1. Lý thuyết hệ thống du lịch
Du lịch là một hệ thống khá phức tạp như các hệ thống thị trường điển hình trong nền kinh tế. Hệ thống du lịch bao gồm một số yếu tố chủ yếu gồm khách du lịch, điểm đến du lịch, nhà kinh doanh và cung ứng dịch vụ du lịch, cộng đồng dân cư địa phương, các tổ chức truyền thông, chuyên gia và thành phần Nhà nước.
1.1. Khách du lịch:
Hiện nay có nhiều khái niệm về khách du lịch. Khái niệm thông dụng thường được dùng khách du lịch là người đi ra khỏi nơi cư trú (nơi ở, nơi làm việc, học tập) để nghỉ ngơi, giải trí, tìm hiểu, tham quan, thưởng ngoạn, nghỉ dưỡng chữa bệnh… trong một thời gian nhất định, có thể một hoặc nhiều ngày có chi tiêu chứ không vì lý do nghề nghiệp và kiếm sống ở nơi đến.
1.2 Điểm hấp dẫn:
Điểm hấp dẫn là đặc điểm vật thể hoặc văn hoá (phi vật thể) của một nơi mà khách du lịch cảm thấy đáp ứng một khía cạnh nhu cầu tò mò, thưởng ngoạn, hiểu biết, trải nghiệm hoặc giải trí của mình. Điểm hấp dẫn là động lực chủ yếu (nhưng không phải là duy nhất) thu hút khách du lịch. Trong hệ thống du lịch “Tài nguyên tự nhiên và văn hoá” là tiểu hệ thống của điểm đến du lịch. Một khu vực phải có một hoặc nhiều điểm hấp dẫn là điểm đến du lịch. Nếu không có điểm hấp dẫn sẽ không có nhu cầu về các dịch vụ du lịch khác.
1.3 Nhà kinh doanh và cung ứng dịch vụ du lịch:
Nằm trong khái niệm này, trước hết là các doanh nghiệp và thương nhân hoạt động kinh doanh trực tiếp từ khách du lịch.
– Doanh nghiệp lữ hành (bao gồm chủ yếu các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa, kể cả các doanh nghiệp lữ hành bán lẻ).
– Doanh nghiệp vận tải (các đơn vị kinh doanh vận tải hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thuỷ…).
– Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ khác (các bảo tàng, các cơ sở cho thuê xe, khu vui chơi, nhà hàng, khu giải trí…).
Những chủ thể gián tiếp tham gia vào du lịch có thể ở vị trí rất xa nơi các hoạt động du lịch diễn ra nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ hệ thống như các doanh nghiệp xây dựng khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí… Các cơ sở phục vụ khách du lịch này thường được xây dựng xong, bán và sau đó được quản lý bởi các doanh nghiệp du lịch. Mức độ phụ thuộc kinh tế vào du lịch của một ngành dịch vụ nào đó có thể rất khác nhau. Trong nhiều trường hợp, khách du lịch không phải là khách hàng chính, mà chính là người dân địa phương và các doanh nghiệp. Chính vì vậy, có nhiều khu giải trí, nhà hàng trong chiến lược kinh doanh của mình không coi họ thuộc ngành du lịch (bởi vì khách hàng của họ chủ yếu là người dân địa phương).
1.4. Cộng đồng địa phương:
Cộng đồng địa phương tham gia vào hệ thống du lịch dưới nhiều hình thức: cung cấp nhân lực hoặc vốn, hỗ trợ hoặc trực tiếp tham gia vào các họat động du lịch và bản thân họ có thể là điểm hấp dẫn du lịch. Cộng đồng địa phương là những người trực tiếp tiếp nhận những tác động kinh tế-xã hội-môi trường cả tiêu cực và tích cực. Sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương trong quy hoạch và quản lý du lịch nói chung là thấp hoặc chỉ trong phạm vi nhỏ do trình độ nhận thức và hiểu biết chưa thật cao. Tuy nhiên, mục tiêu tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong quá trình ra chính sách phát triển du lịch bền vững được thừa nhận rộng rãi và có ý nghĩa quan trọng.
1.5. Tổ chức truyền thông:
Các tổ chức truyền thông đóng vai trò quan trọng trong tác động tới hành vi tiêu dùng và là cấu thành thiết yếu trong tính năng động của hệ thống du lịch. Không chỉ quá trình tiếp thị du lịch phụ thuộc nhiều vào truyền thông, mà cả chiến lược cạnh tranh, chương trình giáo dục và thậm chí quyết định các chính sách phát triển du lịch cũng bị ảnh hưởng bởi truyền thông. Dù tốt hay xấu, truyền thông được biết đến là phương tiện có thể tác động làm thay đổi quy luật cung cầu của thị trường tự do.
1.6. Chuyên gia:
Các nhà tư vấn, các cộng tác viên, giới học thuật và các chuyên gia khác là những yếu tố thường xuyên hoặc không thường xuyên có ảnh hưởng định tính đến hệ thống du lịch. Hiện nay, hầu hết chuyên gia tư vấn đều đến từ các nước phát triển, mặc dù phần nhiều công việc của họ thực hiện ở các nước đang phát triển. Người dân địa phương có thể cho rằng tư vấn nước ngoài quan tâm đến du lịch các nước đang phát triển chỉ nhằm nâng cao chất lượng trải nghiệm ngày nghỉ cho khách du lịch của các nước phát triển.
Có những trường hợp cách tiếp cận hoài nghi này là đúng. Tuy nhiên, hỗ trợ quốc tế đang ngày càng gia tăng trong hợp tác quốc tế bình đẳng về du lịch. Tư vấn nước ngoài (thông thường là từ các nước phát triển) thường hữu ích trong nhận thức vấn đề, định hướng phát triển, nhưng giải pháp thường phải do các chuyên gia trong nước đưa ra mới có tính khả thi cao.
1.7. Nguồn nhân lực du lịch:
Có vai trò quyết định đến chất lượng phục vụ du lịch; bao gồm đội ngũ lao động trực tiếp trong ngành du lịch và cả những lao động gián tiếp cung cấp dịch vụ liên quan đến du lịch.
1.8. Thành phần nhà nước:
Thành phần nhà nước có vai trò quy hoạch, quản lý và xúc tiến du lịch. Vai trò này có thay đổi rất lớn trong cách tiếp cận và kết quả. ở các nước phát triển, các cơ quan nhà nước không sở hữu hoặc kiểm soát nhiều quan hệ trọng yếu trong hệ thống du lịch. Những tập đoàn xuyên quốc gia có sức mạnh ngày càng lớn và có phạm vi ảnh hưởng mở rộng vượt ra ngoài biên giới địa lý của các nước. Tốc độ hành động và phản ứng của thành phần nhà nước và tốc độ phát triển du lịch hiếm khi gặp nhau dẫn đến những hoạt động bất thường. Chính vì vậy, cách tiếp cận đối tác (nhà nước – tư nhân) ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây.
Các bộ phận trong hệ thống du lịch đều có những lợi ích cục bộ khác nhau. Mỗi bộ phận đều cố gắng đạt được lợi ích riêng của mình trong đấu tranh quyền lực. Do vậy, hệ thống du lịch được tổ chức với những chủ thể có vai trò chính so với các chủ thể khác. Tuy nhiên, ít người, ít doanh nghiệp có thể bao quát hết tất cả các nhân tố và không có ai là “trọng tài” toàn cầu hoặc “hoàng đế” để có thể chi phối toàn bộ hệ thống. Cần phải nhận thấy rằng, ngành du lịch tồn tại dựa trên những tiểu hệ thống (cung và cầu) và trong nhiều trường hợp có sự liên kết mạnh mẽ giữa các thành phần kinh tế trong nước với nhau và giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
Chính vì vậy, xu hướng trong lợi ích kinh tế là tập trung quyền lực và nhìn chung, thành phần nhà nước chỉ còn là những người chơi thứ yếu giữ quyền kiểm soát thực sự ít ỏi đối với phần lớn sản phẩm du lịch. Những trường hợp ngoại lệ, thường là du lịch có quy mô nhỏ hoặc khi đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, các hoạt động du lịch được Nhà nước tiến hành triển khai (thông qua các doanh nghiệp, tổ chức của Nhà nước) với sự hỗ trợ tích cực về mặt tài chính và cam kết chính trị mạnh mẽ.
2. Lý thuyết tổ chức lãnh thổ du lịch
2.1. Quan niệm về tổ chức lãnh thổ du lịch:
Tổ chức lãnh thổ du lịch là sự phân bố về mặt không gian của hoạt động du lịch căn cứ trên sự phân bố của các nguồn tài nguyên du lịch (kể cả tài nguyên đang khai thác và tài nguyên tiềm năng), của các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cùng các mối liên hệ với điều kiện phát sinh của ngành du lịch với các ngành khác, với các địa phương trong khu vực. Tổ chức lãnh thổ du lịch phải được dựa trên sự phân bố không gian kinh tế – xã hội của lãnh thổ nghiên cứu và mối quan hệ về du lịch với các lãnh thổ lân cận… để có các kế hoạch phát triển du lịch phù hợp.
Tổ chức lãnh thổ du lịch là một bộ phận không thể tách rời các định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội quốc gia và các địa phương trên lãnh thổ, với các định hướng khoa học công nghệ và các yêu cầu của an ninh quốc phòng…
2.2. Các hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch:
Có nhiều hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch như: thể tổng hợp lãnh thổ du lịch, hệ thống lãnh thổ du lịch, vùng du lịch…
Thể tổng hợp lãnh thổ du lịch, theo tác giả E.A.Kotliarov – 1978 là sự kết hợp giữa các cơ sở du lịch với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật được liên kết với nhau thông qua các mối liên hệ kinh tế, sản xuất, phân phối… và cùng sử dụng chung các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như kinh tế – xã hội của lãnh thổ [1].
Hệ thống lãnh thổ du lịch là hệ thống xã hội được tạo thành bởi các yếu tố có quan hệ đa chiều và mật thiết với nhau như nhóm khách du lịch; nhóm các nguồn lực du lịch (các tổng thể tự nhiên, văn hóa – lịch sử, cơ sở hạ tầng kỹ thuật…); nhóm quản lý, điều hành và phục vụ du lịch (đội ngũ cán bộ nhân viên phục vụ, cán bộ điều hành các hoạt động kinh doanh du lịch, cán bộ quản lý nhà nước…).
Vùng du lịch, theo tác giả E.A.Kotliarov – 1978 được hiểu là một lãnh thổ hoàn chỉnh với sự kết hợp các điều kiện, đối tượng và chuyên môn hóa du lịch; đó không chỉ là lãnh thổ để chữa bệnh, nghỉ ngơi, du lịch mà còn là một bộ máy về kinh tế hành chính phức tạp; vùng du lịch còn bao gồm các xí nghiệp nông nghiệp, công nghiệp, vận tải, các cơ sở văn hóa; vùng du lịch được hình thành do phân công lao động theo lãnh thổ trong lĩnh vực dịch vụ [1].
Theo I.I.Pirochnik – 1985 thì vùng du lịch là một hệ thống lãnh thổ kinh tế – xã hội, một tập hợp các hệ thống lãnh thổ du lịch thuộc mọi cấp có liên quan với nhau và các xí nghiệp thuộc cơ sở hạ tầng xã hội nhằm đảm bảo cho hoạt động của hệ thống lãnh thổ du lịch với việc có chung chuyên môn hóa và các điều kiện kinh tế – xã hội để phát triển du lịch [2].
2.3. Hệ thống phân vị trong tổ chức lãnh thổ du lịch:
Hệ thống phân vị trong tổ chức lãnh thổ du lịch được sử dụng rất khác nhau giữa các nước. Đối với nước ta, Viện nghiên cứu phát triển du lịch đã nghiên cứu và đưa ra một hệ thống phân vị (đối với lãnh thổ quốc gia) gồm 5 cấp là: vùng du lịch, á vùng du lịch, tiểu vùng du lịch, trung tâm du lịch và điểm du lịch [3].
2.3.1. Điểm du lịch:
Điểm du lịch là cấp thấp nhất trong hệ thống phân vị và có quy mô nhỏ về mặt lãnh thổ. Tuy nhiên sự chênh lệch về quy mô diện tích giữa các điểm du lịch có thể là tương đối lớn (ví dụ: điểm du lịch Ao Vua, điểm du lịch hồ Ba Bể, Việt Nam có thể được coi là một điểm du lịch của thế giới…). Điểm du lịch là nơi tập trung một loại tài nguyên du lịch (tự nhiên, nhân văn) hay một loại công trình riêng biệt phục vụ du lịch hoặc kết hợp cả hai ở quy mô nhỏ. Vì vậy điểm du lịch có thể được phân thành điểm tài nguyên hoặc điểm chức năng.
Theo điểm 8, điều 4 Luật Du lịch thì “Điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn, phục vụ nhu cầu tham quan của khách du lịch”.
2.3.2. Trung tâm du lịch:
Trung tâm du lịch là một cấp rất quan trọng trong hệ thống phân vị, là sự kết hợp của các điểm du lịch. Trung tâm du lịch thường tập trung nhiều điểm du lịch, gồm các điểm chức năng được đặc trưng bởi sự gắn kết lãnh thổ về mặt kinh tế – kỹ thuật và tổ chức, có khả năng thu hút khách du lịch. Trung tâm du lịch thường có nguồn tài nguyên tương đối phong phú, có cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tương đối tốt để phục vụ khách. Trung tâm du lịch có khả năng tạo vùng rất cao, về cơ bản nó là một hệ thống lãnh thổ du lịch đặc biệt, đây là các cực để thu hút các lãnh thổ lân cận vào phạm vi tác động của nó. Trung tâm du lịch có quy mô nhất định về diện tích, bao gồm các điểm du lịch kết hợp với các điểm dân cư và môi trường xung quanh.
Như vậy, trung tâm du lịch là một lãnh thổ có tài nguyên du lịch phong phú, có hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tương đối tốt, có khả năng tạo vùng và khả năng thu hút khách cao [3].
2.3.3. Tiểu vùng du lịch:
Tiểu vùng du lịch là một tập hợp bao gồm các điểm du lịch và trung tâm du lịch (nếu có). Về quy mô, tiểu vùng du lịch có thể bao gồm lãnh thổ của một vài tỉnh. Tiểu vùng du lịch có nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú. Trên thực tế có thể phân biệt hai loại tiểu vùng du lịch: Tiểu vùng du lịch thực tế (đang hoạt động) và tiểu vùng du lịch tiềm năng (đang hình thành).
2.3.4. Á vùng du lịch:
Á vùng du lịch là tập hợp các tiểu vùng du lịch, các trung tâm du lịch và các điểm du lịch thành một thể thống nhất với mức độ tổng hợp cao hơn. Vai trò của cơ sở hạ tầng tăng lên, các thông số hoạt động và lãnh thổ du lịch lớn hơn. Xét về các mối quan hệ dân cư và việc cung cấp những nhu cầu vật chất cho khách du lịch thì á vùng du lịch bao gồm cả những địa phương không có các điểm tài nguyên du lịch. Các mối quan hệ bên trong lãnh thổ đa dạng hơn. Á vùng du lịch có nhiều loại tài nguyên du lịch.
Quá trình chuyên môn hóa các hoạt động du lịch trên phạm vi lãnh thổ đã bắt đầu. Á vùng du lịch được coi như một cấp trung gian giữa vùng du lịch và tiểu vùng du lịch. Sự hình thành và phát triển của á vùng du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có thể trong một số vùng du lịch sự phân hóa lãnh thổ chưa dẫn đến hình thành các á vùng; ngược lại khi hội tụ đủ các yếu tố (có trung tâm tạo vùng đủ mạnh để thu hút khách từ các lãnh thổ khác) thì á vùng du lịch sẽ trở thành vùng du lịch. Trong trường hợp ấy hệ thống phân vị chỉ còn 4 cấp là điểm du lịch, trung tâm du lịch, tiểu vùng du lịch và vùng du lịch.
2.3.5. Vùng du lịch:
Vùng du lịch là cấp cao nhất trong hệ thống phân vị. Đó là một kết hợp lãnh thổ của các á vùng, tiểu vùng, trung tâm và điểm du lịch có những đặc trưng riêng về số lượng và chất lượng. Nói cách khác vùng du lịch như một thể thống nhất của các đối tượng và hiện tượng tự nhiên, nhân văn, xã hội… bao gồm hệ thống lãnh thổ du lịch và môi trường KT – XH xung quanh với chuyên môn hóa nhất định trong lĩnh vực du lịch. Nói đến vùng du lịch phải nói đến chuyên môn hóa các hoạt động du lịch. Đó chính là bản sắc của vùng du lịch, làm cho vùng này khác hẳn với vùng kia.
Các mối liên hệ nội, ngoại vùng rất đa dạng dựa trên nguồn tài nguyên, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có của vùng. Về mặt lãnh thổ, vùng du lịch có diện tích lớn bao gồm nhiều tỉnh, thành phố. Ngoài ra với hoạt động du lịch mạnh mẽ nó còn bao chiếm cả các khu vực không có tài nguyên du lịch.
Ngoài 5 cấp của hệ thống phân vị trong tổ chức lãnh thổ du lịch cấp quốc gia như trên, trong thực tế ở quy mô nhỏ hơn như cấp tỉnh (thành phố), một số khái niệm khác thường được sử dụng bao gồm: cụm du lịch, khu du lịch, tuyến du lịch…
2.3.6. Cụm du lịch:
Cụm du lịch thường được sử dụng khi nói đến nơi tập trung nhiều loại tài nguyên với một tập hợp các điểm du lịch trên một lãnh thổ (thường là cấp tỉnh, thành phố), trong đó hạt nhân là một hoặc vài điểm du lịch có giá trị thu hút khách cao (dưới dạng đang khai thác hoặc dưới dạng tiềm năng).
2.3.7. Khu du lịch:
“khu du lịch là nơi có tài nguyên du lịch hấp dẫn với ưu về tài nguyên du lịch tự nhiên, được quy hoạch đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường” (điểm 7, điều 4 Luật Du lịch, 2005).
2.3.8. Tuyến du lịch:
Các điểm du lịch, các khu du lịch được nối với nhau tạo thành tuyến du lịch. Trong từng trường hợp cụ thể, các tuyến du lịch có thể là tuyến nội tỉnh (trong lãnh thổ của một tỉnh, thành phố); tuyến nội vùng (trong phạm vi lãnh thổ của một vùng du lịch); tuyến liên vùng (giữa các vùng du lịch); hoặc tuyến quốc tế (giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ). Phụ thuộc vào phương tiện vận chuyển, tuyến du lịch có thể là tuyến du lịch đường bộ, đường không, đường sắt, đường thủy.
Theo điểm 9, điều 4 Luật Du lịch (2005) thì “Tuyến du lịch là lộ trình liên kết các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, gắn với các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không”.
_______
Vũ Văn Đông
Nguồn trích dẫn trong bài:
[1] La Nữ Ánh Vân (2011), Phát triển du lịch bền vững Bình Thuận, Luận án tiến sỹ, Trường đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh.
[2] I. I. Pirochnick (1985), Osnovui Geografii Turizma i Exkursionnava Obsluzivania, Izdatelstvo, Universitetskoe, Minsk.
[3] Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (1994), Quy hoạch du lịch quốc gia và vùng – Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu, Dự án phát triển Kinh tế – Xã hội, Hà Nội.