Định hướng tiếp cận và khái niệm nhà trường hiệu quả ở Việt Nam

Đã có nhiều công trình nghiên cứu ở nước ngoài về nhà trường hiệu quả. Tuy nhiên các công trình nghiên cứu đó chỉ đưa ra các đặc trưng của một nhà trường được đánh giá là hiệu quả (hoạt động của nhà trường mang lại hiệu quả).

– Nếu tiếp cận ở khía cạnh hiệu quả trong nhà trường thì hiệu quả được xem xét nhà trường đã tổ chức mọi hoạt động theo chức năng của mình như thế nào để mang lại các kết quả đích thực trong phạm vi nguồn lực mà nhà trường có được.

– Nếu tiếp cận ở khía cạnh hiệu quả ngoài nhà trường thì hoạt động được xem xét trên nhiều bình diện như:

+ Đối với cá nhân người học: những kết quả hoạt động của người học trong việc phát triển cá nhân, phát triển kinh tế gia đình.

+ Đối với tổ chức: những đóng góp của người học đối với nhà trường và đối với việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ của tổ chức mà người học sau khi ra trường có vị trí là thành viên của tổ chức đó.

+ Đối với cộng đồng, xã hội, quốc gia: những thành quả của người học vào việc phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng, xã hội và quốc gia.

+ Đối với bình diện quốc tế: những đóng góp của người học cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của quốc tế (trên cương vị là một công dân thế giới).

Như vậy, ở khía cạnh này, mức độ kết quả giáo dục của nhà trường (đầu ra – sản phẩm nhà trường – nhân cách học sinh) thoả mãn các yêu cầu phát triển cá nhân và phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng và xã hội ở các bình diện trên; đồng thời còn phải xem xét trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế/kỹ thuật, giáo dục, văn hoá…

Do giáo dục phổ thông động chạm đến mọi tế bào của đời sống kinh tế – xã hội, có mặt ở mọi gia đình, ở mọi cộng đồng và là một vấn đề nhạy cảm, tinh tế cho hệ giá trị văn hoá dân tộc nên không thể tìm được một sự thống nhất cao trong việc xác định chất lượng và hiệu quả của nhân tố này.

Nhà kinh tế thường đòi hỏi giáo dục phổ thông theo yêu cầu gia tăng GDP. Họ mong mọi sản phẩm của giáo dục phổ thông phải thích ứng nhanh với thị trường sức lao động ở trong nước và cả ở sự hội nhập quốc tế.

Nhà xã hội học đòi hỏi giáo dục phổ thông phải tích cực góp phần vào sự công bằng, xoá đói giảm nghèo, rút ngắn sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị, miền xuôi và miền núi,…

Nhà văn hoá đòi hỏi giáo dục phổ thông có ảnh hưởng mạnh mẽ đến yêu cầu chấn hưng văn hoá; họ lo ngại cách sống, lối sống của học sinh phổ thông không phù hợp với truyền thống dân tộc, bị các ảnh hưởng của ngoại lai xô bồ và thiếu tính dân tộc.

Nhà chính trị đòi hỏi giáo dục phổ thông phải thực sự là pháo đài cho việc giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị của đất nước.

Sức ép của cả bốn nhân tố kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị vào giáo dục phổ thông tồn tại phát triển trên một đất nước còn nhiều ảnh hưởng của hậu quả chiến tranh, lại từ một mặt bằng kinh tế còn rất kém cỏi tạo ra một cảm giác chất lượng giáo dục phổ thông chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra. Vì vậy cần phát triển nhà trường đảm bảo linh hoạt trong quản lý, tự chủ trong việc thực hiện chương trình và quá trình dạy học, trong thu chi tài chính và quản lý nhân sự, có sự nhạy cảm với thị trường, nắm bắt các thông tin của thị trường, xác định nhu cầu người học, giáo dục toàn diện nhân cách của học sinh và thoả mãn nhu cầu khác nhau của các em và cha mẹ các em, định mức thu chi hợp lý, nhà trường vận dụng các quy luật của thị trường: Cung cầu cạnh tranh giá cả vào công tác quản lý một cách phù hợp. Phụ huynh học sinh phản ánh ý kiến và nhu cầu một cách dân chủ. Nhà trường đảm bảo môi trường giáo dục trong sạch, không có ma tuý. Hiệu trưởng phải có tâm (công bằng giáo dục vì nhân sinh), có tầm (nhìn xa trông rộng, thấy trước mọi vấn đề), có tài (tính toán, thao lượng, đối sách với sự rủi ro, các thay đổi bất thường có thể xảy ra).

Có thể khái quát: nhà trường hiệu quả là nhà trường có mức độ kết quả giáo dục đáp ứng được các yêu cầu phát triển cá nhân, phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng xã hội trong phạm vi nguồn lực có thể huy động được của chính nhà trường đó.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu nhiều quan điểm về nhà trường hiệu quả của UNESCO, và một số tác giả trong nước và nước ngoài, tác giả cho rằng: nhà trường hiệu quả là nhà trường đạt được các kết quả, hiệu quả về giáo dục trong phạm vi nguồn lực của chính nhà trường đó đáp ứng được những yêu cầu phát triển cá nhân, phát triển kinh tế – xã hội của cộng đồng và đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực của xã hội ở mỗi thời điểm hiện tại.

Như vậy, để phát triển đội ngũ giáo viên trường Trung học phổ thông theo quan điểm và phù hợp với điều kiện của Nhà trường hiệu quả Việt Nam ngoài việc tổng hợp, chọn lọc các đặc trưng, tiêu chuẩn, tiêu chí ưu việt nhất từ các kết quả nghiên cứu trên, có thể đề xuất thêm một số đặc trưng sau: Trường có mô hình quản lý theo quan điểm nhân văn, hiện đại, hiệu quả và trách nhiệm xã hội. Trong nhà trường hiệu quả, người giáo viên đóng vai trò của một người quản lý. Nhà trường là một cộng đồng giáo viên biết học hỏi, một môi trường học tập thân thiện.

Cụ thể như sau:

1) Nhà trường Trung học phổ thông hiệu quả phải lấy mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực đa dạng của học sinh làm gốc phải chuyển từ nhà trường kiến thức sang nhà trường năng lực – nhân văn. Trong nhà trường Trung học phổ thông hiệu quả các giá trị, phẩm chất, các năng lực cá nhân và công dân được đặc biệt coi trọng.

Đó là:

– Phát triển các giá trị cá nhân;

– Hình thành và phát triển các giá trị xã hội;

– Ý thức, trách nhiệm và hành vi công dân;

– Ý thức, trách nhiệm và hành vi dân tộc, quốc tế;

– Phát triển lương tri, lương tâm con người;

– Phát triển năng lực thể chất;

– Phát triển các năng lực cá nhân;

– Phát triển các năng lực xã hội.

2) Nhà trường Trung học phổ thông hiệu quả phải thay đổi nội dung và phương pháp giáo dục, dạy học.

Phẩm chất, năng lực chỉ có thể được hình thành trong hành động, sự hình thành, phát triển tri thức, kĩ năng, năng lực được xảy ra đồng thời trong quá trình học sinh vận dụng và huy động các nguồn tri thức khác nhau để giải quyết thành công các vấn đề trong cuộc sống thực. Do vậy phương pháp dạy học, giáo dục phải được thay đổi tận gốc, người thày không phải thực hiện chức năng truyền đạt, mà là người thiết kế các hoạt động sư phạm, trong đó có hàm chứa các tri thức, kĩ năng, năng lực cần có và tổ chức để học sinh hoạt động, giải quyết các vấn đề và thông qua đó hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực cần có.

3) Trong nhà trường Trung học phổ thông hiệu quả vị thế của học sinh phải được thay đổi căn bản.

Năng lực là một phạm trù mang tính cá thể. Mỗi người có cách rèn luyện năng lực riêng và không ai rèn luyện hộ ai được. Chính vì vậy trong dạy học hiện đại nói chung, trong nhà trường hiệu quả nói riêng học sinh phải được là chủ nhân đích thực của hoạt động học, là trung tâm của hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường. Trong nhà trường hiệu quả học sinh là chủ thể của quá trình nhận thức dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ của thày.

4) Trường Trung học phổ thông hiệu quả phải là nhà trường gắn liền với địa phương trường đóng.

Phẩm chất, năng lực chỉ có thể được hình thành và phát triển trong bối cảnh sống thực. Những tình huống thực đang diễn ra tại địa phương sẽ là bối cảnh dạy học và giáo dục của trường. Học luôn gắn với cuộc sống thực, học sinh được vận dụng kiến thức, kĩ năng để giải quyết các vấn đề trong chính cuộc sống của mình tại gia đình và cộng đồng.

5) Trường Trung học phổ thông hiệu quả phải chuyển từ nhà trường quản lý hành chính truyền thống sang quản lý đánh giá chất lượng, năng lực và hiệu quả; phải là nhà trường tiên tiến mang đậm bản sắc dân tộc; mang đậm tính nhân văn, hiện đại, hiệu quả và đề cao trách nhiệm xã hội; Trường có một cộng đồng giáo viên biết học hỏi, một môi trường học tập thân thiện, tích cực; Học phải đi đôi với hành.

Lời kết

Trên đây là những nội dung về định hướng phát triển trường Trung học phổ thông Việt Nam theo quan điểm nhà trường hiệu quả, tuy nhiên quan điểm nhà trường hiệu quả còn cần phải làm rõ nhiều khía cạnh khác nữa, riêng đối với vấn đề liên quan đến đội ngũ giáo viên – một trong những thành tố chính quyết định chất lượng dạy và học sẽ được Hoa tiêu tri thức sẽ đề cập trong bài viết tới với chủ đề: Định hướng phát triển đội ngũ giáo viên Trung học phổ thông theo quan điểm nhà trường hiệu quả.

Share.