Giá trị doanh nghiệp (Enterprise Value, viết tắt là EV) được hiểu chung là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ các khoản lợi ích hay thu nhập mà doanh nghiệp có thể thu được trong tương lai. Xác định giá trị doanh nghiệp được hiểu và thừa nhận một cách rộng rãi là việc: điều tra chi tiết và đánh giá các hoạt động của công ty nhằm xác định giá trị hiện hữu và tiềm năng của một doanh nghiệp.

1. Khái niệm doanh nghiệp

1.1. Doanh nghiệp

Pháp luật Việt Nam xác định doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.

Bài viết tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chính là các doanh nghiệp cổ phần đại chúng.

Có thể nói, trong cơ chế thị trường, doanh nghiệp là một loại tài sản, có các nét đặc trưng như sau:

Thứ nhất: cũng như các loại hàng hóa khác, doanh nghiệp cũng là đối tượng của các loại giao dịch như mua bán, chia nhỏ, sáp nhập…Việc xác định giá cả và giá trị của loại hàng hóa đặc biệt này cũng tuân theo quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh…

Thứ hai: mỗi doanh nghiệp là một thực thể duy nhất, không giống nhau. Quy mô doanh nghiệp và cơ cấu tài sản cũng như cách thức quản trị mỗi doanh nghiệp và vị trí địa lý, trụ sở kinh doanh của mỗi doanh nghiệp đều khác nhau, vì vậy chúng chịu những ảnh hưởng khác nhau từ môi trường. Chính vì lý do này, việc so sánh giá trị các doanh nghiệp với nhau là không mang tính chính xác tuyệt đối.

Thứ ba: nếu như các tài sản hay hàng hóa thông thường thường có giá trị bị giảm dần theo thời gian, thì doanh nghiệp không như vậy. Doanh nghiệp là một thực thể hoạt động, có thể được hoàn thiện và phát triển trong tương lai, và sự phát triển nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào mối quan hệ của doanh nghiệp với môi trường. Do đó, cần phải xem xét tất cả các mối quan hệ cả ở bên trong và bên ngoài khi đánh giá về doanh nghiệp và xác định giá trị của doanh nghiệp.

1.2. Giá trị doanh nghiệp

Giá trị doanh nghiệp có thể được nhìn nhận theo nhiều cách tiếp cận (Moeljadi, 2014). Tiếp cận từ bảng cân đối kế toán, giá trị doanh nghiệp là giá trị của tất cả tài sản. Từ góc độ của báo cáo kết quả kinh doanh, giá trị doanh nghiệp có thể được xác định bởi doanh thu, lợi nhuận hoặc các chỉ báo khác. Một hướng tiếp cận khác là lợi thế thương mại. Giá trị doanh nghiệp được tính bằng giá trị sổ sách cộng với lợi thế thương mại. Giá trị doanh nghiệp cũng có thể được xem là một hàm của các dòng tiền tương lai và mức lợi tức.

Siallagan và Machfoedz (2006) nói rằng mục tiêu chính của công ty là tối đa hóa giá trị công ty. Thu nhập thấp sẽ dẫn đến các quyết định của nhà đầu tư và chủ nợ bất lợi cho doanh nghiệp; do đó, giá trị của công ty trên thị trường giảm sút. Pawestri (2006) cho rằng giá trị của doanh nghiệp trên thị trường được phản ánh trong giá cổ phiếu. Brigham (1999) cho rằng giá trị doanh nghiệp được xác định bởi nhận thức của thị trường về sự bền vững trong kết quả hoạt động kinh doanh và được thể hiện bằng giá trị thị trường của các cổ phiếu đang lưu hành.

Christiawan và Tarin (2004) đã nêu một số khái niệm về giá trị để mô tả giá trị công ty, trong đó bao gồm: giá trị danh nghĩa, giá trị thị trường, giá trị nội tại, giá trị sổ sách và giá trị thanh lý. Christiawan và Tarin (2004) kết luận rằng khái niệm đại diện tốt nhất để xác định giá trị của công ty trên thị trường là giá trị nội tại, nhưng việc ước lượng giá trị nội tại lại rất khó khăn bởi việc xác định giá trị nội tại đòi hỏi khả năng để nhận diện các biến có ý nghĩa quyết định đến khả năng sinh lời của một công ty. Những yếu tố này được cho là khác nhau giữa các doanh nghiệp. Vì vậy, giá trị thị trường thường được sử dụng bởi sự dễ dàng trong thu thập dữ liệu.

2. Các cách tiếp cận giá trị doanh nghiệp khác nhau

Theo quan niệm của học thuyết Mác – Lênin, giá trị doanh nghiệp là giá trị của toàn bộ các tài sản (hữu hình và vô hình) thuộc quyền sở hữu hiện tại của doanh nghiệp. Trong khi đó theo quan niệm của các nhà kinh tế học theo trường phái lợi ích, giá trị doanh nghiệp là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ khoản lợi ích hay thu nhập mà doanh nghiệp có thể thu được trong tương lai

Trong các khái niệm đã đề cập (giá trị nội tại , giá trị thị trường, giá trị sổ sách, giá trị hữu hình và vô hình, giá trị hoạt động, giá trị thanh lý, giá trị lý thuyết), có hai thiên hướng vận dụng chính là: giá trị nội tại của doanh nghiệp và giá trị thị trường.

Giá trị nội tại của doanh nghiệp:

Giá trị nội tại có thể được hiểu là giá trị thực của một doanh nghiệp, khác với giá trị thị trường hay giá trị ghi sổ của doanh nghiệp đó. Giá trị nội tại bao gồm các biến số khác như nhãn hiệu, thương hiệu, bản quyền… mà các biến số này rất khó tính toán, định lượng, đôi khi không được phản ánh một cách chính xác qua giá thị trường.

Giá trị nội tại là nhân tố cơ bản quyết định thị giá, nhưng ngoài nó còn có nhiều nhân tố khác ngoài tầm của doanh nghiệp như tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong và ngoài nước, thậm chí yếu tố tâm lý và sự đánh giá chủ quan của các nhà đầu tư cũng có tác động rất lớn.

Giá trị thị trường của doanh nghiệp (còn gọi là thị giá)

Giá trị thị trường của doanh nghiệp biến động xoay quanh giá trị nội tại, song trong từng thời kỳ nhất định, giá trị thị trường có thể cao hơn hay thấp hơn giá trị nội tại.

Giá trị nội tại phản ánh tiềm lực của doanh nghiệp và là cơ sở kinh tế của thị giá. Thị giá tuy luôn biến động, nhưng thường xoay quanh giá trị nội tại, không thể thoát ly quá xa, quá lâu giá trị nội tại.

Việc xác định giá trị nội tại của doanh nghiệp được tiến hành khá đa dạng với nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau, tuy nhiên giá trị nội tại cũng vì thế mà mang nặng tính chủ quan của người thực hiện. Quá trình thu thập số liệu để áp dụng các mô hình định giá nhằm xác định giá trị nội tại của các doanh nghiệp một cách khách quan và chính xác sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, trong các phần tiếp sau của luận án, giá trị doanh nghiệp được đo lường trên cơ sở chỉ số Tobin’s Q., dựa trên nghiên cứu của Fauver và Naranjo (2010), theo đó Tobin’s Q được tính bằng công thức: (giá trị thị trường của vốn chủ sở hữu + giá trị sổ sách của tài sản – giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu)/ giá trị sổ sách của tài sản.

Giá trị doanh nghiệp theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 02

“Giá trị doanh nghiệp là giá trị toàn bộ tài sản của một doanh nghiệp. Giá trị của mỗi tài sản cấu thành tổng tài sản của doanh nghiệp không thể tách rời nhau và cũng không thể thẩm định trên cơ sở giá trị thị trường.

Giá trị doanh nghiệp phải được xem xét trên tổng thể tài sản, không phải là giá trị của từng tài sản riêng rẽ, bao gồm tài sản hữu hình và tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.

Một tài sản nếu để riêng biệt có thể không phát huy được giá trị sử dụng nhưng khi kết hợp với một tài sản khác lại có thể phát huy được giá trị sử dụng của chính tài sản đó. Giá trị của từng tài sản riêng rẽ được xác định dựa trên phần đóng góp của tài sản đó vào hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp nên không liên quan đến thị trường, không tính đến giá trị sử dụng tối ưu và tốt nhất của tài sản đó cũng như số tiền mà tài sản đó mang lại khi được mang ra bán.

Giá trị tài sản đang trong quá trình sử dụng của doanh nghiệp có xu hướng cao hơn giá trị thị trường của tài sản khi doanh nghiệp đang kinh doanh hiệu quả, thu được lợi nhuận cao hơn so với doanh nghiệp cùng sản xuất sản phẩm tương tự; ngược lại có xu hướng thấp hơn giá trị thị trường khi doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Giá trị tài sản đang trong quá trình sử dụng cũng có xu hướng cao hơn giá trị thị trường khi doanh nghiệp có bằng sáng chế, giấy phép, hợp đồng sản xuất những sản phẩm đặc biệt, hoặc doanh nghiệp có uy tín đặc biệt, họăc các dạng tài sản thuộc sở hữu trí tuệ khác mà các doanh nghiệp cùng loại hình kinh doanh khác không có.”

Theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 Thẩm định giá doanh nghiệp (Ký hiệu: TĐGVN 12) Ban hành kèm theo Thông tư số 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính có thay đổi, không đưa ra khái niệm chung về giá trị doanh nghiệp mà phân thành 3 loại giá trị doanh nghiệp như sau:

“Giá trị doanh nghiệp hoạt động liên tục là giá trị doanh nghiệp đang hoạt động với giả thiết doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động sau thời điểm thẩm định giá.

Giá trị doanh nghiệp hoạt động có thời hạn là giá trị doanh nghiệp đang hoạt động với giả thiết tuổi đời của doanh nghiệp là hữu hạn do doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hoạt động sau một thời điểm được xác định trong tương lai.

Giá trị doanh nghiệp thanh lý là giá trị doanh nghiệp với giả thiết các tài sản của doanh nghiệp sẽ được bán riêng lẻ và doanh nghiệp sẽ sớm chấm dứt hoạt động sau thời điểm thẩm định giá.”

* Các khái niệm để tham khảo khác:

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2005

Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch ổn định, được đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh; Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, có những loại hình tổ chức kinh doanh sau: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế (sau đây gọi chung là doanh nghiệp); nhóm công ty. (Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005).

Tóm lại, giá trị doanh nghiệp là một phạm trù khá rộng, với nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau.

Tài liệu tham khảo

  1. Lê Phương Lan (2017). Phân tích nhân tố vi mô ảnh hưởng tới giá trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp niêm yết ở Việt Nam.
  2. Putu N., Moeljadi, Djumahir and Djazuli A. (2014). Factors Affecting Firms Value of Indonesia Public Manufacturing Firms. International Journal of Business and Management Invention, vol.3, issue 2, pp.35-44.
  3. Quốc hội (CHXHCNVN) (2005). Luật Doanh nghiệp
  4. Bộ Tài chính 2017. Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 (Thông tư số 122/2017/TT-BTC).
Share.