Nội dung quản lý bồi dưỡng năng lực quản lý theo chuẩn cho hiệu trưởng các trường trung học cơ sở, bao gồm:

1. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng

Trong các hoạt động bồi dưỡng NLQL cho hiệu trưởng trường THCS thì việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng là vấn đề quan trọng, định hướng cho hoạt động bồi dưỡng. Mọi hoạt động bồi dưỡng phải được thể hiện trong kế hoạch bồi dưỡng. Các chủ thể quản lý phải xây dựng được kế hoạch quản lý bồi dưỡng bao gồm các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng là quá trình thiết lập mục tiêu bồi dưỡng, các hoạt động và điều kiện đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã đặt ra. Kế hoạch là nền tảng cho toàn bộ quá trình tổ chức bồi dưỡng. Đây là giai đoạn quan trọng nhất của quá trình bồi dưỡng NLQL cho hiệu trưởng trường THCS. Kế hoạch bồi dưỡng phải đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn và tính khả thi và tính chiến lược. Kế hoạch bồi dưỡng phải thể hiện được xu thế phát triển và định hướng cho các hoạt động quản lý của hiệu trưởng trong tương lai.

Kế hoạch bồi dưỡng NLQL cho hiệu trưởng THCS phải tập trung giải quyết và thể hiện được những vấn đề chính sau đây: Xác định mục tiêu bồi dưỡng; xác định nội dung bồi dưỡng; xác định hình thức, phương pháp bồi dưỡng; xác định thời gian, địa điểm bồi dưỡng; xác định nguồn lực phục vụ bồi dưỡng; xác định cơ chế phối hợp giữa các bộ phận trong quản lý, trong tổ chức hoạt động bồi dưỡng; xác định hình thức kiểm tra, đánh giá quản lý chất lượng bồi dưỡng; xác định chế độ báo cáo, tổng kết rút kinh nghiệm và điều chỉnh hoạt động bồi dưỡng.

Quy trình xây dựng kế hoạch bồi dưỡng bao gồm các bước sau:

Bước 1: Phân tích hiện trạng giáo dục THCS, chất lượng dạy học và thực trạng NLQL của hiệu trưởng

Bước 2: Xác định mục tiêu bồi dưỡng cần đạt được và đánh giá tính khả thi của mục tiêu đó

Bước 3: Xác định các hoạt động bồi dưỡng để từng bước thực hiện các mục tiêu

Bước 4: Xác định các nguồn lực thực hiện hoạt động bồi dưỡng

Bước 5: Kiểm tra, đánh giá hoạt động bồi dưỡng

2. Tổ chức hoạt động bồi dưỡng

Tổ chức hoạt động bồi dưỡng là bước cụ thể hoá kế hoạch quản lý bồi dưỡng đã xác định. Quá trình tổ chức hoạt động bồi dưỡng phải chặt chẽ và khoa học, phân công người và việc cho phù hợp, phát huy được tối ưu các nguồn lực trong quá trình bồi dưỡng.

Quản lý mục tiêu, nội dung bồi dưỡng

Mục tiêu bồi dưỡng NLQL cho hiệu trưởng trường THCS là trạng thái tương lai, kết quả cuối cùng mà tổ chức và các chủ thể quản lý hoạt động bồi dưỡng mong muốn đạt được. Do vậy, quản lý mục tiêu bồi dưỡng là nhiệm vụ trọng tâm của các chủ thể quản lý nhằm thực hiện chức năng điều chỉnh mọi hoạt động bồi dưỡng, hướng tới mục tiêu đã xác định. Để hoạt động bồi dưỡng đạt chất lượng và hiệu quả, các chủ thể quản lý phải quản lý việc xây dựng mục tiêu và nội dung bồi dưỡng. Mục tiêu bồi dưỡng phải được cụ thể hoá trong từng thời gian và được điều chỉnh cho phù hợp với từng đối tượng và tình hình thực tiễn nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới toàn diện GD&ĐT trong giai đoạn mới.

Quản lý mục tiêu bồi dưỡng NLQL cho hiệu trưởng trường THCS bao gồm quản lý mô hình mục tiêu dự kiến về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ quản lý của hiệu trưởng trường THCS. Quản lý mục tiêu bồi dưỡng đòi hỏi phải quản lý cả quá trình thực hiện mục tiêu bồi dưỡng.

Nội dung bồi dưỡng NLQL cho hiệu trưởng trường THCS được quy định bởi mục tiêu bồi dưỡng. Trên cơ sở xây dựng mục tiêu thì đồng thời phải xây dựng và quản lý nội dung bồi dưỡng. Nội dung bồi dưỡng là một trong những yếu tố quyết định chất lượng hiệu quả của bồi dưỡng. Quản lý nội dung bồi dưỡng là quản lý toàn bộ hệ thống các kiến thức, các kỹ năng kỹ xảo, chuyên môn nghiệp vụ quản lý cần trang bị cho hiệu trưởng. Quản lý nội dung bồi dưỡng chính là điều khiển, tổ chức, đảm bảo cho nội dung bồi dưỡng luôn nhất quán với mục tiêu, đáp ứng yêu cầu của bồi dưỡng và đảm bảo từng bước thực hiện có hiệu quả mục tiêu đã xác định. Quản lý nội dung bồi dưỡng đòi hỏi phải quản lý ngay từ khâu lập kế hoạch, xây dựng thực hiện chương trình bồi dưỡng, cho đến việc triển khai kế hoạch, phân công, phân cấp, tổ chức thực hiện bồi dưỡng.

Quản lý phương pháp, hình thức và phương tiện bồi dưỡng

Phương pháp, hình thức và phương tiện bồi dưỡng là điều kiện đảm bảo cho hoạt động bồi dưỡng đạt hiệu quả, chất lượng cao. Hình thức và phương pháp bồi dưỡng là những cách thức, biện pháp phối hợp hoạt động thống nhất giữa các lực lượng tham gia bồi dưỡng với đối tượng được bồi dưỡng – hiệu trưởng trường THCS. Phương pháp, hình thức và phương tiện bồi dưỡng có mối quan hệ chặt chẽ, phụ thuộc lẫn nhau. Phương pháp bồi dưỡng phải phù hợp với hình thức bồi dưỡng đồng thời phương pháp, hình thức bồi dưỡng lại phụ thuộc trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật dạy học. Quản lý chặt chẽ phương pháp, hình thức và phương tiện bồi dưỡng đảm bảo phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt yếu của các phương pháp, hình thức bồi dưỡng và phát huy tối đa phương tiện kỹ thuật dạy học có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến việc thực hiện mục tiêu bồi dưỡng đã xác định.

Quản lý phương pháp, hình thức và phương tiện bồi dưỡng bao gồm: Quản lý nhận thức của đội ngũ giảng viên về tầm quan trọng của phương pháp, hình thức bồi dưỡng; quản lý kiến thức, kỹ năng sử dụng phương pháp, hình thức bồi dưỡng của các giảng viên và của đối tượng bồi dưỡng; quản lý việc vận dụng các phương pháp, hình thức giảng dạy, bồi dưỡng của giảng viên và phương pháp học tập của người được bồi dưỡng.

Trong quá trình bồi dưỡng, chủ thể quản lý còn phải quản lý cả kế hoạch sử dụng các phương pháp, hình thức lên lớp của giảng viên và phương pháp học tập của học viên. Quản lý phương tiện kỹ thuật dạy học và các điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo cho bồi dưỡng có vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần đảm bảo cho bồi dưỡng đạt mục tiêu đặt ra. Nội dung quản lý gồm: Quản lý kinh phí bồi dưỡng đảm bảo việc chi tiêu đúng nguyên tắc, tiết kiệm, hiệu quả, chống thất thoát; quản lý các phương tiện kỹ thuật dạy học phát huy tối đa tính năng kỹ thuật, đảm bảo giữ tốt, dùng bền và phát huy tính năng của các loại phương tiện; quản lý các điều kiện phục vụ học tập, phục vụ cho bồi dưỡng; quản lý việc mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho bồi dưỡng.

3. Chỉ đạo các lực lượng tham gia bồi dưỡng và đối tượng được bồi dưỡng

Các cán bộ, giảng viên tham gia bồi dưỡng NLQL cho hiệu trưởng có vai trò đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong bồi dưỡng, là nhân tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả của bồi dưỡng. Các cán bộ, giảng viên tham gia bồi dưỡng không chỉ là những người thầy cung cấp tri thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo, quản lý cho hiệu trưởng trường THCS mà còn là những tấm gương sáng về đạo đức, phong cách, lòng nhiệt tình, say mê nghiên cứu khoa học và các kinh nghiệm quản lý cho học viên noi theo.

Quản lý hoạt động bồi dưỡng năng lực cho hiệu trưởng trường THCS là quản lý sự phối hợp giữa hoạt động của 2 chủ thể: hoạt động của chủ thể bồi dưỡng và hoạt động của đối tượng bồi dưỡng. Nói một cách khác, đó là hoạt động của các giảng viên, báo cáo viên, và hoạt động của hiệu trưởng trường THCS trong quá trình bồi dưỡng. Các hoạt động này đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành của nhà quản lý. Trong quá trình bồi dưỡng, hoạt động của các giảng viên, báo cáo viên với tư cách là người đi bồi dưỡng diễn ra đồng thời với hoạt động của người được bồi dưỡng và hoạt động của chủ thể quản lý. Mỗi một lực lượng có nhiệm vụ, chức trách khác nhau nhưng lại có chung một mục tiêu nhằm phát triển và hoàn thiện NLQL của hiệu trưởng.

Các chủ thể quản lý có nhiệm vụ tổ chức, phối hợp các hoạt động một cách khoa học, chặt chẽ, tạo thành sự thống nhất trên cơ sở của sự phân định rõ ràng chức năng nhiệm vụ của từng lực lượng và cơ chế phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ. Quản lý lực lượng cán bộ, giảng viên tham gia bồi dưỡng chính là nắm chắc số lượng, chất lượng, đặc biệt là kiến thức, tay nghề sư phạm và kinh nghiệm quản lý của đội ngũ này. Đảm bảo khi cán bộ, giảng viên được lựa chọn tham gia bồi dưỡng phải có đủ tư cách về phẩm chất đạo đức và năng lực để chuyển tải các nội dung bồi dưỡng đến cho người học. Đồng thời với việc quản lý số lượng, chất lượng cán bộ, giảng viên tham gia bồi dưỡng, còn phải quản lý chặt chẽ hoạt động giảng dạy của họ mà thực chất là quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ của cán bộ, giảng viên trong quá trình bồi dưỡng.

Nội dung quản lý hoạt động giảng dạy của cán bộ, giảng viên là: Theo dõi, đôn đốc thực hiện, đánh giá được kết quả thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục của toàn thể cán bộ, giảng viên và của từng người; theo dõi, chỉ đạo thực hiện và đánh giá được kết quả thực hiện việc học tập. Bồi dưỡng nâng cao trình độ NLQL cho hiệu trưởng đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp; nắm được các ưu điểm, khuyết điểm, đánh giá được sự tiến bộ về các mặt chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức của từng hiệu trưởng.

Trong các lớp bồi dưỡng NLQL cho hiệu trưởng, hiệu trưởng trường THCS tham gia với tư cách là người học, là nhân vật trung tâm của các hoạt động bồi dưỡng. Động cơ, thái độ học tập, tinh thần trách nhiệm, lòng say mê và quyết tâm của đội ngũ hiệu trưởng là những điều kiện tiên quyết quyết định chất lượng bồi dưỡng. Quản lý hoạt động học của hiệu trưởng là quản lý việc tổ chức các nhiệm vụ học tập, nghiên cứu, rèn luyện của họ trong quá trình bồi dưỡng. Nội dung quản lý hoạt động học của hiệu trưởng trường THCS trong quá trình bồi dưỡng như: Đánh giá thái độ, động cơ của hiệu trưởng trường THCS trong quá trình bồi dưỡng thể hiện thông qua những biểu hiện tích cực hoặc tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng. Đồng thời với việc quản lý đội ngũ hiệu trưởng trường THCS trong quá trình lên lớp, phải quản lý các hoạt động tự bồi dưỡng đảm bảo sự thống nhất giữa hoạt động bồi dưỡng và tự bồi dưỡng của hiệu trưởng.

4. Kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả bồi dưỡng

Kết quả bồi dưỡng NLQL cho hiệu trưởng trường THCS trước hết được đánh giá bằng hiệu quả trong của quá trình bồi dưỡng. Kết quả này được xác định bằng cách so sánh những kiến thức, kỹ năng quản lý cần thiết đã được trang bị cho hiệu trưởng trường THCS trong quá trình bồi dưỡng với chương trình, kế hoạch và mục tiêu đã xác định. Hiệu quả trong của quá trình bồi dưỡng có tác động tích cực là cơ sở cho việc phát triển NLQL của hiệu trưởng trường THCS.

Kết quả bồi dưỡng NLQL cho hiệu trưởng trường THCS còn được đánh giá bằng hiệu quả ngoài của quá trình bồi dưỡng. Tức là mức độ phát huy kiến thức, kỹ năng quản lý mà người hiệu trưởng trường THCS đã được trang bị trong quá trình bồi dưỡng vào thực tiễn hoạt động nghề nghiệp, chuyên môn của họ. Hiệu quả ngoài của bồi dưỡng tác động trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý của hiệu trưởng. Hiệu quả này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó sự sáng tạo, vận dụng linh hoạt những kiến thức, kỹ năng được trang bị và sự kết hợp nhuần nhuyễn những kinh nghiệm đã có của họ vào thực tiễn.

Quá trình tổ chức bồi dưỡng có sự giám sát của Ban Giám hiệu nhà trường, các cơ quan chức năng, nắm chắc kế hoạch nội dung bồi dưỡng, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, kịp thời phát hiện những sai sót, lệch lạc để điều chỉnh. Nội dung quản lý kết quả bồi dưỡng thường tập trung ở quản lý việc kiểm tra, đánh giá kết quả bồi dưỡng theo chương trình, nội dung và mục tiêu đã được xác định. Nội dung kiểm tra, đánh giá hoạt động bồi dưỡng bao gồm: Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện mục tiêu bồi dưỡng; kiểm tra đánh giá việc triển khai hoạt động bồi dưỡng; kiểm tra, đánh giá nội dung, phương pháp, hình thức bồi dưỡng; kiểm tra, đánh giá huy động các nguồn lực bồi dưỡng và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của hiệu trưởng. Nội dung quan trọng nhất của quản lý kết quả hoạt động bồi dưỡng là phải xây dựng được bộ tiêu chí để đánh giá mức độ tiếp nhận kiến thức, phát triển kỹ năng kỹ xảo và những tiêu chí khác của NLQL trường học. Quá trình tổ chức bồi dưỡng cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện, điều chỉnh những bất cập, sai sót, lệch lạc nếu có.

Tham khảo

Đinh Thị Lan Duyên (2017). Quản lý bồi dưỡng năng lực quản lý theo chuẩn cho hiệu trưởng các trường THCS thành phố Hà Nội. Luận án tiến sĩ Quản lý giáo dục. Học viện chính trị – Bộ Quốc phòng.

Share.