Trong suốt quá trình đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo nói chung và phát triển giáo dục trung học phổ thông nói riêng. Có thể nói những quan điểm này là những tư tưởng chỉ đạo rất quan trọng cho sự phát triển giáo dục nước ta trong thời kỳ đổi mới đất nước.

1. Định hướng

Quan điểm chỉ đạo định hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo nội dung cơ bản của Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI vừa mới ban hành [1]:

Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Ðảng, Nhà nước và của toàn dân. Ðầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

– Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục – đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học. Trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc. Ðổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học; các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp.

– Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.

– Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc; với tiến bộ khoa học và công nghệ; phù hợp quy luật khách quan. Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng.

– Ðổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục và đào tạo.

– Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo, đồng thời giáo dục và đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.

Theo nội dung cơ bản của Nghị quyết số 44/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29 NQ/TW [3]; Quyết định số 2653/QĐ-BGDĐT: ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW [2].

– Đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp.

– Sắp xếp, kiện toàn hệ thống và điều chỉnh nhiệm vụ các cơ sở đào tạo giáo viên, cơ sở bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục; tập trung chỉ đạo và triển khai đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

– Tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên phổ thông, giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

– Nghiên cứu, đề xuất chính sách tiền lương nhằm khuyến khích thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành giáo dục và đào tạo: mức lương nhà giáo được hưởng trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; phụ cấp theo tính chất công việc, theo vùng; phụ cấp thâm niên nghề nghiệp tính cho thời gian trực tiếp giảng dạy. Xây dựng cơ chế tín dụng để tạo điều kiện về nhà ở và học tập nâng cao trình độ cho giáo viên, giảng viên trẻ.

– Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà giáo đầu ngành ở các cấp học và trình độ đào tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam và từng bước hội nhập quốc tế; nghiên cứu, hoàn thiện quy định về bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

– Thu hút các nghệ nhân, nghệ sỹ tài năng, người có kinh nghiệm thực tiễn lâu năm trong ngành, có tay nghề cao tham gia giảng dạy, truyền nghề tại các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

– Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống chức danh nhà giáo và vị trí việc làm; chế độ làm việc của nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

– Xây dựng cơ chế khuyến khích cán bộ nghiên cứu khoa học tham gia giảng dạy và giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học. Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên, giáo viên và đội ngũ cán bộ nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

2. Quan điểm về vị trí của giáo dục phổ thông

Có thể khái quát về vai trò giáo dục phổ thông ở Việt Nam là: Giáo dục phổ thông là nền tảng văn hoá của dân tộc; chất lượng giáo dục phổ thông quyết định lớn đến chất lượng giáo dục.

3. Quan điểm chỉ đạo phát triển giáo dục

Nền giáo dục mới này được xây dựng trên cơ sở tư tưởng “một nền giáo dục của dân, do dân, vì dân”, coi “con người Việt Nam vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội”. Cụ thể là:

Thứ nhất: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, mở rộng quy mô giáo dục hợp lý. Theo đó, cần coi trọng cả ba mặt dạy làm người, dạy chữ, dạy nghề; đặc biệt chú ý giáo dục lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, giáo dục về Đảng…

Thứ hai: Đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với giáo dục và đào tạo.

Thứ ba: Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Thứ tư: Tiếp tục đổi mới chương trình, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục. Theo đó, rà soát lại toàn bộ chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Sớm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa khuyến khích đúng mức tính sáng tạo của người học; chuẩn bị kỹ việc xây dựng và triển khai thực hiện bộ chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng hiện đại, phù hợp và có hiệu quả…

Thứ năm: Tăng nguồn lực cho giáo dục. Theo đó, miễn học phí cho học sinh, sinh viên gia đình chính sách, hộ nghèo; giảm học phí cho học sinh, sinh viên gia đình nghèo và hỗ trợ cho học sinh, sinh viên các hộ có thu nhập thấp…

Thứ sáu: Đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục. Nhà nước tập trung đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng, miền…

Thứ bảy: Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Giáo dục trong thời kỳ hội nhập quốc tế càng cần phải bảo đảm phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng, phát huy tối đa nội lực, giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến thế giới.

4. Định hướng phát triển giáo dục trung học phổ thông hiện nay

Trong hệ thống giáo dục quốc dân Giáo dục phổ thông được coi là nền tảng văn hoá dân tộc, là sức mạnh tương lai của dân tộc. Nó xây dựng cho thế hệ trẻ cơ sở vững chắc để phát triển toàn diện nhân cách xã hội chủ nghĩa và năng lực làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, chuẩn bị lực lượng cho xã hội, tạo nguồn để bổ sung đội ngũ giai cấp công nhân, đào tạo cán bộ và nhân tài cho sự nghiệp xây dựng kinh tế, phát triển khoa học kỹ thuật và tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước.

Giáo dục phổ thông có nội dung giáo dục toàn diện bao gồm đạo đức, trí dục, thể dục, mỹ dục và giáo dục lao động, thông qua nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội. Chú trọng thực hiện tốt yêu cầu giáo dục về chính trị – tư tưởng về văn hoá, khoa học và nghề nghiệp, bồi dưỡng học sinh cả mặt quan điểm, phương pháp, kiến thức, kỹ năng, đảm bảo tính chất cơ bản, hiện đại, thiết thực của học vấn phổ thông nhằm tạo điều kiện cho học sinh ra trường có thể sống và làm việc tốt nhất cho đất nước, cho cách mạng và có khả năng vươn lên không ngừng.

Tập trung một lượng đáng kể triển khai “mũi nhọn” bằng cách mở rộng lớp chọn, lớp chuyên, trường chuyên theo mục tiêu mới là đào tạo nhân tài cho đất nước.

Thực hiện một số nhiệm vụ phát triển các ngành học: mở rộng giáo dục nghề nghiệp, hướng nghiệp, hình thành cấp trung học chuyên ban; xác định lại mục tiêu, điều chỉnh chương trình, cải tiến sách giáo khoa, phương pháp GD&ĐT cho các cấp học, bậc học, các loại hình học tập, đặc biệt chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học (áp dụng những phương pháp giáo dục hiện đại để bồi dưỡng cho học sinh năng lực tư duy sáng tạo, năng lực tự giải quyết vấn đề); khôi phục nề nếp, kỷ cương, kỷ luật trong dạy và học để phù hợp với tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước.

Chú trọng đến chất lượng giáo dục phổ thông vì chất lượng giáo dục phổ thông là nền tảng quyết định chất lượng giáo dục chung [4; tr. 27, 28 và 29].

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI (2013), Nghị quyết số 29- NQ/TW Hội nghị lần thứ 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế , Hà Nội.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Quyết định số 2653/QĐ-BGDĐT. (ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW), Hà Nội.
  3. Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2014), Nghị quyết số 44/NQ-CP. (Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI), Hà Nội.
  4. Đảng cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
Share.