Trong loạt bài về quan điểm nhà trường hiệu quả, nối tiếp các nội dung đã đề cập là định hướng phát triển nhà trường, định hướng phát triển đội ngũ giáo viên, bài viết này Hoa tiêu tri thức sẽ tiếp tục làm rõ hơn một số khía cạnh đảm bảo phát triển đội ngũ giáo viên trường trung học phổ thông theo quan điểm nhà trường hiệu quả dưới góc độ quản lý. Các khía cạnh cụ thể là:

Khía cạnh 1: Những nội dung đảm bảo

Để đạt được những tiêu chí nêu trên và để đáp ứng yêu cầu nhà trường hiệu quả, công tác phát triển đội ngũ giáo viên trung học phổ thông xét dưới góc độ quản lý cần hướng tới những nội dung sau:

Nội dung thứ nhất là xây dựng đội ngũ bao gồm: Quy hoạch, tuyển dụng, sắp xếp bố trí.

Nội dung thứ hai là sử dụng đội ngũ đó bao gồm triển khai việc thực hiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ, đánh giá sàng lọc.

Nội dung thứ ba là tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ phát huy tiềm năng của họ, thực hiện tốt chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên, chú ý công tác bồi dưỡng đội ngũ, thưởng phạt rõ ràng, tạo điều kiện cho giáo viên có tiềm năng và hoài bão được thăng tiến.

Bên cạnh đó người quản lý phải luôn thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo về phát triển nguồn nhân lực:

– Lấy phát triển bền vững con người làm trung tâm;

– Mỗi con người là một cá nhân độc lập làm chủ quá trình lao động của mình;

– Lấy lợi ích của người lao động là nguyên tắc cơ bản của quản lý lao động;

– Đảm bảo môi trường dân chủ thuận lợi cho tiến hành giao lưu đồng thuận;

– Có chính sách giải phóng và phát huy tiềm năng của người lao động đảm bảo hiệu quả người lao động;

– Phát triển nguồn nhân lực phải bám sát thị trường lao động.

Các chính sách tuyển dụng nguồn nhân lực bao gồm khâu tuyển dụng, phân công lao động, phân bổ nhân lực và chính sách cán bộ, chính sách tiền lương khen thưởng… phải đồng bộ, khuyến khích và tạo động lực kịp thời để người lao có động cơ cầu tiến, sáng tạo và luôn phát triển.

Khía cạnh 2: Qui hoạch phát triển đội ngũ giảng viên

Hoạch định nguồn nhân lực là nội dung chủ yếu của hoạch định tài nguyên nhân sự, hoạch định nguồn nhân lực liên quan đến xác định nhu cầu nhân lực, dự báo nhân lực hiện có và xác định những bổ sung thay thế để duy trì đội ngũ cả về chất và lượng nhằm đáp ứng nhiệm vụ của nhà trường hiệu quả và đề ra các kế hoạch cụ thể để có nguồn tài nguyên nhân sự đó.

Khía cạnh 3: Tuyển chọn và sử dụng

Tuyển chọn giáo viên cũng bao gồm hai bước là: Tuyển mộ giáo viên và lựa chọn giáo viên:

Tuyển mộ giáo viên là một tiến trình thu hút những người có khả năng từ nhiều nguồn khác nhau đến đăng ký, nộp đơn làm giáo viên tại các trường phổ thông.

Hiện nay, việc tuyển mộ giáo viên được thực hiện theo hướng: Tuyển giáo viên tốt nghiệp từ các trường đại học. Có rất nhiều phương pháp tuyển mộ giáo viên từ bên ngoài như: thông qua quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo đến các trường đại học, qua cá nhân và cơ quan giới thiệu …

Lựa chọn giáo viên là quá trình xem xét, lựa chọn những người có đủ các tiêu chuẩn làm giáo viên phổ thông. Các tiêu chuẩn này trước hết căn cứ vào Luật Giáo dục 2019, pháp lệnh công chức ngành Giáo dục và Đào tạo, sau đó là căn cứ vào yêu cầu cụ thể của hệ thống nhà trường trung học phổ thông.

Tuy nhiên hiệu quả của công việc tuyển dụng người không chỉ phụ thuộc vào tuyển chọn đúng người hay không, mà còn ở chỗ phải giúp cho họ trở thành cán bộ, giáo viên thích ứng với nghề nghiệp và hợp tác được với các đồng nghiệp thông qua các khâu bố trí công việc và bồi dưỡng ban đầu.

Sử dụng đội ngũ giáo viên là sắp xếp, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm giáo viên vào các nhiệm vụ, chức danh cụ thể, nhằm phát huy cao nhất khả năng hiện có của đội ngũ giáo viên để vừa hoàn thành được mục tiêu của tổ chức và tạo ra sự bất mãn ít nhất. Sử dụng là bước liền kề, chuyển tiếp của bước tuyển chọn nhân viên. Bước cuối của tuyển chọn giáo viên là bước đầu của sử dụng giáo viên.

Công tác quản lý sử dụng đội ngũ giáo viên thường gắn bó hữu cơ với các thành tố khác trong hoạt động quản lý giáo viên như tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và tạo môi trường phát triển (chính sách, chế độ đãi ngộ…).

Khía cạnh 4: Đánh giá theo bộ tiêu chí đề xuất

Đánh giá thực hiện liên quan đến việc kiểm tra – đánh giá thực hiện của cá nhân trong tương quan với các mục tiêu và tiêu chuẩn của tổ chức. Đặc trưng của bước này liên quan đến khen thưởng, thuyên chuyển giáo viên, cải tiến cơ cấu tổ chức, cung cấp phản hồi, giữ liên lạc giữa nhà quản lý với nhân viên và bộ phận hỗ trợ.

Khía cạnh 5: Đào tạo – bồi dưỡng phát triển đội ngũ giảng viên

Đào tạo liên quan đến nâng cao kĩ năng đã có của nhân viên, phát triển quan tâm đến việc chuẩn bị cho cá nhân trách nhiệm hoặc mức cao hơn trong tổ chức. Phát triển đội ngũ giáo viên phải được coi như một khâu quyết định nhất vì nó tác động đến cả ba phẩm chất quan trọng của người giáo viên đó là: Năng lực, sự tận tụy với nghề nghiệp và khả năng thích ứng.

Vậy đào tạo đội ngũ giáo viên là quá trình hoạt động có mục đích, có tổ chức nhằm hình thành hệ thống kiến thức, năng lực sư phạm, thái độ nghề nghiệp theo những tiêu chuẩn của người giáo viên phổ thông để đáp ứng yêu cầu giảng dạy và giáo dục của trường trung học phổ thông và yêu cầu chung của ngành.

Nội dung quản lý hoạt động bồi dưỡng đội ngũ giáo viên một cách có hệ thống bao gồm: lập kế hoạch bồi dưỡng, hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra công tác bồi dưỡng.

Khía cạnh 6: Chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc

Đây là nội dung khá quan trọng trong hoạt động quản lý giáo viên. Để quản lý tốt và có hiệu quả trong sử dụng đội ngũ giáo viên, các nhà quản lý giáo dục phải tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển có hiệu quả đó.

Trong bối cảnh hiện nay, thách thức lớn nhất trong lĩnh vực này là làm sao để cải thiện chế độ tiền lương, tạo ra các điều kiện sống và làm việc trong một môi trường tốt cho giáo viên.

Quá trình quản lý phát triển đội ngũ giáo viên ở nhà trường được minh họa theo mô hình sau:

Quá trình quản lý đội ngũ giáo viên

Phát triển đội ngũ giáo viên trung học phổ thông theo quan điểm nhà trường hiệu quả cần phải đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu và sự đồng thuận (được xem như là một tổ chức học tập).

Khía cạnh 7: Đảm bảo sự đồng thuận trong việc phát triển đội ngũ giảng viên

Trong công tác quản lý phát triển đội ngũ giáo viên, đảm bảo sự đồng thuận là một yếu tố quan trọng có ý nghĩa then chốt.

Các yếu tố tác động trong bối cảnh cần quan tâm đến việc xây dựng đồng thuận đội ngũ giáo viên bao gồm: xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực; xây dựng đạo đức nhà giáo, tự học và sáng tạo; xây dựng văn hóa nhà trường; nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; những hành vi nhà giáo không được làm; sự quan tâm của xã hội đối với giáo dục; ý thức cạnh tranh trong học tập; thi đua trong giáo dục; xu thế quản lý dân chủ, trật tự, kỉ cương trong nhà trường; mở rộng về hợp tác và giao lưu…

Sự đồng thuận của đội ngũ được đảm bảo bởi việc tạo ra nhân tố “Tổ chức học tập” (Learning Organization) của đội ngũ này. Sự quản lý cần làm cho đội ngũ này tổng hợp hài hòa được 6 nhân tố (Nguyễn Quốc Chí, Nguyễn Thị Mỹ Lộc (2005)*).

– Lãnh đạo nhà trường;

– Các thành viên trong trường biết quyền hạn, nhiệm vụ;

– Mối liên quan phối hợp của các thành viên;

– Thông tin quản lý nhà trường;

– Chiến lược phát triển nhà trường;

– Văn hóa nhà trường.

Xây dựng tổ chức học tập trong nhà trường (Nguyễn Quốc Chí, Nguyễn Thị Mỹ Lộc (2005))

_______

* Nguyễn Quốc Chí, Nguyễn Thị Mỹ Lộc (2005), Những xu thế quản lý hiện đại và việc vận dụng vào quản lý giáo dục, Chuyên đề tiến sĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Share.