Dạy và học theo hướng sáng tạo là mô hình giáo dục hiện đại cần được áp dụng rộng rãi trong mọi cấp độ giáo dục, đặc biệt cần sớm áp dụng ở cấp độ tiểu học. Dạy học thủ công sáng tạo theo hướng thực hành trải nghiệm giúp học sinh phát huy tính sáng tạo không có giới hạn, cụ thể hóa các ý tưởng.
1. Dạy học theo hướng phát huy tính sáng tạo
Đã có những tiến bộ vượt bậc trong quan niệm hiện đại về học tập và dạy học, trong đó phải kể đến sự thay đổi quan điểm về dạy học chú trọng vai trò chủ thể tích cực sáng tạo của người học [2], [3], [4], [5], [6]. Điều này thực chất đã được bàn luận đến trong lí thuyết của nhiều nhà giáo dục cấp tiến từ thế kỉ trước. Thật vậy, có thể kể đến các lí thuyết của J.Dewey, L.Vygotsky, J.Piaget hay Montessori đều liên quan và chia sẻ cùng một thông điệp: giáo dục nên lấy trẻ em làm trung tâm; giáo dục cần có tính chủ động của trẻ và tính tương tác; giáo dục phải gắn với đời sống xã hội của trẻ [7, tr.21]. Đây được xem là những lí thuyết tiên phong cho tư tưởng giáo dục tiến bộ (progressive education) – một phong trào hướng tới nền giáo dục dân chủ và lấy trẻ làm trung tâm hơn mà ngày nay đã trở nên phổ biến.
Trong báo cáo của NACCCE [8], Ken Robinson đã định nghĩa giáo dục vì sự sáng tạo (creative education): “là những hình thức và phương thức giáo dục làm phát triển khả năng đưa ra các ý tưởng và hành động mới, độc đáo ở trẻ em”. Định nghĩa này nhấn mạnh giáo dục vì sự sáng tạo phải tạo ra những điều kiện để các ý tưởng và hành động độc đáo của trẻ em được nảy sinh và bộc lộ ra bên ngoài. Khả năng đưa ra nhiều ý tưởng về cùng vấn đề là một khía cạnh của tư duy sáng tạo bởi nó đòi hỏi tư duy phải vượt ra ngoài hoàn cảnh để khám phá những lựa chọn khác nhau (nên người sáng tạo được coi là người có nhiều ý tưởng mặc dù không phải ý tưởng nào cũng có giá trị). Việc suy nghĩ về các khả năng và ý tưởng sẽ làm phong phú thêm sự khám phá và thể hiện suy nghĩ, hành động và cảm xúc của trẻ [9].
Xét trong phạm vi nhà trường, dạy học sáng tạo (creative teaching) được định nghĩa theo hai cách hiểu:
1) Dạy học một cách sáng tạo (teaching creatively): việc giáo viên sử dụng các phương pháp và cách tiếp cận phù hợp, sinh động và giàu tưởng tượng làm cho việc học trở nên thú vị và hấp dẫn với học sinh, đem lại hiệu quả cao;
2) Dạy học để phát triển tính sáng tạo (teaching for creativity): việc sử dụng những hình thức và cách thức dạy học nhằm phát triển ở học sinh tư duy và hành vi sáng tạo riêng.
Trên thực tế rất nhiều giáo viên nhìn nhận theo cách hiểu thứ nhất là “dạy học sáng tạo”, bởi nó có vẻ nhấn mạnh hơn đến việc dạy và cách thức dạy học của giáo viên. Tuy có sự phân biệt tùy theo khía cạnh được nhấn mạnh nhưng thực chất hai cách hiểu này không tách rời mà gắn kết chặt chẽ, nghĩa là giáo viên không thể phát triển khả năng sáng tạo của học sinh nếu bản thân họ không sáng tạo và ngược lại [8, tr.102-107], [10], [11]. Xét trong phạm vi bài viết, Dạy học theo hướng phát huy tính sáng tạo liên quan và bao hàm cả hai cách hiểu trong mối liên kết chặt chẽ để dạy học đạt hiệu quả.
Sự cần thiết phải đổi mới hướng tới một nền giáo dục sáng tạo đang được nhìn nhận ngày càng rộng rãi, cùng với đó là sự gia tăng các nghiên cứu vận dụng trong nhà trường và một hướng nghiên cứu Dạy học theo hướng phát huy tính sáng tạo cần được nghiên cứu, làm rõ.
Về phương diện lí luận, thuật ngữ này để chỉ một kiểu hay chiến lược có tính định hướng cho dạy học. Đây cũng là một hình thái của dạy học lấy học sinh làm trung tâm, điểm khác biệt của nó trong giới hạn luận án là ở sự cụ thể hóa mục tiêu phát triển người học (tập trung vào thuộc tính sáng tạo của HS) và phạm vi dạy học (xét trong dạy học Thủ công ở tiểu học). Về phương diện vận dụng, Dạy học theo hướng phát huy tính sáng tạo được nhìn nhận như một phương thức dạy học mới (đề cao sự đổi mới phương pháp dạy học) bởi lẽ mức độ phát triển sáng tạo phụ thuộc vào phương pháp dạy và học được sử dụng trong môn đó hơn là đặc điểm môn học [12, tr.15-16].
Trong nhiều trường hợp không thể tách bạch rạch ròi các kiểu, chiến lược hay phương thức dạy học; chẳng hạn nói về dạy học giải quyết vấn đề, nếu nhấn mạnh giáo viên thì gọi là dạy học nêu vấn đề (cách gọi này thiếu triệt để), nếu nhấn mạnh hoạt động của học sinh thì gọi là dạy học giải quyết vấn đề (bản chất hơn nhưng cũng chưa triệt để vì cũng chỉ nói đến quá trình học), nếu nhấn mạnh cả phương thức hay hệ thống dạy học như một thể toàn vẹn thì phải gọi là dạy học dựa vào vấn đề – đây là cách gọi triệt để nhất, vì cách gọi này phản ánh không chỉ phương pháp, biện pháp, kĩ thuật dạy học mà còn nói đến cả nội dung, môi trường học tập [5, tr.117].
Theo đó, hướng tiếp cận Dạy học theo hướng phát huy tính sáng tạo ở đây cũng là nhấn mạnh cả hệ thống liên quan đến mọi khía cạnh của dạy học; nghĩa là Dạy học theo hướng phát huy tính sáng tạo đặt mối quan tâm đến việc học của học sinh đồng thời coi trọng vai trò của giáo viên, nội dung và môi trường học tập trong mối tương tác như một thể thống nhất đảm bảo thành công của việc dạy học (đạt được các mục tiêu, trong đó có mục tiêu giáo dục tính sáng tạo).
Tóm lại: Dạy học theo hướng phát huy tính sáng tạo được hiểu là phương thức dạy học có chủ định khuyến khích và hỗ trợ sự sáng tạo của HS. Đây là một phương thức dạy học mới dựa trên triết lí giáo dục vì sự sáng tạo với các đặc trưng cơ bản gồm: tính mở và phát triển, tính có vấn đề, tính trải nghiệm, tính hợp tác và đa tương tác.
Với quan điểm tiếp cận dân chủ và hệ thống, cách nhìn nhận Dạy học theo hướng phát huy tính sáng tạo là nhấn mạnh cả việc dạy và học sáng tạo của giáo viên và học sinh – trong đó công nhận mỗi học sinh là một chủ thể tích cực với thuộc tính sáng tạo tiềm tàng và trách nhiệm của dạy học là nhận diện, khuyến khích và làm phát lộ tính sáng tạo của mỗi học sinh (thể hiện ra ở tư duy, thái độ, hành động và sản phẩm sáng tạo riêng) thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường. Như vậy quan niệm việc phát huy tính sáng tạo trong phạm vi bài viết không chỉ đơn thuần như cái đích cần hướng tới mà đó là kết quả tất yếu của một quá trình dạy học sáng tạo trước đó.
2. Dạy học Thủ công theo hướng phát huy tính sáng tạo
Theo từ điển Oxford: Thủ công (Craft) được mô tả là hoạt động thực hành liên quan và đòi hỏi các kĩ năng đặc thù của đôi tay để làm ra những sản phẩm có ý nghĩa từ các vật liệu, chất liệu thực; ví dụ: làm đồ chơi giấy (paper toys), làm khăn từ len sợi (cloth), làm đồ gốm (pottery)… Trong hoạt động làm Thủ công, thường không có giới hạn cho các khả năng mà đó là sự tự do thể hiện bản thân thông qua công việc thực hành như gấp hình, cắt xé dán, làm thiệp giấy, thiết kế tạo hình 2D/3D…
Ở nhiều trường học của Anh và một số nước trên thế giới, Thủ công, Thiết kế và Công nghệ là một môn học trong chương trình giáo dục quốc gia và thường được gọi ngắn gọn là Thiết kế và Công nghệ (Design & Technology). Đây là môn học có tính đặc thù đã và đang trở thành trung tâm của bất cứ chương trình đào tạo nào mong muốn phát triển sự sáng tạo của trẻ em [11], [13], [14].
Ở Việt Nam, Thủ công là một nội dung giáo dục thuộc lĩnh vực giáo dục nghệ thuật và thực tế là một phân môn thuộc môn Nghệ thuật (lớp 1, 2 3) được quy định trong Chương trình tiểu học hiện hành (05/2006) [15], [16]. Trong nhà trường tiểu học, cơ cấu hoạt động dạy học Thủ công cũng bao gồm hai bộ phận:
1) Các hoạt động dạy học trong hệ thống môn học (ở đây là phân môn Thủ công/Nghệ thuật)
2) Các hoạt động dạy học ngoài môn học (chủ yếu là các hoạt động ngoại khóa sáng tạo) [5, tr.29-30].
Xét trong giới hạn của bài viết, có thể diễn giải về Dạy học Thủ công theo hướng phát huy tính sáng tạo như sau:
Thứ nhất: có thể thấy ý tưởng cần làm rõ là: dạy học Thủ công ở đây là dạy học như thế nào, theo kiểu gì? Và một giả thiết được đưa ra cho vấn đề này xuất phát từ thực tiễn đổi mới hiện nay đó là: dạy học Thủ công theo hướng phát huy tính sáng tạo là đường hướng phù hợp với sự thay đổi tích cực đang diễn ra trong các nhà trường. Như vậy thuật ngữ Dạy học Thủ công theo hướng phát huy tính sáng tạo được hiểu như là sự vận dụng chiến lược/phương thức Dạy học theo hướng phát huy tính sáng tạo cho phù hợp với đặc điểm dạy và học Thủ công ở tiểu học, đem lại hiệu quả cao. Về bản chất đây cũng là một phương thức dạy học sáng tạo với 4 đặc trưng cơ bản như đã nêu trong bài viết trước.
Thứ hai: từ phân tích đặc điểm tính sáng tạo và Dạy học theo hướng phát huy tính sáng tạo xét trong phạm vi dạy học Thủ công có thể thấy: phương thức dạy học này đặt ra các yêu cầu về đổi mới nội dung, phương pháp và cách thức dạy học Thủ công hướng vào xây dựng các vấn đề và tình huống học tập kích thích trí tò mò, tưởng tưởng, tư duy suy xét đa chiều trong quá trình sáng tạo ra các sản phẩm có ý nghĩa với trẻ; về việc thiết kế các hoạt động học tập Thủ công theo hướng thực hành trải nghiệm giúp học sinh huy động và kết nối giữa đôi tay và trí óc, tư duy và hành động để hiện thực hóa ý tưởng làm sản phẩm; đồng thời xây dựng một môi trường học tập với các điều kiện và bối cảnh để những ý tưởng và hành động độc đáo của trẻ được nảy sinh, được chia sẻ… Tất cả nhằm mục đích cải tiến việc dạy học Thủ công, đáp ứng các yêu cầu của đổi mới dạy học.
Tham khảo
- Lê Thị Nguyên (2019). Dạy học Thủ công ở tiểu học theo hướng phát huy tính sáng tạo của học sinh. Luận án tiến sĩ Khoa học Giáo dục. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Hà Nội.
- Nguyễn Văn Cường và Bernd Meier (2014), Lí luận dạy học hiện đại NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
- Phó Đức Hòa (2009), Dạy học tích cực và cách tiếp cận trong dạy học tiểu học, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
- Đặng Thành Hưng (2002), Dạy học hiện đại – lí luận, biện pháp, kĩ thuật, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Đặng Thành Hưng (2012), Lí thuyết phương pháp dạy học, NXB Đại học Thái Nguyên.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo và Dự án Việt Bỉ (2010), Dạy và học tích cực – Một số phương pháp và kĩ thuật, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
- Carol Garhart Mooney (2016), Các lí thuyết về trẻ em của Dewey, Montessori, Erikson, Piaget & Vygotsky NXB Lao động, Hà Nội.
- The National Advisory Committee on Creative and Cultural Education (NACCCE) (1999), All Our Futures: Creativity, Culture and Education.
- Vũ Thị Sơn (chủ nhiệm đề tài) (2005), Quan điểm người học là chủ thể tích cực của quá trình học tập và những yêu cầu sư phạm đối với người giáo viên, Trường ĐHSP Hà Nội.
- Bob và Anna Craft (2004), “Teaching creatively and teaching for creativity: distinctions and relationships”, Educational Studies. 30 (1), tr. 77-87.
- Anthony Wilson (2009), Creativity in Primary Education 2nd, Learning Matters Ltd.
- Vũ Thị Sơn (chủ nhiệm đề tài) (2008), Xây dựng và thử nghiệm một số bài tập tìm hiểu Tự nhiên và Xã hội theo chủ đề (dựa theo SGK) nhằm phát triển tính chủ động, sáng tạo trong học tập của học sinh tiểu học Trường ĐHSP Hà Nội.
- Department for Education and Employment (DfEE) (1999), The National Curriculum: Handbook for primary teachers in England, London: DfEE.
- Russell Jones (2004), Creativity in the Primary Curriculum, David Fulton Publishers Ltd.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Chương trình tiểu học – Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGD ĐT, ngày 05/5/2006.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Nghệ thuật (SGV) lớp 1, 2, 3, NXB Giáo dục.