1. Quyền tự chủ và vấn đề phân cấp

Mỗi một thực thể xã hội (tổ chức, cá nhân) với tư cách là các pháp nhân (hoặc thể nhân) đều có các quyền và nghĩa vụ được nhà nước và xã hội xác lập, thể hiện thông qua mục tiêu trong (mục tiêu riêng) của thực thể đó. Tuy nhiên việc giao quyền cần tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo tính khách quan, khoa học.

Quyền (hoặc quyền tự chủ) là giới hạn tự mình làm chủ lấy mình; là mức độ và phạm vi được phép xử sự, không bị ai chi phối (trong khuôn khổ được quy định của quyền).

Quyền tự chủ luôn gắn liền với nghĩa vụ mức độ phạm vi xử sự cần phải có tương ứng với quyền đã nhận được.

Quyền tự chủ là hệ quả tất yếu của mô hình quản lý xã hội theo phương thức phân cấp [2]. Còn phân cấp quản lý xã hội là mô hình phân chia thứ bậc các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý xã hội của nhà nước trong bộ máy công quyền của mình. Đây là phương thức quản lý hữu hiệu nhất hiện nay, khi quy mô và trình độ xã hội phát triển ở trình độ cao (cả kinh tế, đối nội, đối ngoại). Không một trung tâm quyền lực nào dù tài giỏi đến đâu và được trang bị đến đâu cũng không thể điều hành tốt xã hội bằng một bộ máy phân cấp. Cấp trên cùng cao nhất chủ yếu tập trung cho mục đích ổn định vĩ mô xã hội; còn các cấp dưới lo cho sự phát triển của xã hội (ở phạm vi trung mô và vi mô) [3].

Jacques một chuyên gia thiết kế tổ chức hành chính phương tây nổi tiếng đã viết: Ba mươi lăm năm nghiên cứu đã làm tôi tin rằng hệ thống cấp bậc quản lý là cấu trúc có hiệu quả nhất, chắc chắn nhất, và trong thực tế là cấu trúc tự nhiên nhất mà người ta đã từng nghĩ ra đối với các tổ chức lớn [4].

Peterson một chuyên gia thiết kế tổ chức hành chính khác thì viết: Để tăng cường bộ máy ở nhà nước chậm phát triển thì bước đầu tiên là phải củng cố mạng lưới hiện có trong lòng bộ máy quan liêu và bước thứ hai là chính thức hoá những mạng lưới này thành hệ thống có cấp bậc [5].

Căn cứ quan trọng đầu tiên để nhà nước trao quyền cho cá nhân (thể nhân), cho các tổ chức (pháp nhân) là tính tự chịu trách nhiệm (là năng lực tự chịu trách nhiệm, năng lực pháp lý của cá nhân và tổ chức). Giống như một đứa trẻ khi chưa đến tuổi thành niên (tức chưa có đủ năng lực pháp lý, năng lực tự chịu trách nhiệm về hành vi xã hội của mình, thì vẫn cần có sự bảo hộ của bố mẹ, gia đình, xã hội), hoặc một người phạm tội (vì không đủ khả năng kiểm soát hành vi sống của mình trước xã hội, gây tổn hại cho người khác và cho xã hội) thì nhà nước buộc phải giam giữ họ lại.

Còn kết quả đem lại của việc phân cấp lại là căn cứ thứ hai để nhà nước trao quyền cho công dân; dựa trên tính hiệu quả tính hiệu lực. Tính hiệu quả là mối quan hệ so sánh giữa đầu ra của nguồn lực với các yếu tố đầu vào của sự tác động. Còn tính hiệu lực là thước đo mức độ phù hợp của các yếu tố đầu ra (độ lớn, chất lượng, tốc độ phản ứng v.v) so với các tác động chủ quan của đầu vào.

2. Quyền tự chủ của các trường đại học

Quyền tự chủ của trường đại học là phương thức thực hiện việc ủy quyền quản lý, chỉ rõ mối quan hệ giữa các trường đại học và Nhà nước, mối quan hệ này rất đa dạng phụ thuộc vào sự phát triển cụ thể của mỗi nước, vào đặc điểm, văn hoá, truyền thống mỗi quốc gia, đặc biệt là tùy thuộc vào khung pháp lý hiện hành, xu thế phát triển của thời đại và sự cải cách giáo dục đại học của nhà nước. Vì vậy có không ít cách hiểu khác nhau [6].

* Theo Stichweh (1994), quyền tự chủ của các trường đại học theo nghĩa rộng là khả năng ra quyết định độc lập trong những giới hạn cho phép, cho bởi việc thiết lập một hệ thống giá trị và xác định các hình thức vốn, quyết định các tiêu chuẩn tiếp cận với các tổ chức, xác định nhiệm vụ chiến lược và thiết lập cơ chế liên kết đến các lĩnh vực khác trong xã hội và xác định trách nhiệm đối với xã hội [7].

* Theo Anderson and Johnson (1998): quyền tự chủ đại học là sự tự do của một cơ sở giáo dục đại học để thực hiện chính những công việc của mình mà không có sự điều khiển hoặc tác động từ bất cứ cấp chính quyền nào [8].

* Theo Nyborg (2003): quyền tự chủ đại học là khả năng tổng thể của cơ sở hoạt động theo các lựa chọn của mình để hoàn thành sứ mệnh và được xác định bằng những quyền hạn, nhiệm vụ và nguồn lực khác một cách hợp pháp [9].

* Theo Phan Văn Kha (2007): quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học là quyền quản lý của các cơ sở mà có sự hạn chế can thiệp từ bên ngoài [10].

* Theo từ điển, tiếng Việt, tự chủ là tự điều hành, quản lý mọi công việc của mình, không bị ai chi phối [11].

* Theo Đào Văn Khanh: tự chủ không có nghĩa là độc lập, tự chủ có nghĩa là tự do trong một khung cảnh, trong một vị trí nhất định nào đó trong khuôn khổ quy định của pháp luật và chịu sự giám sát của xã hội [12].

* Từ nhiều cách hiểu không giống nhau lấy ra các điểm tương đồng chung có thể hiểu: Quyền tự chủ của trường đại học là quyền tự quản lý các công việc của nhà trường theo đúng luật pháp của nhà nước và thông lệ của xã hội, của quốc tế.

Tham khảo

  1. Lương Văn Hải (2012). Vai trò nhà nước trong mở rộng quyền tự chủ của các trường đại học công lập Việt Nam. Luận án tiến sĩ kinh tế. Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  2. Nguyễn Hợp Toàn (2008), Giáo trình pháp luật đại cương, NXB Đại học kinh tế quốc dân, tr. 70.
  3. Đỗ Hoàng Toàn (2005), Giáo trình quản lý nhà nước về kinh tế, NXB Lao động – Xã hội, Hà Nội 2005. tr. 6-8, 25.
  4. Elliot Jacques (1990), “Ca ngợi hệ thống cấp bậc”, Tạp chí kinh doanh Harvard, LX VIII 1990, tr. 127.
  5. Berdahl, R. (1990), “Academic freedom, autonomy and accountabitty in British universities”, Studies in Higher Education, 1990, Vol.15, Issue 2, pp.169-180.
  6. Thomas Estermann & Terhi Nokkala (2009), “University Autonomy in Europe” | Exploratory study.
  7. Ulrike Felt (2002), “University Autonomy in Europe: Changing Paradigms in Higher Education Policy“.
  8. Don Anderson & Richard Johnson (1998), University Autonomy in Twenty Countries, Centre for Continuing Education The Australian National University, 1998.
  9. Per Nyborg (2003), “Institutional Autonomy and Higher Education governance”, Council of Europe Conference, Strasbourg 2-3 December 2003.
  10. Phan Văn Kha (2007), Giáo trình quản lý nhà nước về giáo dục, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 61-63, 90-91.
  11. Từ điển Tiếng Việt (2001), Viện Ngôn ngữ học, NXB Đà Nẵng 2001.
  12. Đào Văn Khanh (2010), “Hướng đi nào cho đổi mới quản trị đại học Việt Nam“.
Share.