Ngoài các yếu tố cấu thành một tổ chức nhìn từ góc độ khoa học quản lý, công tác quản lý trường đại học đa phân hiệu bị tác động bởi các yếu tố dưới đây:

1. Luật pháp, điều lệ, quy chế và chính sách phát triển giáo dục đại học

Luật pháp, chính sách, điều lệ, quy chế tổ chức và hoạt động là những điều kiện cần thiết để hình thành, định hướng và điều chỉnh mọi hoạt động của một tổ chức xã hội.

Đối với các trường đại học đa phân hiệu: Luật Giáo dục 2005 sửa đổi và bổ sung năm 2009, Luật Giáo dục đại học 2013, Chiến lược phát triển KT-XH gia đoạn 2011 – 2020 nói chung và Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 nói riêng, Điều lệ trường đại học, Quy chế tổ chức và hoạt động của mỗi trường và các chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học vừa là cơ sở pháp lý cho việc thành lập, thiết lập cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý, vừa có giá trị và tác dụng định hướng và điều chỉnh các hoạt động của nhà trường; trong đó có các hoạt động về quản lý phương tiện và điều kiện đảm bảo chất lượng, nhất là chất lượng đào tạo.

Chính vì vậy, luật pháp, chính sách, điều lệ, quy chế về giáo dục đại học là những yếu tố có ảnh hưởng đến quản lý một trường đại học nói chung và đến việc thiết lập cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý và quản lý các hoạt động về phương tiện và điều kiện hoạt động cho các trường đại học đa phân hiệu.

2. Quan điểm, mục tiêu giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học

– Từ đầu năm 2005, Chính Phủ đã có Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP, ngày 02 tháng 11 năm 2005 về “Đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2010” [download]; trong đó đã khẳng định:

+ “Chất lượng giáo dục đại học ở một số ngành, lĩnh vực, cơ sở giáo dục đại học có những chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Đội ngũ cán bộ có trình độ đại học và trên đại học mà tuyệt đại đa số được đào tạo tại các cơ sở giáo dục trong nước đã góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Tuy nhiên, những thành tựu nói trên của giáo dục đại học chưa vững chắc, chưa mang tính hệ thống và cơ bản, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, nhu cầu học tập của nhân dân và yêu cầu hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. Những yếu kém, bất cập về cơ chế quản lý, cơ cấu hệ thống, cơ cấu ngành nghề, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, quy trình đào tạo, phương pháp dạy và học, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục, hiệu quả sử dụng nguồn lực và những tiêu cực trong thi cử, cấp bằng và một số hoạt động giáo dục khác cần sớm được khắc phục”.

+ Mục tiêu là “Hoàn chỉnh mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học trên phạm vi toàn quốc, có sự phân tầng về chức năng, nhiệm vụ đào tạo, bảo đảm hợp lý cơ cấu trình độ, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu vùng miền, phù hợp với chủ trương xã hội hoá giáo dục và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của cả nước và của các địa phương”; “Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục đại học theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục đại học, sự quản lý của Nhà nước và vai trò giám sát, đánh giá của xã hội đối với giáo dục đại học”.

+ Trong các giải pháp đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục đại học Việt Nam, có các giải pháp “Đổi mới cơ chế quản lý” giáo dục đại học; “Đổi mới việc huy động nguồn lực và cơ chế tài chính” trong giáo dục đại học.

Gần đây, Hội nghị Trung ương 8, Khoá XI của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng hội chủ nghĩa hội nhập quốc tế”, trong đó chỉ rõ một số yếu kém, đề ra mục tiêu và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học như:

+ “Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém” và “chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp”;

+ Với mục tiêu “Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia; trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. Đa dạng hóa các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề; yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”; Đảng ta chỉ ra một số giải pháp “Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực”; “Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng”; “Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo”;

Những quan điểm, mục tiêu và những giải pháp cơ bản đổi mới căn bản và toàn diện đối với giáo dục đại học được phân tích ở trên có tác động đến hoạt động quản lý của các trường đại học đa phân hiệu.

3. Bối cảnh hội nhập quốc tế về giáo dục đại học

Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, sự phát triển của KH&CN, phát triển kinh tế thị trường là những đặc điểm mang tính xu thế tất yếu của thời đại. Các đặc điểm đó có ảnh hưởng sâu sắc đến mọi hoạt động xã hội, trong đó có giáo dục; mà vấn đề cốt lõi là hội nhập quốc tế về giáo dục đại học.

Trước hết, nhìn nhận trên bình diện toàn cầu, là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization WTO), giáo dục đại học của Việt Nam chịu sự tác động từ các cam kết song phương hoặc đa phương của Việt Nam với các thành viên WTO; trong đó nổi bật là Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (General Agreement on Trade in Services GATS). Với quan điểm cơ bản coi giáo dục thuộc một trong 12 ngành (nhóm) dịch vụ thuộc phạm vi điều chỉnh của GATS, Việt Nam đã vào WTO, đã có thoả thuận một số lĩnh vực với GATS, thì phải đặc biệt quan tâm đến sự phát triển mang tính tự giác của thị trường và khả năng phát triển mạnh mẽ của nó ở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, giáo dục người lớn và một số dịch vụ giáo dục khác.

Nhìn nhận trên bình diện Việt Nam là một thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations ASEAN). Trong giai đoạn hiện nay, sự cam kết hỗ trợ phát triển kinh tế giữa các nước trong Hiệp hội này để trở thành một cộng đồng vào năm 2015 và sự cam kết giữa ASEAN và Hoa Kỳ, giữa ASEAN với Liên minh châu Âu (European Union – EU) đã có những tác động sâu sắc đối với mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, trong đó có vấn đề tích cực hội nhập toàn diện về giáo dục đại học của Việt Nam.

Trên bình diện Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, một vấn đề mang tính thời sự trong giai đoạn hiện nay là cùng với nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển trung khu vực, Việt Nam đang nỗ lực để tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – TPP). Đây là hiệp đinh về thỏa thuận toàn diện bao quát tất cả các khía cạnh chính của vấn đề thương mại tự do, bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ (trong đó có giáo dục), các chính sách của chính quyền … với mục đích hội nhập toàn diện các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều này đặt ra yêu cầu các thanh thiếu niên Việt Nam phải có kiến thức mới để đóng vai trò lớn hơn vào định hình tương lai của Việt Nam. Một tương lai đòi hỏi các công dân phải sáng tạo, có tinh thần cạnh tranh cao hơn, hiểu biết hơn về toàn cầu hóa và những thách thức của nó. Nhưng để đáp ứng được yêu cầu này, thì vấn đề phát triển giáo dục đại học của Việt Nam phải thực sự đổi mới theo hướng thích ứng với yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực có trình độ đại học, đảm bảo sự công bằng và thụ hưởng một nền giáo dục đại học hội nhập quốc tế và trong khu vực.

Thực trạng về xu thế của thời đại nêu trên đã đặt ra những yêu cầu đối với giáo dục đại học của Việt Nam là phải tôn trọng quan điểm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa và thành tựu khoa học, công nghệ của nhân loại. Từ đó, phải triển khai có hiệu quả các giải pháp như: Hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương và đa phương, thực hiện các cam kết quốc tế về giáo dục, đào tạo; Tăng cường việc đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước đối với giảng viên các ngành khoa học cơ bản và khoa học mũi nhọn, đặc thù; Khuyến khích việc học tập và nghiên cứu ở nước ngoài bằng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước; Mở rộng liên kết đào tạo với những cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín, chủ yếu trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; Có cơ chế khuyến khích các tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN ở Việt Nam; Tăng cường giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế; Có chính sách hỗ trợ, quản lý việc học tập và rèn luyện của học sinh, sinh viên Việt Nam đang học ở nước ngoài và tại các cơ sở giáo dục, đào tạo có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Mặt khác, phải mở rộng quy mô đào tạo nguồn nhân lực trong nước theo các trình độ, thiết lập mạng lưới các trường đại học phù hợp với quy hoạch phát triển KT- XH ở địa phương, ở vùng miền để đảm bảo sự công bằng và hình đẳng trong thụ hưởng giáo dục đại học trên cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo để tiếp cận với chuẩn quốc tế.

Bối cảnh hội nhập quốc tế và hội nhập khu vực về giáo dục đại học nêu trên đều là các yếu tố có ảnh hưởng đến các hoạt động quản lý của các trường đại học đa phân hiệu trong giai đoạn hiện nay.

4. Công nghệ thông tin và truyền thông

Trong xu thế hòa nhập và toàn cầu hóa của một “Thế giới phẳng” như hiện nay, khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông. Các thành quả về phát triển công nghệ thông tin và truyền thông có tác dụng và giá trị cao trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Trường đại học là chiếc nôi đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của một đất nước không thể không chịu tác động của lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Mặt khác, hệ thống quản lý trong nhà trường đại học bao giờ cũng gắn với các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông chất lượng cao. Có như thế mới giải quyết được nhu cầu thông tin của thầy cô giáo và sinh viên trong nhà trường, những người mà hoạt động chuyên môn luôn gắn với công cụ thông tin và truyền thông. Chính vì vậy, các tiện ích của thông tin và truyền thông là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến mô hình quản lý trường đại học đa phân hiệu.

Share.