Bồi dưỡng là gì?

Bồi dưỡng (fostering) là quá trình giáo dục, đào tạo làm tăng thêm những kiến thức mới cho những người đang giữ chức vụ, đang thực thi công vụ của một ngạch, bậc nhất định. Sau các khoá bồi dưỡng, sát hạch đạt yêu cầu, người học nhận được chứng chỉ (certificate) ghi nhận kết quả. Bồi dưỡng là một thuật ngữ được sử dụng khá rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thuật ngữ bồi dưỡng còn được gọi là đào tạo lại hoặc tái đào tạo. Theo Đại từ điển Tiếng Việt: “Bồi dưỡng là làm cho tốt hơn, giỏi hơn” [1, tr.191].

Tuy nhiên, khái niệm bồi dưỡng còn có những cách hiểu khác nhau. Theo tác giả Nguyễn Minh Đường, thì bồi dưỡng “là quá trình cập nhật kiến thức và kỹ năng còn thiếu hoặc đã lạc hậu trong một cấp học, bậc học và thường được xác nhận bằng một chứng chỉ” [2, tr.13]. Nhiều học giả quan niệm bồi dưỡng là nâng cao nghề nghiệp. Quá trình này chỉ diễn ra khi cá nhân và tổ chức có nhu cầu nâng cao kiến thức hoặc kỹ năng chuyên môn nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu lao động nghề nghiệp.

Theo nghĩa rộng, bồi dưỡng là quá trình đào tạo nhằm hình thành năng lực và phẩm chất nhân cách theo mục tiêu xác định. Như vậy, bồi dưỡng bao hàm cả quá trình giáo dục và đào tạo nhằm trang bị tri thức, năng lực, chuyên môn nghiệp vụ và những phẩm chất nhân cách. Quá trình bồi dưỡng, được hiểu theo nghĩa rộng diễn ra cả trong nhà trường và trong đời sống xã hội, có nhiệm vụ không những chỉ trang bị những kiến thức, năng lực chuyên môn cho người học trong nhà trường mà còn tiếp tục bổ sung, phát triển, cập nhật nhằm hoàn thiện phẩm chất và năng lực cho họ sau khi đã kết thúc quá trình học tập.

Theo nghĩa hẹp, bồi dưỡng là quá trình bổ sung, phát triển, hoàn thiện nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn và những phẩm chất, nhân cách. Hoạt động này diễn ra sau quá trình người học kết thúc chương trình giáo dục và đào tạo ở nhà trường. Như vậy, theo nghĩa hẹp, bồi dưỡng là một bộ phận của quá trình giáo dục và đào tạo, là khâu tiếp nối giáo dục và đào tạo con người khi họ đã có những tri thức, năng lực chuyên môn và phẩm chất nhân cách nhất định được hình thành trong quá trình đào tạo ở nhà trường.

Như vậy, có thể hiểu bồi dưỡng là quá trình bổ sung sự thiếu hụt về tri thức, năng lực chuyên môn, cập nhật những cái mới để hoàn thiện hệ thống tri thức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Bồi dưỡng là một khâu tiếp nối quá trình đào tạo.

Bồi dưỡng năng lực quản lý theo chuẩn cho hiệu trưởng các trường trung học cơ sở

Từ cách hiểu trên có thể khái quát: Bồi dưỡng năng lực quản lý theo chuẩn cho hiệu trưởng các trường trung học cơ sở là quá trình tác động theo kế hoạch và mục đích đã xác định của các chủ thể quản lý để cập nhật, bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng chuyên môn dạy học và nghiệp vụ quản lý cho hiệu trưởng, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nghề nghiệp và nhiệm vụ quản lý trường học.

Về mục tiêu bồi dưỡng: Chương trình bồi dưỡng năng lực quản lý cho hiệu trưởng trường trung học cơ sở là để nâng cao, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý của người hiệu trưởng đảm bảo cho họ hoàn thành nhiệm vụ, chức trách được giao.

Về nội dung bồi dưỡng: Bồi dưỡng năng lực quản lý cho hiệu trưởng trường trung học cơ sở rất đa dạng, có tính toàn diện, từ những kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ; kỹ năng kỹ xảo quản lý; các hệ giá trị nghề nghiệp; các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người Cán bộ quản lý giáo dục… Có thể tập trung bồi dưỡng những nội dung cơ bản sau:

Kiến thức: Cập nhật các kiến thức hiện đại về giáo dục và quản lý giáo dục như cách tiếp cận mới, thành tựu mới của khoa học giáo dục; các văn bản của Đảng và Nhà nước về đường lối giáo dục; các văn bản, chỉ thị mới về giáo dục và đào tạo của các cơ quan quản lý giáo dục các cấp từ Trung ương đến cấp cơ sở; các kiến thức về quản lý giáo dục và đào tạo như tư tưởng quản lý, chức năng, nguyên tắc, nội dung, phương pháp quản lý…

Kỹ năng: Những kỹ năng quản lý và thực thi hệ thống văn bản quản lý Nhà nước trong giáo dục và đào tạo; kỹ năng thanh kiểm tra, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông; phương pháp lập kế hoạch quản lý giáo dục và đào tạo, kế hoạch giáo dục và đào tạo và kế hoạch phát triển nhà trường.

Về phương pháp bồi dưỡng: Cần phù hợp với nội dung, đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, hấp dẫn, thiết thực hiệu quả. Ngoài việc tổ chức lên lớp, cần phát triển các hình thức: thảo luận, đối thoại, thực hành thao giảng, tham quan thực tế, thực hành soạn bài, sử dụng các thiết bị dạy học, thiết kế các bài thi, kiểm tra đánh giá theo hướng đổi mới.

Về hình thức bồi dưỡng: Tạo điều kiện để sử dụng các loại hình bồi dưỡng, tuy nhiên tập trung chủ yếu các hình thức bồi dưỡng sau: Bồi dưỡng thông qua các lớp tập huấn do các cơ quan quản lý giáo dục các cấp tổ chức; bồi dưỡng tập trung tại Trường Bồi dưỡng cán bộ giáo dục Hà Nội; Bồi dưỡng từ xa qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức bổ trợ của băng hình, băng tiếng,…

_____

Nguồn trích dẫn:

1. Nguyễn Như Ý (Chủ biên, 1999), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Văn hoá, Hà Nội.

2. Trần Khánh Đức (2014), Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong thế kỉ XXI, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

Share.