Quyền tự chủ đại học về thực chất là kết quả của phương thức phân quyền quản lý đại học của nhà nước cho các trường đại học. Đó là việc nhà nước cho các trường đại học tự ra các quyết định và thực hiện các quyết định quản lý, đồng thời phải tự chịu trách nhiệm về kết quả của các quyết định này trong phạm vi cho phép của nhà nước (quyền tự chủ ); trong khi nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm cuối cùng trước xã hội về hoạt động đại học.

Việc phân giao quyền tự chủ đại học tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Năng lực quản lý của nhà nước, năng lực quản lý của các trường đại học, xu thế biến đổi của ngành đại học, dư luận và mong muốn của xã hội v.v. Tức là, để giao quyền tự chủ cho các trường đại học, nhà nước phải tính toán, cân nhắc rất nhiều yếu tố, để bảo đảm cho việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học ở mỗi giai đoạn phát triển cụ thể của đất nước phải đạt hiệu quả, hiệu lực tốt nhất. Nói một các khác, khi phân giao quyền tự chủ đại học, nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc khách quan, khoa học của quản lý sau:

Nguyên tắc 1: Bảo đảm mối quan hệ tương tác giữa nhà nước và các trường đại học (tập trung dân chủ, pháp chế nhà nước)

Trong giai đoạn thực hiện quản lý theo phương thức kế hoạch hoá tập trung và trình độ năng lực đội ngũ cán bộ giảng viên các trường chưa cao, “sản phẩm” đầu ra là sinh viên do nhà nước sử dụng 100%; mức độ tự chủ của các trường đại học hết sức hạn chế (đào tạo, nghiên cứu, phục vụ xã hội theo kế hoạch phân bổ). Nhưng hiện nay theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sản phẩm đầu ra không do nhà nước sử dụng hoàn toàn mà do xã hội (thậm chí cho cả nước ngoài) sử dụng; trình độ cán bộ, giảng viên đại học đã có sự phát triển vượt bậc; họ cũng là công dân như các quan chức của bộ máy quản lý nhà nước và cũng có trách nhiệm, có lòng yêu nước to lớn không kém các quan chức quản lý của ngành đại học; tức là mối tương quan giữa một bên là các trường đại học và một bên là các cơ quan quản lý vĩ mô

nhà nước về đại học đã có một bước phát triển theo hướng bình đẳng hơn; nhưng vẫn phải trong khuôn khổ định hướng và pháp luật của nhà nước và phải đặt trong phạm vi hệ thống chung từ bậc vỡ lòng, tiểu học, trung học, đại học, sau và trên đại học. Thì việc mở rộng phạm vi tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường là một đòi hỏi tất yếu mang tính lịch sử.

Nguyên tắc 2: Bảo đảm mối quan hệ tương tác giữa trong ngoài nước

Cùng với sự phát triển kinh tế mang tính hội nhập toàn cầu, trình độ thông tin, hệ thống Internet phát triển việc đào tạo sinh viên của các nước không chỉ dừng lại phạm vi sử dụng trong nước, mà đã vươn tới trình độ phục vụ nhân loại. Mục tiêu đào tạo của các trường đại học trên thế giới dần dần đã mang tính thống nhất và uyển chuyển linh hoạt trên phạm vi quốc tế. Các trường đại học phải có phương thức tổ chức mang tính liên thông; các bằng đại học do các trường đại học cấp ra phải có giá trị tương đồng; đó là trách nhiệm, là thương hiệu, là danh tiếng mà mỗi trường đại học phải tự xây dựng; do đó nếu không được quyền tự chủ cao, khó có thể thực hiện.

Nguyên tắc 3: Bảo đảm mối quan hệ tương tác giữa quốc tế và đặc điểm văn hoá, chính trị, kinh tế của mỗi nước.

Việc đào tạo đại học của Việt Nam, trước tiên là phục vụ cho đất nước Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam, theo luật pháp Việt Nam và thể chế của đất nước. Chẳng hạn Điều 19, Luật Giáo dục nước ta cấm không cho truyền bá tôn giáo trong nhà trường, khác hẳn với điều buộc phải giáo dục tôn giáo ở những nước cho tôn giáo là công giáo của họ.

Nguyên tắc 4: Bảo đảm mối quan hệ tương tác liên thông giữa nội bộ ngành giáo dục đào tạo và các bộ, ngành, địa phương.

Đây cũng là một nguyên tắc rất quan trọng của việc phân giao quyền tự chủ cho các trường đại học. Để có một trình độ văn bằng đại học tương đồng thế giới, không thể nào cấu trúc chương trình học của đại học chỉ có thời lượng bằng 60 – 70% của các nước khác vì đã quy định cứng 30 – 40% các

môn học bắt buộc, mà lẽ ra các môn học này phải được giải quyết xong từ cấp phổ thông. Việc đào tạo con người xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần phải hiểu là không chỉ do 4 năm tại đại học giải quyết, mà nó phải được giải quyết trong suốt 12 năm ở bậc phổ thông và phải được cả cộng đồng xã hội góp sức. Cũng tương tự như vậy, để giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (Văn kiện Đại hội X trang 94 – 95) [2] thì Bộ tài chính khi xử lý các vấn đề tài chính của các trường đại học không thể thực hiện giống như việc quản lý tài chính của các doanh nghiệp khác ngoài xã hội (Thuế thu nhập, thủ tục chi tiêu tài chính v.v); hoặc không thể duy trì hiện tượng các địa phương khi gặp khó khăn về kinh tế của địa phương mình thì chi phí giáo dục đào tạo thường được là lựa chọn để đưa ra cắt xén v.v. thì các trường đại học khó có thể thực hiện quyền tự chủ có hiệu quả.

Nguyên tắc 5: Bảo đảm mối quan hệ cân bằng về quyền và nghĩa vụ.

Quyền tự chủ của các trường đại học phải bảo đảm thực hiện sự cân đối giữa:

(1) quyền hạn tự chủ (QH);

(2) trách nhiệm, nghĩa vụ phải thực hiện (TN);

(3) các phương tiện phải có để thực hiện (PT);

(4) năng lực, trình độ, nhân cách quản lý phải có của các nhà lãnh đạo các trường (NL);

(5) phải hiệu quả (hơn là không được phân quyền – HQ);

(6) phải bảo đảm được sự kiểm soát của nhà nước, của xã hội (KS). Được biểu hiện qua sơ đồ minh họa phía dưới

– Quyền hạn tự chủ (QH) không thể tách rời trách nhiệm, nghĩa vụ (TN) pháp luật của nhà nước, thông lệ của xã hội và quốc tế.

– Quyền hạn (QH) phải có các phương tiện (PT) tương xứng để thực hiện; không thể nào một trường đại học chỉ có vài sáng lập viên với số vốn điều lệ 10 – 20 tỷ VNĐ, với 3 – 4000 m2 đất, với đội ngũ cán bộ cơ hữu giả tưởng lại có thể mở ra với quy mô hàng chục ngành học, mà mục tiêu chủ yếu chỉ là thương mại, làm giầu cá nhân.

– Quyền hạn (QH) phải tương xứng với năng lực điều hành và nhân phẩm của các nhà lãnh đạo mỗi trường (NL). Không thể nào một tiến sĩ cơ khí lại làm hiệu trưởng của một trường đại học y khoa (cho dù đã có học vị tiến sĩ).

– Quyền hạn (QH) phải đưa đến kết quả hoạt động tốt hơn, cao hơn. Để làm được điều này Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đưa ra được bộ chuẩn mực đánh giá khách quan, khoa học và có tính khả hiện.

– Quyền hạn (QH) phải đảm bảo vẫn nằm trong tầm kiểm soát của nhà nước và xã hội. Không thể nào để một hiệu trưởng đại học trở thành một “vua con” ở một nhà trường, mặc quyền tự tung tự tác, đi ngược lại lợi ích của mọi người trong trường, lợi ích của người học và lợi ích của đất nước.

Sơ đồ minh họa sự cân đối giữa các nhân tố tự chủ đại học

Nguyên tắc 6: Gắn quyền tự chủ với vấn đề trách nhiệm xã hội.

Quyền tự chủ của các trường đại học không phải đến chỗ cực đoan theo nghĩa các trường muốn làm gì thì làm, mà nó chỉ được tự do trong khuôn khổ luật pháp và thể chế xã hội. Không thể nào một trường đại học chỉ tập trung vào mục tiêu làm giàu cho Hội đồng quản trị nhà trường (đặc biệt là các trường tư thục, trường 100% vốn nước ngoài theo kiểu chụp giật, mở ra mấy năm kiếm lãi rồi tìm cách bán lại trường cho người khác); hoặc công khai đào tạo sinh viên mang tư tưởng chống đối nhà nước, phỉ báng dân tộc v.v.

Nguyên tắc 7: Công bằng, công khai, có phân loại.

Đòi hỏi việc nhà nước trao quyền tự chủ cho các trường đại học phải được công bố công khai (qua quy chế, luật định) và phải bảo đảm mọi trường đều có quyền như nhau (không kể loại hình sở hữu, lĩnh vực đào tạo, quy mô lớn nhỏ v.v). Nhưng phải có sự phân loại. Rõ ràng cùng là vấn đề tuyển sinh đầu vào hiện nay, trường nào có thi tuyển (tức có thương hiệu) phải được đánh giá và được hưởng lợi ích cao hơn các trường không tổ chức thi tuyển. Hoặc một trường được đào tạo cả 3 cấp bậc văn bằng (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) phải được đánh giá và hưởng lợi ích cao hơn (tuy vẫn được nhà nước công bố công khai) so với các trường chỉ đào tạo có một bậc văn bằng cử nhân.

Tham khảo

  1. Lương Văn Hải (2012). Vai trò nhà nước trong mở rộng quyền tự chủ của các trường đại học công lập Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Share.