.
(8) Số lượng, chất lượng nguồn lao động du lịch: xác định giới hạn cần đạt được theo hướng phải có sự phát triển phù hợp với phân kỳ theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của địa phương. Bởi trong các quy hoạch này, các chỉ số về phát triển nguồn nhân lực du lịch, bao gồm cả số lượng và chất lượng, đã được tính toán phù hợp và cân đối với các mục tiêu phát triển bền vững khác.
(9) Mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường và công nghệ thông tin: Tác giả đề xuất sử dụng tiêu chí này để đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế ngành du lịch gắn với hiệu quả sử dụng nguồn lực khoa học, công nghệ. Cụ thể: Mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường và công nghệ thông tin phải tăng dần liên tục, đồng thời giai đoạn 2016 – 2020 có bình quân trên 50% cơ sở kinh doanh du lịch sử dụng Internet phục vụ hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh và có sự chủ động áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường trong các hoạt động liên quan đến đầu tư, kinh doanh du lịch. Tỷ lệ này phải tăng lên 10% cho mỗi giai đoạn 5 năm tiếp theo.
(10) Tăng trưởng lượng khách du lịch: Giới hạn cần đạt của chỉ số này được xác định tương ứng với giới hạn của chỉ số về tăng trưởng giá trị tăng thêm (chỉ số đầu của bộ tiêu chí), cụ thể là không dưới 7%/năm, ổn định không dưới 5 năm.
(11) Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch (khách lưu trú): Không thấp hơn 3 ngày/khách; tăng dần liên tục không dưới 5 năm.
(12) Chi tiêu bình quân của khách du lịch: Tăng dần liên tục không dưới 5 năm; không thấp hơn trung bình chỉ số này của du lịch cả nước.
(13) Mức độ hài lòng của du khách: Không dưới 80%, ổn định.
– Tiêu chí đánh giá tăng trưởng kinh tế bền vững thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội và gắn liền với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa
(14) Tỷ lệ người dân được lấy ý kiến về quy hoạch, chủ trương đầu tư dự án du lịch trước khi triển khai: 100% chủ hộ trong vùng dự án.
(15) Mức độ tạo việc làm cho cộng đồng địa phương từ du lịch: Cao hơn tỷ lệ tạo việc làm mới bình thường trước khi có dự án du lịch trên địa bàn, được không dưới 80% người dân trong cộng đồng ghi nhận.
(16) Đóng góp cho xoá đói giảm nghèo và tạo cơ hội nâng cao thu nhập, hưởng lợi cho cộng đồng bản địa từ du lịch: Tăng dần, được không dưới 80% người dân trong cộng đồng ghi nhận.
(17) Đóng góp của du lịch cho bảo vệ tài nguyên du lịch nhân văn: Chủ động, tích cực, được không dưới 80% người dân trong cộng đồng ghi nhận.
(18) Diễn biến an ninh, trật tự, an toàn xã hội sau khi có hoạt động du lịch: Các chỉ số về an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm không xấu đi bất thường so với diễn biến bình thường khi không có hoạt động du lịch, được không dưới 80% người dân trong cộng đồng ghi nhận.
(19) Mức độ hài lòng của cộng đồng địa phương đối với hoạt động du lịch: Không dưới 80% người dân trong cộng đồng ghi nhận, ổn định.
– Tiêu chí đánh giá tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên và môi trường sinh thái
(20) Tỷ lệ các khu, điểm tài nguyên du lịch được quy hoạch: 100%.
(21) Tỷ lệ khu, điểm tài nguyên du lịch đang khai thác được đầu tư tôn tạo và bảo vệ đáp ứng yêu cầu chống suy giảm tài nguyên, bảo vệ môi trường: Tăng dần liên tục không dưới 5 năm; giai đoạn 2011 – 2015 đạt trên 50%, mỗi 5 năm tiếp theo, tỷ lệ này tăng thêm không dưới 10%.
(22) Giới hạn về sức chứa, cường độ hoạt động và áp lực lên môi trường tại các khu, điểm du lịch: không vượt quá sức chứa thực tế tối đa tại khu, điểm du lịch trong mọi thời gian.
(23) Chất lượng môi trường (nước, không khí, rác thải, âm thanh, ánh sáng…) tại các khu, điểm du lịch: Không vượt ngưỡng theo các quy chuẩn, tiêu chí và chỉ tiêu cụ thể về môi trường do cơ quan chức năng quy định cho từng thời kỳ.
(24) Ý thức trách nhiệm của khách du lịch với tài nguyên du lịch và môi trường: Tuân thủ nội quy, quy chế bảo vệ tài nguyên, môi trường tại nơi du lịch; tỷ lệ bị xử lý vi phạm dưới 1% so với tổng số du khách; không có vi phạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
(25) Ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư bản địa với tài nguyên du lịch và môi trường: Tuân thủ quy định về bảo vệ tài nguyên, môi trường của địa phương và tuân thủ cam kết bảo vệ tài nguyên, môi trường. Tỷ lệ vi phạm bị xử lý hàng năm dưới 1% so với tổng số người dân của cộng đồng; không có vi phạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
(26) Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh du lịch với tài nguyên du lịch và môi trường: Tuân thủ nội quy, quy chế bảo vệ tài nguyên, môi trường tại nơi du lịch; tỷ lệ bị xử lý vi phạm hàng năm dưới 1% so với tổng số cơ sở; không có vi phạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
(27) Đóng góp từ tăng trưởng du lịch cho bảo vệ tài nguyên, môi trường: Tăng dần, tốc độ tăng không thấp hơn tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của ngành du lịch trong cùng thời kỳ.
Tài liệu tham khảo
- Dương Hoàng Hương (2017). Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
- Ngô Thắng Lợi, Vũ Thành Hưởng (2015), Phát triển bền vững ở Việt Nam trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.