Hoa tiêu tri thức đã có bài viết về “Tổng quan về phát triển bền vững“, trong đó đã trình bày khái niệm và mô hình phát triển bền vững, để có một góc nhìn khác về phát triển bền vững, để có thêm kiến thức và nhận thức một cách đầy đủ về vấn đề này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu một góc nhìn khác về phát triển bền vững.

Theo Liên Hiệp quốc khái niệm Phát triển bền vững đã được định nghĩa là “sự phát triển đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến khả năng của các thế hệ tương lai trong việc đáp ứng các nhu cầu của chính họ”. Khái niệm nhu cầu không chỉ đơn giản là nhu cầu vật chất và bao gồm các giá trị, các mối quan hệ, tự do suy nghĩ, hành động và tham gia, tất cả đều hướng đến cuộc sống bền vững, về mặt đạo đức và tinh thần [12].

1. Quá trình nhận thức

Khái niệm phát triển bền vững từng bước được hình thành cùng với quá trình nhận thức về phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường của các quốc gia trên thế giới. Đối mặt với những hậu quả do tham vọng thúc đẩy phát triển kinh tế thật nhanh chóng từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, con người bắt đầu nhìn nhận về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên và sự cần thiết phải gắn các mục tiêu về tiến bộ xã hội trong quá trình phát triển kinh tế. Vào khoảng những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường được công bố. Năm 1980, thuật ngữ “phát triển bền vững” lần đầu tiên được đề cập trong bản Chiến lược bảo tồn thế giới do IUCN, với sự hợp tác của UNEP và WWF công bố, với nội dung: “để sự phát triển bền vững thì cùng với yếu tố kinh tế, nó phải tính đến cả các yếu tố xã hội và sinh thái; yếu tố tài nguyên tái tạo và không tái tạo; và tính đến những thuận lợi, khó khăn cả trước mắt cũng như lâu dài trong các phương án hành động” [1, tr.11].

Năm 1987, báo cáo Tương lai chung của chúng ta (còn gọi là Báo cáo Brundtland) do WECD ấn hành đưa ra quan điểm của Liên Hiệp quốc về phát triển bền vững, theo đó phát triển bền vững được hiểu là “sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai” [2, tr.43].

Năm 1992, Hội nghị Thượng đỉnh trái đất về Môi trường và Phát triển của Liên hiệp quốc họp tại Rio de Janeiro (Brazil) thông qua Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển và Chương trình nghị sự 21 (Agenda 21) [3]. Với 27 nguyên tắc trong Tuyên bố, cùng 40 nhóm nội dung được thể hiện trong Chương trình nghị sự, quan niệm về phát triển bền vững được hoàn chỉnh hơn, không chỉ bao gồm các yếu tố tăng trưởng gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, mà còn đề cập đến các khía cạnh về bảo đảm sự tiến bộ xã hội cho con người trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển. Các nội dung này tiếp tục được khẳng định và nhấn mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững (WSSD) họp tại Johannesburg (Nam Phi) năm 2002. Theo đó, quan niệm về phát triển bền vững được Liên hiệp quốc đưa ra là: “bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế ổn định trong mối quan hệ với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống” [3, tr.15,16; 142, tr.16]. Phát triển bền vững theo quan điểm của Liên hiệp quốc tập trung vào ba khía cạnh (trụ cột) mà sự phát triển đó muốn đạt đến là: bền vững về mặt kinh tế; bền vững về mặt xã hội; bền vững về môi trường sinh thái.

Bước sang thế kỷ XXI, trước những diễn biến mới của các yếu tố toàn cầu hóa, hội nhập và biến đổi khí hậu với xu hướng ngày càng nhanh hơn, quan điểm phát triển bền vững với ba trụ cột của sự phát triển một mặt nhìn chung tiếp tục nhận được sự đồng thuận từ nhiều nghiên cứu cũng như tại các chương trình nghị sự lớn của thế giới (như RIO+20, COP 21), mặt khác nội hàm của các trụ cột, phạm vi của sự phát triển được mở rộng, đề cập sâu hơn các vấn đề toàn cầu mà mọi quốc gia đều phải đối mặt.

2. Quan điểm của Việt Nam

Ở Việt Nam, quan điểm về phát triển bền vững được tiếp cận nghiên cứu và từng bước vận dụng trong hoạch định chủ trương, chính sách phát triển từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước và ngày càng được bổ sung, hoàn thiện. Năm 1991, bản Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững giai đoạn 1991 – 2000 được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành, trong đó một số nội dung được tiếp cận theo quan điểm phát triển bền vững của quốc tế ở thời điểm đó. Tại Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25/6/1998, Bộ Chính trị khẳng định quan điểm “bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” [4]. Quan điểm phát triển bền vững được bổ sung và khẳng định rõ hơn trong các Văn kiện của Đảng. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định con đường phát triển kinh tế – xã hội của nước ta là “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường” [5, tr.162]. Các văn kiện Đại hội Đảng các khóa X, XI tiếp tục nhấn mạnh quan điểm này. Đại hội XII nhấn mạnh quan điểm phát triển bền vững, đồng thời bổ sung định hướng “Phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu” [6, tr.270] và chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu – một mô hình thực định của phát triển bền vững.

Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ Quyết định ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam), trong đó đã đưa ra mục tiêu tổng quát và các nguyên tắc chính để phát triển bền vững [7]. Những mục tiêu này tiếp tục được khẳng định, bổ sung phù hợp trong Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 ban hành năm 2012, với nội dung “Tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến độ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia” [8, tr.2]. Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 cũng xác định ba nhóm định hướng ưu tiên nhằm phát triển bền vững trong cả giai đoạn, tương ứng với ba khía cạnh của phát triển bền vững (gồm các định hướng ưu tiên về kinh tế, về xã hội, về tài nguyên và môi trường). Luật Bảo vệ môi trường do Quốc hội thông qua ngày 23/6/2014, tại khoản 4, Điều 3 đưa ra định nghĩa về phát triển bền vững: “Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường” [9].

Như vậy, có thể thấy trong các nghiên cứu cũng như các chương trình nghị sự của thế giới và ở Việt Nam, quan điểm phát triển bền vững ngày càng được bổ sung và đã đi dần đến những nhận thức chung nhất về nội hàm của khái niệm này, trong đó cho rằng phát triển bền vững là sự phát triển đạt được sự kết hợp hài hòa, chặt chẽ, hợp lý giữa cả ba khía cạnh (trụ cột) kinh tế, xã hội và môi trường.

Tuy nhiên, việc xác định mối quan hệ giữa ba trụ cột của phát triển bền vững như thế nào là “hài hòa”, “chặt chẽ”, “hợp lý” thì nhìn chung các nghiên cứu lại chưa có sự chú ý đầy đủ hoặc chưa thống nhất về quan điểm. Gần đây, một số nghiên cứu về phát triển bền vững, đặt trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu đã tập trung phân tích sâu hơn về vấn đề này. Theo các tác giả Ngô Thắng Lợi, Vũ Thành Hưởng, phát triển bền vững là: “Sự phát triển dựa trên kết hợp giữa nội lực của Việt Nam với sức mạnh của hội nhập quốc tế, nhằm tạo ra và duy trì được trước hết là sự bền vững trong tăng trưởng kinh tế. Đồng thời những thành quả đạt được của tăng trưởng kinh tế vừa có sự lan tỏa tích cực, vừa chịu sự ràng buộc bởi yêu cầu của các khía cạnh xã hội và môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển vì con người” [10, tr.105].

3. Nhận định chung: 3 thành tố cơ bản cấu thành sự phát triển bền vững

Như vậy, cần làm rõ hơn nội hàm và mối quan hệ, sự ràng buộc, liên kết cũng như tương quan giữa các trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường trong phát triển bền vững như quan điểm tiếp cận trên. Trên cơ sở đó, trong bài viết này có thể nhận định rằng: “Phát triển bền vững là sự phát triển đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững đồng thời thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội ngày càng cao và dựa trên cơ sở khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và kiểm soát có hiệu quả ô nhiễm môi trường và phát triển các tài nguyên có khả năng tái sinh”.

Trong định nghĩa vừa nêu, phát triển bền vững bao gồm ba nội dung (trụ cột) cơ bản sau:

– Tăng trưởng kinh tế bền vững: Tăng trưởng với tốc độ cao hợp lý, ổn định dài hạn. Tăng trưởng có chất lượng trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển và gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội theo xu hướng tiến bộ.

Tốc độ tăng trưởng cao hợp lý và ổn định dài hạn được đánh giá bởi các thước đo (tiêu chí) được xây dựng phù hợp với tiềm năng các nguồn lực và tốc độ đó phải đạt được trong dài hạn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội theo xu hướng tiến bộ là sự chuyển dịch hướng tới một cơ cấu kinh tế – xã hội có khả năng phát huy tốt nhất hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu, nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng ổn định, gia tăng năng lực nội sinh cho nền kinh tế.

– Tăng trưởng kinh tế bền vững đồng thời thúc đẩy tiến bộ và công bằng về xã hội đạt được ngày càng cao hơn: Tăng trưởng kinh tế cao hợp lý và ổn định tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội tham gia làm việc, tỷ lệ thất nghiệp giảm, thu nhập ngày càng tăng; tác động lan tỏa tích cực đến công tác xóa đói giảm nghèo, giảm tỷ lệ nghèo, xóa nghèo bền vững (tái nghèo được khống chế). Tăng trưởng kinh tế đồng thời đảm bảo khả năng tiếp cận các nguồn lực, tiếp cận các dịch vụ công (dịch vụ y tế, giáo dục, các công trình phục vụ cộng đồng) của các thành phần kinh tế và của mọi người đều bình đẳng.

– Tăng trưởng kinh tế bền vững trên cơ sở khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và kiểm soát có hiệu quả ô nhiễm môi trường và phát triển các tài nguyên có khả năng tái sinh: Quá trình tăng trưởng kinh tế phải bảo đảm sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và không khai thác quá mức nguồn lực tài nguyên thiên nhiên đồng thời tái tạo, phát triển các tài nguyên có khả năng tái sinh; xây dựng các phương án tăng trưởng thân thiện với môi trường và có những biện pháp đồng bộ phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và kiểm soát có hiệu quả ô nhiễm môi trường trong suốt quá trình tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế đạt được trên cơ sở khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn lực tài nguyên thiên nhiên không chỉ không làm suy giảm chất lượng môi trường mà còn tạo nguồn lực, điều kiện để bảo vệ tốt môi trường sống, bảo tồn đa dạng sinh học, khắc phục suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường.

Tài liệu tham khảo

  1. Dương Hoàng Hương (2017). Phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Phú Thọ. Luận án tiến sĩ kinh tế phát triển. Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
  2. IUCN (1980), “World conservation strategy”, https://portals.iucn.org
  3. WCED (1987), “Report of the World Commission on Environment and Development: Our Common Future, http://www.un-documents.net
  4. UNCED (1992), The Rio declaration on environment and development, Rio de Janeiro, Brasil.
  5. Bộ Chính trị (1998), Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hà Nội.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
  7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
  8. Thủ tướng Chính phủ (2004), Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg về việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam), Hà Nội.
  9. Thủ tướng Chính phủ (2012), Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, Hà Nội.
  10. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), Luật bảo vệ môi trường, Hà Nội.
  11. Ngô Thắng Lợi, Vũ Thành Hưởng (2015), Phát triển bền vững ở Việt Nam trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội.
  12. M M Shah (2008). Sustainable Development. International Institute for Applied Systems Analysis, Laxenburg, Austria, p. 3443-3444.
Share.