Đội ngũ giảng viên trường Cao đẳng nghề là tập hợp các nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở các trường Cao đẳng nghề, họ gắn kết với nhau thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu đào tạo nghề, cùng trực tiếp giảng dạy và giáo dục học sinh,sinh viên theo ràng buộc của những nguyên tắc có tính chất hành chính của ngành dạy nghề và của nhà nước. Đặc điểm đào tạo nghề là dạy thực hành là chủ yếu để hình thành kỹ năng nghề cho người học, vì vậy trong đội ngũ  giảng viên trường Cao đẳng nghề số giảng viên dạy tích hợp (lý thuyết và thực hành) và thực hành nghề chiếm số lượng đông hơn và trong công tác quản lý cần quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên trường cao đẳng nghề có chất lượng và theo chuẩn. Do đó việc phát triển đội ngũ giảng viên trường Cao đẳng nghề có mối quan hệ chặt chẽ với nhu cầu đào tạo nhân lực của xã hội.

1. Vị trí của trường cao đẳng nghề trong hệ thống giáo dục quốc dân

Hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam

Theo Luật Dạy Nghề, dạy nghề có 3 trình độ đào tạo là Sơ cấp nghề, Trung cấp nghề và Cao đẳng nghề. Mục tiêu dạy nghề là: “Đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ có năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ nhằm tạo điều kiện cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Mục tiêu cụ thể đối với trình độ Cao đẳng nghề là: “Dạy nghề trình độ cao đẳng nhằm trang bị cho người học nghề kiến thức chuyên môn và năng lực thực hành các công việc của một nghề, có khả năng làm việc độc lập và tổ chức làm việc theo nhóm; có khả năng sáng tạo, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào công việc; giải quyết được các tình huống phức tạp trong thực tế; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ, tạo điều kiện cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn”.

Như vậy, trường Cao đẳng nghề là cơ sở đào tạo lao động kỹ thuật trực tiếp có trình độ cao nhất trong hệ thống dạy nghề.

2. Năng lực của giảng viên cao đẳng nghề

2.1. Mô hình giảng viên trong nền giáo dục hiện đại

Đội ngũ giảng viên đóng vai trò quan trọng, là yếu tố quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục. Ngay từ thời xa xưa, vai trò của giảng viên không chỉ đóng khung trong hoạt động dạy học, giáo dục mà còn có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng và xã hội. Ngày nay, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa dưới tác động trực tiếp và mạnh mẽ của các cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã làm thay đổi cơ bản đời sống xã hội từ cơ sở kinh tế đến kiến trúc thượng tầng.

Theo Trần Khánh Đức: “Người giảng viên trong nền giáo dục hiện đại không chỉ được coi là người truyền thụ cái đã là chính thống, người cung cấp những thông tin được soạn thảo trên cơ sở những điều có sẵn, người thừa hành mà phải là người đề xướng, thiết kế nội dung và phương pháp dạy nhằm làm thay đổi những thị hiếu, hứng thú người học, là người giúp cho học sinh biết cách học, cách tự rèn luyện”.

Nếu như chức năng dạy học và giáo dục là chức năng cơ bản của người giảng viên thì chức năng nghiên cứu-phát triển ngày càng trở nên quan trọng trong xã hội hiện đại.

Công tác nghiên cứu khoa học có tác động trực tiếp đến quá trình nâng cao trình độ và năng lực nghề nghiệp của giảng viên. Lao động của người giảng viên được thực hiện ở những vị trí, môi trường hoạt động khác nhau (lớp học, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, xí nghiệp,…) với nhiều hình thức tổ chức khác nhau nên đòi hỏi giảng viên phải có tri thức, kỹ năng nghề và kỹ năng nhất định về tổ chức, quản lý đào tạo.

Các kiến thức, năng lực tổ chức và quản lý hoạt động sư phạm, nghiên cứu khoa học công nghệ, hoạt động nghề nghiệp và hoạt động xã hội của người giảng viên là nhân tố quan trọng trong phản ảnh trình độ và năng lực của giảng viên. Trần Khánh Đức đã khái quát mô hình về các đặc trưng của người giảng viên (xem sơ đồ dưới đây)

Mô hình tổng thể của người giảng viên trong nền giáo dục hiện đại

Theo người nghiên cứu, vấn đề hình thành mô hình người giảng viên dạy nghề và chuẩn quốc gia (National Standard) có so sánh với chuẩn khu vực và quốc tế được nhiều nhà kỹ thuật, nhà tâm lý, nhà giáo dục và các học giả khác đề cập bằng những cách tiếp cận khác nhau.
Với những yêu cầu mới, thách thức mới của quá trình hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức ở Việt Nam, quá trình xây dựng mô hình người giảng viên dạy nghề cần tiếp cận theo hướng nhân cách-hoạt động-giao tiếp.

Nhân cách là mức độ phù hợp của thang giá trị, thước đo giá trị, định hướng giá trị của cộng đồng xã hội. Nhân cách người giảng viên dạy nghề cần được xem xét trong điều kiện hoạt động thực tiễn dạy học ở trường và trong giao tiếp với môi trường hoạt động nghề nghiệp và xã hội. Đó là cách tiếp cận mới để hình thành mô hình người giảng viên dạy nghề. Hai yếu tố nổi bật, là hạt nhân của mô hình này là giá trị và quan hệ hành động thể hiện ở nhiều thành tố hợp thành. Các yếu tố đó thể hiện năng lực đặc trưng của người giảng viên dạy nghề, thể hiện ở kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp chuyên môn và phẩm chất đặc trưng của nghề dạy học. Chúng có quan hệ chặt chẽ với nhau và biểu hiện ở trong nhau. Đó là sự thống nhất trong cấu trúc nhân cách của người giảng viên dạy nghề.

2.2. Năng lực của giảng viên dạy nghề

Nguyễn Viết Sự cho rằng chuẩn tối thiểu và các thành phần cốt lõi của mô hình người giảng viên dạy nghề chung nhất cho mọi ngành nghề bao gồm:

– Năng lực nghề nghiệp chuyên môn;

– Năng lực nghề nghiệp sư phạm;

– Năng lực hỗ trợ (công nghệ thông tin, Internet, ngoại ngữ, giao tiếp)

Năng lực (Competency) bao gồm Kiến thức (Knowledge), Kỹ năng (Skill), Thái độ nghề nghiệp (Attitude) và Thói quen làm việc (Workhabit).

Do cách tiếp cận khác nhau các tác giả nghiên cứu đã có cách hiểu khác nhau về năng lực, nhưng điểm chung trong các khái niệm về năng lực là: Năng lực là khả năng hoàn thành nhiệm vụ đặt ra, gắn với một loại hoạt động cụ thể nào đó. Năng lực là một yếu tố của nhân cách nên mang dấu ấn cá nhân, thể hiện tính chủ quan trong hành động và được hình thành theo quy luật phát triển nhân cách, trong đó giáo dục, hoạt động và giao lưu có vai trò quyết định.

Theo người nghiên cứu: Năng lực là đặc điểm tâm lý cá nhân đáp ứng được những đòi hỏi của hoạt động nhất định nào đó và là điều kiện để thực hiện có kết quả hoạt động đó. Nói cách khác, năng lực là sự tổng hợp các thuộc tính độc đáo của nhân cách phù hợp với yêu cầu của một hoạt động nhất định, đảm bảo cho hoạt động đó đạt kết quả.

Mặt khác, về bản chất, năng lực được tạo nên bởi các thành tố: Kiến thức, kỹ năng, thái độ. Các yếu tố này không tồn tại riêng lẻ mà chúng hòa quyện, đan xen vào nhau. Năng lực của Giảng viên dạy nghề có được cơ bản nhờ vào sự bền bỉ, kiên trì học tập, rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm của bản thân trong hoạt động thực tiễn. Tuy nhiên các yếu tố quản lý (tổ chức quá trình đào tạo, bồi dưỡng, chính sách tạo môi trường và điều kiện…) có tác động tích cực vào nâng cao năng lực trên của Giảng viên dạy nghề.

Cấu trúc năng lực của Giảng viên dạy nghề được nêu trong sơ đồ sau:

Cấu trúc năng lực Giảng viên dạy nghề

3. Chuẩn giảng viên cao đẳng nghề

Chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề qui định tại Thông tư 30/2010/TT- BLĐTBXH ngày 29/09/2010 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội bao gồm các nội dung:

– “Chuẩn Giảng viên dạy nghề” là hệ thống các yêu cầu cơ bản về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực nghề nghiệp mà Giảng viên dạy nghề cần đạt được nhằm đáp ứng mục tiêu dạy nghề.

– “Tiêu chí” là một lĩnh vực của chuẩn, bao gồm các yêu cầu có nội dung liên quan thể hiện năng lực Giảng viên dạy nghề thuộc lĩnh vực đó. Mỗi tiêu chí có một số tiêu chuẩn.

– “Tiêu chuẩn” là những yêu cầu cụ thể của tiêu chí. Trong mỗi tiêu chuẩn có các chỉ số đánh giá.

Chuẩn giảng viên Cao đẳng nghề được qui định với 4 tiêu chí và 16 tiêu chuẩn.

Hệ thống tiêu chí của Chuẩn giáo viên, giảng viên dạy nghề

3.1. Tiêu chí 1: Phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, lối sống, gồm 3 tiêu chuẩn

– Tiêu chuẩn 1: Phẩm chất chính trị.

– Tiêu chuẩn 2: Đạo đức nghề nghiệp.

– Tiêu chuẩn 3: Lối sống, tác phong.

3.2. Tiêu chí 2: Năng lực chuyên môn, gồm 2 tiêu chuẩn

– Tiêu chuẩn 1: Kiến thức chuyên môn

– Tiêu chuẩn 2: Kỹ năng nghề

3.3. Tiêu chí 3: Năng lực Sư phạm dạy nghề, gồm 9 tiêu chuẩn

– Tiêu chuẩn 1: Trình độ nghiệp vụ Sư phạm dạy nghề, thời gian tham gia giảng dạy.

– Tiêu chuẩn 2: Chuẩn bị hoạt động giảng dạy.

– Tiêu chuẩn 3: Thực hiện hoạt động giảng dạy.

– Tiêu chuẩn 4: Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học.

– Tiêu chuẩn 5: Quản lý hồ sơ dạy học.

– Tiêu chuẩn 6: Xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy.

– Tiêu chuẩn 7: Xây dựng kế hoạch, thực hiện các hoạt động giáo dục.

– Tiêu chuẩn 8: Quản lý người học, xây dựng môi trường giáo dục, học tập.

– Tiêu chuẩn 9: Hoạt động xã hội.

3.4. Tiêu chí 4: Năng lực phát triển nghề nghiệp, Nghiên cứu khoa học: gồm 2 tiêu chuẩn

– Tiêu chuẩn 1: Trao đổi kinh nghiệm, học tập, bồi dưỡng, rèn luyện.

– Tiêu chuẩn 2: Nghiên cứu khoa học.

a) Có kiến thức, kỹ năng cơ bản về Nghiên cứu khoa học và công nghệ;

b) Chủ trì hoặc tham gia đề tài Nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên.

Theo người nghiên cứu: Chuẩn giảng viên Cao đẳng nghề là yêu cầu mà Giảng viên dạy nghề cần đạt được theo qui định. Chuẩn giảng viên Cao đẳng nghề sẽ làm cơ sở để xây dựng mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng Giảng viên dạy nghề; giúp Giảng viên dạy nghề tự đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, năng lực nghề nghiệp, từ đó xây dựng kế hoạch học tập, rèn luyện phấn đấu nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; làm cơ sở để đánh giá Giảng viên dạy nghề hàng năm phục vụ công tác qui hoạch, sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ Giảng viên dạy nghề và cũng làm cơ sở để xây dựng chế độ chính sách đối với Giảng viên dạy nghề. Đặc biệt tiêu chuẩn về kỹ năng nghề là nét đặc thù của Giảng viên dạy nghề cần được quan tâm trong giai đoạn hiện nay.

Phát triển và quản lý phát triển Đội ngũ giảng viên trường Cao đẳng nghề trong giai đoạn hiện nay phải căn cứ vào việc chuẩn hóa Đội ngũ giảng viên theo qui định.

Share.