Như chúng ta đã biết vai trò về tầm quan trọng của vốn FDI trong việc thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương tại mỗi quốc gia. Đã có một số cách thức thu hút nguồn vốn FDI một cách hiệu quả ở các địa phương như Bình Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên… Tuy nhiên để đánh giá được mức độ hiệu quả của một dự án FDI vào địa phương cần có những tiêu chí cụ thể để đánh giá thu hút và sử dụng FDI tại mỗi địa phương, xét trên quy mô cấp tỉnh.

1. Đánh giá thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

– Quy mô vốn FDI đăng ký và thực hiện

Quy mô vốn FDI đăng ký: là tổng số vốn góp bằng tiền hoặc tài sản hợp pháp, lợi nhuận để lại và các hình thức vốn khác do nhà đầu tư nước ngoài cam kết đưa vào địa phương để tiến hành hoạt động đầu tư. Vốn đăng ký bao gồm vốn cam kết của nhà đầu tư nước ngoài theo giấy phép cấp mới (đối với các dự án thực hiện lần đầu hoặc dự án độc lập với các dự án đang hoạt động mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong kỳ); và cấp bổ sung (đối với các dự án đầu tư nhằm mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường của dự án đầu tư hiện có đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong các năm trước). Quy mô vốn đăng ký cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư cũng như mức độ tin cậy của nhà đầu tư đối với địa phương tiếp nhận vốn FDI.

Quy mô vốn FDI thực hiện: là số vốn thực tế do các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư tại địa phương tiếp nhận vốn, bao gồm chi phí xây dựng các công trình, nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị… Quy mô vốn thực hiện thể hiện hiệu quả của hoạt động xúc tiến đầu tư, cơ chế quản lý nhà nước, cũng như hiệu lực thực thi của các văn bản pháp luật. Về mặt lý thuyết, vốn FDI thực hiện thường nhỏ hơn vốn FDI đăng ký của dự án.

Quy mô vốn FDI đăng ký và thực hiện càng lớn thể hiện địa phương đó thành công trong thu hút vốn FDI. Bên cạnh đó, khi xem xét khoảng cách giữa quy mô vốn đăng ký và vốn thực hiện có thể đánh giá được mức độ thực hiện của hoạt động đầu tư trong năm

đó. Khoảng cách đó được thể hiện thông qua tỷ lệ giải ngân. Đó là tỷ lệ phần trăm của vốn FDI thực hiện trên tổng vốn FDI đăng ký theo thời gian, được tính bằng công thức:

Tỷ lệ giải ngân = (Quy mô vốn thực hiện / Quy mô vốn đăng ký) × 100%.

Tỷ lệ giải ngân lớn thể hiện sự thống nhất giữa cam kết và thực hiện của hoạt động đầu tư. Ngược lại, tỷ lệ nhỏ hàm ý những vấn đề nảy sinh trong quá trình giải ngân vốn như thủ tục hành chính, sự lưỡng lự của nhà đầu tư khi bắt tay vào hoạt động đầu tư, hay điều kiện toàn cầu và khu vực có biến động…

Ngoài ra, còn có chỉ tiêu quy mô vốn trên một dự án được sử dụng để đánh giá độ lớn của các dự án FDI tại địa phương tiếp nhận vốn đầu tư. Quy mô vốn dự án FDI đăng ký và thực hiện được tính theo công thức:

Quy mô vốn dự án FDI đăng ký = (Quy mô vốn FDI đăng ký/số dự án) × 100%

Quy mô vốn dự án FDI thực hiện = (Quy mô vốn FDI thực hiện/số dự án) × 100%

Quy mô vốn dự án FDI cho biết phản ứng của nhà đầu tư nước ngoài (tăng cường đầu tư, bổ sung vốn, hoặc thoái vốn) trước những thay đổi về chính sách, môi trường đầu tư của nước sở tại và của địa phương tiếp nhận vốn đầu tư.

– Cơ cấu vốn FDI đăng ký, thực hiện theo hình thức đầu tư

FDI có các hình thức đầu tư chủ yếu sau: DN 100% vốn đầu tư nước ngoài; DN liên doanh; Hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), hợp đồng BOT, hợp đồng BTO, hợp đồng BT, PPP. Ngoài ra còn có một số hình thức khác như DN cổ phần có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của công ty nước ngoài hoặc công ty con ở nước khác, công ty nắm giữ cổ phần của các công ty đa mục tiêu, đa dự án (Holding Company), đầu tư phát triển kinh doanh, mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Bên cạnh đó, còn có các phương thức tổ chức đầu tư khác tại các khu chế xuất, KCN, khu công nghệ cao và đặc khu kinh tế. Mỗi hình thức FDI đều có những đặc điểm riêng. Do vậy, cần đa dạng hoá các hình thức FDI cho phù hợp với cơ cấu chung của nền kinh tế, quy hoạch phát triển của quốc gia, từng ngành, từng địa phương.

Cơ cấu FDI đăng ký, thực hiện phân theo ngành kinh tế: Các lĩnh vực đầu tư của FDI rất đa dạng, từ sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản, sản xuất nông – lâm – thuỷ sản và lĩnh vực dịch vụ,… Nếu thu hút FDI vào nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những ngành có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của địa phương thì hiệu quả thu hút FDI là càng cao.

Cơ cấu FDI đăng ký, thực hiện chia theo vùng kinh tế: Phần lớn các dự án FDI thu hút được thường tập trung ở các đô thị lớn, vùng có cơ sở hạ tầng, điều kiện phát triển kinh tế thuận lợi, trình độ nhân lực phát triển. Do vậy, sự thiếu đồng bộ trong tạo dựng các yếu tố cho triển khai thực hiện các dự án FDI là nguyên nhân cản trở việc thu hút có hiệu quả nguồn vốn này.

Cơ cấu FDI đăng ký, thực hiện theo đối tác đầu tư: Chỉ tiêu này đo bằng số lượng các nước có vốn đầu tư vào địa phương có gắn với vị thế của các nước đó trong nền kinh tế thế giới để thấy được mức độ hấp dẫn của địa phương tiếp nhận vốn FDI.

2. Tiêu chí đánh giá sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Tiêu chí đánh giá sử dụng hiệu quả FDI của địa phương tiếp nhận vốn đầu tư dựa trên nhóm các chỉ tiêu sau:

– Nhóm chỉ tiêu hiệu quả kinh tế

Nhóm chỉ tiêu hiệu quả kinh tế được thể hiện qua phần đóng góp của FDI đối với phát triển kinh tế tại địa phương tiếp nhận vốn. Các tiêu chí đánh giá bao gồm:

Đóng góp của khu vực FDI vào tổng đầu tư xã hội: là tỷ lệ phần vốn FDI trong tổng nguồn vốn đầu tư xã hội của địa phương tiếp nhận vốn FDI. Các nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm đều cho thấy FDI có ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế của nước tiếp nhận. FDI tăng làm tăng tổng nguồn vốn đầu tư xã hội, đồng thời tạo ra tác động tràn đến đầu tư nội địa, thị trường lao động và công nghệ của địa phương.

Đóng góp của FDI vào tổng đầu tư toàn xã hội càng cao cho thấy hiệu quả kinh tế của FDI là lớn. Tuy nhiên xét về tổng thể, tỷ lệ FDI/tổng nguồn vốn đầu tư xã hội còn phụ thuộc vào sự thay đổi đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước và ngoài nhà nước. Vì vậy, cần đánh giá chỉ tiêu này trong mối tương quan với chỉ tiêu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế để biết sự tương xứng về đóng góp kinh tế và tiềm năng của khu vực FDI.

Đóng góp của FDI vào tăng trưởng kinh tế: thể hiện qua tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI vào GDP. Đóng góp vào GDP lớn là một trong những dấu hiệu quan trọng để nhận biết hiệu quả kinh tế cao của khu vực FDI. Tuy nhiên, chỉ tiêu này chỉ nói lên hiệu quả kinh tế FDI về mặt lượng. Theo đó, cần xem xét chỉ tiêu này trong mối quan hệ với các chỉ tiêu khác trong nhóm chỉ tiêu hiệu quả kinh tế.

Đóng góp của FDI vào kim ngạch xuất khẩu: Thông qua hoạt động xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp FDI cung cấp nhiều sản phẩm có chất lượng cao cho nhu cầu tiêu dùng

của xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao mức tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI còn tạo ra sự cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước, thúc đẩy DN trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất theo hướng xuất khẩu. Góp phần mở rộng quan hệ quốc tế, mở ra cơ hội để hàng hóa thương hiệu Việt Nam đến với thị trường nước ngoài, đồng thời tăng giá trị trong cơ cấu hàng xuất khẩu. Đóng góp của FDI vào kim ngạch xuất khẩu có thể được phản ánh qua một số chỉ tiêu như: Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI; Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI so với kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh.

Đóng góp của FDI vào thu ngân sách: Khu vực FDI hoạt động kinh doanh có hiệu quả, thu được lợi nhuận cao sẽ có đóng góp ngày càng nhiều vào nguồn thu ngân sách thông qua việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính, từ đó góp phần làm tăng chi tiêu công cho các vấn đề xã hội và xóa đói giảm nghèo.

Ngoài ra, đóng góp của khu vực FDI vào ngân sách còn giúp cho địa phương tự đảm bảo được nguồn tài chính của mình, có tích lũy để tái sản xuất mở rộng đồng thời có khả năng hỗ trợ cho các vùng khác và đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách quốc gia. Đánh giá nội dung này có thể sử dụng các chỉ tiêu: Tốc độ tăng thu ngân sách hàng năm của khu vực FDI; Tỷ lệ thu ngân sách từ khu vực FDI so với tổng thu ngân sách.

Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế của FDI còn được thể hiện thông qua chỉ tiêu: hiệu quả thu nhập (được tính bằng tiền lương trung bình của một lao động trong khu vực FDI trong tương quan với các khu vực kinh tế khác); khả năng giúp địa phương tiếp nhận vốn đầu tư thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiến lược phát triển kinh tế của mình.

Đóng góp của khu vực FDI trong mối tương quan với các thành phần kinh tế khác càng lớn, thể hiện hoạt động sử dụng FDI đạt hiệu quả cao. Nhiều bằng chứng thực nghiệm cho thấy, không phải lúc nào kết quả thu hút FDI tốt cũng song hành với hiệu quả kinh tế cao. Do đó, cũng cần xem xét khía cạnh:

(i) đóng góp của khu vực FDI có tương xứng với tiềm năng hay quy mô vốn đã thu hút được hay không;

(ii) nội lực hấp thụ vốn của nền kinh tế có đủ khả năng hấp thụ và khai thác tối ưu những lợi ích từ nguồn vốn này hay không.

– Nhóm chỉ tiêu hiệu quả xã hội

Nhóm chỉ tiêu này bao hàm các tác động trực tiếp của FDI đối với xã hội và môi trường. Các chỉ tiêu đánh giá bao gồm:

Khả năng tạo việc làm: được thể hiện qua số lượng việc làm mà khu vực FDI tạo ra trong tương quan với các khu vực kinh tế khác, được xác định bằng tỷ lệ phần trăm trong tổng lao động có việc làm trong các ngành kinh tế. Tỷ lệ lao động tạo ra của khu vực FDI = (Số lao động trong khu vực FDI/Tổng số lao động của địa phương) × 100%. Tỷ lệ này cao cho biết dòng vốn FDI có chất lượng tốt trong tạo việc làm tại địa phương tiếp nhận vốn đầu tư, và ngược lại.

Tác động của FDI đến môi trường: Đây là một chỉ tiêu rất khó có thể chuẩn hóa. Trong phạm vi của bài viết có thể sử dụng các tiêu chí sau:

– Tỷ trọng doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường được xác định thông qua tỷ lệ phần trăm số lượng doanh nghiệp không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường trên tổng số các doanh nghiệp;

– Chi phí cho hoạt động cải tạo môi trường hàng năm của khu vực FDI;

– Chi phí môi trường dự kiến tiết kiệm được của các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào địa phương.

Tỷ trọng doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường càng lớn cho thấy địa phương đang tiếp nhận dòng vốn FDI kém chất lượng, gây ảnh hưởng tới môi trường. Chi phí cho cải tạo môi trường hàng năm của khu vực FDI chi phí môi trường dự kiến tiết kiệm được của các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào địa phương cho biết mức độ quan tâm đến bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp FDI.

– Nhóm chỉ tiêu về hiệu ứng và tác động lan tỏa

Nhóm chỉ tiêu này bao hàm các tác động lan tỏa của FDI đối với địa phương tiếp nhận vốn đầu tư. Các chỉ tiêu đánh giá bao gồm:

Mức độ chuyển giao công nghệ: được thể hiện thông qua:

(i) số hợp đồng chuyển giao công nghệ tại địa phương;

(ii) tỷ trọng các dự án đầu tư đến từ các nước nắm giữ công nghệ nguồn (như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ…);

(iii) tỷ lệ nội địa hóa. Các chỉ tiêu này càng cao cho thấy mức độ chuyển giao công nghệ lớn của các doanh nghiệp FDI vào địa phương tiếp nhận vốn đầu tư.

Mức độ liên kết của khu vực FDI với doanh nghiệp trong nước. Sự liên kết chặt chẽ của khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước thể hiện qua một số chỉ tiêu: Hình thức liên kết trong hoạt động FDI; Sự hoàn thiện của khu vực công nghiệp phụ trợ; Mức độ liên kết trong hệ thống quản trị điều hành giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước; Mức độ đào tạo và nâng cao kỹ năng của người lao động trong khu vực FDI.

Tham khảo

  1. Phạm Thanh Tâm (2018). Thu hút và sử dụng đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Vĩnh Phúc: Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.
  2. Nguyễn Quỳnh Thơ (2017),“Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Học viện Ngân hàng, Hà Nội.
Share.