Giáo dục mầm non (GDMN) nói chung và giáo dục mầm non tư thục nói riêng có vai trò rất quan trọng trong xã hội. Hoa tiêu tri thức trân trọng giới thiệu bài viết tổng quan giáo dục mầm non

1. Giáo dục tư thục là gì?

Trên thế giới hiện nay, có các thuật ngữ giáo dục tư thục được hiểu như sau:

– Private Education (Giáo dục tư thục): theo từ điển Cambridge Dictionary (Cambridge University Press, 2005) P 1003: Giáo dục tư thục là giáo dục được thực hiện bởi các cá nhân và công ty ngoài chính phủ [2].

Non Government Education (Trung Quốc): Ở Trung Quốc chỉ có khái niệm giáo dục của Chính phủ và giáo dục tư nhân ngoài chính phủ, không có khái niệm công lập và ngoài công lập bởi vì họ quan niệm GD là lĩnh vực dịch vụ công phục vụ mọi tầng lớp nhân dân và chỉ khác nhau ở vấn đề chủ thể thành lập và quản lý.

– Ngoài ra còn có các thuật ngữ khác như: People-run Education, Non Public, Owned-run Education, Comminity-run education để chỉ giáo dục ngoài chính phủ được thực hiện bởi các cá nhân hoặc cộng đồng xã hội [2].

– Ở Việt Nam, theo Luật giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục năm 2009, tại Điều 48 quy định Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân [53].

Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình:

a) Trường công lập do nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên;

b) Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động;

c) Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.

Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân thuộc mọi loại hình đều được thành lập theo quy hoạch, kế hoạch của nhà nước nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục. nhà nước tạo điều kiện để trường công lập giữ vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Theo các từ điển trên, trường tư thục được hiểu là trường không được nhà nước thành lập, đầu tư và quản lý một cách toàn diện. Hiện nay, trên thế giới có nhiều tên gọi khác nhau về trường tư thục, các hình thức tổ chức và hoạt động của loại hình trường này cũng có nhiều nét khác nhau.

Trường tư thục là trường do các cá nhân và tổ chức xã hội thành lập, hoạt động theo các quy định của nhà nước về giáo dục và tự chủ về tài chính, nhân sự, tự xây dựng cơ sở vật chất và tự xác định các định hướng phát triển theo khuôn khổ pháp luật. Như vậy, giáo dục tư thục là loại hình giáo dục không do chính phủ thành lập và quản lý hoạt động, bao gồm 2 hình thức chủ yếu là trường do các tổ chức xã hội hoặc kinh tế thành lập và trường do các tư nhân thành lập và quản lý hoạt động.

Qua các khái niệm trên, có thể nhận định rằng: “giáo dục mầm non tư thục (GDMNTT) là những yếu tố cấu thành loại hình giáo dục mầm non do tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây xây dựng cơ sở vật chất và đảm bảo kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Cơ sở giáo dục mầm non tư thục có tư cách pháp nhân, con dấu và được mở tài khoản riêng”.

2. Vai trò của giáo dục mầm non tư thục với quá trình giáo dục trẻ

– Sự ra đời của GDMNTT là thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, góp phần cùng với loại hình trường mầm non công lập giải quyết nhu cầu gửi trẻ, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ đáp ứng nhu cầu của phụ huynh.

Bên cạnh hệ thống các cơ sở giáo dục mầm non công lập, số cơ sở mầm non ngoài công lập (tư thục, dân lập) trong những năm vừa qua phát triển nhanh chóng về số lượng. Trong điều kiện dân số tăng nhanh, nhu cầu gửi trẻ ở các thành phố lớn ngày càng cao, thêm vào đó, mức sống của người dân hiện nay cao hơn trước đây nên việc chọn lựa trường tốt nhất cho trẻ cũng được đặt lên hàng đầu. Các trường tư thục ra đời tăng thêm nhiều sự lựa chọn cho các bậc phụ huynh theo yêu cầu về chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.

– Các cơ sở GDMNTT do nhiều tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, phương pháp và chương trình giảng dạy đa dạng giúp trẻ tiếp cận kỹ năng sống, học tiếng Anh ngày càng tốt hơn.

Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của Chính phủ Về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập quy định “Nhà nước, xã hội coi trọng và đối xử bình đẳng đối với các sản phẩm và dịch vụ của cơ sở ngoài công lập như cơ sở công lập.” (Khoản 1 Điều 3). Với chính sách này, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được tự chủ về kinh phí, về nhân sự, các trường có thể tuyển chọn được các giáo viên trẻ được đào tạo chính quy, năng động, sáng tạo trong phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục và với sự năng động, tự làm mới mình, các trường có thể huy động, liên kết, liên doanh để tăng nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục mầm non.

– GDMNTT là bậc học đầu tiên, nền tảng phát triển toàn diện nhân cách của trẻ. Trẻ bẩm sinh đã có khả năng tiếp thu học tập, não bộ đã được lập trình để tiếp nhận các thông tin cảm quan và sử dụng để hình thành hiểu biết và giao tiếp với thế giới, nhưng thiên hướng học tập của trẻ có thể bị hạn chế bởi nhiều yếu tố như thể chất, nhận thức và tình cảm xã hội. Việc được hưởng sự chăm sóc và phát triển tốt từ lứa tuổi trẻ thơ sẽ góp phần tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của trẻ. Giáo dục mầm non tư thục sẽ chuẩn bị cho trẻ những kỹ năng như tự lập, sự kiềm chế, khả năng diễn đạt rõ ràng, đồng thời hình thành hứng thú đối với việc đến trường tiểu học, tăng khả năng sẵn sàng để bước vào giai đoạn giáo dục phổ thông tiếp theo.

– Sự ra đời của các cơ sở GDMNTT là việc tăng thêm và mở rộng, đa dạng các loại hình dịch vụ về giáo dục, tăng tính cạnh tranh đối với các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

Sự ra đời và phát triển của hệ thống các trường mầm non tư thục theo chủ trương xã hội hóa giáo dục đã đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao và đa dạng của người dân. Với mong muốn lựa chọn cho con em mình một môi trường học tập tốt nhất ở bậc học đầu đời thì việc ra đời các cơ sở GDMNTT tăng thêm nhiều sự lựa chọn cho phụ huynh. Việc phát triển và nâng cao về cơ sở vật chất, công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục sẽ trẻ là tiêu chí để các cơ sở GDMNTT tạo được niềm tin tưởng cho các bậc phụ huynh. Sự ra đời các cơ sở GDMNTT đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, thích nghi với cơ chế thị trường trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.

Sự lan tỏa của cơ chế thị trường trong các lĩnh vực dịch vụ hiện nay ngày càng sâu rộng, giáo dục là một dịch vụ công không ngừng nâng cao chất lượng để đảm bảo cung cấp cho xã hội những sản phẩm tốt nhất, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế. Các cơ sở GDMNTT là cầu nối trong việc giao lưu, hợp tác, liên kết với các cơ sở giáo dục nước ngoài. Là nơi tiếp cận và áp dụng các chương trình giáo dục mầm non tiên tiến ở các nước phát triển nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ.

3. Các thành tố cấu thành giáo dục mầm non tư thục

– Mạng lưới cơ sở GDMNTT

GDMNTT là loại hình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, cần có sự quy hoạch về quy mô phát triển, cơ cấu loại hình này phù hợp với từng vùng, theo điều kiện kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu và phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Tài chính, cơ sở vật chất GDMNTT

Tài chính và cơ sở vật chất là biểu hiện rõ nét tính chất loại hình trường tư thục, không có sự đầu tư của nhà nước, GDMNTT hoàn toàn tự chủ về tài chính, cơ sở vật chất. Tuy nhiên, để đảm bảo GDMNTT phát triển, nhà nước cần có sự hỗ trợ cần thiết (theo mục tiêu năm 2020 miễn học phí cho trẻ 5 tuổi) đồng thời tăng cường hỗ trợ thêm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ chơi để đảm bảo tiến độ và chất lượng việc triển khai thực hiện chương trình GDMN mới.

– Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ở các cơ sở GDMNTT

Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên là yếu tố vô cùng quan trọng cho sự tồn tại của các cơ sở GDMNTT, nhà nước cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên theo từng giai đoạn theo chuẩn cán bộ quản lý và chuẩn giáo viên mầm non nhằm đảm chất lượng trong việc chăm sóc giáo dục trẻ mầm non.

Nội dung, chương trình phương pháp GDMNTT

Nội dung, chương trình, phương pháp GDMN ở các cơ sở GDMNTT thực hiện theo quy định của ngành và theo hướng đổi mới và chuẩn hóa để vừa đảm bảo yêu cầu chung về giáo dục mầm non những “nền tảng” nhân cách cần thiết cho trẻ từ 0-6 tuổi đồng thời huy động thế mạnh của các lực lượng giáo dục, môi trường giáo dục và điều kiện giáo dục trong việc chăm sóc giáo dục trẻ phát huy tinh thần sáng tạo chủ động của cô và trẻ.

– Chính sách đãi ngộ đối với cán bộ quản lý và giáo viên mầm non tư thục

Cán bộ quản lý và giáo viên mầm non tư thục cần được hỗ trợ bằng các chính sách đề khuyến khích và yên tâm với nghề.

– Thanh tra, kiểm tra GDMNTT

Thanh tra và kiểm tra là phương thức quản lý quan trọng đối với GDMN nói chung và GDMNTT nói riêng. Công tác này góp phần cho hoạt động của các thành tố GDMNTT được tốt hơn và đạt được mục tiêu của GDMN.

– Kiểm định chất lượng giáo dục mầm non tư thục Kiểm định chất lượng giáo dục trường mầm non là hoạt động đánh giá trường mầm non (bao gồm tự đánh giá và đánh giá ngoài) để xác định mức độ nhà trường đáp ứng tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục và việc công nhận nhà trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Qua đó, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định công nhận cơ sở GDMN đạt chất lượng GDMN.

4. So sánh giáo dục mầm non công lập tư thục

GDMN công lập và GDMNTT là các thành tố trong hệ thống giáo dục quốc dân. GDMN công lập và GDMNTT đều thực hiện mục tiêu phát triển GDMN theo quy định của Luật Giáo dục và Quy chế hoạt động GDMN. Trước đây, xã hội thường quan tâm đến với các trường công lập (là trường của Nhà nước), được Nhà nước hỗ trợ học phí, bảo đảm về chất lượng giáo dục, còn trường bán công (nay đổi lại là trường tư thục) học phí cao, không đảm bảo về chất lượng, những học sinh nào học kém mới vào trường tư nên mặt bằng chung về trình độ ở các trường tư thấp, sức cạnh tranh yếu. Hiện nay, trong giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hội nhập và hợp tác quốc tế trong giáo dục thì sự ra đời, phát triển loại hình trường tư thục là tất yếu khách quan.

Tuy nhiên, vẫn còn lối tư duy tiêu cực, định kiến đối với các trường mầm non tư thục vì một số trường, lớp tư thục không đảm bảo về chất lượng giáo dục. Do vậy, cần nghiên cứu so sánh giữa GDMN công lập và GDMNTT một cách cụ thể để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước đối với từng loại hình trường, nâng cao chất lượng GDMN.

So sánh giáo dục mầm non công lập và giáo dục mầm non tư thục được thể hiện theo bảng dưới đây:

Tài liệu tham khảo

  1. Phạm Thị Tuyết Minh (2019). Quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non tư thục trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Luận án tiến sĩ. Học viện Hành chính Quốc gia, Hà Nội.
  2. Cambridge Dictionary (Cambridge University Press, 2005).
Share.