1. Một số nét đặc trưng của DN có vốn FDI ở Việt Nam

1.1. Về Doanh nghiệp có vốn FDI tại Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, từ năm 2005 đến cuối năm 2014 đã có 11.046 doanh nghiệp có vốn FDI đăng ký hoạt động tại Việt Nam [2, tr.47].

Theo số liệu DN của Tổng cục Thuế, số lượng DN có vốn FDI đăng ký hoạt động tại Việt Nam tính đến ngày 30/12/2015 là 14.237 DN (trong đó có 4.402 DN phát sinh GDLK); đến ngày 30/12//2016 là 16.148 DN (trong đó có 5.004 DN phát sinh GDLK) [3, tr. 3].

Theo Cục đầu tư nước ngoài, tính đến 31/12/2016 các DN có vốn FDI đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân ở Việt Nam, có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư vào Việt Nam [4, tr. 1].

1.2. Về hình thức đầu tư và quy mô vốn đầu tư

Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 31/12/2016, cả nước có 22.594 dự án đầu tư, với tổng vốn FDI đăng ký là 293,7 tỷ USD, trong đó: chủ yếu là hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài là 18.706 dự án, chiếm tỷ lệ 82,7%, số vốn là 209,7 tỷ USD chiếm tỷ lệ 71%; đầu tư liên doanh có 3.639 dự án, chiếm tỷ lệ 16,1%, số vốn là 68,1 tỷ USD chiếm tỷ lệ 23,1%; ngoài ra còn có hình thức đầu tư theo hợp đồng BOT, BT, BTO và hợp đồng hợp tác kinh doanh. Riêng trong giai đoạn 2005-2014, vốn FDI thực hiện chỉ đạt khoảng 42% so với số vốn đăng ký, các DN có vốn FDI đóng góp khoảng 22,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã thực hiện, mức đóng góp của vốn FDI cho đầu tư toàn xã hội của Việt Nam giảm dần từ năm 2008 trở lại đây [4, tr. 1].

Biểu tổng hợp Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tại Việt Nam theo hình thức đầu tư (Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến 31/12/2016)

Các doanh nghiệp có vốn FDI đã đầu tư tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI với 45,2 tỷ USD (chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Bà Rịa-Vũng Tàu 27 tỷ USD (chiếm 9,2% tổng vốn đầu tư), Bình Dương 26,6 tỷ USD (chiếm 9% tổng vốn đầu tư), Đồng Nai 25,8 tỷ USD (chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư) [4].

1.3. Về sản phẩm của các doanh nghiệp có vốn FDI ở Việt Nam

Sản phẩm của các DN có vốn FDI tại Việt Nam thường được chia làm ba loại:

(i) Sản phẩm trung gian: Với loại sản phẩm này, các DN có vốn FDI thực chất là một công xưởng với nguyên vật liệu chính được nhập khẩu, toàn bộ giá trị của sản phẩm được đưa ra nước ngoài (xuất khẩu) để đi qua các công đoạn tiếp theo, từ đó mới hình thành giá bán. Về thực chất toàn bộ hoạt động của loại DN này hầu như không hạch toán lợi nhuận, phía Việt Nam không những không thu được thuế GTGT mà ngược lại các DN có vốn FDI được hoàn thuế, thuế TNDN cũng coi như không có (không có lợi nhuận).

(ii) Sản phẩm cuối cùng nhưng được tiêu thụ ở thị trường nước ngoài theo đơn đặt hàng của công ty mẹ:

Với loại sản phẩm này, doanh nghiệp có vốn FDI tuy có chút lãi nhưng đó là một quy trình gần như khép kín, việc tiêu thụ hàng hóa ở nước ngoài phần lớn do phía DN nước ngoài quyết định về giá bán, số lượng hàng hóa với mục đích chính là để điều phối thị trường chung của MNCs. Về hạch toán lợi nhuận, phía Việt

Nam gần như không biết được cụ thể, rõ ràng hoặc không được tham gia, vì vốn của chủ DN nước ngoài, do người đứng đầu DN quyết định, như vậy, việc xuất khẩu của các DN này được bao nhiêu, điều đó hầu như không liên quan gì đến nước chủ nhà.

(iii) Các sản phẩm được tiêu thụ trong nước:

Loại sản phẩm này tuy được tiêu thụ trong nước nhưng hầu hết các nguyên vật liệu chính đều được nhập khẩu từ bên ngoài. Chẳng hạn như bột ngọt, gần như 100% nguyên vật liệu là nhập khẩu; da cứng là 83%; giày thể thao là 76%; sứ vệ sinh là 74%; sơn hóa học 68,3%. Do quá trình hạch toán lợi nhuận khép kín của các doanh nghiệp có vốn FDI, nên dù là tiêu thụ trong nước cũng được xem như là nhập khẩu.

  1. Vai trò của DN có vốn FDI trong nền kinh tế ở Việt Nam

Thời gian qua, hoạt động kinh doanh của các DN có vốn FDI ở Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh hội nhập và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế các nước trong khu vực và trên thế giới, thể hiện trên một số mặt như:

2.1. Góp phần quan trọng tăng vốn đầu tư trong nền kinh tế

Các doanh nghiệp có vốn FDI đóng góp quan trọng trong việc gia tăng nguồn vốn đầu tư cho phát triển của Việt Nam. Trung bình giai đoạn năm 2005- 2014 các doanh nghiệp có vốn FDI đóng góp khoảng 22,7% tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã thực hiện, trung bình mỗi năm thu hút khoảng 10.198 triệu USD (vốn thực hiện). Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 181.141,2 triệu USD, chiếm 64,3% tổng vốn đăng ký, tiếp theo là các lĩnh vực dịch vụ là 86.192,1 triệu USD, chiếm 30,5% tổng vốn đăng ký, Lĩnh vực xây dựng và bất động sản với 10.893,8 triệu USD (chiếm 3,9% tổng vốn đăng ký), lĩnh vực nông nghiệp là 3.654,9 tỷ USD (chiếm 1,3% tổng vốn đăng ký) [5, tr. 12-13].

Bảng cơ cấu vốn đầu tư vào Việt Nam của các DN – FDI trong giai đoạn 1988-2015

 Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, 2 tháng đầu năm 2017, vốn FDI giải ngân vẫn tiếp tục xu hướng tích cực, với 1,55 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Vốn FDI giải ngân nhanh sẽ góp phần quan trọng tăng năng lực sản xuất cho Việt Nam. Hai tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI đã đạt tới 19,709 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 72% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Dự báo vốn FDI đăng ký năm 2017 đạt khoảng gần 30 tỷ USD tăng nhẹ so với năm 2016 [4, tr. 1-2].

2.2. Đóng góp vào tăng quy mô GDP của Việt Nam

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp đáng kể cho tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, trong giai đoạn 2005-2014 đã đóng góp khoảng 15,1-16,4% tổng GDP Việt Nam (năm 2014 GDP của Việt Nam đạt khoảng 180 tỷ USD theo giá hiện hành) và đóng góp khoảng 38% vào tăng trưởng kinh tế (cụ thể là trong giai đoạn 2005-2014, tốc độ tăng GDP của cả nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 6,05%, trong đó các DN có vốn FDI đóng góp tăng trưởng khoảng 2,3 điểm %) [5, tr.18].

Bảng tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp có vốn FDI vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2005-2014

 2.3. Đóng góp tạo việc làm cho người lao động

Năm 2014, các DN có vốn FDI đã tạo ra việc làm cho khoảng 3,45 triệu chỗ làm việc và chiếm 6,4% tổng lao động làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân và đóng góp khoảng 1/6 GDP quốc gia [5, tr.19]. Nếu chia theo quy mô lao động cho thấy: Có 1.526 DN có số lao động dưới 5 người, có 2.595 DN có số lao động từ 50 đến 199 người và thấp nhất là chỉ có 90 DN có số lao động từ 5.000 người trở lên.

Bảng tổng hợp số doanh nghiệp phân theo quy mô lao động đến 31/12/2014

2.4. Đóng góp vào thu ngân sách nhà nước

Trong giai đoạn 2005 – 2014, DN có vốn FDI đóng góp đáng kể vào tổng thu NSNN: Năm 2005 đóng góp 8,4%, năm 2006 đóng góp 33,3%, năm 2010 đóng góp 11% và năm 2014 đóng góp khoảng 13,9% vào tổng thu NSNN [5, tr.19-20].

2.5. Góp phần đẩy mạnh xuất khẩu

Trong bối cảnh các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn do lạm phát cao, năng lực cạnh tranh thấp thì vai trò của DN có vốn FDI duy trì và đẩy mạnh tốc độ tăng xuất khẩu của cả nước sẽ càng đặc biệt quan trọng và góp phần quyết định tới khả năng mở cửa kinh tế quốc gia và tham gia toàn cầu hóa kinh tế. Năm 2005 các DN có vốn FDI đóng góp 57,2% giá trị xuất khẩu thì đến năm 2014 đã đóng góp khoảng 62,5% giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Bảng tỷ lệ đóng góp của các doanh nghiệp có vốn FDI cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2005-2014

 Tham khảo

  1. Lê Quang Hùng (2018). Chuyển giá và chống chuyển giá trong quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Học viện Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.
  2. Tổng cục Thống kê (2015), “Niên giám Thống kê năm 2014”, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
  3. Tổng cục Thuế (2017), Tài liệu báo cáo “Phương án thành lập phòng giá chuyển nhượng tại một số Cục Thuế”.
  4. Cục Đầu tư nước ngoài (2017), “Báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2016 và dự kiến năm 2017”.
  5. Tổng cục Thống kê (2016), “Hiệu quả của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2005-2014”, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
Share.