Đảm bảo chất lượng là gì?

Đảm bảo chất lượng là toàn bộ hoạt động có kế hoạch và hệ thống được tiến hành trong hệ thống chất lượng được chứng minh là đủ mức cần thiết để tạo tin tưởng thỏa đáng rằng thực thể (đối tượng) sẽ thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu chất lượng. Đảm bảo chất lượng bao gồm cả đảm bảo chất lượng trong nội bộ lẫn đảm bảo chất lượng với bên ngoài” (Theo ISO9000).

Đối với các trường Đại học, đảm bảo chất lượng là cốt lõi của quản trị chất lượng đại học, nó không những bao gồm mọi hoạt động về kiểm tra chất lượng bên trong (nội bộ), mà còn giữa các phòng ban, trường, phân hiệu với nhau. Điều này đòi hỏi các trường đại học phải đổi mới cơ cấu tổ chức từ quản trị theo chức năng sang quản trị theo chức năng chéo nhằm hướng mọi nỗ lực của các thành viên vào việc thực hiện mục tiêu chung.

Mạng lưới Đảm bảo chất lượng (AUN-QA) thuộc Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á được phê chuẩn thành lập tại cuộc họp lần thứ 4 của các thành viên sáng lập của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN) tổ chức vào năm 1998. Kể từ đó, AUN-QA đã liên tục cải tiến công tác đảm bảo chất lượng ở Đông Nam Á với vai trò là đầu mối điều phối các hoạt động để thực hiện sứ mạng hài hòa hóa các tiêu chuẩn giáo dục và liên tục cải tiến chất lượng đào tạo của các trường đại học ở Đông Nam Á. Để các trường đại học ở nước ta dần tiếp cận chất lượng với trường đại học trong khu vực thì việc Đảm bảo chất lượng theo Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) được xác định là vô cùng quan trọng.

Hoa tiêu tri thức (https://ditiep.com) xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết Đảm bảo chất lượng theo Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA).

1. Quan điểm chất lượng, nguyên tắc đảm bảo chất lượng của AUN-QA

Một trong các biện pháp cơ bản để thúc đẩy giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á phát triển là xây dựng Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN), đặc biệt là Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA). AUN được thành lập năm 1995 sau khi Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 4 được tổ chức năm 1992 nhằm kêu gọi các nước để thúc đẩy tình đoàn kết và sự phát triển tính đồng nhất trong khu vực thông qua việc phát triển nguồn nhân lực để tăng cường mạng lưới các trường đại học và các tổ chức giáo dục đại học trong khu vực.

Mục tiêu của AUN là tăng cường sự hợp tác giữa các trường đại học Đông Nam Á; tăng cường học tập, nghiên cứu và các chương trình đào tạo về các lĩnh vực ưu tiên của khu vực Đông Nam Á; tăng cường hợp tác và tình đoàn kết giữa các học giả, các nhà giáo dục và các nhà nghiên cứu giữa các trường thành viên của khu vực Đông Nam Á; là một cơ quan định hướng chính sách giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á.

Việc xây dựng Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA) được khởi xướng từ năm 1998. AUN đã đánh giá hệ thống đảm bảo chất lượng của AUN là vấn đề quan trọng hàng đầu cần ưu tiên phát triển. Để thực hiện cam kết này, Hội đồng quản trị AUN đã coi năm 1999 là năm chất lượng giáo dục của AUN và thành lập một nhóm đặc trách của Mạng lưới. Nhóm đặc trách này là một nhóm các cán bộ đảm bảo chất lượng chủ chốt (CQOs), những người đã được bổ nhiệm bởi Chủ tịch / Hiệu trưởng của các trường đại học thành viên AUN, là tâm điểm cho các hoạt động phối hợp để hướng tới sự hài hòa các tiêu chuẩn giáo dục và liên tục cải tiến chất lượng của các trường đại học trong khu vực ASEAN. Một trong những mục đích của AUN-QA là giới thiệu hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong cho các trường thành viên và không phải là thành viên. AUN-QA có mục đích xây dựng một bộ tiêu chuẩn chất lượng chung thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và các điển hình tốt. Các hoạt động dựa vào AUN-QA được thực hiện bởi các cán bộ đảm bảo chất lượng chủ chốt phù hợp với Hiệp ước Bangkok thông qua vào năm 2000.

Cho đến nay, đã được gần 20 năm kể từ khi thành lập, AUN-QA đã có nhiều cải tiến để phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội trong khu vực, vừa có thể hội nhập quốc tế. Trong suốt khoảng thời gian qua, thành tích AUN-QA đã được thực hiện với sự tham gia và hỗ trợ đặc biệt của các bên liên quan. Năm 2004, Hướng dẫn của AUN-QA được phát triển. Năm 2006, sổ tay thực hiện các hướng dẫn của AUN-QA được xác nhận và phát triển. Các ấn phẩm của AUN-QA Hướng dẫn đánh giá chất lượng thực tế cấp chương trình, được thông qua bởi các trường đại học thành viên AUN vào tháng 5 năm 2011. Hệ thống AUN-QA đã liên tục phát triển và được công nhận là hệ thống đảm bảo chất lượng mang tính quốc tế trong các trường đại học ở châu Á.

Mặc dù khó có thể đưa ra được một định nghĩa về chất lượng trong giáo dục đại học mà mọi người đều thừa nhận, song các nhà nghiên cứu cũng cố gắng tìm ra những cách tiếp cận phổ biến nhất. Cơ sở của các cách tiếp cận này xem chất lượng là một khái niệm mang tính tương đối, động, đa chiều và với những người ở các cương vị khác nhau có thể có những ưu tiên khác nhau khi xem xét nó. Ví dụ, đối với giảng viên và sinh viên thì ưu tiên của khái niệm chất lượng phải là ở quá trình đào tạo, là cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho quá trình giảng dạy và học tập. Còn đối với những người sử dụng lao động, ưu tiên về chất lượng của họ lại ở đầu ra, tức là năng lực của sinh viên tốt nghiệp… Ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, những định nghĩa về chất lượng giáo dục đại học được chấp nhận gần như không có tranh cãi. Theo Chương trình Cải cách giáo dục đại học ở các nước này (SEAMEO, 2001), khái niệm chất lượng giáo dục đại học vẫn chưa được xác định rõ ràng, mặc dù việc thực hiện đảm bảo chất lượng ở các nước này hầu như theo nghĩa “chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu”. Tuy nhiên, sự phù hợp với mục tiêu được hiểu rất khác nhau giữa các quốc gia tùy theo đặc điểm văn hóa, hệ thống quản lý giáo dục và tình hình kinh tế – xã hội của các nước.

AUN (2009) quan niệm rằng chất lượng chính là trách nhiệm của trường đại học. Mặc dù, ở nhiều nước chính phủ cũng có một trách nhiệm đặc biệt liên quan đến đảm bảo chất lượng, nhưng chính nhà trường (đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên) chịu trách nhiệm cho việc đề ra chất lượng và đảm bảo chất lượng.

Trong “Khuôn khổ hợp tác khu vực về đảm bảo chất lượng giáo dục đại học”, SEAMEO (2003) đã sử dụng quan niệm “chất lượng là sự phù hợp với mục tiêu” trong việc khuyến khích các nước trong khu vực hợp tác với nhau.

Nguyên tắc đảm bảo chất lượng của AUN-QA là đảm bảo chất lượng bên trong. Nguyên tắc này đặt ra các tiêu chí sau:

1) Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong được xây dựng, có các chính sách, quy trình triển khai;

2) Thực hiện việc phê duyệt, giám sát và định kỳ rà soát các chương trình giáo dục;

3) Xây dựng, triển khai chiến lược không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục;

4) Duy trì cơ chế đảm bảo chất lượng đội ngũ giảng viên;

5) Công bố công khai, chính xác và cập nhật các thông tin về trường, các chương trình giáo dục và các văn bằng được cấp;

6) Định kỳ thực hiện các hoạt động đảm bảo chất lượng (nhà trường, chương trình giáo dục);

7) Những người hưởng lợi tham gia xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá;

8) Tiêu chuẩn, tiêu chí được công bố công khai, sử dụng ổn định;

9) Có quy trình thẩm định các đánh giá viên để tránh xung đột lợi ích;

10) Các hoạt động đánh giá gồm: Tự đánh giá của trường, đánh giá ngoài bởi nhóm chuyên gia và các khảo sát tại chỗ do hai bên thống nhất; công bố báo cáo đánh giá ngoài kể cả các quyết định và kiến nghị của cấp có thẩm quyền; có quy trình tiếp theo để đánh giá mức độ trường thực hiện các kiến nghị; có cơ chế tiếp nhận và xử lý các khiếu nại và tố cáo.

Trước đây, AUN-QA đưa ra 3 mô hình đảm bảo chất lượng bên trong bao gồm chiến lược, hệ thống và chiến thuật.

Các mô hình của AUN-QA (2005)

AUN đã nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng trong giáo dục đại học và sự cần thiết phải phát triển một hệ thống đảm bảo chất lượng toàn diện để tăng cường các tiêu chuẩn học thuật và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng trong các trường đại học thành viên. Năm 1998, vấn đề được đưa ra thảo luận trong Mạng lưới AUN-QA, dẫn đến sự phát triển của Khung đảm bảo chất lượng của Mạng lưới AUN-QA. Kể từ đó, mạng lưới đã được thúc đẩy, phát triển và thực hiện các hoạt động đảm bảo chất lượng dựa trên phương pháp tiếp cận thực nghiệm tại chính nơi mà công tác đảm bảo chất lượng được kiểm tra, được đánh giá, được cải tiến và chia sẻ.

Hiện nay, theo AUN-QA, phiên bản thứ 2 (năm 2016) Khung đảm bảo chất lượng cấp trường đại học của Mạng lưới AUN-QA được thiết kế như một khung toàn diện bao gồm đảm bảo chất lượng về mặt chiến lược, đảm bảo chất lượng về mặt hệ thống và đảm bảo chất lượng về mặt thực hiện chức năng.

Khung đảm bảo chất lượng của AUN-QA cho cấp trường đại học (2016)

Đảm bảo chất lượng cấp trường đại học bắt đầu với các nhu cầu của các bên liên quan, các nhu cầu này được chuyển thành hệ thống đảm bảo chất lượng về chiến lược của trường đại học. Đảm bảo chất lượng về mặt chiến lược được chuyển thành đảm bảo chất lượng về mặt hệ thống hoặc hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, và đảm bảo chất lượng về mặt thực hiện chức năng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và các lĩnh vực chiến lược khác do trường đại học xác định. Điều này sẽ thúc đẩy kết quả của trường đại học, và các kết quả này lại được sử dụng là thông tin phản hồi để liên tục tăng cường các hệ thống đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan. Trường đại học cần liên tục tìm kiếm các phương pháp thực hành tốt nhất để đạt được kết quả xuất sắc trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Khung đảm bảo chất lượng cấp trường của Mạng lưới AUN-QA phiên bản 2 được thiết kế lại như một khung đảm bảo chất lượng xuyên quốc gia để hỗ trợ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và thúc đẩy khả năng trao đổi sinh viên, giảng viên và quốc tế hóa giáo dục.  Nó tương đương với Nguyên tắc 3- đảm bảo chất lượng bên trong của Khung đảm bảo chất lượng ASEAN (AQAF), Tiêu chuẩn và hướng dẫn về đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học châu Âu (ESG 2015 – Phần 1) và Khung thực hiện xuất sắc Baldrige (về giáo dục – 2015/16).

Có thể nhận thấy rõ cách tiếp cận của phiên bản mới (2016) theo nguyên tắc chu trình Deming PDCA. Các tiêu chí cũng được chỉ ra bằng chữ “Kế hoạch” (P), “Thực hiện” (D), “Kiểm tra” (C), “Cải tiến” (A) đại diện cho mỗi giai đoạn của chu trình PDCA.

2. Mô hình đảm bảo chất lượng bên trong của AUN-QA và các bộ tiêu chuẩn/tiêu chí

Mô hình chất lượng cho hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong gồm các thành tố sau:

1) Đảm bảo chất lượng bên trong: những yếu tố chung;

2) Các công cụ giám sát;

3) Các công cụ đánh giá;

4) Các quy trình đảm bảo chất lượng cụ thể;

5) Các công cụ đảm bảo chất lượng cụ thể;

6) Theo dõi tiếp và duy trì.

Mô hình này chứa đựng các hoạt động đảm bảo chất lượng (cơ chế, biện pháp) trong trường đại học (cột 2, 3, 4, 5).

Các hoạt động đảm bảo chất lượng dựa vào mô hình này thể hiện đúng nghĩa duy trì và đảm bảo chất lượng đúng và đủ các hoạt động cần thiết nhất của một trường đại học.

Mô hình chất lượng cho hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của AUN-QA

Năm 2005, AUN-QA đã thiết lập các tiêu chuẩn/tiêu chí đánh giá cho hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong. Các yêu cầu do AUN-QA xây dựng phù hợp với các yêu cầu được thiết lập bởi Hiệp hội đảm bảo chất lượng châu Âu (ENQA). Bao gồm 12 tiêu chuẩn và được cụ thể hóa thành 42 tiêu chí, cụ thể:

Tiêu chuẩn 1: Về chính sách, gồm 3 tiêu chí với các nội dung: nhà trường có chính sách rõ ràng; có chiến lược chính thức rõ ràng về đảm bảo chất lượng bên trong; vai trò của các bên có liên quan được mô tả rõ ràng.

Tiêu chuẩn 2: Về giám sát, gồm 4 tiêu chí với các nội dung: tiến bộ của người học; hệ thống theo dõi sự tiến bộ của người học; phản hồi có hệ thống từ thị trường lao động; phản hồi có hệ thống từ cựu sinh viên.

Tiêu chuẩn 3: Về định kỳ rà soát các hoạt động cốt lõi (giảng dạy, nghiên cứu, và phục vụ cộng đồng), bao gồm 3 tiêu chí với các nội dung: định kỳ rà soát các hoạt động giảng dạy/học tập; định kỳ rà soát các hoạt động nghiên cứu; định kỳ rà soát các đóng góp cho xã hội và cộng đồng.

Tiêu chuẩn 4: Về đảm bảo chất lượng việc đánh giá người học, gồm 4 tiêu chí với các nội dung: các tiêu chí cho việc kiểm tra đánh giá; các quy trình kiểm tra đánh giá; các quy định để đảm bảo chất lượng của việc kiểm tra đánh giá; các thủ tục khiếu nại.

Tiêu chuẩn 5: Về đảm bảo chất lượng cán bộ viên chức, gồm 3 tiêu chí với các nội dung: các quy trình bổ nhiệm cán bộ viên chức; hệ thống đánh giá cán bộ viên chức; các hoạt động bồi dưỡng cán bộ viên chức.

Tiêu chuẩn 6: Về đảm bảo chất lượng các tài nguyên học tập, gồm 3 tiêu chí với các nội dung: kiểm tra hệ thống máy tính; kiểm tra hệ thống thư viện; kiểm tra hệ thống phòng thí nghiệm.

Tiêu chuẩn 7: Về đảm bảo chất lượng dịch vụ hỗ trợ người học, gồm 5 tiêu chí với các nội dung: cung cấp thông tin cho người học; tư vấn cho người học; chế độ chính sách đối với người học; ký túc xá cho người học; sân bãi, phòng tập thể dục thể thao.

Tiêu chuẩn 8: Về tự đánh giá, gồm 5 tiêu chí với các nội dung: tự đánh giá hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; tự đánh giá hoạt động dạy và học; tự đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học; tự đánh giá đóng góp cho xã hội và cộng đồng; tự đánh giá của nhà trường.

Tiêu chuẩn 9: Về thẩm định nội bộ, gồm 4 tiêu chí với các nội dung: thẩm định nội bộ các hoạt động giảng dạy/học tập; thẩm định nội bộ các hoạt động nghiên cứu; thẩm định nội bộ đóng góp cho xã hội và cộng đồng; thẩm định nội bộ nhà trường.

Tiêu chuẩn 10: Về hệ thống thông tin, gồm 3 tiêu chí với các nội dung: hệ thống thông tin quản lý chung; hệ thống thông tin quản lý về giảng dạy và học tập; hệ thống thông tin quản lý về hoạt động nghiên cứu.

Tiêu chuẩn 11: Về công bố thông tin, gồm 3 tiêu chí với các nội dung: công bố thông tin về nhà trường; công bố thông tin về các chương trình đào tạo và bằng cấp; công bố thông tin về các hoạt động nghiên cứu.

Tiêu chuẩn 12: Về sổ tay chất lượng, gồm 2 tiêu chí với các nội dung: có sổ tay đảm bảo chất lượng; sổ tay được phổ biến đến giảng viên và sinh viên.

AUN-QA đã xây dựng bộ tiêu chuẩn/tiêu chí kiểm định chất lượng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong đối với các trường thành viên của AUN. Do đó, các tiêu chuẩn/tiêu chí sử dụng cho đảm bảo chất lượng bên trong phải phù hợp với các yêu cầu từ bên ngoài và những phát triển quốc tế. Tức là, phải bám sát vào các tiêu chuẩn/tiêu chí kiểm định chất lượng để đề ra các hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong của các trường đại học một cách cụ thể, chi tiết. Trong luận án này, tác giả đi theo hướng đó. Dựa trên mô hình của AUN-QA cho đảm bảo chất lượng cấp hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong (2005) và phiên bản thứ 2 (2016) Khung đảm bảo chất lượng của AUN-QA cho cấp trường đại học, trên cơ sở so sánh, đối chiếu giữa mô hình cũ và mô hình mới, cùng với các tiêu chí đánh giá, tác giả xây dựng nên các hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong trường đại học và bộ tiêu chí đánh giá tương ứng.

Mô hình chất lượng cho chương trình đào tạo

Năm 2005, AUN-QA đã ban hành bộ tiêu chuẩn/tiêu chí đánh giá chất lượng chương trình đào tạo không phân biệt khối ngành, ngành đào tạo, gồm 18 tiêu chuẩn và cụ thể hóa thành 74 tiêu chí. Sau 6 năm triển khai đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của các trường đại học trong AUN, tháng 6/2011, bộ tiêu chuẩn/tiêu chí đánh giá chất lượng chương trình đào tạo được điều chỉnh lại để ban hành mới (Phiên bản 2.0) gồm 15 tiêu chuẩn với 68 tiêu chí, cụ thể như sau:

Tiêu chuẩn 1: Chuẩn đầu ra mong đợi, gồm 4 tiêu chí; Tiêu chuẩn 2: Đặc điểm của chương trình, gồm 3 tiêu chí; Tiêu chuẩn 3: Cấu trúc và nội dung chương trình, gồm 7 tiêu chí; Tiêu chuẩn 4: Chiến lược dạy và học, gồm 3 tiêu chí; Tiêu chuẩn 5: Kiểm tra đánh giá sinh viên, gồm 7 tiêu chí; Tiêu chuẩn 6: Chất lượng của đội ngũ giảng viên, gồm 10 tiêu chí; Tiêu chuẩn 7: Chất lượng nhân viên phục vụ, gồm 4 tiêu chí; Tiêu chuẩn 8: Chất lượng của sinh viên, gồm 3 tiêu chí; Tiêu chuẩn 9: Tư vấn và hỗ trợ sinh viên, gồm 4 tiêu chí; Tiêu chuẩn 10: Thiết bị và cơ sở hạ tầng, gồm 5 tiêu chí; Tiêu chuẩn 11: đảm bảo chất lượng quá trình dạy và học, gồm 7 tiêu chí; Tiêu chuẩn 12: Hoạt động phát triển đội ngũ, gồm 2 tiêu chí; Tiêu chuẩn 13: Phản hồi từ các bên liên quan, gồm 3 tiêu chí; Tiêu chuẩn 14: Đầu ra, gồm 2 tiêu chí; Tiêu chuẩn 15: Sự hài lòng của các bên liên quan, gồm 3 tiêu chí.

Đến tháng 10/2015, AUN-QA đã ban hành bộ tiêu chuẩn/tiêu chí đánh giá chất lượng chương trình đào tạo (Phiên bản 3.0) gồm 11 tiêu chuẩn với 50 tiêu chí, cụ thể như sau:

Tiêu chuẩn 1: Kết quả học tập mong đợi, gồm 3 tiêu chí; Tiêu chuẩn 2: Mô tả chương trình, gồm 3 tiêu chí; Tiêu chuẩn 3: Cấu trúc và nội dung chương trình, gồm 3 tiêu chí; Tiêu chuẩn 4: Phương thức dạy và học, gồm 3 tiêu chí; Tiêu chuẩn 5: Đánh giá sinh viên, gồm 5 tiêu chí; Tiêu chuẩn 6: Chất lượng giảng viên, gồm 7 tiêu chí; Tiêu chuẩn 7: Chất lượng đội ngũ cán bộ hỗ trợ, gồm 5 tiêu chí; Tiêu chuẩn 8: Chất lượng sinh viên và các hoạt động hỗ trợ sinh viên, gồm 5 tiêu chí; Tiêu chuẩn 9: Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, gồm 5 tiêu chí; Tiêu chuẩn 10: Nâng cao chất lượng, gồm 6 tiêu chí; Tiêu chuẩn 11: Đầu ra, gồm 5 tiêu chí.

Mô hình chất lượng cho trường đại học

Năm 2005, AUN-QA đã ban hành bộ tiêu chuẩn/tiêu chí đánh giá chất lượng trường đại học gồm 11 tiêu chuẩn với 37 tiêu chí. Đến tháng 6 năm 2016, AUN-QA đã ban hành bộ tiêu chuẩn/tiêu chí mới (Phiên bản 2.0) đánh giá chất lượng trường đại học gồm 25 tiêu chuẩn với 111 tiêu chí, cụ thể như sau:

Tiêu chuẩn 1: Tầm nhìn, sứ mạng và văn hóa, gồm 5 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Ban lãnh đạo trường đại học đảm bảo rằng tầm nhìn và sứ mạng đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng của các bên liên quan; Ban lãnh đạo trường đại học phát triển các giá trị văn hóa phù hợp với tầm nhìn và sứ mạng của trường đại học; Tầm nhìn, sứ mạng và văn hóa được tuyên bố, được truyền thông, lan tỏa và được giải thích rõ để thực hiện; Tầm nhìn, sứ mạng và văn hóa được rà soát, đánh giá để đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng của các bên liên quan; Tầm nhìn, sứ mạng và văn hóa cùng quá trình phát triển của chúng được cải tiến để đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng của các bên liên quan.

Khung đảm bảo chất lượng cấp cơ sở giáo dục của AUN-QA (Phiên bản 2, 2016)

Tiêu chuẩn 2: Quản trị, gồm 4 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Hệ thống quản trị bao gồm hội đồng quản trị, hội đồng trường, hội đồng tín thác và các hội đồng tư vấn được thành lập nhằm thiết lập định hướng chiến lược căn cứ vào bối cảnh cụ thể của trường đại học và để đảm bảo trách nhiệm giải trình, tính bền vững và tính minh bạch cũng như để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn; Các quyết định từ các cơ quan quản trị được chuyển thành các kế hoạch hành động, chính sách và hướng dẫn thực thi; Các hệ thống quản trị của trường đại học được rà soát; Hệ thống quản trị của trường đại học được cải tiến để tăng hiệu quả của trường đại học và quản lý rủi ro tốt hơn.

Tiêu chuẩn 3: Lãnh đạo và quản lý, gồm 4 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Ban lãnh đạo thiết lập cơ cấu quản lý với vai trò và trách nhiệm, quá trình ra quyết định, công tác thông tin và báo cáo được xác định rõ ràng để đạt được tầm nhìn, sứ mạng, văn hóa và các mục tiêu chiến lược của trường đại học; Ban lãnh đạo tham gia vào việc liên hệ và kết nối các bên liên quan để thực hiện việc dẫn dắt tầm nhìn, sứ mạng, văn hóa và các mục tiêu chiến lược của trường đại học; Cơ cấu quản lý và lãnh đạo của trường đại học được rà soát; Cơ cấu lãnh đạo và quản lý của trường đại học được cải tiến nhằm tăng hiệu quả quản lý và để đạt được các cấp độ mong muốn về hiệu quả hoạt động của trường đại học.

Tiêu chuẩn 4: Quản trị chiến lược, gồm 4 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Việc quy hoạch chiến lược được thực hiện nhằm đạt được tầm nhìn, sứ mạng và văn hóa cũng như các mục tiêu chiến lược của đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng; Kế hoạch chiến lược được truyền thông, lan tỏa và chuyển thành các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn để thực thi; Các chỉ số thực hiện chính và các mục tiêu được thiết lập để đo lường về mức độ thực hiện các mục tiêu chiến lược của trường đại học; Quá trình lập kế hoạch chiến lược cũng như các chỉ số hoạt động chính và các mục tiêu chính được cải tiến để đạt được các mục tiêu chiến lược của trường đại học.

Tiêu chuẩn 5: Các chính sách về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, gồm 4 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Hệ thống để xây dựng các chính sách về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng được thiết lập; Quy trình giám sát sự tuân thủ các chính sách được văn bản hóa, được phổ biến và được thực hiện; Các chính sách về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng được rà soát; Các chính sách về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng được cải tiến nhằm tăng hiệu quả tổ chức để đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan và sự hài lòng của họ.

Tiêu chuẩn 6: Quản lý nguồn nhân lực, gồm 7 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Việc quy hoạch về nguồn nhân lực (xem xét đội ngũ kế nhiệm, đề bạt, sắp xếp lại, chấm dứt hợp đồng và nghỉ hưu) được thực hiện để đáp ứng nhu cầu phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng; Các tiêu chí tuyển dụng và lựa chọn, bao gồm cả các tiêu chí về đạo đức và tự do học thuật đối với việc bổ nhiệm, sắp xếp lại và đề bạt được xác định và được phổ biến; Các năng lực bao gồm cả kỹ năng lãnh đạo của các nhóm cán bộ nhân viên khác nhau được xác định và thiết lập; Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu phát triển của đội ngũ cán bộ được xác định và các hoạt động được triển khai để đáp ứng các nhu cầu đó; Hệ thống quản lý việc thực hiện nhiệm vụ bao gồm chế độ khen thưởng, công nhận và chương trình bồi dưỡng được triển khai để thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng; Các chế độ, chính sách, quy trình và kế hoạch về nguồn nhân lực được rà soát; Các chế độ, chính sách, quy trình và kế hoạch về nguồn nhân lực được cải tiến để hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Tiêu chuẩn 7: Quản lý tài chính và cơ sở vật chất, gồm 5 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Hệ thống lập kế hoạch, triển khai, kiểm toán và cải tiến các nguồn lực tài chính của trường đại học để hỗ trợ việc thực hiện tầm nhìn, sứ mạng và các mục tiêu chiến lược trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng được thiết lập và thực hiện; Hệ thống lập kế hoạch, bảo dưỡng, đánh giá và cải tiến cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng như các phương tiện dạy và học, các phòng thí nghiệm, thiết bị và công cụ… để đáp ứng các nhu cầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng được thiết lập và thực hiện; Hệ thống lập kế hoạch, bảo dưỡng, kiểm toán và cải tiến các thiết bị công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng như máy tính, hệ thống mạng, sao lưu, bảo mật và truy cập để đáp ứng các nhu cầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng được thiết lập và thực hiện; Hệ thống lập kế hoạch, duy trì, đánh giá và cải tiến các nguồn lực học tập như tài nguyên thư viện, thiết bị hỗ trợ giảng dạy, cơ sở dữ liệu trực tuyến,… để đáp ứng các nhu cầu về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng được thiết lập và thực hiện; Hệ thống lập kế hoạch, thực hiện, đánh giá và cải tiến môi trường, sức khỏe, sự an toàn và để những người có nhu cầu đặc biệt có thể tiếp cận được thiết lập và thực hiện.

Tiêu chuẩn 8: Các mạng lưới và quan hệ đối ngoại, gồm 4 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Kế hoạch phát triển các đối tác, các mạng lưới và các quan hệ đối ngoại được thiết lập để đạt được tầm nhìn, sứ mạng và các mục tiêu chiến lược của trường đại học; Các thỏa thuận, các quy trình và các chính sách để thúc đẩy các quan hệ đối ngoại, các mạng lưới và các đối tác được thực hiện; Các đối tác, các mạng lưới và các quan hệ  đối ngoại được rà soát; Các đối tác, các mạng lưới và các quan hệ đối ngoại được cải tiến để đạt được tầm nhìn, sứ mạng và các mục tiêu chiến lược của trường đại học.

Tiêu chuẩn 9: Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, gồm 6 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Cơ cấu, vai trò và trách nhiệm giải trình của hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong được thiết lập để thực hiện các mục tiêu chiến lược và công tác đảm bảo chất lượng của trường đại học; Kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng bao gồm các chiến lược, các chính sách, các hoạt động và sự tham gia của các bên liên quan, cũng như việc thúc đẩy và tập huấn về đảm bảo chất lượng được thiết lập để thực hiện các mục tiêu chiến lược và công tác đảm bảo chất lượng của trường đại học; Kế hoạch chiến lược về đảm bảo chất lượng được truyền thông, lan tỏa và chuyển thành các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn để thực thi; Hệ thống để lưu giữ văn bản, rà soát, đánh giá và phổ biến các quy trình, thủ tục, hệ thống và chính sách đảm bảo chất lượng được triển khai; Các chỉ số thực hiện chính và các mục tiêu được thiết lập để đo lường về kết quả hoạt động công tác đảm bảo chất lượng của trường đại học; Các chỉ tiêu và chỉ số thực hiện chính, quy trình lập kế hoạch được cải tiến để thực hiện các mục tiêu chiến lược và công tác đảm bảo chất lượng của trường đại học.

Tiêu chuẩn 10: Đánh giá chất lượng bên trong và bên ngoài, gồm 4 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Kế hoạch đánh giá chất lượng bên trong (tự đánh giá) và bên ngoài (đánh giá ngoài) được thiết lập; Việc đánh giá chất lượng bên trong và bên ngoài được thực hiện định kỳ bởi các cán bộ và/hoặc các chuyên gia độc lập đã được đào tạo; Các phát hiện và kết quả của việc đánh giá chất lượng bên trong và bên ngoài được rà soát; Các quy trình đánh giá chất lượng bên trong và bên ngoài được cải tiến để đáp ứng các mục tiêu chiến lược của trường đại học.

Tiêu chuẩn 11: Hệ thống thông tin đảm bảo chất lượng bên trong, gồm 4 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Kế hoạch quản lý thông tin đảm bảo chất lượng bên trong, bao gồm việc thu thập, xử lý, báo cáo và thông tin đến và đi từ các bên liên quan trong việc hỗ trợ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng được thiết lập; Thông tin về đảm bảo chất lượng bên trong, bao gồm các dữ liệu được phân tích, phù hợp và sẵn sàng để các bên liên quan tiếp cận một cách kịp thời nhằm hỗ trợ cho việc ra quyết định đồng thời đảm bảo sự thống nhất, bảo mật và an toàn của trường đại học; Hệ thống quản lý thông tin đảm bảo chất lượng bên trong, số lượng, chất lượng của dữ liệu và thông tin cũng như sự thống nhất, bảo mật và an toàn của trường đại học được rà soát; Việc quản lý thông tin đảm bảo chất lượng bên trong và các chính sách, quy trình và kế hoạch được cải tiến để hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Tiêu chuẩn 12: Nâng cao chất lượng, gồm 5 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Kế hoạch liên tục nâng cao chất lượng của trường đại học bao gồm các chính sách, hệ thống, quy trình, thủ tục và nguồn lực để tìm kiếm các thực hành tốt nhất trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng được xây dựng; Các tiêu chí lựa chọn các đối tác, các thông tin so chuẩn và đối sánh để cải tiến hiệu quả hoạt động được thiết lập; Thông tin so chuẩn và đối sánh nhằm nâng cao các hoạt động đảm bảo chất lượng và khuyến khích sáng tạo được thực hiện; Quy trình lựa chọn và sử dụng các thông tin so chuẩn và đối sánh được rà soát; Quy trình lựa chọn và sử dụng các thông tin so chuẩn và đối sánh được cải tiến để liên tục tìm kiếm các thực hành tốt nhất trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.

Tiêu chuẩn 13: Tuyển sinh và nhập học, gồm 5 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Các kế hoạch, các chính sách và việc truyền thông để tuyển sinh cho các chương trình đào tạo được thiết lập; Các tiêu chí để lựa chọn sinh viên có chất lượng cho mỗi chương trình đào tạo được thiết lập; Các thủ tục giám sát việc tuyển sinh được thực hiện; Các biện pháp đo lường được thiết lập để giám sát việc tuyển sinh; Việc tuyển sinh được cải tiến để đảm bảo sự phù hợp và hiệu quả.

Tiêu chuẩn 14: Thiết kế và rà soát chương trình dạy học, gồm 5 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Hệ thống để thiết kế, phát triển, giám sát, rà soát và phê duyệt các chương trình dạy học cho tất cả các chương trình đào tạo và các môn học có sự đóng góp và phản hồi từ các bên liên quan được thiết lập; Hệ thống xây dựng, điều chỉnh chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo và các môn học để phù hợp với nhu cầu của các bên liên quan được thiết lập; Các đề cương môn học/học phần, kế hoạch giảng dạy của chương trình đào tạo và các môn học được văn bản hóa dựa trên chuẩn đầu ra, được phổ biến và thực hiện; Quy trình thiết kế và điều chỉnh chương trình dạy học, và các chương trình dạy học được rà soát; Quy trình thiết kế và rà soát chương trình dạy học được cải tiến để đảm bảo sự phù hợp và cập nhật nhằm đáp ứng các nhu cầu thay đổi của các bên liên quan.

Tiêu chuẩn 15: Giảng dạy và học tập, gồm 5 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Hệ thống để lựa chọn các hoạt động dạy-học phù hợp với triết lý giáo dục và để đạt được chuẩn đầu ra được thiết lập; Hệ thống thu hút, phân công nhiệm vụ và phê chuẩn đội ngũ giảng viên dựa trên trình độ chuyên môn, năng lực, thành tích chuyên môn và kinh nghiệm được triển khai; Các hoạt động dạy-học thúc đẩy việc học tập suốt đời và được tổ chức phù hợp để đạt được chuẩn đầu ra; Các hoạt động dạy-học được giám sát và đánh giá để cải tiến và nâng cao chất lượng; Triết lý giáo dục, hoạt động dạy-học được cải tiến để đạt được chuẩn đầu ra, chất lượng dạy và học cũng như việc học tập suốt đời.

Tiêu chuẩn 16: Đánh giá sinh viên, gồm 4 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Hệ thống lập kế hoạch và lựa chọn các loại hình đánh giá sinh viên phù hợp với môn học/học phần được thiết lập; Đánh giá sinh viên được thiết kế phù hợp với việc đạt được chuẩn đầu ra; Các phương pháp đánh giá và kết quả đánh giá sinh viên được rà soát để đảm bảo độ tin cậy, độ giá trị, công bằng và đạt được chuẩn đầu ra; Các loại hình và các phương pháp đánh giá sinh viên được cải tiến để đảm bảo độ tin cậy, độ giá trị và hướng tới việc đạt được chuẩn đầu ra.

Tiêu chuẩn 17: Các hoạt động phục vụ và hỗ trợ sinh viên, gồm 4 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Các hoạt động phục vụ và hỗ trợ sinh viên cũng như hệ thống giám sát sinh viên được lập kế hoạch; Các hoạt động phục vụ và hỗ trợ sinh viên cũng như hệ thống giám sát sinh viên được thực hiện để đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan; Các hoạt động phục vụ và hỗ trợ sinh viên cũng như hệ thống giám sát sinh viên được rà soát; Các hoạt động phục vụ và hỗ trợ sinh viên cũng như hệ thống giám sát sinh viên được cải tiến để đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan và sự hài lòng của họ.

Tiêu chuẩn 18: Quản lý nghiên cứu khoa học, gồm 4 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Hệ thống bao quát, chỉ đạo, thực hiện, giám sát và rà soát chất lượng cán bộ nghiên cứu, các nguồn lực và các hoạt động nghiên cứu và các hoạt động liên quan đến nghiên cứu được thiết lập; Cách tiếp cận chiến lược tìm nguồn kinh phí cho nghiên cứu, thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo, hợp tác và nghiên cứu khoa học đỉnh cao được triển khai để đạt được tầm nhìn và sứ mạng của trường đại học; Các chỉ số thực hiện chính được dùng để đánh giá số lượng và chất lượng nghiên cứu; Việc quản lý nghiên cứu khoa học được cải tiến để nâng cao trình độ nghiên cứu và sáng tạo của trường đại học.

Tiêu chuẩn 19: Quản lý sở hữu trí tuệ, gồm 4 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Hệ thống để quản lý và bảo hộ các phát minh, sáng chế, bản quyền và kết quả nghiên cứu được thiết lập; Hệ thống để ghi chép, lưu trữ và khai thác tài sản trí tuệ được triển khai; Hệ thống để rà soát việc quản lý sở hữu trí tuệ được thực hiện; Việc quản lý tài sản trí tuệ được cải tiến để bảo hộ trường đại học, cán bộ nghiên cứu và các lợi ích chung.

Tiêu chuẩn 20: Hợp tác và đối tác nghiên cứu khoa học, gồm 4 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Hệ thống xây dựng các hợp tác và đối tác nghiên cứu để thực hiện các mục tiêu nghiên cứu được thiết lập; Các chính sách và quy trình thúc đẩy hợp tác và đối tác nghiên cứu được triển khai; Hệ thống đánh giá hiệu quả của các hợp tác và đối tác nghiên cứu được thực hiện; Các hợp tác và đối tác nghiên cứu được cải tiến để đạt được các mục tiêu nghiên cứu.

Tiêu chuẩn 21: Kết nối và phục vụ cộng đồng, gồm 4 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Kế hoạch kết nối cộng đồng và cung cấp các dịch vụ để thực hiện tầm nhìn và sứ mạng của trường đại học được xây dựng; Các chính sách và hướng dẫn cho việc kết nối và phục vụ cộng đồng được thực hiện; Hệ thống đo lường, giám sát việc kết nối và phục vụ cộng đồng được thực hiện; Việc cung cấp các dịch vụ phục vụ và kết nối cộng đồng được cải tiến để đáp ứng nhu cầu và sự hài lòng của các bên liên quan.

Tiêu chuẩn 22: Kết quả đào tạo, gồm 4 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Tỷ lệ sinh viên đạt và thôi học của tất cả các chương trình đào tạo và các môn học/học phần được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến; Thời gian tốt nghiệp trung bình cho tất cả các chương trình đào tạo được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến; Khả năng có việc làm của sinh viên tốt nghiệp của tất cả các chương trình đào tạo xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến; Mức độ hài lòng của các bên liên quan về chất lượng của sinh viên tốt nghiệp được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến.

Tiêu chuẩn 23: Kết quả nghiên cứu khoa học, gồm 6 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Loại hình và khối lượng nghiên cứu của đội ngũ giảng viên và cán bộ nghiên cứu được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến; Loại hình và khối lượng nghiên cứu của sinh viên được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến; Loại hình và số lượng các công bố khoa học bao gồm cả các chỉ số trích dẫn được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến; Loại hình và số lượng các sở hữu trí tuệ được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến; Ngân quỹ cho từng loại hoạt động nghiên cứu được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến; Kết quả nghiên cứu và sáng tạo, bao gồm cả việc thương mại hóa, thử nghiệm chuyển giao, thành lập các start-ups,… được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến.

Tiêu chuẩn 24: Kết quả đóng góp phục vụ cộng đồng, gồm 4 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Loại hình và khối lượng tham gia vào kết nối và phục vụ cộng đồng; và đóng góp cho xã hội được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến; Tác động xã hội và kết quả của hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng; và đóng góp cho xã hội được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến; Tác động của hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng đối với sinh viên và đội ngũ cán bộ được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến; Sự hài lòng của các bên liên quan về hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng; và đóng góp cho xã hội được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến.

Tiêu chuẩn 25: Kết quả tài chính và thị trường giáo dục, gồm 2 tiêu chí với các nội hàm liên quan đến: Kết quả hoạt động và các chỉ số tài chính cho đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến; Kết quả hoạt động và các chỉ số thị trường giáo dục cho đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ cộng đồng được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến.

Share.