Từ những chiều cạnh của khái niệm và trên cơ sở tóm lược các lý thuyết tăng trưởng kinh tế có thể nhận diện các yếu tố tác động tới tăng trưởng theo nhiều cách khác nhau. Quan điểm về các nhân tố tác động và nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế (TTKT) cũng thay đổi theo thời gian, với những xu hướng ngày càng đầy đủ và rõ ràng hơn về những lực lượng chi phối sự tăng trưởng:

– Có thể chia thành nhóm các yếu tố kinh tế và phi kinh tế [2].

Thứ nhất: Các yếu tố kinh tế là những nhân tố có tác động trực tiếp đến các biến số đầu vào và đầu ra của nền kinh tế gồm: Vốn, lao động, tài nguyên, tiến bộ công nghệ, TFP. Ở các nước đang phát triển, sự đóng góp của vốn và lao động vào TTKT thường chiếm tỷ trọng cao nhất, đó là sự thể hiện của tính tăng trưởng theo chiều rộng. Còn đối với các nước phát triển thì tiến bộ công nghệ và năng suất là những yếu tố tạo động lực cho tăng trưởng.

Thứ hai: Các yếu tố phi kinh tế có ảnh hưởng gián tiếp và khó lượng hoá được mức độ tác động của nó đến TTKT. Các yếu tố phi kinh tế vừa tác động một cách riêng rẽ, vừa mang tính chất tổng hợp, đan xen, lồng vào nhau trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Có rất nhiều yếu tố phi kinh tế tác động đến tăng trưởng như: Thể chế kinh tế – chính trị; cơ cấu gia đình; dân tộc; văn hóa, tôn giáo; các đặc điểm tự nhiên, khí hậu. Ảnh hưởng của các yếu tố phi kinh tế này cũng là vấn đề đưa đến nhiều quan điểm khác nhau giữa các nhà nghiên cứu. Hiện nay, các yếu tố phi kinh tế đang dần trở thành mục tiêu nghiên cứu chính trong lý thuyết tăng trưởng.

– Cũng có thể khái quát các yếu tố tác động tới tăng trưởng theo bốn chiều cạnh của một MHTT.

Đó là:

(i) Chiều cạnh đầu vào,

(ii) chiều cạnh đầu ra,

(iii) chiều cạnh cấu trúc nền kinh tế

(iv) chiều cạnh thể chế [3]

Chiều cạnh đầu vào bao gồm đất đai, lao động, vốn, công nghệ. Vì bao gồm những yếu tố đầu vào, chiều cạnh này giải thích mối quan hệ giữa việc sử dụng các yếu tố đầu vào nói trên như thế nào để tạo ra sản lượng của một nền kinh tế. Các lý thuyết về MHTTKT thường tập trung nghiên cứu các yếu tố này.

Chiều cạnh đầu ra thể hiện định hướng thị trường của nền kinh tế đó là hướng về xuất khẩu hay vì tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, nếu nói đến phương diện đầu ra, thì ở một chừng mực nào đó, còn phải đề cập đến đầu tư, nghĩa là phần sản lượng đi vào đầu tư và chi tiêu chính phủ, nghĩa là phần sản lượng hướng vào tiêu dùng của chính phủ.

Chiều cạnh thể chế thể hiện vai trò của nhà nước và hệ thống các luật chơi trong nền kinh tế, cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô (gồm loại chính sách vĩ mô và cách làm chính sách vĩ mô). Chiều cạnh này thể hiện cách thức vận hành nền kinh tế của nhà nước. Nói một cách hình tượng chiều cạnh thể chế được xem như là phần mềm điều hành nền kinh tế mà phần cứng của nó có thể được xem là cấu trúc của nền kinh tế

Cấu trúc của một nền kinh tế được định nghĩa là tổng những hoạt động kinh tế nằm trong một vùng lãnh thổ nhất định [14]. Đồng thời, cấu trúc kinh tế còn cho biết tỷ trọng của thu nhập của từng khu vực hay ngành trong tổng GDP, và sự thay đổi tương quan giữa các tỷ trọng này qua thời gian. Ở chiều cạnh cấu trúc của một nền kinh tế, các yếu tố tác động đến MHTTKT có thể được xem xét ở cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu thành phần kinh tế, hay phương diện liên kết trong cấu trúc kinh tế

Như vậy, nói một cách hình ảnh, MHTT bao gồm:

(i) Phần cứng đó là cấu trúc của nền kinh tế bao hàm các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế tạo ra sản lượng hay gọi chung là các khu vực (kinh tế) và sự liên kết giữa các khu vực này;

(ii) Phần mềm chính là thể chế quy định sự vận hành của các hoạt động trong nền kinh tế;

(iii) Phần đầu vào cho biết nền kinh tế sử dụng các yếu tố sản xuất như tài nguyên, lao động, vốn, công nghệ như thế nào

(iv) phần đầu ra thể hiện các hướng hay cấu phần, thị trường của khối tổng sản lượng. Nó cho biết nền kinh tế nhắm vào thị trường nào (trong nước hay nước ngoài, chính phủ hay tư nhân) là chủ yếu trong quá trình tạo ra sản lượng [3].

– Cũng có quan điểm khái quát các cấu phần của MHTTKT bao gồm ba yếu tố là: Động lực tăng trưởng; các yếu tố đầu vào của TTKT; cơ chế quản lý [4]:

Động lực tăng trưởng: Tăng trưởng của một nền kinh tế có thể được thúc đẩy từ nhiều động lực khác nhau. Theo cách tính GDP = C + I + G + NX (tức là tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu công, xuất khẩu ròng) các động lực tăng trưởng bao gồm: Tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu công, xuất khẩu. Các động lực tăng trưởng có một số đặc điểm đáng lưu ý:

(i) Tính bổ trợ lẫn nhau: Một số động lực có thể có tác động lan tỏa, hỗ trợ cho các động lực khác phát huy;

(ii) tính triệt tiêu lẫn nhau: Sự vượt trội của động lực này có thể ảnh hưởng xấu đến động lực khác;

(iii) tính giai đoạn và hữu hạn: Tùy từng giai đoạn phát triển khác nhau, một hay một số động lực sẽ nổi lên trở thành then chốt; tuy nhiên, đến một thời điểm nhất định, động lực đó có thể được khai thác hết hoặc giảm thế mạnh, thậm chí trở thành trở ngại.

Để xác định được những động lực tăng trưởng chủ chốt, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể cho một quốc gia, cần xem xét hai yếu tố. Thứ nhất là đặc thù quốc gia đó có những nền tảng nào đem lại lợi thế như trình độ phát triển và đặc điểm kinh tế xã hội, tiềm lực vốn, lao động, tài nguyên, công nghệ… Thứ hai là xu thế quốc tế hiện nay và giai đoạn tới có đặc điểm gì có thể tận dụng như lợi thế so sánh quốc gia, phân công lao động quốc tế…

Các nhân tố đầu vào (nhân tố tạo động lực): Để phát huy tối đa trong việc đem lại thành quả kinh tế, các động lực của tăng trưởng cần phải được hỗ trợ bởi các nhân tố đầu vào cơ bản (vốn, lao động, tài nguyên, công nghệ). Ở góc độ mỗi quốc gia, khi đơn thuần tăng số lượng các nhân tố đầu vào, nền kinh tế được gọi là tăng trưởng theo chiều rộng; khi tăng trưởng dựa nhiều vào việc hợp lý hóa và tăng năng suất, hiệu quả (nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghệ,…), được gọi là tăng trưởng theo chiều sâu.

Cơ chế quản lý thể hiện ở thể chế và vai trò nhà nước. Vai trò nhà nước đối với sự vận hành nền kinh tế thể hiện chủ yếu ở điều tiết nền kinh tế (các chính sách quản lý vĩ mô, chính sách mở cửa hội nhập, chính sách kinh tế ngành và doanh nghiệp nhà nước…) và kiểm soát (xây dựng khuôn khổ pháp lý để các hoạt động kinh tế diễn ra hiệu quả, các chế tài để đảm bảo sự tuân thủ).

Tham khảo thêm

  1. Đặng Thành Chung (2020). Chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Thái Lan và Malaysia sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu và bài học cho Việt Nam. Luận án tiến sĩ Kinh tế (Chuyên ngành Kinh tế Quốc tế). Học viện Khoa học Xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Hà Nội.
  2. Trần Thọ Đạt (2010), Giáo trình mô hình tăng trưởng kinh tế, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  3. Khương Duy (2012), “Mô hình tăng trưởng của Việt Nam: Những chiều cạnh của khái niệm và một số vấn đề”, Tạp chí Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, (8), (196).
  4. Trần Chí Trung (2013), “Mô hình tăng trưởng: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 1 (92).
Share.