Hệ thống giáo dục đào tạo nói chung, hệ thống các trường đại học nói riêng là một phân hệ cơ bản tạo thành nên xã hội; nhưng là một phân hệ hết sức quan trọng và có ý nghĩa hết sức quyết định. Các học giả người Pháp đã từng kết luận: nhà trường chiếm một vị trí trung tâm trong việc phân phối đều những cơ may giữa mọi người [2]. Nói một cách khác giáo dục đào tạo trực tiếp và có vai trò chủ đạo góp phần vào việc thực hiện các chức năng quản lý vĩ mô của nhà nước (hiệu quả, công bằng, ổn định, khắc phục nhiễu, bảo đảm môi trường phát triển bền vững).

Giáo dục đào tạo đóng vai trò chi phối ba yếu tố phát triển xã hội là tiền vốn, lao độngtiến bộ kỹ thuật, thì giáo dục đào tạo góp phần trực tiếp vào hai yếu tố cốt lõi là lao động và tiến bộ. Chính vì thế, nhiều nước, trong đó có nước ta đã khẳng định: cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH của Đảng ta cũng đã ghi rõ: Giáo dục đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam (Cương lĩnh – SĐD tr. 21, 2011).

a- Với sứ mệnh to lớn của giáo dục đào tạo nói chung, của hệ thống các trường đại học nói riêng, đòi hỏi phải huy động được trí tuệ và tâm huyết của cả xã hội, đặc biệt của toàn bộ các nhà giáo, các nhà quản lý của các trường đại học trong cả nước.

Đây là sự phát triển tất yếu của các trường đại học ở mọi nước trên thế giới trong điều kiện hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay khi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất đã lên cao, đòi hỏi quan hệ sản xuất phải có sự biến đổi theo cho phù hợp. Trình độ, năng lực, nhân cách của đội ngũ các nhà khoa học, các nhà giáo của các trường đại học đã phát triển rất cao cả về số lượng và chất lượng. Chẳng hạn ở nước ta, tính đến cuối năm 2010 đã có 2.800 Giáo sư và Phó giáo sư đại học (gấp mấy chục lần số Giáo sư, Phó giáo sư của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Chính đội ngũ các nhà khoa học này đang phải trực tiếp:

(1) Làm nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ);

(2) Trực tiếp hoà mình vào cuộc sống thực tế xã hội, tham gia giải quyết các vấn đề mà cuộc sống đặt ra; chứ không phải là đội ngũ cán bộ quá mỏng và không đa ngành của Bộ chủ quản. Thêm nữa với hàng trăm trường đại học khác nhau với các đặc điểm ngành nghề đào tạo khác nhau, thuộc các lĩnh vực đào tạo và địa phương khác nhau; với những mối quan hệ riêng có của mỗi trường so với môi trường hoạt động ở trong và ngoài đất nước khác nhau; hàng loạt các tình huống phải xử lý hàng ngày khác nhau; không thể có một bộ chủ quản tài giỏi nào có thể thay mặt để xử lý tất cả cho mọi tình huống cho mọi nhà trường. Điều tất yếu là bộ chủ quản phải ủy thác quyền xử lý tình huống trong phạm vi cho phép của mình cho các nhà trường.

Theo kết quả điều tra, có rất nhiều ý kiến được hỏi đều cho mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học Việt Nam đã trở thành một đòi hỏi mang tính khách quan hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Nhà nước cần tập trung vào chức năng quản lý vĩ mô của ngành đại học; đó là việc tạo môi trường ổn định vĩ mô (về định hướng, đường lối phát triển ngành, về luật pháp, về điều kiện làm việc, về nguồn lực, về xử lý các mối quan hệ đối ngoại); thực hiện tốt chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát; còn chức năng điều hành cụ thể (vi mô) hãy trao trả lại cho các nhà trường.

Chỉ có mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học, thì nhà nước mới có thể tập trung giải quyết các vấn đề mang tầm chiến lược, quốc gia; mới có thể phát huy được tối đa tính tự chịu trách nhiệm trước xã hội, tính sáng tạo của bản thân và của toàn bộ các nhà khoa học của các trường đại học- một tài sản vô giá và không có giới hạn, nhưng chưa được khai thác.

Như vậy, có thể nói đến thời điểm hiện nay, khả năng kiểm soát các trường đại học theo phương thức tập trung cũ của nhà nước (centralization) đã không còn thích hợp và cũng không thể thực hiện được; sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung, đào tạo đại học nói riêng cũng là một sự nghiệp chung của toàn xã hội, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Xã hội, đội ngũ các nhà giáo đại học đã đủ lớn mạnh phát huy tính sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm để đóng góp lớn hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục đào tạo bậc đại học cho đất nước.

b- Trong cơ chế thị trường, một xu thế khách quan, tất yếu của mọi quốc gia hiện nay, các trường đại học là các cơ sở cung ứng dịch vụ đào tạo, giáo dục cho xã hội. Các cơ sở này cũng đòi hỏi phải có sự thi đua, cạnh tranh để tồn tại và phát triển ở trong và ngoài nước. Do đó, nhà nước không thể làm thay công việc của nhà trường bằng cách quản lý mang tính tác nghiệp của thời kỳ kế hoạch hoá tập trung bao cấp; mà phải chấp nhận một cơ chế quản lý mở cửa, cạnh tranh mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học trong khuôn khổ định hướng phát triển và luật pháp của nhà nước.

c- Mở rộng quyền tự chủ đại học là một xu thế của xã hội phát triển. Cùng với sự phát triển kinh tế mang tính hội nhập, cạnh tranh, toàn cầu; việc đào tạo đại học nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế mỗi nước, đồng thời cũng cho cả các nước khác trên thế giới. Nguồn nhân lực này phải làm chủ được các phương tiện và công cụ làm việc mà nhân loại đã tạo ra và đang được sử dụng phổ cập khắp hành tinh. Cho nên chất lượng đào tạo đại học phải đáp ứng các đòi hỏi chung của bậc đại học của mọi nước.

Tính liên thông liên kết giữa các trường, giữa các nước là một xu thế của thời đại ngày nay. Nếu không phát huy tính linh hoạt và sự tự thích nghi của từng trường đại học, mà chỉ trông chờ vào sự thích nghi của cơ quan điều phối chung từ một trung tâm là Bộ Giáo dục và Đào tạo; thì không thể bảo đảm cho sự phát triển tương thích của mặt bằng đào tạo đại học thế giới.

d- Mở rộng quyền tự chủ đại học: là phương thức tương thích của đặc trưng nhà nước trong thời đại ngày nay, đó là nhà nước nhỏ, quyền lực lớn. Là nhà nước nhỏ, thì nhà nước chỉ có thể thực hiện các chức năng quản lý vĩ mô hệ thống giáo dục đào tạo và đại học; còn các chức năng quản lý tầm cụ thể mang tính tác nghiệp phải trao lại cho các cấp dưới (Bộ Giáo dục và Đào tạo; các tỉnh, thành phố; các trường đại học) theo một khung pháp lý khoa học và chuẩn xác.

Tham khảo

  1. Lương Văn Hải (2012). Vai trò nhà nước trong mở rộng quyền tự chủ của các trường đại học công lập Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  2. Daniel Cohen (2001), Các quốc gia nghèo khó trong một thế giới thịnh vượng, NXB Chính trị Quốc gia.
  3. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)
Share.