Bài viết phân tích vấn đề dạy học theo định hướng phát triển năng lực như khái niệm và một số lý thuyết học tập định hướng phát triển năng lực tự học cho học sinh phổ thông

1. Khái niệm định hướng phát triển năng lực

Để khắc phục những nhược điểm của chương trình định hướng nội dung, từ cuối thế kỷ XX có nhiều nghiên cứu mới về chương trình dạy học. Chương trình giáo dục định hướng phát triển năng lực nay còn gọi là dạy học định hướng kết quả đầu ra (Outcome-Based Curriculum – OBC) hay nói rộng hơn là giáo dục định hướng kết quả đầu ra (Outcome-Based Education – OBE) được bàn đến nhiều từ những năm 90 của thế kỷ 20 và ngày đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia.

Giáo dục định hướng phát triển năng lực [2] nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của việc dạy học, thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện các phẩm chất nhân cách, chú trọng năng lực vận dụng tri thức trong những tình huống thực tiễn nhằm chuẩn bị cho con người năng lực giải quyết các tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp. Chương trình này nhấn mạnh vai trò của người học với tư cách chủ thể của quá trình nhận thức. Như vậy, dạy học định hướng phát triển năng lực chủ trương giúp người học không chỉ biết học thuộc, ghi nhớ mà còn phải biết làm thông qua các hoạt động cụ thể, sử dụng những tri thức học được để giải quyết các tình huống do cuộc sống đặt ra. Nói cách khác phải gắn với thực tiễn đời sống.

2. Một số lí thuyết học tập định hướng phát triển năng lực

Các lý thuyết học tập là những mô hình lí thuyết nhằm mô tả và giải thích cơ chế tâm lí của việc học, đặt cơ sở lí thuyết cho lý luận dạy học trong việc tổ chức quá trình và phương pháp dạy học. Các lí thuyết học tập đều tập trung vào câu hỏi “việc học tập diễn ra theo những cơ chế tâm lí nào? Có nhiều lí thuyết học tập khác nhau giải thích cơ chế tâm lí của việc học tập. Tuy nhiên trong nghiên cứu này, chúng tôi chọn lí thuyết hoạt động, lí thuyết nhận thức và lí thuyết kiến tạo là cơ sở, định hướng để chúng tôi tiếp cận đề xuất những biện pháp phát triển năng lực tự học của học sinh.

2.1. Lí thuyết hoạt động

Sự xuất hiện của lí thuyết hoạt động và vận dụng nó vào dạy học được coi là một cuộc cách mạng. Các đại diện của trường phái này là L.X.Vưgotsky, A.N.Leonchiev, X.L.Rubinstein, P.Ta.Galperin. Lí thuyết hoạt động được phát triển từ gốc quan điểm triết học duy vật biện chứng về hoạt động thực tiễn của con người. Hoạt động là phạm trù công cụ của triết học Mác-Lênin [3].

Theo lí thuyết này, hoạt động là một phương thức tồn tại và phát triển của con người. Con người tác động vào thế giới, làm biển đổi thế giới và bản thân bằng các hoạt động. Đó là quá trình chuyển hóa năng lực lao động và các phẩm chất tâm lí khác của bản thân vào sự vật, vào thực tế và quá trình ngược lại là quá trình tách những thuộc tính của sự vật, của thực tế quay trở về với chủ thể, biến thành vốn liếng tinh thần của chủ thể [4] [5] [6].

Vậy là, thông qua hoạt động, cá nhân cải tạo và sáng tạo ra thế giới nhưng đồng thời cũng cải tạo, sáng tạo và điều chỉnh chính bản thân mình.

Trong quá trình dạy học, hoạt động của người học đóng vai trò quan trọng. Hoạt động học có chủ thể là người học. Đối tượng của hoạt động học là tri thức, kĩ năng tương ứng với nó. Mục đích của hoạt động học là chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng của xã hội. Phương tiện của hoạt động học chính là những tri thức về bản thân hoạt động học, là các tài liệu, sách, báo, bài giảng, … hoạt động học khác với các hoạt động khác ở chỗ hoạt động không làm thay đổi đối tượng (khách thể) của hoạt động mà làm thay đổi chính chủ thể người học [4].

Như vậy, trong dạy học mỗi nội dung dạy học đều liên hệ mật thiết đến các hoạt động học của học sinh do đó để dạy học đạt hiệu quả giáo viên cần thiết kế và tổ chức các hoạt động học của học sinh cụ thể là phát huy vai trò tự học để học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức trên cơ sở có sự hướng dẫn của giáo viên.

2.2. Lí thuyết nhận thức

Lí thuyết nhận thức (Cognitivism) ra đời vào những năm 1920 và phát triển mạnh trong nửa sau của thế kỉ XX. Nhà tâm lí học người Áo Jeans Piaget là một đại diện lớn của thuyết này [7]. Những quan niệm cơ bản của thuyết nhận thức là:

– Quá trình nhận thức bên trong là quá trình xử lí thông tin. Bộ não xử lí các thông tin tương tự như một hệ thống kĩ thuật;

– Quá trình nhận thức là quá trình có cấu trúc và có ảnh hưởng quyết định đến hành vi. Con người tiếp thu các thông tin bên ngoài, xử lí và đánh giá chúng, từ đó quyết định các hành vi ứng xử;

– Các hoạt động nhận thức như: nhận biết, phân tích và hệ thống hóa, tái hiện, giải quyết vấn đề,…

– Cấu trúc nhận thức không phải do bẩm sinh mà hình thành qua kinh nghiệm và muốn thay đổi nhận thức của con người cần có sự tác động phù hợp;

– Con người có thể tự điều chỉnh quá trình nhận thức: tự đặt mục đích, xây dựng kế hoạch và thực hiện, tự đánh giá.

Theo thuyết nhận thức, quá trình nhận thức là quá trình có cấu trúc, và có ảnh hưởng quyết định đến hành vi. Mục đích của dạy học là tạo ra những khả năng để người học hiểu thế giới thực (khách quan). Vì vậy, để đạt được các mục tiêu học tập, không chỉ kết quả học tập mà quá trình học tập và quá trình tư duy là điều quan trọng.

Giải quyết vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển tư duy. Các quá trình tư duy được thực hiện không chỉ thông qua các vấn đề nhỏ, mà thông qua việc đưa ra các nội dung học tập lớn và phức hợp. Cần có sự kết hợp thích hợp giữa nội dung do giáo viên truyền đạt và những nhiệm vụ tự lực chiếm lĩnh và vận dụng tri thức của người học.

Ngày nay những kết quả nghiên cứu của các lý thuyết nhận thức được vận dụng trong quá trình dạy học nhằm phát triển khả năng nhận thức của người học, đặc biệt là phát triển tư duy. Do vậy, nhiệm vụ của giáo viên là tạo ra môi trường học tập thuận lợi, thường xuyên khuyến khích các quá trình tư duy, người học cần được tạo cơ hội hành động và tư duy tích cực. Tuy nhiên việc dạy học nhằm phát triển tư duy, giải quyết vấn đề, dạy học khám phá đòi hỏi nhiều thời gian và đòi hỏi cao ở sự chuẩn bị cũng như năng lực của giáo viên.

2.3. Lí thuyết kiến tạo

Theo Đại từ điển tiếng Việt, “kiến tạo” có nghĩa là “xây dựng nên”. Kiến tạo là động từ chỉ hoạt động của con người tác động lên một hoặc một số đối tượng nhằm tạo nên một đối tượng mới theo nhu cầu của bản thân [8].

Lí thuyết kiến tạo được giới thiệu vào những năm 80 của thế kỉ XX. Cho đến nay, nó đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu và hình thành nhiều quan điểm khác nhau: Theo Brandt, “Lí thuyết kiến tạo là một lí thuyết dạy học dựa trên cơ sở nghiên cứu quá trình học tập của con người và cho rằng mỗi cá nhân tự xây dựng nên tri thức của riêng mình, không chỉ đơn thuần là tiếp thu kiến thức từ người khác” [9]. Theo Brooks, “Quan điểm về kiến tạo trong dạy học khẳng định rằng người học cần phải tạo nên những hiểu biết về thế giới bằng cách tổng hợp những kinh nghiệm mới vào trong những cái mà họ đã có từ trước đó. Người học thiết lập nên những qui luật thông qua sự phản hồi trong mối quan hệ tương tác với những chủ thể và ý tưởng” [10].

Bàn luận về kiến tạo, một số tác giả khác cho rằng: học tập là quá trình người học xây dựng kiến thức cho bản thân bằng cách thích nghi với môi trường, sinh ra những mâu thuẫn, những khó khăn.

Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng các tác giả đều cho rằng dạy học phải là khuyến khích người học tự xây dựng kiến thức cho mình dựa trên những kinh nghiệm của bản thân và vận dụng vào môi trường học tập, nghĩa là nhấn mạnh đến vai trò chủ động, sáng tạo của người học chứ không phải tiếp nhận từ môi trường một cách thụ động. Việc học của mỗi cá nhân là trung tâm của tiến trình dạy học, kiến thức được xây dựng và ứng dụng thống nhất với các thực nghiệm mang tính cá nhân, phù hợp trong tổng thể đã có.

Tham khảo thêm

  1. Phan Hoài Thanh (2020). Thiết kế và sử dụng phần mềm tra cứu kiến thức hóa học nhằm phát triển năng lực tự học cho học sinh trung học phổ thông. Luận án tiến sĩ khoa học giáo dục. Trường Đại học Vinh. Nghệ An.
  2. Cao Xuân Hiếu. Chương trình giáo dục định hướng phát triển năng lực
  3. Phan Trọng Ngọ (2001), Tâm lý học hoạt động và khả năng ứng dụng vào lĩnh vực dạy học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  4. Dương Thị Diệu Hoa, Nguyễn Ánh Tuyết, Nguyễn Kế Hào, Phan Trọng Ngọ, Đỗ Thị Hạnh Phúc (2015), Giáo trình Tâm lí học phát triển, Nxb ĐHSP, Hà Nội.
  5. Lê Văn Hồng (1998), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  6. Phạm Thành Nghị (2013), Tâm lý học giáo dục, Nxb Đại học Quốc gia.
  7. Bernd Meier, Nguyễn Văn Cường (2016), Lí luận dạy học hiện đại – Cơ sở đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học, Nxb Đại học Sư phạm.
  8. Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Vũ Quang Hào, Phan Xuân Thành (2013), Đại từ điển Tiếng việt, Nxb Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
  9. Phan Trọng Ngọ, Nguyễn Đức Hướng (2003), Các lý thuyết phát triển tâm lý người, Nxb ĐHSP, Hà Nội.
  10. Jacqueline Brooks, Martin Brooks (1993), In Search of Understanding: The Case for Constructivist Classrooms, Alexandria.
Share.