1. Chức năng, nhiệm vụ của trường trung học phổ thông

Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân, giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và những hiểu biết thông thường về kỹ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trường trung học phổ thông là bậc học cuối cùng của ngành học phổ thông, là nơi hoàn thiện kiến thức cơ bản toàn diện cho học sinh.

Học sinh trung học phổ thông là lớp người có độ tuổi từ 15 đến 18. Hầu hết học sinh trong lứa tuổi này thể hiện ước mơ hoài bão của mình. Họ có nhiều nỗ lực cá nhân nhằm giải quyết các mâu thuẫn giữa năng lực bản thân với yêu cầu của xã hội.

Đặc điểm về bậc học, độ tuổi, gia đình, việc làm đã phân hoá nguyện vọng của học sinh trung học phổ thông theo 2 hướng chính.

Một là: Đa số học sinh có nguyện vọng tiếp tục cao hơn để vào các trường Cao đẳng, Đại học.

Hai là: Tham gia vào thị trường lao động để kiếm sống sau đó có điều kiện học lên.

Vì vậy trường trung học phổ thông là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển, áp dụng các phương pháp, các biện pháp quản lý để thực hiện kế hoạch được giao, nhiệm vụ năm học và xa hơn nữa là thực hiện mục tiêu giáo dục lâu dài của nhà trường.

Trường trung học phổ thông có nhiệm vụ:

  1. Tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác của chương trình giáo dục phổ thông;
  2. Quản lý giáo viên, cán bộ, nhân viên, tham gia vào quá trình tuyển dụng và điều động giáo viên, cán bộ, nhân viên;
  3. Tuyển sinh và tiếp nhận học sinh, vận động học sinh đến trường, quản lý học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
  4. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật;
  5. Xây dựng sở vật chất kỹ thuật theo yêu cầu chuẩn hoá, hiện đại hoá;
  6. Phối hợp với gia đình người học, tổ chức, cá nhân trong hoạt động giáo dục;
  7. Tổ chức cho nhà giáo, cán bộ, nhân viên và người học tham gia các hoạt động xã hội;
  8. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Từ góc độ quản lý, có thể xếp các nhiệm vụ và quyền hạn của trường trung học phổ thông đã nêu trên thành 5 nhóm chủ yếu sau:

Nhóm 1: Thực thi luật pháp và chính sách của nhà nước, quy chế của ngành nhằm tổ chức có hiệu quả hoạt động giáo dục nói chung và dạy học nói riêng, trong đó lấy việc thực thi các quy chế giáo dục đối với hoạt động dạy học làm nhiệm vụ trọng tâm.

Nhóm 2: Quản lý và nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên, nhân viên và điều hành bộ máy tổ chức của nhà trường nhằm tổ chức có hiệu quả hoạt động giáo dục và dạy học, trong đó lấy việc nâng cao năng lực dạy học cho đội ngũ giáo viên và đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học làm nhiệm vụ cốt yếu.

Nhóm 3: Huy động đầy đủ và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và thiết bị giáo dục để phục vụ cho mọi hoạt động giáo dục của trường, trong đó coi việc huy động và sử dụng thiết bị dạy học làm nhiệm vụ chủ yếu.

Nhóm 4: Xây dựng và phát huy tác dụng của môi trường giáo dục nói chung và môi trường sư phạm trong trường nói riêng, trong đó lấy việc phối hợp giáo dục giữa gia đình, cộng đồng và xã hội làm trụ cột.

Nhóm 5: Thu nhận, xử lý có chất lượng các thông tin về giáo dục và thông tin phục vụ cho hoạt động dạy học, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào dạy học và quản lý dạy học

2. Vai trò của trường trung học phổ thông

Trường trung học phổ thông là cơ sở giáo dục của bậc trung học, bậc học nối tiếp bậc tiểu học và cấp trung học cơ sở của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm hoàn chỉnh học vấn phổ thông. Trường trung học phổ thông có vai trò hết sức quan trọng trong việc trang bị kiến thức tương đối toàn diện ở cấp trung học phổ thông, giúp các em có cơ sở vững chắc để tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động.

Để đạt được những nhiệm vụ trên, thì nhân tố có tính quyết định và cũng là động lực của sự phát triển giáo dục chính là nhân tố con người – là đội ngũ các thầy giáo, cô giáo mà trong đó có đội ngũ giáo viên trung học phổ thông.

Share.