Khi nghiên cứu quá trình tăng trưởng, cần xem xét một cách đầy đủ hai mặt số lượng và chất lượng của tăng trưởng kinh tế (TTKT) trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Chất lượng tăng trưởng là khái niệm phản ánh nội dung bên trong của quá trình tăng trưởng, biểu hiện ở phương tiện, phương thức, mục tiêu và hiệu ứng đối với môi trường chứa đựng quá trình tăng trưởng ấy. Tốc độ tăng trưởng phản ánh mặt ngoài của quá trình tăng trưởng, thể hiện ở mức độ, số lượng lớn nhỏ, nhanh hay chậm của việc mở rộng quy mô.

Tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng là hai mặt của một vấn đề, có quan hệ ràng buộc lẫn nhau. TTKT về mặt lượng thường diễn ra trước và là điều kiện tiền đề để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng TTKT. Nâng cao chất lượng TTKT, tăng trưởng bền vững và hiệu quả, đến lượt nó, góp phần tạo ra nhiều của cải, thu nhập… lại tạo điều kiện bổ sng nguồn lực cho chu kỳ sản xuất sau và thúc đẩy việc tăng trưởng về mặt lượng. Trong mỗi giai đoạn phát triển khác nhau và tùy theo sự lựa chọn mô hình phát triển khác nhau mà vị trí của mặt số lượng hay chất lượng được đặt ra khác nhau. Có thể đưa ra những nhận xét thực chứng về sự thay đổi vị trí của yếu tố số và chất lượng tăng trưởng như sau:

(i) Trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, để tạo ra những nét khởi sắc nhanh chóng cho nền kinh tế, hình thành những tiền đề vật chất, động lực cơ bản cho việc giải quyết những tiến bộ xã hội sau này, phần lớn các nước đều nhấn mạnh nhiều hơn đến mặt số lượng của TTKT, và nhiệm vụ ban đầu đặt ra là làm thế nào cải thiện được các chỉ tiêu quy mô và tốc độ tăng trưởng.

(ii) Giai đoạn sau, khi các chỉ tiêu tăng trưởng đã đạt được một mức độ nhất định, thì mới quan tâm đến chất lượng của tăng trưởng. Vấn đề đặt ra trong giai đoạn này không phải là chỉ đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng là bao nhiêu, mà là tính hiệu quả và sự bền vững của các chỉ tiêu ấy như thế nào. Vị trí ngày càng cao của mặt chất lượng tăng trưởng là hoàn toàn phù hợp với xu thế tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế, cũng như phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững đặt ra cho mỗi quốc gia.

Dựa theo cách phân tích về động thái thay đổi vị trí của mặt số và chất lượng tăng trưởng như trên, có thể thấy mối quan hệ biện chứng của hai mặt này cũng có những thay đổi theo từng giai đoạn.

(i) Giai đoạn đầu: Do quan tâm đến mặt lượng của tăng trưởng nhiều hơn, trong nhiều trường hợp người ta phải đặt xuống hàng thứ yếu yêu cầu về chất lượng tăng trưởng. Mặt số và chất lượng tăng trưởng gần như là hai yếu tố mang tính đánh đổi nhau. Nếu quan tâm nhiều đến khía cạnh cái giá phải trả cho sự tăng trưởng và tác động lan tỏa tích cực của nó đến các đối tượng chịu ảnh hưởng, thì nhiều trường hợp mục tiêu đạt được một tốc độ tăng trưởng nào đó lại không thực hiện được.

(ii) Giai đoạn sau (trong dài hạn): Hai yếu tố này lại hỗ trợ nhau, thúc đẩy nhau và tạo điều kiện cho nhau cùng hoàn thiện. Chính việc quan tâm đến các tiêu chí về chất lượng tăng trưởng lại là cơ hội để đạt được mục tiêu về số lượng tăng trưởng đặt ra. Ngược lại, về phía mình, mặt lượng của tăng trưởng lại tạo ra những hỗ trợ về mặt vật chất cho việc hướng tới chất lượng tăng trưởng tốt hơn.

Việc phân chia vị trí và mối quan hệ của hai yếu tố số lượng và chất lượng tăng trưởng theo hai giai đoạn, như phân tích ở trên, mang tính chất tương đối. Mức độ khác biệt giữa hai giai đoạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tình trạng phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, quan điểm và các chính sách của Chính phủ trong quá trình lựa chọn con đường đi cho sự phát triển đất nước. Yếu tố quốc tế và khu vực cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết mối quan hệ của hai yếu tố này. Các nước đnag phát triển, xuất phát từ lợi thế lịch sử của các nước đi sau, có thể khắc phục được những khó khăn trong việc giải quyết mối quan hệ của hai yếu tố số và chất lượng tăng trưởng, dung hòa và giải quyết đồng thời, hợp lý mối quan hệ này ngay từ giai đoạn đầu của quá trình phát triển, dựa trên cơ sở sự hỗ trợ của quốc tế trên mọi lĩnh vực.

Các mô hình TTKT thực nghiệm của các nước trong giải quyết mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng TTKT:

Dựa vào một số chỉ tiêu phát triển chủ yếu của các nền kinh tế đang phát triển trển thế giới, các nhà kinh tế đã tổng kết lại ba mô hình tăng trưởng thể hiện mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng tăng trưởng như sau:

Mô hình 1: Tăng trưởng không ổn định, quy mô của nền kinh tế được mở rộng trong thời kỳ tăng trưởng nhanh, nhưng tại những thời kỳ khác TTKT lại thấp và nền kinh tế suy giảm trì trệ.

Mô hình 2: Tăng trưởng nhanh nhưng không phải trả giá bằng những tổn thất to lớn về tài nguyên, môi trường.

Mô hình 3: Tăng trưởng bền vững nhờ nguồn tích lũy các loại vốn tăng lên theo thời gian một cách cân đối. Chính phủ tập trung đầu tư nhiều hơn cho khu vực kinh tế công cộng như giáo dục, y tế và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Nguồn vốn tư nhân cũng không bị giảm sút, kể cả vốn vật chất và vốn nhân lực. Vốn nhân lực được tiếp sức có giá trị gia tăng cao hơn, tạo điều kiện đổi mớt công nghệ và tăng TFP.

Hầu hết các nước đang phát triển đã áp dụng mô hình 1 và 2, đầu tư cho vốn nhân lực và vốn tài nguyên ở mức thấp. Nếu như các nước đang phát triển chỉ đầu tư vào khu vực công với tỉ lệ thấp, thì nguồn đầu tư đó không tác động tới năng suất và chỉ có tác dụng đối với tăng trưởng ở mức độ vừa phải hoặc trong khoảng thời gian ngắn. Mô hình 3 đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng tăng trưởng: Tăng năng suất nhân tố tổng hợp TFP, tăng trưởng thân thiện với môi trường, tăng trưởng với phúc lợi xã hội được nâng cao. Đó là mô hình mà nhiều quốc gia phát triển đang theo đuổi.

Thực hiện mô hình tăng trưởng đạt được tất cả các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng là vấn đề khó khăn đối với các nước đang phát triển. Một số nước vì ưu tiên cho mục tiêu tỉ lệ tăng trưởng cao đã phải chịu những tổn thất về môi trường, thể chế chính trị mất dân chủ. Đối với các nước nghèo, TTKT cao một mặt làm tăng thu nhập bình quân đầu người, mặt khác làm giảm tỷ lệ người nghèo đói và có thể thoát khỏi nguy cơ tụt hậu trong quá trình phát triển. Lịch sử kinh tế thế giới đã chỉ ra rằng, ít có quốc gia nào đạt được các mục tiêu tăng trưởng trọn vẹn theo các tiêu chuẩn nêu trên. Sự thần kỳ Đông Á cũng chỉ tồn tại trong khoảng thời gian 2 đến 3 thập kỷ, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, tỷ lệ nghèo đói giảm, đầu tư vào vốn nhân lực ở mức cao, nhưng sự quản lý của chính phủ yếu kém, mất dân chủ trong hoạt động kinh tế, vốn vật chất tăng nhưng TFP không tăng đáng kể. Hậu quả là các nước này đã có thời kỳ rơi vào khủng hoảng [Joseph E. Stiglitz và Shahid Yusuf (2002)][2].

Tham khảo thêm

  1. Đặng Thành Chung (2020). Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Thái Lan và Malaysia sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu và bài học cho Việt Nam. Luận án tiến sĩ Kinh tế (Chuyên ngành Kinh tế Quốc tế). Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Hà Nội.
  2. Joseph E. Stiglitz và Shahid Yusuf (2002),Suy ngẫm lại sự thần kỳ Đông Á, bản dịch của Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Share.