1. Nguồn lực tài chính là gì?

Xét trên khía cạnh phát triển kinh tế – xã hội thì Nguồn lực tài chính được hiểu là các nguồn  tiền tệ (hoặc tài sản có thể nhanh chóng chuyển thành tiền) trong nền kinh tế có thể huy động  để hình thành nên các quỹ tiền tệ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Khi nói tới nguồn lực tài chính, người ta quan tâm nó có xuất xứ từ đâu, thuộc sở hữu của ai (xem thêm về khái niệm nguồn lực tài chính trong Phạm Ngọc Dũng – Đinh Xuân Hạng (2011)). Nguồn lực tài chính khác với các nguồn lực khác như nguồn lực tài nguyên, nguồn nhân lực, nguồn lực khoa học công nghệ… là những nguồn lực không phải dưới dạng tiền hoặc tài sản tương đương tiền. Khi nguồn lực tài chính này thuộc sở hữu của khu vực kinh tế tư nhân, ta gọi đó là nguồn lực tài chính từ kinh tế tư nhân, cụ thể là từ các hộ gia đình, các cá nhân và các doanh nghiệp tư nhân thuộc nhiều loại hình khác nhau.

2. Vai trò của nguồn lực tài chính đối với sự phát triển kinh tế – xã hội

Muốn phát triển thì nền kinh tế phải có tăng trưởng, mà muốn có tăng trưởng thì phải có vốn đầu tư với tư cách là một yếu tố đầu vào, bên cạnh các yếu tố sản xuất khác như lao động và khoa học công nghệ. Đặc biệt, ở các nước đang phát triển như Việt Nam, nơi tăng trưởng chủ yếu là tăng trưởng theo chiều rộng, dựa trên cơ sở giải phóng nguồn lực con người, tài nguyên và thâm dụng vốn thì vốn đầu tư càng có ý nghĩa quyết định. Thống kê cho thấy, thành công trong tăng trưởng ở các nước Đông Á như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc phần lớn là nhờ vào tăng trưởng đầu tư (Krugman, 1994; Young, 1994). Trong mô hình hàm sản xuất cổ điển, chẳng hạn như hàm sản xuất Cobb – Douglas, chúng ta thấy hai bộ phận đầu vào của sản xuất là vốn và lao động. Khi vốn đầu tư tăng lên thì sản xuất tăng lên. Vai trò của vốn trong tăng trưởng được thể hiện rõ trong mô hình Harrod – Domar. Trong mô hình này, tốc độ tăng trưởng g phụ thuộc vào tỷ trọng vốn đầu tư trên GDP I và hiệu quả sử dụng lượng vốn đó (hệ số ICOR):

Trong đó, là tỷ lệ đầu tư trên GDP và ICOR là hệ số gia tăng vốn – sản lượng được xác định bởi :

và  là qui mô vốn đầu tư phát triển ở thời điểm t và t-1, và là tổng sản phẩm quốc nội GDP tại thời điểm t và t-1. Nói khác đi, ICOR được đo lường bởi tỷ lệ vốn đầu tư ròng trên tăng trưởng GDP. Với giả định hệ số ICOR không thay đổi, đầu tư càng tăng thì tăng trưởng càng nhanh.

Như vậy, đầu tư vốn là cơ sở để tạo ra tăng trưởng kinh tế, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Cùng với quá trình phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, hoạt động đầu tư không ngừng được mở rộng và chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong các quan hệ kinh tế. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính được huy động cho đầu tư phát triển lại không phải vô hạn và để đáp ứng nhu cầu đầu tư, cần phải làm tốt công tác huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Huy động được nguồn lực tài chính cần thiết cho đầu tư phát triển sẽ góp phần nâng cao lượng và chất của tăng trưởng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Có thể nhìn rõ hơn vai trò của nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển trên những mặt sau:

Hình minh họa: Quan hệ giữa đầu tư và tăng trưởng qua phân tích cung cầu

Trước hết, nguồn lực tài chính được huy động sẽ hình thành nguồn vốn  cho đầu tư, trên cơ sở đó sẽ nâng cao cả năng lực sản xuất của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Nguồn lực này cho phép doanh nghiệp mua sắm máy móc thiết bị, thuê thêm lao động, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển,… từ đó mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Với các quốc gia đang phát triển, thu nhập và tích lũy thấp dẫn tới nguồn lực tài chính cho đầu tư thiếu thốn, từ đó làm giảm tốc độ tăng trưởng. Tăng trưởng thấp lại kéo theo tích lũy thấp, tạo thành vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói. Để thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này, cần phải có những đột phát mạnh mẽ trong huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư, tạo ‘cú huých’ cho tăng trưởng.

Thứ hai, nguồn lực tài chính được huy động sẽ kích thích đầu tư, mà đầu tư cũng là một bộ phận trong tổng cầu. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, đầu tư chiếm từ 24% đến 28% trong cơ cấu tổng cầu của tất cả các nước trên thế giới. Đầu tư tăng làm tăng tổng cầu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng. Đối với tổng cầu, tác động của đầu tư là ngắn hạn. Tăng đầu tư làm tăng tổng cầu từ đó tạo ra kích thích để tăng tổng cung. Tổng cung tăng kéo theo thu nhập và tích lũy tăng và làm tăng tổng cầu. Đó là vòng xoáy đi lên của tăng trưởng.

Mối quan hệ của đầu tư đối với tổng cầu được thể hiện qua Hình minh họa trên. Khi tăng vốn đầu tư, tổng cầu dịch chuyển từ D sang D’ làm tăng sản lượng từ Q0 đến Q1 và tăng giá từ Po đến P1. Đầu tư vào sản xuất sau đó sẽ làm dịch chuyển đường tổng cung từ S sang S’ làm tăng sản lượng từ Q1 đến Q2 và giảm giá từ P1 xuống P2.

Bảng dưới đây báo cáo kết quả ước lượng số nhân chi tiêu, đầu tư của nền kinh tế nước ta theo nghiên cứu của Nguyễn Đức Thành và cộng sự (2008). Thống kê cho thấy cứ một đồng đầu tư thì tạo ra 1,44 đến 1,65 đồng tổng cầu gia tăng, nghĩa là khoảng gấp tổng cầu tăng khoảng gấp rưỡi so với số tiền đầu tư.

Bảng: Số nhân chi tiêu, đầu tư với từng bộ phận của tổng cầu trong kinh tế Việt Nam

Nguồn: Nguyễn Đức Thành và cộng sự, 2008

Vào những năm đầu của thập kỷ 50 thế kỷ 20, Nurkse đã nhấn mạnh hơn đến vai trò của đầu tư và nguồn lực tài chính đến sự phát triển của nền kinh tế. Nurkse  cho rằng việc thiếu vốn đầu tư là một nguyên nhân gây ra tình trạng nghèo đói. Ông đã chỉ ra cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói (vicious circle of poverty):

Về phía cung: Một quốc gia có thu nhập thấp sẽ có khả năng tích tuỹ thấp, tích luỹ thấp dẫn đến thiếu nguồn lực tài chính, thiếu nguồn lực tài chính dẫn đến khả năng đầu tư thấp, năng lực sản xuất bị hạn chế và năng suất lao động cũng không thể tăng cao, năng lực sản xuất thấp sẽ dẫn đến thu nhập thấp.

Về phía cầu : Thu nhập thấp làm cho sức mua thấp, sức mua thấp làm cho động lực tăng đầu tư bị hạn chế, đầu tư bị hạn chế dẫn đến năng lực sản xuất thấp và từ đó cũng sẽ lại dẫn đến thu nhập thấp.

Thực tế cho thấy, các nước nghèo hiện nay trên thế giới hầu hết chịu cảnh nghèo đói một phần do những nguyên nhân trên. Tức là sự nghèo đói tại các quốc gia này một phần là do thiếu nguồn lực tài chính cho đầu tư và sự đầu tư thích đáng, có hiệu quả. Nguyên nhân của tình trạng đầu tư hạn chế tại các nước này là do hoặc vì thiếu động lực thúc đẩy đầu tư hoặc là khả năng tích luỹ của nền kinh tế quá nhỏ.

Điều này cho thấy rằng, để phát triển và thực hiện xoá đói giảm nghèo thành công thì phải làm sao phá vỡ được cái vòng luẩn quẩn trên. Một trong những biện pháp để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn đó là xuất phát từ khía cạnh đầu tư. Nền kinh tế phải tạo được sự chuyển biến, tăng mức tích luỹ từ mức thấp lên mức trung bình và mức cao để tăng nguồn lực tài chính, từ đó tăng quy mô đầu tư, tăng năng lực sản xuất và cuối cùng là gia tăng thu nhập.

Trên cơ sở nâng cao năng lực sản xuất và tổng cầu, nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế. Kết quả nghiên cứu của các nhà kinh tế cho thấy, muốn giữ tốc độ tăng trưởng ở mức trung bình thì tỷ lệ đầu tư phải đạt từ 15% đến 25% so với thu nhập quốc dân, tuỳ thuộc vào hệ số ICOR của mỗi nước. Nếu ICOR không đổi, mức tăng GDP hoàn toàn phụ thuộc vào tỷ lệ đầu tư. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, chỉ tiêu ICOR phụ thuộc mạnh vào cơ cấu kinh tế và hiệu quả trong các ngành, các vùng lãnh thổ cũng như phụ thuộc vào hiệu quả của chính sách kinh tế nói chung. Thông thường, ICOR trong công nghiệp cao hơn trong nông nghiệp, ICOR trong giai đoạn chuyển đổi cơ chế chủ yếu do tận dụng năng lực sản xuất. Do đó, ở các nước phát triển tỷ lệ đầu tư thấp thường dẫn đến tốc độ tăng trưởng thấp.

Thứ ba, Nguồn lực tài chính được huy động sẽ cho phép hình thành được nguồn vốn lớn đầu tư cho các ngành công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ cao, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng – yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.  Thực tế cho thấy, con đường tất yếu có thể tăng trưởng  nhanh và bền vững với tốc độ mong muốn (9-10%) là tăng cường đầu tư nhằm tạo ra sự phát triển nhanh ở các lĩnh vực có hàm lượng khoa học cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn. Như vậy chính sách đầu tư có định hướng quyết định quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các quốc gia nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững của toàn bộ nền kinh tế.

Đầu tư cũng có tác dụng giải quyết những mất cân đối về phát triển giữa các vùng lãnh thổ, đưa những vùng kém phát triển thoát ra khỏi tình trang đói nghèo, phát huy tối đa những lợi thế so sánh vế tài nguyên, địa thế, kinh tế của những vùng có khả năng phát triển nhanh hơn, làm bàn đạp thúc đẩy những vùng khác cùng phát triển, từ đó góp phần giải quyết các vấn đề công bằng và an sinh xã hội.

Thứ tư, nguồn lực tài chính được huy động sẽ tạo điều kiện tiền đề, giúp nâng cao năng lực và trình độ khoa học công nghệ.

Có hai con đường cơ bản để có công nghệ cao là tự nghiên cứu phát minh ra công nghệ và nhập công nghệ từ nước ngoài. Dù là tự nghiên cứu hay nhập từ nước ngoài cũng cần phải có nguồn lực tài chính . Tự nghiên cứu phát triển khó khăn hơn, và có rủi ro cao khi đầu tư chưa chắc mang lại kết quả, nhưng nếu thành công sẽ tạo ra nền tảng vững chắc về khoa học công nghệ cho đất nước. Nhập công nghệ là cách đi nhanh hơn, ít rủi ro, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, nhập công nghệ là con đường tắt để có thể tiếp cận được khoa khoa học công nghệ tiên tiến. Cả hai hình thức này đều đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Một phương án đổi mới công nghệ không gắn với nguồn nguồn lực tài chính có thể huy động cho đầu tư sẽ là phương án không khả thi.

Thứ năm, nguồn lực tài chính được huy động sẽ cho phép có được nguồn kinh phí để đầu tư cho giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường và các nội dung phát triển khác, có nghĩa là nâng cao mặt chất lượng của tăng trưởng. Nói khác đi, đầu tư phát triển góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và bảo đảm tăng trưởng bền vững, vì con người. Điều này mặt khác cũng sẽ có tác động trở lại với tăng trưởng.

Như vậy, có thể thấy nguồn lực tài chính đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội, cả về chất và lượng. Nó là điều kiện cần của tăng trưởng. Điều kiện đủ là các nguồn lực tài chính này phải được sừ dụng có hiệu quả, tiết kiệm.

_______

Trần Thị Tố Linh

Share.