Quan niệm về Doanh nghiệp xã hội (DNXH) ở mỗi quốc gia đều có sự khác biệt nhất định. Do đó, những đặc điểm của Doanh nghiệp xã hội cũng được nhận thức ở những góc độ khác nhau. Tuy nhiên, có thể tổng hợp một số những đặc điểm cơ bản của Doanh nghiệp xã hội được thừa nhận rộng rãi như sau:

1. Doanh nghiệp xã hội phải có hoạt động kinh doanh

Đã là doanh nghiệp là phải có hoạt động kinh doanh. Chính hoạt động kinh doanh này khiến DNXH khác với các tổ chức phi chính phủ, quỹ từ thiện hay các tổ chức thiện nguyện thuần túy hoạt động chủ yếu dựa vào sự tài trợ và lòng hảo tâm. Và do vậy, mô hình và chiến lược kinh doanh là không thể thiếu đối với các DNXH bởi nó đều chịu chi phối của quy luật cung cầu và quy luật cạnh tranh của thị trường. Vì thế, các DNXH đều phải cạnh tranh bình đẳng và công bằng với các doanh nghiệp truyền thống trong cùng lĩnh vực. Điều này tạo ra sự khác biệt giữa Doanh nghiệp xã hội với các tổ chức phi chính phủ, từ thiện khác khi chủ yếu kêu gọi sự tài trợ và ủng hộ từ các cá nhân và tổ chức bên ngoài.

Tuy nhiên, việc tạo ra lợi nhuận nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội trong khi vẫn phải tuân thủ quy luật cạnh tranh và quy luật cung cầu của thị trường khiến các DNXH phải nỗ lực hết mình cung cấp các sản phẩm dịch vụ có chất lượng với giá cả cạnh tranh. Để giải quyết những khó khăn này đòi hỏi các DNXH cần có những giải pháp kinh doanh gắn liền với các sáng kiến xã hội. Sáng kiến xã hội chính là các giải pháp kinh doanh sáng tạo để tạo ra giá trị kinh tế đồng thời vẫn giải quyết được các vấn đề xã hội và môi trường. Vì thế sáng kiến xã hội được coi là một trong những yếu tố quan trọng làm nền tảng để các DNXH thúc đẩy hoạt động kinh doanh của mình một cách hiệu quả.

Trên thực tế, để Doanh nghiệp xã hội hoạt động có hiệu quả là một thách thức khá lớn. Tuy nhiên, điều này cũng giúp các DNXH chủ động trong hoạt động kinh doanh, tạo ra lợi nhuận để thực hiện các mục tiêu xã hội/ môi trường mà mình theo đuổi. Mặc dù có thể lợi nhuận tạo ra không đủ chi phí để thực hiện các mục tiêu này nhưng DNXH cũng vẫn có thể dựa vào một phần từ các nguồn tài trợ để theo đuổi mục tiêu mà mình cam kết. Nhưng chủ yếu việc hoạt động với tư cách doanh nghiệp giúp các DNXH có thể chủ động trong việc thực hiện sứ mệnh mà mình đã theo đuổi.

2. Doanh nghiệp xã hội phải đặt mục tiêu xã hội lên hàng đầu

Một trong những đặc trưng cơ bản giúp phân biệt Doanh nghiệp xã hội với các doanh nghiệp truyền thống đó là mục tiêu của hoạt động kinh doanh. Nếu như các doanh nghiệp truyền thống đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết thì DNXH đặt mục tiêu xã hội làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình.

Một doanh nghiệp truyền thống có thể sản xuất, cung cấp các sản phẩm dịch vụ phục vụ đời sống người dân và cộng đồng hoặc có thể sử dụng các giải pháp xã hội trong chiến lược kinh doanh của mình và tạo ra những tác động xã hội tích cực nhưng tất cả những điều đó là để nhằm đạt mục tiêu mang lại lợi nhuận cho chủ sở hữu doanh nghiệp. Còn ngược lại, DNXH sử dụng hoạt động kinh doanh để đạt được mục tiêu xã hội, mang lại lợi ích cho cộng đồng theo những gì mà mình đã cam kết.

Như vậy có thể thấy sự khác nhau trong hoạt động kinh doanh giữa DNXH và doanh nghiệp truyền thống, đó là ở điểm khởi phát doanh nghiệp và mục tiêu kinh doanh cần đạt được. Ở doanh nghiệp truyền thống, khởi phát hoạt động kinh doanh là từ việc phát hiện nhu cầu của khách hàng để sáng tạo, phát triển sản phẩm nhằm thu được lợi nhuận cao nhất cho chủ sở hữu. Còn Doanh nghiệp xã hội bắt đầu hoạt động kinh doanh của mình từ việc phát hiện các vấn đề xã hội để phát triển các hoạt động kinh doanh nhằm giải quyết các vấn đề ấy. Rõ ràng lý do bắt nguồn kinh doanh và mục tiêu cuối cùng cần đạt được của DNXH có sự khác biệt với doanh nghiệp truyền thống. Đó cũng là mặt rất tích cực của loại hình doanh nghiệp này.

Vì thế, cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện để DNXH ngày càng phát triển và phát huy hết những lợi ích mà nó mang lại cho xã hội, cộng đồng. Trong đó, các vấn đề xã hội thường được quan tâm là bảo vệ giá trị văn hóa, tôn trọng các quan hệ xã hội, bảo vệ môi trường, cứu trợ, quyên góp, hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn, giải quyết các xung đột trong gia đình, cộng đồng… hoặc làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Nghĩa là các DNXH góp phần bảo vệ và phát huy những điều hay, lẽ phải và những giá trị xã hội đáng quý.

3. Lợi nhuận phân phối chủ yếu cho việc thực hiện các mục tiêu xã hội, vì cộng đồng

Như đã phân tích, một trong những đặc điểm cơ bản của Doanh nghiệp xã hội đó là việc đặt mục tiêu xã hội lên trên mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho chủ sở hữu.Vì thế, đương nhiên lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chủ yếu phục vụ việc thực hiện các mục tiêu xã hội. Do đó, đối với các doanh nghiệp truyền thống, lợi nhuận sau cùng sẽ thuộc về chủ sở hữu. Trong khi đó, lợi nhuận của DNXH sẽ được tái đầu tư, phân phối trở lại cho các hoạt động mang tính xã hội của tổ chức hoặc cho cộng đồng là những đối tượng được hưởng lợi.

Như vậy, lợi nhuận của DNXH không đổ về bất kỳ cá nhân nào. Lợi nhuận này là để mang lại lợi ích cho cộng đồng. Vì thế, việc tái phân phối lợi nhuận là một trong những cơ sở để phân biệt doanh nghiệp truyền thống và DNXH. Đây cũng là một trong những điều kiện để xác định DNXH mà điều 10 Luật Doanh nghiệp Việt Nam 2014 đã quy định, trong đó sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

4. Phục vụ nhu cầu của cộng đồng người yếu thế trong xã hội

Mục tiêu của Doanh nghiệp xã hội là giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường, vì lợi ích cộng đồng. Vì thế, những người yếu thế, nhóm đáy trong xã hội là đối tượng thụ hưởng chủ yếu trong hoạt động kinh doanh của các Doanh nghiệp xã hội. Đây là đối tượng thuộc diện người nghèo và yếu thế nhất. Vì chiếm số đông lại ở đáy cùng trong xã hội nên nhóm người này được gọi là “nhóm đáy” của Kim Tự Tháp (Based of the pyramid – BoP).

Ở Việt Nam, theo ước tính sơ lược của chương trình Giáo dục toàn cầu Pears Program, có từ 1/3 đến một nửa dân số thuộc nhóm đáy của Kim tự tháp. Trong đó, những người yếu thế, những đối tượng bị lề hóa, những người dân ở vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật, người nhiềm HIV/AIDS, trẻ em cơ nhỡ, phạm nhân mãn hạn tù…là những đối tượng rất cần được quan tâm giúp đỡ để nâng cao điều kiện sống, giảm thiểu tệ nạn xã hội, giảm bớt gánh nặng cho xã hội.

Trên thực tế, khu vực nhà nước hiện nay không đủ nguồn lực để kham hết gánh nặng phúc lợi xã hội trong khi khu vực tư nhân lại hướng đến những phân khúc thị trường mà khách hàng mục tiêu có khả năng chi trả cao hơn. Vì thế, DNXH được biết đến như một mảnh ghép lấp đầy khoảng trống mà hai khu vực tư nhân và nhà nước còn chưa làm được. Đây cũng chính là một trong những đặc trưng nổi bật của DNXH so với các doanh nghiệp truyền thống thông thường.

Trên đây là những đặc điểm cơ bản mà một DNXH thường có. Những đặc điểm này là những yếu tố cốt lõi để phân biệt Doanh nghiệp xã hội với các doanh nghiệp truyền thống thông thường.

Tham khảo thêm

Vũ Hương Giang (2019). Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương. Hà Nội.

Share.