Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục phân tích kinh nghiệm hợp tác quốc tế về thuế của một số nước tiêu biểu như: Singapore, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Hà Lan và gợi ý những bài bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

1. Kinh nghiệm của Singapore

Singapore là một quốc gia có luật pháp rất nghiêm khắc với việc trốn thuế bởi vậy việc hợp tác quốc tế về thuế được thực hiện rất mạnh mẽ. Singapore cam kết hợp tác thuế quốc tế thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế để trao đổi thông tin. Từ năm 2009, Singapore đã cập nhật và tăng cường mạng lưới các hiệp ước phù hợp với tiêu chuẩn trao đổi thông tin. Để đáp ứng theo sự phát triển của các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, Singapore tiếp tục đã có những thay đổi hơn nữa vào năm 2013 để tăng cường chế độ trao đổi thông tin thông qua việc xây dựng một mạng lưới rộng lớn các thỏa thuận trao đổi thông tin tự động với 142 khu vực pháp, ký kết 90 hiệp định song phương và công ước đa phương [2]. Cùng với đó, từ tháng 5 năm 2014, Singapore cam kết triển khai Tiêu chuẩn báo cáo chung (CRS) trong trao đổi thông tin.

Việc thực hiện trao đổi thông tin tự động của Singapore được thực hiện theo các nguyên tắc sau: 

(i) Singapore sẽ có thể triển khai trao đổi thông tin tự động nếu AEOI được thông qua tại tất cả các trung tâm tài chính quan trọng ở châu Âu và châu Á, để tránh sự phân xử theo luật định; 

(ii) Trao đổi thông tin tự động cũng cần được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật nhằm bảo vệ tính bảo mật của người nộp thuế và đảm bảo rằng thông tin được sử dụng đúng cách. Điều này đặc biệt quan trọng vì AEOI đòi hỏi phải bảo vệ việc truyền thông tin nhạy cảm của người nộp thuế

(iii) Phải có sự đối ứng với bất kỳ đối tác trao đổi thông tin tự động nào trong tương lai về mặt thông tin được trao đổi.

Singapore tích cực trong việc chống hoạt động chuyển giá thông qua việc áp dụng các quy định chống chuyển giá được chấp nhận quốc tế. Đồng thời, Singapore cũng đã xây dựng và đẩy mạnh thực hiện Cơ chế thỏa thuận trước về giá tính thuế (APA) song phương với các đối tác ký hiệp định để đảm bảo rằng các giao dịch của các công ty được định giá theo nguyên tắc xác định giá thị trường. Cùng với đó, Singapore tích cực làm việc với các khu vực pháp lý khác nhau trên thế giới, tổ chức OECD và G20 để hợp tác chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS). Singapore đã ký kết công ước về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong các vấn đề về thuế vào ngày 29 tháng 5 năm 2013 và phê chuẩn công ước vào ngày 20 tháng 1 năm 2016. Đây là một thỏa thuận đa phương để tăng cường khuôn khổ hợp tác thuế quốc tế của Singapore [2].

Về hợp tác song phương, Singapore cũng đã tích cực hợp tác với nhiều nước, trong đó có Hoa kỳ thông qua việc ký một thỏa thuận liên chính phủ với Hoa Kỳ để thực hiện trao đổi thông tin tài khoản tài chính theo đạo luật tuân thủ thuế đối với các tài khoản nước ngoài (FATCA) vào tháng 12 năm 2014. Singapore cũng đã thực hiện trao đổi thông tin với các nước ký kết Hiệp định Thẩm quyền đa phương (Multilateral Competent Authority Agreement (MCAA) về AEOI như với Hà Lan sau khi đã ký một thỏa thuận vào tháng 6 năm 2017. Với MCAA, Singapore đã tự động sẵn sàng trao đổi thông tin tài chính với 101 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới [3, tr.35]. 

2. Kinh nghiệm của Malaysia

Một trong những bài học kinh nghiệm đáng chú ý nhất từ Malaysia là chuẩn bị và tham gia nhanh chóng, có hiệu quả vào việc đàm phán và ký kết Hiệp định thuế đa phương. Malaysia đã ký Hiệp định thuế đa phương vào ngày 24/1/2018. Ngoài việc thực hiện các tiêu chuẩn tối thiểu của BEPS, Malaysia áp dụng một số điều khoản của Hiệp định thuế đa phương liên quan đến cơ sở thường trú. Malaysia đã lựa chọn áp dụng các điều khoản của Hiệp định thuế đa phương cho toàn bộ các hiệp định thuế song phương mà Malaysia đã ký kết (bao gồm 71 hiệp định đã có hiệu lực và 2 hiệp định đã được công bố nhưng chưa có hiệu lực) [4, tr.48].

Malaysia đã nghiên cứu và đánh giá xem các ưu đãi thuế có cần sửa đổi hay không khi xem xét các điều khoản cụ thể của Hiệp định thuế đa phương. Trên cơ sở đó, Malaysia cam kết thực hiện 4 tiêu chuẩn tối thiểu của BEPS về thực hành các thông lệ thuế có hại, lạm dụng hiệp định thuế, yêu cầu báo cáo chuyển giá và cải thiện tranh chấp xuyên biên giới. Malaysia cũng lên kế hoạch áp dụng các tiêu chuẩn khác ngoài 4 tiêu chuẩn tối thiểu nhưng không nhiều. Malaysia lựa chọn quyền bảo lưu đối với phần lớn các điều khoản không thuộc tiêu chuẩn tối thiểu của Hiệp định thuế đa phương.

3. Kinh nghiệm của Indonesia

Indonesia rất coi trọng hoạt động trao đổi thông tin trong hợp tác quốc tế về thuế. Chính phủ Indonesia nhận thức được rằng, cần một nỗ lực chung toàn cầu để ngăn chặn hành vi chuyển lợi nhuận và tránh thuế của người nộp thuế. Vì vậy, Chính phủ Indonesia đã tập trung cung cấp thông tin và đề nghị cung cấp thông tin với các nước thông qua hệ thống trao đổi thông tin tự động. Để có cơ sở pháp lý đầy đủ cho hoạt động này, Indonesia đã ban hành Luật số 01/2017 về tiếp cận thông tin tài chính để phục vụ quản lý thuế. Việc tăng cường hợp tác trao đổi thông tin trên cơ sở hành lang pháp lý đầy đủ giúp Indonesia quản lý tốt căn cứ tính thuế, đặc biệt là những tập đoàn lớn (chiếm từ 1% đến 5% số lượng doanh nghiệp nhưng đóng góp phần lớn số thu cho ngân sách nhà nước) [4, tr.49].

Tương tự như trường hợp của Malaysia, Indonesia cũng có những kinh nghiệm rất quý trong hợp tác quốc tế về thuế liên quan đến việc tham gia ký Hiệp định thuế đa phương. Indonesia ký Hiệp định thuế đa phương ngày 27/6/2017. Với những lựa chọn khi ký Hiệp định thuế đa phương, Indonesia cho rằng, những điều khoản này sẽ hỗ trợ Indonesia chống thất thu thuế thông qua việc ngăn chặn các hình thức tránh thuế liên quan đến lạm dụng hiệp định thuế, cơ sở thường trú, chia tách hợp đồng và thao túng sở hữu.

Theo đó, những điều khoản này có thể ngăn chặn hành vi tránh thuế thông qua việc lách quy định về cơ sở thường trú bằng cách chia nhỏ chức năng hoạt động của doanh nghiệp, “phù phép” các vấn đề liên quan đến thời hạn của hợp đồng và quyền sở hữu… Khác với Malaysia, Indonesia chỉ chọn áp dụng Hiệp định thuế đa phương với 33/69 đối tác đã ký hiệp định thuế song phương vì một số hiệp định song phương đã có thỏa thuận riêng mà sửa đổi theo Hiệp định thuế đa phương không phù hợp hoặc vì áp dụng sẽ gây bất lợi lớn cho Indonesia [4, tr.50].

4. Kinh nghiệm của Ấn Độ

Ấn Độ đã xây dựng một mạng lưới lớn trao đổi thông tin thuế quốc tế qua việc thực hiện ký kết 134 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần song phương. Các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần song phương được xây dựng dựa trên Công ước mẫu của OECD về thuế đối với thu nhập và vốn (Công ước mẫu OECD) và Công ước mẫu của Liên hợp quốc về đánh thuế hai lần giữa các nước phát triển và đang phát triển. Ấn Độ là quốc gia đầu tiên không phải tư cách thành viên của OECD và EU ký kết và phê chuẩn Công ước đa phương về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong các vấn đề thuế năm 2012.

Ấn Độ cũng đã ký kết 18 hiệp định trao đổi thông tin thuế (Tax Information Exchange Agreements -TIEAs), theo mô hình do OECD đưa ra tại Diễn đàn toàn cầu về minh bạch và trao đổi thông tin dùng cho các mục đích thuế [5, tr.96].

Các văn bản pháp lý trên là cơ sở để Ấn Độ thực hiện cả hai cách trao đổi tức thời và theo yêu cầu theo điều 26 của các Hiệp định thuế song phương trong cả mẫu của OECD cũng như trong Công ước mẫu của Liên hợp quốc. Thông tin phải được xác định trước khi có liên quan đến việc thực hiện các quy định của hiệp ước hoặc luật quản lý thuế nội địa của quốc gia yêu cầu. Tất cả thông tin, từ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng, bao gồm trong phạm vi “yêu cầu” mà không liên quan đến lợi ích thuế nội địa hoặc liên quan đến yêu cầu để bảo vệ tính bảo mật của thông tin người nộp thuế.

Các hiệp định trao đổi thông tin thuế, cũng được sử dụng để trao đổi thông tin khi “có yêu cầu” đối với các vấn đề dân sự và hình sự, có thể là song phương hoặc đa phương. Ấn Độ có các hiệp định trao đổi thông tin thuế song phương với nhiều khu vực pháp lý bí mật như Bermuda, Cayman Is-Lands, Jersey, British Virgin Islands, Bahamas… Những quốc gia này là nơi Hiệp định tránh đánh thuế hai bên không liên quan, không có nguy cơ đánh trùng thuế. Không giống như các Hiệp định tránh đánh thuế hai bên, hiệp định trao đổi thông tin thuế chỉ được áp dụng đối với các loại thuế được liệt kê trong thỏa thuận và không phải mọi loại thuế. Cùng với các thỏa thuận song phương về AEOI trong một số thỏa thuận khu vực cũng đã được Ấn Độ ký, chẳng hạn như với Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) để tránh đánh thuế hai lần và hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong các vấn đề thuế.

Một đơn vị chuyên trách nghiên cứu về Thuế và thuế nước ngoài thuộc Chính phủ Ấn Độ, bao gồm hai cục hoạt động từ năm 2012, được giao nhiệm vụ thực hiện các nghĩa vụ hiệp định trao đổi thông tin thuế.

Từ báo cáo đánh giá đồng cấp Giai đoạn 2 của Ấn Độ (Diễn đàn toàn cầu OECD, 2013) cho thấy Cơ quan có thẩm quyền Ấn Độ gửi một khối lượng các yêu cầu hơn nhiều so với nhận được. Từ 29 yêu cầu gửi đi trong năm 2008, con số này đã tăng lên 884 vào năm 2013 và 1.600 vào năm 2014. Ở chiều ngược lại, tức là số lượng yêu cầu hàng năm nhận được đến năm 2013 đã trung bình 34 [5, tr.96].

Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra rằng việc tìm kiếm thông tin từ các khu vực tài phán nước ngoài khá phổ biến với cơ quan thuế của Ấn Độ nhưng lại có sự nghi ngờ đối với thông tin được cung cấp. Một trong những vấn đề phổ biến là những thông tin cung cấp này thường bỏ qua các vấn đề liên quan đến sự quay vòng của nguồn tiền và trốn thuế, là mục tiêu trong các cuộc kiểm tra. Ngay cả những thông tin rõ ràng đơn giản như bản sao tài khoản của người nộp thuế Ấn Độ trong sổ sách quản lý của nước ngoài cũng không được gửi. Khi người nộp thuế ở Ấn Độ là một người có thu nhập miễn thuế ở nhiều quốc gia lớn, sự nghi ngờ về tình trạng trì trệ từ phía các cơ quan tài phán nước ngoài trong việc chia sẻ thông tin càng rõ ràng. Đối với các yêu cầu của Cơ quan có thẩm quyền nước ngoài có liên quan, Diễn đàn toàn cầu Giai đoạn 2 đã đánh giá cao tính đầy đủ và tỉ mỉ của thông tin thu được ở Ấn Độ và chia sẻ với chính phủ yêu cầu. Không một yêu cầu nào bị từ chối vì bất kỳ lý do gì.

Trao đổi thông tin tự động (AEOI) là rất quan trọng đối với các khu vực pháp lý đánh thuế cư dân của họ trên toàn cầu. Tác dụng của nó chủ yếu là răn đe, mặc dù nó cũng đảm bảo đối xử bình đẳng với thu nhập nguồn trong và ngoài nước của người nộp thuế cư trú và loại bỏ các biến dạng thuế trong phân bổ nguồn lực tài chính ở nước ngoài. Ba chế độ của trao đổi thông tin tự động hiện đang được áp dụng ở Ấn Độ được thực hiện bao gồm:

+ Ấn Độ đã ký Thỏa thuận liên chính phủ (IGA) với Hoa kỳ để triển khai đạo luật tuân thủ thuế đối với các tài khoản nước ngoài (FATCA) vào tháng 7/2015. FATCA là đạo luật được Hoa Kỳ thông qua vào năm 2010 cho phép nắm giữ thông tin về các tài khoản ở nước ngoài do người nộp thuế Hoa Kỳ nắm giữ. Việc triển khai FATCA phải đòi hỏi chi phí tuân thủ cao cho các tổ chức tài chính trong việc tăng cường các quy trình quản lý thông tin và nâng cấp cơ sở dữ liệu thông tin khách hàng tập trung của họ. Mặc dù tính đối ứng trong việc trao đổi thông tin là không hoàn toàn do vướng những quy định về bí mật thông tin khách hàng của ngân hàng và luật pháp Hoa Kỳ, nhưng Ấn Độ cũng thu được những lợi ích nhất định về thông tin người nộp thuế.

+ Thực hiện Tiêu chuẩn Báo cáo Chung (CRS) của Hiệp định Tự động trao đổi thông tin (AEOI). Để tiến tới thực hiện trao đổi thông tin tự động, OECD đã đề xuất ra Tiêu chuẩn Báo cáo Chung (CRS) khung chứa các yêu cầu báo cáo. Ấn Độ là một trong những nước đầu tiên chấp nhận Tiêu chuẩn AEOI và đã ký MCAA vào tháng 6 năm 2015, cam kết trao đổi lần đầu tiên vào tháng 9 năm 2017. Kể từ tháng 5 năm 2017, 45 mối quan hệ trao đổi từ Ấn Độ và 55 thế giới đến Ấn Độ đã được thiết lập. Kể từ tháng 6 năm 2017, 93 khu vực pháp lý đã ký kết MCAA với các cam kết bắt đầu AEOI từ tháng 9 năm 2017 hoặc 2018 [5, tr.96].

+ Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia “Country by Country Report” (CbC Report) là báo cáo cung cấp thông tin chung về việc phân bổ thu nhập toàn cầu và thuế đã nộp tại các quốc gia của các tập đoàn đa quốc gia. Năm 2016, Ấn Độ đã giới thiệu mục 286 trong Đạo luật thuế thu nhập năm 1961 để thực hiện CbCr đối với một nhóm các tập đoàn đa quốc gia.

Nhân viên chuyển giá có kỹ năng của Ấn Độ có thể được đào tạo để sử dụng CbCr theo cách tiếp cận thuế đơn nhất để đánh giá rủi ro thuế.

5. Kinh nghiệm của Hà Lan

Năm 1986, Hà Lan ban hành bộ luật về việc hỗ trợ quốc tế trong việc đánh thuế (WIB). Luật này được thiết kế để loại bỏ những cản trở nhất định trong luật trong nước (nghĩa là các điều khoản bảo mật) và xác định người nộp thuế có cùng nghĩa vụ đối với thanh tra thuế trong trường hợp yêu cầu thông tin từ phía cơ quan thuế nước ngoài như họ làm đối với các trường hợp trong nước. Đến nay, Hà Lan tiếp tục sửa đổi liên quan đến phạm vi của WIB, các điều khoản yêu cầu phải được trả lời, việc sử dụng thông tin kỹ thuật số, gia hạn trao đổi tự động, nghĩa vụ cung cấp thông tin một cách tự nhiên, các quy tắc liên quan đến kiểm toán đa quốc gia, căn cứ để từ chối trao đổi thông tin và các quy định bí mật hạn chế trao đổi thông tin.

Hà Lan coi tiêu chuẩn quốc tế hiện nay về trao đổi thông tin hiện đang ở mức tối thiểu. Do đó, Hà Lan sẽ tiếp tục tìm kiếm sự tăng cường của công cụ trao đổi thông tin cả ở cấp độ đa phương và song phương, cả bằng cách trao đổi tự phát và tự động. Ở cấp độ song phương, Hà Lan đã ký kết nhiều hiệp định trao đổi thông tin về thuế (TIEA – Tax Information Exchange Agreements) phù hợp với công ước thuế mẫu của OECD trong các hiệp định thuế toàn diện. Từ năm 2009, TIEA đã được ký kết với 28 quốc gia. Thường xuyên nhất Hà Lan trao đổi thông tin (theo yêu cầu, tự phát và tự động) với các quốc gia thành viên EU (đặc biệt là với các nước láng giềng Bỉ, Đức và Pháp) và với Úc, Canada và Hoa Kỳ. Ở Hà Lan, việc trao đổi thông tin theo yêu cầu vẫn chiếm ưu thế, mặc dù có sự quan tâm ngày càng tăng trong việc trao đổi thông tin tự động [5, tr.96].

Hạn chế về luật pháp trong nước và thực tiễn hành chính trên thực tế là tạo ra giới hạn thực sự hạn chế trao đổi thông tin. Chính vì vậy, Hà Lan cũng đã tích cực tham gia và thực hiện các điều khoản của Công ước về Hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong các vấn đề về thuế. Hà Lan hợp tác với Đức để thảo luận các khung pháp lý và thí điểm thực hiện phối hợp thanh tra chung về thuế theo một dự án thí điểm vào năm 2013.

Bí mật ngân hàng không tồn tại ở Hà Lan, giống như bất kỳ công ty nào khác, một ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác sẽ phải cung cấp thông tin một khi thanh tra thuế yêu cầu. Ngoài ra, còn có nghĩa vụ đối với việc phải tự động cung cấp thông tin về nội dung của tài khoản ngân hàng.

6. Bài học kinh nghiệm rút ra cho hoạt động hợp tác quốc tế về thuế của Việt Nam

Qua việc nghiên cứu kinh nghiệm hoạt động hợp tác về thuế của các nước trên thế giới có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, cần phải thống nhất về ý chí và quyết tâm chính trị cao trong việc thực hiệp hợp tác quốc tế về thuế. Kinh nghiệm của Ấn Độ cho thấy, quyết định tham gia hợp tác quốc tế vào các cuộc trao đổi thông tin với mục đích ngăn chặn trốn thuế và chuyển dịch cơ sở thuế bị tác động lớn bởi khía cạnh chính trị và ý chí quyết tâm của chính phủ. Tại Ấn Độ một phần đáng kể tiền thuế đã được chuyển ra bên ngoài đất nước. Chính phủ Thụy Sĩ đã từ chối chia sẻ thông tin chi tiết (theo hiệp định AEOI) của 1.195 tài khoản của người Ấn Độ gửi tại ngân hàng HSBC. Một Đội Điều tra Đặc biệt do Thẩm phán Tòa án Tối cao đã được thành lập để điều tra số tiền được lưu giữ bên ngoài quốc gia. Chính phủ Ấn Độ đã tích cực đàm phán lại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Thụy Sĩ thông qua Nghị định thư năm 2011, nhờ đó mà thông tin của khoảng 700 tài khoản của Ngân hàng HSBC đã được Chính phủ Pháp chia sẻ với Ấn Độ theo cách thức trao đổi thông tin tự động năm đó.

Tuy nhiên, vì thông tin được yêu cầu chỉ có thể là cho năm 2011 và những năm sau đó, nên giá trị của các điều khoản hiệp định mới về trao đổi thông tin bị hạn chế. Tuy nhiên, số tiền của người Ấn Độ gửi tại các ngân hàng Thụy Sĩ đã giảm gần một nửa vào năm 2016, từ vị trí thứ 37 vào năm 2004 đã trượt xuống vị trí thứ 88, sau đó đã chuyển đến các địa điểm khác. Kinh nghiệm của Ấn Độ là gây sức ép với các ngân hàng Thụy Sĩ thông qua việc cấp giấy phép hoạt động cho các ngân hàng Thụy Sĩ và các yêu cầu tiếp cận thị trường Ấn Độ từ các công ty Thụy Sĩ. Cùng với đó là việc đẩy mạnh sự hợp tác thuế của ngành Tài chính Thụy Sĩ. Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, kết hợp với ưu tiên của lợi ích quốc gia, đưa ra các quyết định mạnh mẽ về vụ kiện, cũng như liên kết sức mạnh của các nhóm quốc gia có liên quan đến quyền tài phán bí mật đã thúc đẩy quá trình trao đổi thông tin một cách mạnh mẽ.

Thứ hai, cần đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin lợi ích chi phí. Đối với một quốc gia đang phát triển, việc quyết định đưa ra chia sẻ công khai trao đổi thông tin trong quản lý thuế là một điều khó khăn, đặc biệt là nếu trong bộ máy quản lý thuế có tham nhũng hay tán thành hoặc hưởng lợi từ dòng tài chính bất hợp pháp ra khỏi đất nước. Nhiều quốc gia trên thế giới cho đến nay vẫn còn khiêm tốn, vì ngại chia sẻ thông tin trong vấn đề này, ngay cả khi không có thông tin bí mật. Ví dụ, thông tin chi tiết phân bổ ngân sách để thực hiện công nghệ, đào tạo và nhân lực cho AEOI, tăng doanh thu từ việc sử dụng dữ liệu trao đổi trong các cuộc điều tra. Kinh nghiệm của Ấn Độ đã làm là chia sẻ thông tin trong phạm vi công cộng trên các quỹ đầu tư công và tư nhân để hiện thực hóa quá trình này, cùng với việc phân tích lợi ích chi phí thực hiện.

Thứ ba, tăng cường mở rộng hợp tác đa phương và song phương về thuế có ý nghĩa rất quan trọng trong quản lý thuế. Các nước đang phát triển phải chịu cảnh luồng tài chính bất hợp pháp tràn lan khi các trung tâm tài chính nước ngoài hoạt động dưới vỏ bọc luật pháp bí mật. Việc các quốc gia ký kết các hiệp định trao đổi thông tin tự động, hoặc áp dụng báo cáo lợi nhuận liên quốc gia, khiến cho việc hợp tác đa phương cơ bản trở nên dễ dàng. Thông qua việc hợp tác đa phương đòi hỏi các luật pháp trong nước về quyền tài phán bí mật kiên quyết chống lại lợi ích công cộng quốc tế phải được xác định và loại bỏ chúng. Yêu cầu bảo mật, sẽ tự động được đặt ra nếu dữ liệu thông tin liên quan đến an ninh quốc gia, và sẽ được bỏ qua đối với dữ liệu về các luồng tài chính bất hợp pháp liên quan đến hoạt động rửa tiền, trốn thuế và đe dọa an ninh quốc gia. Kinh nghiệm của Hà Lan, Ấn Độ và Singapore cho thấy các quốc gia này rất tích cực trong việc ký kết các hiệp định song phương và đa phương hợp tác về thuế.

Thứ tư, cần đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn minh bạch trong hợp tác toàn cầu về trao đổi thông tin thuế. Thông tin nhận được thông qua chế độ trao đổi tự động của CRS và CbCr. Tính minh bạch và công khai thông qua trao đổi thông tin, cho phép các quốc gia có được phần thuế hợp pháp của họ, đã không thể phủ nhận được trong chương trình hợp tác thuế quốc tế.

Thứ năm, cần thúc đẩy cải cách hệ thống pháp luật quốc gia và hệ thống hành chính. Như kinh nghiệm của Hà Lan chỉ ra đây là yếu tố cản trở rất mạnh đến hoạt động hợp tác về thuế. Thông qua hoạt động cải cách, nhiều vấn đề về trao đổi thông tin được dễ dàng hơn và thuận lợi cho cơ quan thuế các nước hợp tác trao đổi thông tin cũng như tiến tới thực hiện việc thanh tra thuế chung.

Thứ sáu, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và lựa chọn phương án phù hợp để tham gia ký kết Hiệp định thuế đa phương do đây là công cụ hữu hiệu và giúp giảm thời gian đàm phán sửa đổi các hiệp định thuế song phương. Trong việc xây dựng phản ánh lựa chọn từng điều khoản của Hiệp định thuế đa phương, Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng có chọn lọc kinh nghiệm của Malaysia và Indonesia là những nước có điều kiện tương đồng. Trong đó, có hai vấn đề cần đặc biệt chú ý:

(i) Lựa chọn điều khoản phù hợp với điều kiện quốc gia đang phát triển có nền kinh tế hướng tới xuất khẩu;

(ii) Không nhất thiết đưa toàn bộ hoặc đa số hiệp định song phương vào danh mục thực hiện Hiệp định thuế đa phương; việc lựa chọn phụ thuộc vào các điều kiện cụ thể như đã phân tích trong phần kinh nghiệm của Indonesia.

Tham khảo thêm

  1. Bùi Việt Hùng (2020). Hợp tác quốc tế về thuế trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Luận án tiến sĩ Kinh tế (Chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng). Học viện Tài chính. Hà Nội.
  2. Singapore’s Ministry of Finance (2018), International-Tax-Cooperation.
  3. Lê Xuân Trường và cộng sự (2018), “Hội nhập và hợp tác quốc tế về thuế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, Sách chuyên khảo, NXB Tài chính.
  4. Nguyễn Thị Phương Linh và cộng sự (2019), Luận cứ khoa học giam gia Hiệp định thuế đa phương về thực thi các biện pháp để chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận đối với Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Bộ Tài chính.
  5. OECD (2015), Global Forum, OECD Publishing.
Share.